Anh em nào ở địa vị thấp hèn hãy khoe mình về phần cao trọng mình, kẻ giàu cũng hãy khoe mình về phần đê hèn, vì người sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên, nắng xẳng, cỏ khô, hoa rụng, sắc đẹp tồi tàn: kẻ giàu cũng sẽ khô héo như vậy trong những việc mình làm. (Gia-cơ 1: 9-11)
Sắc đẹp rồi cũng đến ngày tàn như hoa rụng, những thành tựu trong đời rồi cũng sẽ như cỏ héo khô gặp nắng xẳng. Đó không phải là những thứ để khoe khoang, tự hào.
Thơ Gia-cơ có nhiều lời khuyên nghe qua thật là trái ngược làm tôi bối rối, nhưng đọc cẩn thận nhiều lần, tôi mong có thể hiểu được phần nào những lẽ mầu nhiệm ẩn chứa bên trong.
Lần này, tôi chú ý đến những ngôn từ của bức thư.
Người nghèo được gọi là “anh em”, còn người giàu bị gọi bằng “kẻ giàu”. Phải chăng có một sự phân biệt đối xử?
Người ở địa vị thấp hèn thì hãy khoe “phần cao trọng” của mình, còn kẻ giàu lại được khuyên rằng hãy “khoe mình về phần đê hèn”. Khoe cái hay, cái tốt chứ ai lại đi vạch áo cho người xem lưng?
Không nghe nói đến việc làm của người ở địa vị thấp hèn, mà chỉ nhắc nhở kẻ giàu sẽ khô héo trong những việc họ làm. Giàu là một cái tội?
Và tôi suy nghĩ:
Người nghèo thường tự ti, luôn cảm thấy thua thiệt và cũng không mấy ai nhìn ra rằng ở trong Chúa, mình sở hữu những cái cao quí mà người khác dù hoàn cảnh thuận tiên hơn cũng không thể có. Những điều cao trọng đó không thể mua bằng tiền, cũng lắm điều không phải được tao ra bởi công sức mình; mà là ơn, là ân điển, là sự ban cho của Chúa. Người giàu dư dật mọi thứ, thường lên mình kiêu ngạo, rất tự hào rất hảnh diện với những thứ mình gầy dựng - sở hữu; và hầu như không bao giờ muốn ai biết, thấy hoặc nhắc đến khuyết điểm của mình. Tốt thì khoe, xấu thời che. Không ai hoàn toàn cả, không ai trọn vẹn được. Nếu chỉ nhìn phiếm diện, tôi không thể tự đánh giá được chính mình cho đúng, và chính những cái không nhìn ra đó làm tôi thành ra thiếu xót.
Trước mặt Chúa, cái giá trị của một con người không phải được ấn định bởi dáng vẻ thấy được, hay mức độ tôn trọng căn cứ trên vật chất, cũng không từ những kết quả do bàn tay mình tạo dựng (ISa 16:7). Giá trị thật rất có thể bị con người bỏ qua, nhưng sẽ đáng kể đối với Đức Chúa Trời, Đấng nhìn thấy xuyên suốt cõi lòng của con người (Math 10:42).
Giàu hay nghèo không là cái tội, nghèo hay giàu đều có thể làm tội, nhưng nếu nhìn thấy được phần khuất của tâm hồn mình, chính cái nhận biết đó mới thật sự giúp cho tôi trở nên cao trọng. Đó chẳng phải là việc tôi cần phải thường xuyên soi mình trước “Gương Thánh Kinh”?
Và nếu ai cũng được Chúa đánh giá là cao trọng thật, chẳng phải là mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa hay sao?