Có mấy người nói về đền thờ, về đá đẹp và đồ dâng làm rực rỡ trong đền thờ. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Những ngày sẽ đến, mọi điều các ngươi ngó thấy đây, sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên hòn khác mà không đổ xuống. (Luca 21:5,6)
Trong hệ thống thờ tự của người Việt mình, có một bàn thở vô cùng đơn giản. Một tấm ván có kích cở khoảng 4-5 tấc mỗi cạnh, được đăt trên một chiếc cọc tròn cao vừa tầm và luôn được yên vị trước cửa nhà nhưng lại ở ngoài sân trống trải không có mái che. Đồ tế tự đặt lên trên thường chỉ một bát hương, và lễ là một ly nước lạnh với một chén gạo. Đơn giản vậy thôi, không hơn. Đó là bàn Ông Thiên.
Bàn thờ Ông Thiên không ai làm cầu kỳ cả. Còn đối với những loại bàn thờ khác, để tỏ lòng tôn kính một đấng thiêng liêng nào đó, hoặc với ông bà cha mẹ đã khuất, người ta lại tạo dựng uy nghi, hoành tráng, có dáng vẻ bề thế tùy theo mức độ giàu nghèo của gia đình, nhưng không ai dám làm qua loa. Rồi đến những đền chùa cũng vậy, những cái am, cái cốc nhỏ của những bậc tu hành xa lánh cõi thế ngày xa xưa lần lần được thay thế bằng những kiến trúc xa hoa lộng lẫy để tỏ lòng thành với đấng mà mình tôn thờ và cũng để bày tỏ cho mọi người về cộng đồng, về công đức, và cả niềm hảnh diện với tự hào nữa.
Không phải đó là việc làm của ngày nay, ngày xưa cũng đã vậy rồi. Đền thờ Giê-ru-sa-lem được diễn tả chỉ bằng mấy từ: nói về đền thờ, về đá đẹp và đồ dâng làm rực rỡ, cũng đủ minh chứng cho sự hảnh diện của các tín đồ thời đó đối với công trình có sự đóng góp chung để gọi là tôn kính Đấng bề trên.
Họ khoe với Chúa Giê-xu như vậy, nhưng Chúa chẳng những không khen cho một tiếng mà còn phán một lời tiên tri về sự đổ nát sắp xãy đến nay mai cho kiến trúc đáng tự hào dân tộc này.
Đối với người ta, Chúa có vẻ … lập dị quá, nhưng ở đây Chúa có vài điều muốn nói tôi. Lời Chúa từ ngàn xưa vẫn không nhạt phai những nhắn nhủ cho riêng tôi ngày nay.
Và, tôi nói những điều này với chính tôi trước đã. Có khi nào tôi tự hào về những cống hiến của mình để góp phần làm “vinh hiển Danh Chúa” qua những cái thấy được (vật chất hay công lao) khiến mọi người phải trầm trồ? Tôi dâng cho Chúa nhưng nếu được nhắc đến thì trong lòng thấy khoan khoái lạ. Điều tôi làm dĩ nhiên là tôi làm vì Chúa và Chúa biết Chúa thấy, nhưng tôi cũng muốn được nhiều người thấy nữa dù tôi chẳng bao giờ nói ra.
Tôi ơi! Chúa không nhìn bề ngoài, nhưng Ngài nhìn thấy trong lòng. Tấm lòng là đền thờ mà Chúa muốn tôi chăm sóc tận tình hơn là bỏ quá nhiều công sức cho đền thờ vật chất. Dù rằng phải cần đến những cơ ngơi, thiết bị, tiện ích… nhưng những thứ đó thật sự cần thiết hay mục tiêu hướng đến của tôi chỉ là để bằng người, để đem lại sự hấp dẫn cho cộng đồng, hoặc thỏa mãn cho riêng tôi? Vật chất có đó rồi tiêu tàn đó, nhưng đền thờ lòng nếu tôi dành riêng cho Chúa và chăm chút từng ngày cho tốt hơn sẽ tồn tại đời đời, và có một giá trị đáng kể để dâng hiến cho Chúa.
Tôi có chịu khó trang hoàng đền thờ lòng mình đủ để được điểm tốt trước mặt Chúa hay tôi chỉ thích tạo dựng những cơ sở vật chất đồ sộ để đời? Tôi hảnh diện với cơ ngơi của Hội Thánh tôi hay tôi tự hào rằng anh em tôi, trong đó có cả tôi nữa, là đền thờ đơn sơ nhưng có Thần của Chúa hiện diện? Tôi phải có những công trình để bằng người hay tôi đang âm thầm tạo dựng một cơ nghiệp đời đời không cần phải khoe ra nhưng làm Chúa hài lòng? Đền thờ của tôi, thân thể của tôi, cuộc sống của tôi đang dành cho Chúa sẽ được Chúa khen ngợi?
Đời sống tôi làm vinh hiển Danh Chúa sẽ tốt hơn mọi thứ thấy được chóng hư tàn kia.