Tạp chí Newsweek số ra ngày 4/10/1996 nói đến một sự thiếu hụt lạ lùng tại Đức, đó là nạn thiếu rác, thiếu đến nỗi phải nhập khẩu rác từ Braxin. Hiện nay, nhiều lò đốt rác đắt tiền đã ngưng hoạt động vì không còn đủ rác để đốt. Vài thập niên trước, hưởng ứng lời hô hào bảo vệ môi sinh, thành phố nào cũng có chương trình cải tạo rác, khu kỹ nghệ nào cũng có nhà đốt rác riêng để chế biến rác. Nay công nghiệp đốt rác bị khủng hoảng vì thiếu rác. Trong ba năm đầu của thập niên 90, số rác từ mọi nguồn cung ứng giảm 16%, rác từ các hộ gia đình năm 1990 là 43 tấn nay giảm còn một nửa.
Một giấc mơ về môi sinh nay biến thành một ác mộng về kinh tế. Khoảng đầu thập niên 80, nước Đức tung ra chiến dịch kêu gọi người dân giảm thiểu và phục chế rác, đồng thời các kỹ nghệ chế biến rác thành phân, đổ nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại, mọc lên khắp nơi. Dĩ nhiên, để ngành kỷ nghệ này hoạt động đều đặn, thì yêu cầu rác cũng phải được thỏa mãn, thế là cả một thị trường đã được phát triển. Thập niên 80, người ta không biết phải làm gì cho hết rác, thập niên 90, người ta lại không đủ rác để làm nguyên liệu.
Câu truyện trên đây hẳn gợi lên cho chúng ta hình ảnh của biết bao nhiêu thành phần vốn bị xem là phế thải, bị đẩy ra bên lề xã hội, những thành phần bị gán cho danh hiệu bất hảo trong xã hội, những người nghèo khổ, những người già cả bệnh tật, những nạn nhân nan y, những người tàn tật, những người bị xem như thành phần vô sản xuất, và ngay cả các thai nhi được thụ thai ngoài ý muốn của cha mẹ chúng, tất cả những hạng người này, một cách nào đó phải chăng không bị nhìn như đồ phế thải hay như rác rưởi của xã hội. Một xã hội chỉ xây dựng trên hiệu năng, sức sản xuất hay khả năng lao động và chối bỏ mọi giá trị đạo đức, hẳn nhìn con người theo nhãn quan ấy. Trong xã hội ấy, con người chỉ là một cái vốn hay một phương tiện sản xuất : còn hữu ích thì còn được sử dụng, mất hiệu năng, thì bị thải đi không chút xót thương.
Người có niềm tin không được phép nhìn con người như thế, nhưng luôn đưọc mời gọi để nhìn người khác bằng chính ánh mắt của Chúa Giêsu. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã không loại trừ bất cứ hạng người nào, nhưng tất cả đều chiếm chỗ ưu việt trong trái tim của Ngài. Chúa Giêsu đã đảo lộn cách nhìn của con người : dưới ánh mắt Ngài, mỗi người đều có một phẩm giá cao cả độc nhất vô nhị ; với Ngài, mỗi người vì là hình ảnh của Thiên Chúa, và là một nhân vị độc nhất vô nhị, cho nên có một chỗ đứng, một vai trò mà không ai có thể thay thế được. Chân lý ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn qua cái chết củă Ngài trên Thập giá. Ngài đã mượn lời trong một Thánh vịnh để nói về ý nghĩa cái chết của Ngài : "Viên đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường". Cái bị loại bỏ đã trở thành cái thiết yếu, cái yếu nhược đã trở thành sức mạnh, cái mất mát đã trở thành nguồn ơn cứu thoát, cái chết đã trở thành ngõ dẫn vào vinh quang.
Trong ánh sáng của mầu nhiệm Thập giá, chúng ta nhận ra được giá trị của đau khổ, nhất là giá trị của những con người bị xã hội đẩy ra bên lề. Sự hiện diện của những con người ấy là một lời mờI gọi của vượt qua : vượt qua nhãn quan thiển cận hẹp hòi của chúng ta, để vươn lên những giá trị cao cả hơn trong cuộc sống.
Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn chúng con với ánh mắt nhân từ khoan hậu, xin cho chúng con cũng luôn biết nhìn mọi người bằng ánh mắt ấy.
R. Veritas