Người trả lời rằng: Ta là người Hê-bơ-rơ, và ta kính sợ Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời trên trời, Ngài đã làm nên biển và đất khô...
Người trả lời rằng: Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển yên lặng cho các anh; vì ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy. (Giô-na 1:9,12)
Đây là hai câu nói của Giô-na, tiên tri của Chúa Giê-hô-va, sau khi ông bị mọi người phát hiện trên chuyến tàu biển đang phải chịu một trận giông bão khủng khiếp. Ông nhận nhiệm vụ từ Chúa, nhưng vì lòng ái quốc nên đã bỏ trốn “để lánh khỏi mặt Đức Giê-hô-va”.
Sánh của tiên tri Giô-na này chỉ có vài đoạn ngắn ngủi, với một lời tiên tri tóm gọn trong một câu độ mươi chữ, gần như được ghi lại để nói về vị tiên tri đầy cá tính ngang nghạnh này. Chính bằng những điều bất toàn của Giô-na, Chúa Giê-hô-va vẫn có thể dùng con người này để bày tỏ tình yêu thương rộng lượng của Ngài cho một con người và cho nhiều người.
Tôi muốn nhìn thấy một vài điểm sáng ở Giô-na hơn là nhắc lại những hành động không nêu gương tốt của ông. Có hai điều Giô-na biết rất chắc chắn:
Thứ nhất, ông biết rõ Đức Chúa Trời mà ông đang tôn thờ và phục vụ, ông cũng biết ông ở vị trí nào đối với Chúa. Tôi có biết chắc và định rõ vị trí của tôi với Chúa? Lúc bình an tôi luôn nói rằng mình gần Chúa lắm, nhưng nếu ở vào hoàn cảnh phải bày tỏ mình thì tôi sẽ như Giô-na hay trở thành một Phi-e-rơ trong sân thầy cả thượng phẩm trong một đêm đầy biến động? Tôi thích Giô-na ở điểm này, trong lúc ông lánh khỏi mặt Chúa, ông vẫn không từ bỏ mối liên hệ giữa mình với Chúa. Không đi đâu thoát khỏi sự hiện diện của Chúa, nhưng chắc là ông muốn kéo dài thời gian để khỏi phải thông báo tình trạng nguy cấp cho kẻ thù của dân tộc mình. Ông vẫn luôn tự hào ông là người của Chúa và Đấng ông kính sợ có quyền tối thượng trên tất cả mọi người, mọi vật và mọi tình huống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống tôi, nhất là khi không thuận tiện hay có thể mạng lại đầy bất lợi, bất trắc cho tôi; tôi vẫn phải giữ vững lòng trung tín với Chúa. Điều đó không dễ dàng đâu nếu tôi không từng ngày một tìm biết nhiều hơn và gần gủi với Chúa.
Thứ hai, Giô-na biết tai họa lớn giữa biển này có nguyên nhân là chính ông. Tôi chưa bao giờ ở trong một tình trạng nguy kịch như Giô-na, nhưng có thể trong một sự cố nào đó, chính tôi là người vô tình gây ra sự thể không hay. Theo quán tính, tôi luôn tránh né bằng cách này hay cách khác để làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình; hoặc đổ thừa cho một tác nhân khác để cùng gánh vác gánh nặng, như một cách để xoa dịu nỗi lo sợ trong tôi. Giô-na không làm như vậy, ông định rõ mọi trách nhiệm thuộc về mình, nói ra trước mặt những người ở về phía không có lợi cho mình chút nào, và yêu cầu thi hành một giải pháp để giải quyết vấn đề, dù điều đó làm tổn hại đến sinh mạng của chính ông. Tôi không có gan như Giô-na, tôi cũng không ao ước được gặp hoàn cảnh như vậy để thử xem phản ứng của chính mình. Tôi chỉ thấy rằng để học được tính chất đẹp của vị tiên tri bướng bỉnh này không phải dễ dàng, không thể một ngày một buổi, không phải chỉ là can đảm, nhưng tôi phải biết và chấp nhận điều mình chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.
Giô-na đã ngay lành trong sự không ngay lành của mình, Giô-na đã trung tín trong sự không trung tín với Chúa. Riêng tôi thì sao?
“...vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật” (Ê-phê-sô 5:9). Còn nhiều điều tôi phải nhờ Chúa học mỗi ngày để thật sự hữu dụng trong công việc nhà Chúa, luôn sống với lòng chân thật là một điều không dễ dàng. Tôi phải luôn thành thật với chính mình, với anh em, với tha nhân và trên hết với Chúa.