Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 91

ĐẤNG CHRIST TRÊN THẬP TỰ GIÁ

Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ dại; song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. (ICôrinhtô 1:22-24)

 

Người Giu-đa thích phép lạ, tôi cũng vậy. Người Gờ-réc ưa sự khôn ngoan, tôi cũng chẳng khác hơn. Phép lạ là những gì vượt lên trên khả năng của con người và lôi cuốn tôi vào trong một sự trân trọng đầy thích thú. Khôn ngoan khiến tôi phải thán phục và chấp nhận một hướng nhìn khác hơn những suy nghĩ tầm thường trong tâm trí tôi.

Lạ thay, tôi không tìm thấy những điều đó trong Chúa Giê-xu trên chặng đường thương khó của Ngài. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng (Êsai 53:7). Chúa không mất quyền năng và không cạn nguồn khôn ngoan tuyệt mỹ, Ngài đã không dùng khả năng siêu việt để cứu lấy mình hay vượt thắng hơn những kẻ muốn đưa Ngài lên thập tự giá. Tôi nghĩ rằng, nếu Chúa chịu bày tỏ một chút thôi thì cục diện đã khác hẵn đi, và nếu Chúa không bị treo lên trên thập tự thì tôi sẽ ra sao nhỉ? Từ khi Chúa nói chuyện với Cha Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê rằng: “Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên” (Math. 26:42), Giê-xu đã trở thành một người khác hắn, nếu không như vậy Chúa đã không làm trọn trách nhiệm của mình trong chương trình cứu rỗi do chính Đức Chúa Trời hoạch định.

Bây giờ, đó lại là một thách thức cho tôi. Tôi tìm đến với Chúa vì tôi mê phép lạ hay tôi cần một Cứu Chúa cho cuộc đời của tôi? Tôi tìm đến hệ thống triết học khôn ngoan, những lý luận đầy thuyết phục hay tôi đến với chính Chúa là Đấng vì yêu tôi đã hi sinh tất cả cho tôi? Đấng Christ bị đóng đinh trên cậy thập tự là một thử thách cho đức tin của tôi. Tôi có chấp nhận điều mà thế gian cho là tệ hại, là điên rồ, là chẳng có gì để hảnh diện mà còn vô cùng nhục nhã nữa? Đức tin của tôi không đặt trên phép lạ hay khôn ngoan mà phải đặt trọn vào “gương xấu” và “dồ dại” đó.

Trong chính bức thư gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô này, khi nói đến sự rao giảng, Phao-lô cũng chỉ nhắc đến sự chết của Chúa Giê-xu thôi, như sau đây: “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự” (ICôr. 2:2)   “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (ICôr. 11:26). Sao chỉ rao giảng về sự chết của Người?

Tôi không ngại khi nói với người khác về Cứu Chúa của tôi là người bị sĩ nhục trên cây thập tự, nhưng nếu kèm theo đó tôi được khoe ra một Chúa Giê-xu vinh hiển từ kẻ chết sống lại thì toàn hảo biết bao. Ô kìa! Hình như thấp thoáng trong tôi hình ảnh của người Giu-đa lẫn người Gờ-réc được nói đến trong câu Kinh Thánh trên. Tôi muốn dùng một phép lạ trên tất cả các phép lạ để bắt người ta phải phục Cứu Chúa của tôi. Tôi nghỉ rằng phải khôn ngoan, phải thêm một chút thần học để có thể dẫn đưa người khác về với Chúa. Tôi muốn người ta phải kinh nể và không còn đường chống đối Chúa tôi bằng cách phải nói đến sự phục sinh kỳ diệu của Ngài.

Than ôi! Điều Chúa muốn là bất luận ai cũng phải nhìn nhận rằng Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời qua sự kiện lịch sử có giá trị tuyệt đối: Ngài đã bị đóng đinh trên cây thập tự.