Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn (ITimôthê 6:17)
Đây là một lời nhắn nhủ, một nhắc nhở, cũng có thể xem như một mệnh lệnh của sứ đồ Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê; mục sư trẻ tuổi đang chịu trách nhiệm coi sóc bầy chiên thánh.
Thử đặt mình trong vị trí của mục sư Ti-mô-thê, tôi thấy điều này quá khó thực hiện. Tôi, mục sư Ti-mô-thê sẽ nói ra những điều khó khăn đó sau đây:
Dù tôi là mục sư, dù tôi mang trọng trách với một đặc quyền được nể vì, nhưng tôi còn trẻ lắm. Những điều tôi có thể làm là khuyên nhủ nhẹ nhàng, nhưng sư phụ muốn tôi RĂN BẢO. Tôi răn bảo những người trẻ cũng đã là vất vả, chứ làm sao tôi có thể răn bảo những người lớn tuổi thuộc vào hàng trưởng bối của Hội Thánh tôi. Lại là răn bảo kẻ giàu. Người giàu nào cũng có cái tự hào của họ, vì họ thành công mà. Tôi, người hầu việc Chúa được tôn trọng nhưng “lên mặt dạy đạo” cho họ chắc là không dễ dàng gì. Điều họ hảnh diện chính là tài sản, của cải họ tạo dựng nên và sở hữu. Tôi lại nói với họ rằng đừng trông cậy vào đó, thì công việc nhà Chúa sẽ ra sao đây?
Tôi cũng muốn nhắc chính mình tôi khi tôi trực diện với Lời Chúa đến bởi một anh em nào đó của tôi, tôi sẽ có thái độ thế nào khi được “răn bảo”?
Khi tôi nghe Lời Chúa, khi tôi được chia sẻ những điều anh em học được, khoan hãy nói đến những khuyên nhủ, răn dạy; những suy nghĩ, những nhận định, những giải bày của anh em có động được đến lòng tôi? Chuyện rất thường tình, cùng một suy nghĩ, nhưng nếu một tôi tớ Chúa nói ra sẽ được tôi đón nhận một cách trân trọng đặc biệt hơn là một chia sẻ đơn sơ của một anh em nào đó. Đôi khi tôi vô tình để tâm hồn phiêu dạt trong khi anh em tôi nói, nhưng nếu là một bài giảng luận của một người đang ở trong chức vụ quan trọng sẽ khiến … tôi chăm chú nghe vì đáng phải lưu ý, ghi nhớ và tấm tắc.
Còn nếu tôi là người “giàu có”, một sự giàu có tâm linh trong Chúa hơn anh em tôi, giả dụ như thế. Tôi đang thi hành thánh chức lớn hay nhỏ, tôi không dám kiêu ngạo nhưng cũng khá tự hào. Tôi có kiến thức tâm linh dồi dào, có nhiều kinh nghiệm từng trải trong công trường thuộc linh, có nghĩa là tôi có một căn bản vững chắc và hợp pháp để dựa vào đó. Với một tầm cở như thế, những lời đơn sơ chân tình không đặc sắc của anh em tôi có tạo được một chút xao động trong lòng tôi, tôi nghe và học hay xem mọi sự đó như gió thoảng mây bay?
Lời của lẽ thật, lắm khi không dể dàng đón nhận, lại được “răn bảo” với một cá nhân chưa được định hình, định dạng rõ trong nhà Chúa, càng khó nghe ra hơn. Điều đó không thể coi thường, tôi ơi! đừng dối lòng mình, đừng tưởng mình có quyền nương tựa vào những sở hữu vật chất hay tâm linh mà không coi trọng anh em. Đừng tưởng mình đã đầy đủ, dư dật; Chúa có thể dùng anh em tầm thường để ”răn bảo” tôi một điều gì đó.
Nếu tôi được “răn bảo”, tôi có sẵn sàng hạ mình? Còn nếu tôi phải “răn bảo”, tôi có chuyên tâm học mọi điều phải nói từ nơi Chúa? Tôi có nghe Chúa phán với tôi qua anh em của tôi không?