Lê Nguyễn Hà Vy
Chiếc Hon-đa Pilot chạy chầm chậm trên con đường chỉ có hai "lanes" êm ái. Buổi sáng, thành phố Alexandria im ắng hiền hòa vì ít xe cộ qua lại. Có lẽ hầu hết người ta đi bằng phương tiện metro đổ vào DC.
Anh Kiệt làm tài xế vì anh quá quen thuộc với những con đường ở đây. Tôi ngồi bên cạnh anh ghế trước. Nhà tôi và chị Mai ngồi ở băng sau. Tôi thở ra rất khẽ và quay lại nói với chị Mai:
- Tôi muốn nghe tiếp câu chuyện mà chị kể hôm qua có được không ạ?
- Dạ, thưa mục sư_ Mắt chị Mai bỗng mơ màng như cố hồi tưởng lại những chuyện đau lòng của tuổi thơ:
- Gia đình em rời Sài-gòn về Rạch-Giá năm 1976; lúc đó, em mới tám tuổi. Mẹ em dắt em về nơi đây sinh sống, vì chính quyền mới đánh tư sản. Gia đình ông bà ngoại vốn giàu có ở Sài-gòn bỗng chốc trở nên tay trắng; giống như những người "homeless" ở Mỹ bây giờ vậy đó. Em thức dậy từ sáng tinh mơ, sau tiếng gà gáy. Chưa kịp thay bộ áo quần ngủ nhàu nát của đêm qua, vội vàng đi ra ruộng và men theo những con đường đê, để hái rau đắng ở gần xóm Chùa Phật Lớn rồi mang ra chợ bán. Mỗi ngày, mong sao đủ gạo nấu cháo để nuôi mẹ và bản thân mình. Mẹ em sống mà như chết, bà bị tâm thần sau khi của cải mất sạch cùng với gia đình ngoại. Bà quá đau buồn, rồi sinh ra mất trí.
Những ngày tháng trôi qua dài vô tận; em chẳng biết tương lai sẽ về đâu. Cuộc sống tối đen vô vọng! Mục sư biết không, em bị mẹ em đánh đập, la mắng, chửi bới suốt ngày. Bao oán hờn, chua cay của cuộc sống dường như mẹ trút đổ lên em. Mỗi ngày, em chỉ biết làm lụng vất vả để có gạo nấu. Còn tối đến, không biết ngủ nơi nào. Một mái che trên vỉa hè, hay trong sạp chợ, hoặc ngay bên những đống rác to tướng, đó là nhà của em. Là con gái, em thèm có một cái phòng nho nhỏ chỉ bằng mái tranh, vách nứa cũng được. Miễn sao có chỗ để tắm rửa và thay áo quần. Tội nghiệp cho em, nói là để thay áo quần, nhưng thật ra làm gì có bộ thứ hai để mà thay! Mùi bụi đất pha lẫn với mồ hôi xông lên từng đêm khó chịu. Lâu ngày riết rồi cũng quen_ Nói đến đây, giọng chi Mai chùng xuống. Đôi mắt chị trở nên xa xăm buồn áo nảo. Tôi muốn quay xuống nhìn chị mà không dám. Cổ họng tôi nghẹn cứng; dường như có vật gì chắn ngang khó nuốt. Anh Kiệt vẫn hồn nhiên bên tay lái. Dòng sông Potomac lù lù hiện ra ở đằng trước. Một chiếc phi cơ đang gầm rú trên đường băng chuẩn bị cất cánh. Giọng chị Mai trầm buồn hơn:
- Ở Rạch Giá chưa được một năm, em theo mẹ trở lại Sài-gòn để đổi hộ khẩu. Cuộc đời lại rẽ sang khúc quanh mới. Em thất thểu trên những con đường phố đông người. Mục sư biết em làm gì để sống không?_ Giọng chị nghẹn ngào. Hai giọt nước mắt chảy dài trên đôi má:
- Em ngồi chờ người ta ăn sầu riêng, rồi ném hột xuống đất; em nhặt lấy đem về nấu chín, rồi đem ra chợ bán. Có những lúc chờ chực trong quán ăn, xin nước phở thừa của khách, bỏ vào lon đem về cho mẹ.
Tôi đưa tay về phía sau, tìm bàn tay của Phượng để chia bớt cơn xúc động. Tiếng thổn thức đâu đó, từ trong lòng tôi trổi dậy. Dường như tôi cũng đang khóc. Từ chiếc ghế băng sau, giọng của bà xã tôi nhẹ nhàng vì cô biết rõ tôi hơn ai hết:
- Coi kìa, nhà văn lại khóc nữa rồi phải không? Tôi mỉm cười, lấy tay quẹt nước mắt. Chị Mai kể tiếp:
- Có một lần nọ, suýt nữa em phải đi cấp cứu vị bị công an đánh
- Tại sao vậy?
- Vì em thường lang thang ở "Chợ Đuổi," nơi đó không được phép họp chợ. Những người đàn ông đeo băng đỏ trên cánh tay lấy vỏ sầu riêng nhọn hoắt; đập vào đầu em sưng vù cho đến nỗi làm độc và mất đi một chòm tóc_ Chị Mai sờ tay lên vết sẹo vẫn còn nguyên ở giữa đầu.
- Rồi sao nữa, chị làm gì với vết thương đó?
- Em chỉ biết khóc thôi; rồi chạy về với mẹ. Đến nhà, em tưởng được mẹ thương xót, ôm em vào lòng và ràng rịt vết thương cho em. Nhưng không phải vậy, mẹ em lại hất hủi, mắng nhiếc và đánh đập em nhiều hơn, bảo em là ngốc nghếch! Có thể nói, ngày nào không đánh em thì mẹ không chịu được. Bao nhiêu cay đắng, hận thù trước cuộc sống, dường như bà muốn trút hết lên đầu em. Mục sư biết tại sao không? – Chỉ vì em mang hai dòng máu Việt- Mỹ. Em là đứa con lai bị xã hội ruồng bỏ, và con người thời bấy giờ khinh khi. Em sống trong tủi nhục, buồn đau và không hiểu tại sao mọi người lại muốn xa lánh em!
Chị Mai im lặng một lúc vì xúc động. Mắt chị trở nên đăm chiêu, nhìn qua cửa kính xe hơi, giọng chầm chậm:
- Cái vết thương trên da thịt rồi sẽ lành. Còn cái vết thương trong tâm hồn em mới khó chữa khỏi. Bây giờ thì đã trở thành vết sẹo. Em là cốt nhục của mẹ, nhưng vì sợ xấu hổ bởi cái luân lý, đạo đức quái ác thời đó; nên mẹ đối xử với em tàn tệ chưa từng thấy! Chị Mai cười khẽ, tiếng cười chất chứa một nỗi đau sâu lắng.
***
Năm 1981, hai mẹ con lại trôi giạt đến một vùng đất mới ở Lâm Đồng, cây số 125. Em lại đổi sang một "nghề" khác. Mỗi ngày vào trong nương rẫy, làm quen với dân làng ở đó, nài nỉ xin cho bằng được những trái đu đủ non, đem về làm gỏi bán. Ngày nào không may mắn, nếu gặp mấy ông đeo băng đỏ ở địa phương, họ tịch thu hết quang gánh, thì ngày ấy mẹ con em phải nhịn đói. Em thì sao cũng được; nhưng sợ mẹ đói sinh thêm bịnh tật, rồi sẽ đánh đập em nhiều hơn. Cho nên có lúc em phải vay mượn tiền của đám bạn bè con nít, cũng lọ lem như mình để chuộc lại quang gánh. Tụi nó cũng nghèo rách mồng tơi, nhưng gom góp mỗi đứa một ít, nhịn ăn một ngày giúp bạn. "Lá rách đùm lá tả tơi" là như vậy đó mục sư ạ! Có lần, em đã nghĩ đến cái chết. Chỉ có sự lựa chọn này mới mong giải thoát được sự khốn cùng và bất công của một kiếp người! Nhưng, nghĩ đến mẹ, em lại cảm thấy mình như có thêm nghị lực, để chống chọi với những tháng ngày bất hạnh và đong đầy nước mắt.
Mỗi lần thấy bạn bè đồng trang lứa, được cha mẹ dắt đi chơi trong những bộ áo quần xinh đẹp, được nuông chìu trong vòng tay yêu thương, em thèm khát lắm! Từng đêm trong giấc ngủ, em mơ thấy mẹ ôm em thật chặt và âu yếm nắm lấy bàn tay. Rồi em khóc, em ôm hôn cổ mẹ... Nhưng đó chỉ là mơ thôi! Còn thực tế thật phũ phàng! Em chỉ là con bé Mỹ lai ngày ngày lang thang trên những con đường vô định, không được học hành, không áo cơm, không một chỗ ngủ, cũng chẳng có được chút tình yêu của đồng loại dành cho. Em thật sự cô đơn và lạc lõng giữa thế giới con người!
Tại sao cuộc đời lại bất công như vậy? Em cũng chẳng biết rõ ba mình là ai, ông ở đâu và làm gì! Có lần em đã nhìn thấy ba qua tấm ảnh cũ rích mà mẹ đã cho em xem một lần và nói, "Ba mày đó, con bé ngốc nghếch." Em chẳng hiểu tại sao mà mọi người đối xử với em tàn nhẫn như thế, em có tội tình gì? Thuở đó, em chẳng hiểu biết gì về chiến tranh; nhưng chiến tranh thật đáng sợ!
Tôi im lặng như muốn san sẻ phần nào trước quá khứ buồn đau của chị. Tôi cố tìm một câu nói nào đó để an ủi. Nhưng dường như ngôn ngữ của loài người trở nên vô nghĩa trước nỗi đau câm nín. Cuối cùng thì tôi cũng cố bộc bạch chút suy tư của mình:
-Chị Mai ạ! Có lẽ khi nhìn bề ngoài, ít có ai hiểu được những gì đã và đang xảy ra ở bên trong của mỗi chúng ta. Chị, anh Kiệt, Phượng và tôi ở đây, ít nhiều đều trải qua những năm tháng đen tối sau ngày tàn cuộc chiến. Đó là bức tranh tang thương nhất của đất nước! Cuộc sống đầy dẫy bất công. Khi con người quá nghèo đói, tất tả lo nghĩ đến từng miếng ăn hằng ngày, thì đâu còn chỗ dành cho lương tâm và công lý. Bốn anh em mình ở đây hãy dâng lên lời tạ ơn Chúa; bởi vì chính Ngài đã cho phép những điều ấy xảy ra trên quê hương của chúng ta; để cứu dân tộc mình. Số người ăn năn và tiếp nhận Chú ngày nay tăng vọt. Còn chúng ta hôm nay có mặt giữa Hoa Thịnh Đốn này không phải chuyện dễ dàng! Điều quý giá nhất, không chỉ là chúng ta được tự do theo nghĩa của đời này. Chúng ta còn có một thứ tự do cao cả hơn nhiều_ đó là tự do sống trong tình yêu của Chúa Giê-xu. Chúng ta được giải thoát ra khỏi xiềng xích của tội lỗi. Chúng ta được xưng là công bình trước mặt Chúa. Chúng ta cảm ơn Chúa về quá khứ đau thương ấy; cho dù những vết cắt hằn sâu và đã từng làm rỉ máu trong mỗi trái tim của anh em mình. Nhưng nay, mọi thứ đã được Chúa chữa lành bởi quyền năng và tình yêu của Ngài.
Chị Mai cười độ lượng:
- Mục sư và chị Phượng biết không, cái anh chàng đã từng đánh em u đầu ấy, sau này lại tán tỉnh em khi vào tuổi cập kê. Thật buồn cười!
- Rồi chi Mai phản ứng ra sao?_ Phượng cười chen vào giọng Huế nhè nhẹ.
- Tất nhiên là em từ chối.
- Bởi vì nhớ đến cái vỏ sầu riêng ngày trước phải không?
- Không phải vậy, nhưng em có biết gì chuyện yêu đương lúc đó. Tình yêu em chỉ dành cho mẹ mà thôi. Tôi nhìn thật sâu vào mắt chị Mai:
- Bây giờ chị có tha thứ cho anh chàng đó không?
- Đã tha lâu rồi Mục sư ạ! Những ngày ấy em chưa biết Chúa, nhưng em nghĩ có đáng gì đâu mà để trong bụng. Chuyện nhỏ mà! Họ chỉ là nạn nhân của thế giới tội lỗi này. Ma quỉ đang làm mờ mắt họ đến nỗi không nhận biết đâu là thiện lành và đâu là gian ác. Họ thật đáng thương! Một ngày nào đó họ biết Chúa Giê-xu và thờ phượng Ngài, biết đâu họ lại sống tốt hơn em.
- Vâng, rất có thể là vậy. Chúng ta hãy cầu nguyện cho con người đó.
Xe đã vào trung tâm thành phố, chúng tôi mỗi người đi tách một hướng; trở về với cuộc sống thực tại. Phố phường của một ngày bình thường giữa thủ đô tráng lệ vẫn ung dung theo phong cách sống ở đây. Tôi băng qua một đại lộ với những tòa nhà cao chất ngất, oai nghi và hùng vĩ. Có chút gì đó toát lên dáng vẻ kiêu sa của một đất nước giàu có nhất hành tinh này. Bên kia đường, là quán cà phê Starbuck bốc lên một mùi thơm đầy quyến rũ...
***
Sáng hôm sau, thời tiết rất đẹp. Bên ngoài trời đã bớt lạnh. Qua ô cửa sổ của phòng khách là những bông hoa nở rộ đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, tím. Bốn chúng tôi quay quần với nhau bên bữa ăn sáng vội vàng. Tôi bưng ly cà-phê đen, hớp một ngụm rồi đề nghị:
- Chị Mai ơi! Tôi muốn nghe tiếp câu chuyện để có thể ghi lại đầy đủ và gửi đến tạp chí Hướng Đi. Nếu đoạt giải viết văn lần này, thì mấy anh em mình sẽ có dịp giúp cho một số trẻ em đường phố ở Việt Nam. Nhìn sang chồng chị, tôi mỉm cười nói tiếp:
- Còn anh Kiệt nữa, tôi muốn nghe anh kể. Anh đã cứu giúp chị Mai như thế nào?
Anh Kiệt mỉm cười, nụ cười nhân hậu. Anh nói tiếng Việt theo âm hưởng của người Hoa:
- Cô ta khổ lắm! Tôi chưa thấy ai khổ bằng cô. Cho nên hỏng thương làm sao được! Mà lúc đó, chỉ thương hại thôi, chứ tôi đâu có nghĩ là lấy cô Mai làm vợ. Xóm chợ An Đông cũng khá phức tạp vì những tay cô hồn, du đãng thường phá phách lùng sục mỗi đêm ngoài chợ. Mẹ cô Mai phải kẹp chiếc đòn gánh bên hông mỗi khi đi ngủ, để bảo vệ cô tránh khỏi nanh vuốt của mấy gã "râu xanh." _Chị Mai tiếp nối câu chuyện:
- Dù thương em, nhưng mẹ không muốn em xuất hiện trước đám đông hay họ hàng thân thuộc; bởi vì em là cái gai trước mắt mọi người, là nỗi nhục cho bà con dòng họ. Em đã quên mất chính tên của mình là "bé Hiền." Em chỉ có nghe và quen thuộc với cách xưng hô của mọi người, "Này, con bé lọ lem!"
Năm 1983, mẹ lại đem bán em cho người ta đi Mỹ, theo diện con lai để lấy ba lượng vàng trả nợ. Lúc đó em tròn mười bảy tuổi, nhưng vẫn ngây ngô có biết gì đâu. Em chấp nhận số phận vì chỉ mong sao mẹ em có thể thanh toán bớt những món nợ nần. Thế là anh Kiệt bây giờ mà ngày xưa em gọi bằng cậu vì bà con xa, đã ra tay cứu giúp một lần nữa. Cậu đưa cho mẹ một số tiền để trả bớt nợ, còn lại làm vốn cho em buôn bán. Cậu xin mẹ đưa em về nhà cậu ở. Hàng ngày cậu đèo em bằng chiếc xe đạp cộc kệt ra chợ An Đông mua bán. Tối đến, lại đón em về.
Rồi ngày kia, cô bé mười bảy tuổi đi lấy chồng mà không hiểu biết gì cả. Em chưa hiểu thế nào là tình yêu, làm chồng, làm vợ! Những bi kịch lại tiếp tục diễn ra giữa bà gia và nàng dâu trẻ. Em chỉ âm thầm khóc một mình. Từng ngày tháng đi qua, em tưởng chừng như mình đang sống trong địa ngục của trần gian. Tuy nhiên, từ sâu thẩm trong lòng em vẫn tin rằng có một Đấng nào đó, sẽ giải thoát cho em ra khỏi cảnh khổ ải.
Quả nhiên như vậy, trong những ngày được cậu Kiệt thương yêu và giúp đỡ; cho em chút tình người hiếm hoi; em đã gặp được cô Tư dạy cho em tiếng Việt và tiếng Anh miễn phí. Rồi em được học nghề làm tóc. Vì không tiền, nên chỉ học lóm, và làm thí công. Cơm nước có cậu Kiệt gửi gạo từng tháng. Đó là những chặng đường gian khổ. Em nghĩ đó là cách mà Đức Chúa Trời muốn cứu em làm con của Ngài.
***
Tháng Giêng 1989, em nhận được giấy báo đi Mỹ theo diện con lai. Đến Phi-luật-tân thì bé Dương Hy được sáu tháng tuổi. Rồi gia đình em tiếp tục đến Mỹ. Thế là "cô bé lọ lem" xóm Chợ Đuổi ngày trước đã được đổi đời. Như bao nhiêu người khác, vợ chồng em phải trải qua những gian nan. Em làm đủ mọi thứ để kiếm sống và đeo đuổi mục đích. Tuy phải đổ nhiều mồ hôi, nhưng lòng bình an. Có Chúa, nên em có thể vượt qua mọi thử thách. Một ngày kia đọc trên báo, thấy có lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại Hội Thánh Báp-tít Hy- vọng. Thế là em đưa con mình đến lớp. Thật ngạc nhiên quá đổi vì cách cư xử hoàn toàn khác với ngoài đời. Họ là những thầy cô giáo tình nguyện dạy giúp cho những em gốc Việt biết được tiếng mẹ đẻ của mình. Họ mềm mại, lễ độ và toát ra một vẻ đẹp lạ lùng! Sau đó, em gặp được một đầy tớ Chúa rất nhân từ; dắt em vào bên trong nhà thờ nghe giảng và em đã để tiếp nhận Chúa ngay hôm đó_ Chị Mai bỗng rạng rỡ hẳn lên:
- Những ngày gian nan đã qua rồi Mục sư ạ!
Ánh nắng ban mai lấp ló dưới những tàn cây sồi vừa rụng lá. Bốn anh em chúng tôi cùng nhau quỳ xuống, để dâng lên Chúa những lời cảm tạ và cầu xin cho một ngày mới bắt đầu. Chị Mai hôm nay là thành viên trong ban hát của Hội Thánh. Tiếng hát chị trong vắt và cao vút như ca sĩ chuyên nghiệp. Ước mơ của chị là có đủ thì giờ để làm điều gì đó ích lợi cho anh chị em cùng đức tin và vui lòng Đức Chúa Trời. Chị sẵn sàng lái xe đưa rước cho một chị em nào đó không có phương tiện đi nhóm thờ phượng Chúa; hay bỏ nhiều thì giờ để làm đẹp cho phái nữ vì chị có chuyên môn của ngành thẩm mỹ. Chị cần mẫn làm vui lòng người mà chẳng bao giờ nhận tiền thù lao của ai. Hẳn nhiên cuộc sống tất bật ở xứ người vẫn còn bao nhiêu thách thức; nhưng trong lòng chị có một một sự bình an và niềm vui kỳ lạ- Đó là ân điển của Đức Chúa Trời và tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho chị.
Cảm ơn Đức Chúa Trời; vì Ngài đã làm thay đổi hoàn cảnh của "bé Mai lọ lem" ngày trước; trở thành một con cái yêu dấu của Ngài hôm nay được nhiều người yêu thương và quý mến.
Washington DC tháng 5/ 2013
• Lê Nguyễn Hà Vy (Mục sư Lê Văn Thể)