Tiếng Việt có hai loại từ ghép, từ ghép chính phụ và ghép đẳng lập. Từ ghép chính phụ là một tiếng chính và một tiếng phụ như: xe cộ, nhà cửa, con cái,...Từ ghép đẳng lập là loại từ khi tách rời hai tiếng đều có ý nghĩa nào đó, ghép lại thành một từ có ý nghĩa hoàn chỉnh. Khiêm nhường là từ ghép đẳng lập, "khiêm" nghĩa là khiêm cung, nhã nhặn, tế nhị, lịch sự,"nhường" nghĩa là nhường nhịn, nhường một bước, nhường phần tốt cho một ai đó, không tranh giành. Khiêm nhường thể hiện hành động hay thái độ sống, lý tưởng sống của người cơ đốc nhã nhặn biết tôn trọng người khác. Khiêm nhường không phải chịu thiệt thòi, bị sỉ vả, chà đạp. Phẩm chất đẹp này thể hiện trong Chúa Giê-xu yêu quý, Ngài dạy và làm gương cho chúng ta noi theo. Lời Thánh kinh cho biết Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người (Mathiơ 20:28)
Khiêm nhường đòi hỏi sự phấn đấu nhờ cậy Chúa bên trong ý thức về chính mình và người khác. Ý thức con người tội lỗi xấu xa trước mặt Chúa, ý thức bản thân là sản phẩm của Đức Chúa Trời. Học tập và rèn luyện đời sống hạ mình trước mặt Chúa, tỏ thái độ sống sao đẹp lòng Chúa qua sự khiêm nhường. Thông thường bày tỏ qua Chúa và con người. Đối với con người bày tỏ qua sự phục vụ, biết nhìn nhận lỗi , sống tha thứ và tôn trọng người khác hay nâng cao giá trị của người khác. Lời Chúa dạy Hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình (Philip 2:3b)
Có người khiêm nhường quá đỗi thành ra kiêu ngạo lúc nào không hay. Kiêu ngạo trong sự khiêm nhường. Có anh chàng kia, rất nhiều ơn đàn giỏi, hát hay, trưởng ban thanh niên, hướng dẫn thiếu niên, anh nổi bậc trong HT, anh làm việc rất khiêm nhường mềm mại, điều này khiến các phụ nữ trẻ đều để ý và thương mến. Một lần có một phụ nữ đến nói chuyện tỏ lòng cảm kích anh khen ngợi anh, cô bảo anh có nhiều ơn quá, giỏi quá, việc gì anh làm cũng kết quả. Anh chàng liền đỏ mặt, bảo "tôi mà", làm gì chẳng thành công. Người khiêm nhường chẳng bao giờ tìm vinh hiển cho mình, mà chỉ dành cho Chúa, tất cả tôn cao Chúa.
1.Sống Phục vụ
Điều thứ nhất để sống khiêm nhường là phục vụ. Không có chuyện người trên lấn áp người dưới, không có chuyện chồng lấn áp vợ, cha mẹ lấn áp con cái. Êphêsô 5:21 dạy hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau. Mác 10:43-44 Hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ. Còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người. Người càng làm lớn trong gia đình thì có nhiều quyền hạn càng phải phục vụ người dưới. Sự phục vụ nhắc nhở chúng ta là người lãnh đạo, là các bậc cha mẹ đôi khi thích chỉ huy sai bảo cho được việc. Người lãnh đạo là người làm gương. Người lãnh đạo là người phục vụ. Người phục vụ là người lãnh đạo. Chúa hứa rằng người nào trung tín trong việc nhỏ thì Chúa sẽ giao việc lớn, chắc chắn người lãnh đạo luôn luôn làm đầy tớ, đầy tớ cho Chúa, đầy tờ lẫn nhau.
Phục vụ là trách nhiệm của mọi người không phân biệt tuổi tác, phái tính hay thứ bậc trong gia đình và Hội thánh. Chúa Giê-xu là Đấng cao cả nhưng Ngài hạ mình xuống rửa chân cho mmôn đồ để làm gương cho chúng ta noi theo. Do Thái là xứ sa mạc thời bấy giờ mang dép có quai hậu nên bất kì ai vào nhà đều phải rửa chân, công việc này của các đầy tớ làm cho chủ và những người có điạ vị trong gia đình, việc rửa chân trở thành phong tục người Do Thái. Quan niệm con người là tớ phục vụ chủ, trò phục vụ thầy, lính phục vụ quan. Cách dạy dỗ của Chúa Giê-xu trái ngược với lời dạy của con người. Chính Chúa là Thầy, mà phải rửa chân cho môn đồ. Chúa dạy chúng ta phục vụ lẫn nhau trong tinh thần khiêm nhường vui vẻ tự nguyện, vai trò và thứ bậc khác nhau nên phục vụ nhau. Có một phụ nữ kia, làm việc hay điều hành chuyện này, lăng xăng công việc kia, mỗi lần giao việc cho ai thì nói lời sắc bén kèm theo đôi mắt khuôn mặt nhìn chăm chăm làm cho người làm việc chung sợ hãi, có cảm giác như bị ra lệnh, mệnh lệnh, bị làm phải làm. Một thời gian mọi người xa lánh cô, vì cô làm việc thiếu sự mềm mại, thiếu khiêm nhường. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta lòng khiêm nhường phục vụ qua những thái độ cần thiết cử chỉ, ánh mắt, lời nói, khuôn mặt... hãy đứng trước gương và tập nói chúng ta sẽ thấy rõ chính mình. Lời Chúa dạy Hãy khiêm nhường đến điều, mềm mại đến đều, phải nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau, dùng dây hoà bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh (Êphêsô 4:2).
Giăng 13:17 ghi các ngươi biết những sự này là có phước, miễn là các ngươi làm theo. Phục vụ là đặc ân của Chúa cho từng người, người nào hạ mình phục vụ người khác được Chúa tôn cao và ban ơn lành dồi dào. Trong gia đình vợ chồng con cái phải thương yêu nhau tôn trọng nhau và phục vụ lẫn nhau. Phục vụ với lòng tự nguyện vui vẻ. Tập tành cho con cái phục vụ. Có gia đình nọ, con trai đi học về thì chơi game xem tivi, đến nổi mẹ gọi con xuống nhà ăn cơm, con trai không chịu ăn, mẹ thương con liền bưng tô cơm lên trước mặt cho con, rồi con cứ mãi mê chơi game, nhất quyết không ăn. Người cha thấy vậy gọi con ra nói chuyện, ông nói mẹ đi làm vất vả, về nhà mẹ phải dọn dẹp nhà cửa nấu cơm cho con. Con có thương mẹ không? Con trai trả lời dạ con thương mẹ. Người cha tiếp vậy thì con hãy xuống nhà ăn cơm và bắt đầu từ ngày mai con phụ giúp mẹ dọn cơm và cầu nguyện chung.
2. Sẵn sàng nhận lỗi
Người khiêm nhường là người luôn luôn nhìn lại chính mình, xem có phần nào sai trật, có điểm nào do lỗi của mình. Nhìn lại vấn đề, phân tích từng khía cạnh và nhận lỗi. Con người chúng ta không bao giờ chịu nhận lỗi. Khi Ađam ăn trái cấm, Chúa hỏi Ađam vì sao ngươi ăn, Ađam bảo người nữ cạnh bên đưa cho con, vậy là đổ lỗi cho vợ. Chúa hỏi Êva sao ngươi làm vậy, Êva bảo tại con rắn dụ dỗ con, Êva đổ lỗi cho con rắn. Con người Chúa dựng nên có sự khôn ngoan suy tư sáng tạo, có quyền tự do quyết định hay chối từ, mặc dù ma quỷ luôn rình rập cám dỗ Êva và Ađam, nhưng đừng quên rằng họ có quyền chọn lựa vâng lời hay chống đối. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút, nếu như Ađam và Êva sẵn lòng nhận lỗi xin lỗi trước mặt Chúa thì điều gì xảy ra? Chúa có tha thứ cho họ không? Chúa sẽ tỏ thái độ gì với họ? Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương tha thứ là mỹ đức của Ngài và Ngài không bao giờ thay đổi, nhưng hai người không nhận lỗi xin lỗi và số phận họ thay đổi khi ra khỏi vườn Điạ Đàng. Cho đến ngày nay con người luôn đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho các sự vật xung quanh, tại vì chuyện này tại vì chuyện kia tại vì chuyện nọ... Chúng ta nhìn nhận chính mình và nhận lỗi. Nhận lỗi đã khó xin lỗi càng khó hơn. Người Việt rất ít nói xin lỗi, thường thì tỏ thái độ xin lỗi, chuộc lỗi bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta hãy tập nói xin lỗi, chỉ có một lời, nói nhẹ nhàng không mất mác gì nhưng đem lại kết quả rất lớn, người được xin lỗi sẽ cảm nhận tình thương, sự trân trọng, xóa hết phiền muộn. Phụ nữ rất thích nghe "xin lỗi", sẽ thôi giận dữ, phá tan bầu không khí u ám thổi vào luồn gió mát cho gia đình.
Có hai vợ chồng nọ, gây gổ nhau vì chuyện ăn mặc của con cái. Người vợ thì tiết kiệm cho con trang phục bạn bè sang lại, đi nhà thờ chỉ là áo sơ mi quần tây, sạch sẽ, kín đáo. Người chồng bảo phải cho con quần áo mới hợp thời trang, ra đường nở mặt với mọi người, đến nhà thờ được người ta khen cha mẹ biết lo cho con. Rồi người chồng bảo tôi nói thì phải làm, tôi là chủ nhà, người vợ vẫn không đồng ý, lời qua tiếng lại người chồng giận quá tát vào mặt vợ. Con cái thấy vậy chạy tới ôm cha, bảo cha đừng đánh mẹ nữa, rồi ông quay sang xô đẩy con ra, làm con ngã và khóc. Vài ngày sau, cơn giận nguôi ngoai, người cha suy nghĩ lại và lời Chúa nhắc nhở ông. Một buổi chiều nọ, sau khi tan ca lái xe về nhà, vợ con đã chuẩn bị xong bửa cơm chiều tất cả trên bàn thật đầy đủ, ông bước vào nhà, cười xòa và cầm đoá hoa hồng vàng đưa cho vợ ông nói một lời Xin lỗi em, vợ yêu dấu! Người vợ và con cái thấy cha làm vậy vui mừng cảm tạ Chúa.
Nhiều ông chồng dùng quyền thế bắt nạc vợ, khi vợ lên tiếng thì la lối om sòm, nổi giận, đó là người ích kỉ độc tài. 1Giăng 1:8 chép Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Và Giacơ 3:9-10 bởi cái lưỡi chúng ta ngợi khen Chúa, cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người.. Khi nổi giận chúng ta đập phá đồ đạc là sai, la mắng oan ức, nguyền rủa nặng nề con cái là sai., chúng ta phải nhận lỗi và xin lỗi. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Chúa, nên có giá trị và được tôn trọng như nhau. Êphêsô 6:4 ghi rằng Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó. Lời Chúa khuyên cha mẹ hãy lấy lời Chúa để sửa phạt dạy dỗ con cái. Không lấy quyền cha mẹ bắt buộc con làm mọi điều. Và cẩn thận đừng để con cái nghi ngờ tình thương của cha mẹ của Chúa, làm mất đức tin con cái. Không theo văn hoá phong tục bắt nạc con mà làm theo lời Chúa dạy.
3. Tha thứ
Điều thứ ba bày tỏ thái độ khiêm nhường là tha thứ. Tha thứ là bỏ đi lòng phiền giận, bỏ qua hình phạt, thôi giận dữ và không oán trách hay đổ lỗi cho người có lỗi. Côlôse 3:13 Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Đây là mạng lệnh của Chúa. Mathiơ 6:14 Nếu không tha thứ thì chúng ta không được tha thứ, có tha thứ cho người khác thì chúng ta mới xứng đáng thờ phượng Chúa. Chúng ta phải tha thứ với tấm lòng thành thật, người có lỗi và người tha thứ phải thành thật với nhau. Cũng hãy quên đi hết lỗi lầm của người đó. Không nhắc lại lỗi lầm cũ. Phải tha thứ nhiều lần. Tha thứ bảy mươi lần bảy nghĩa là tha thứ bốn trăm chín mươi lần. Kinh Thánh thường dùng con số bảy, như là bảy mươi môn đồ, bảy ngày sáng tạo, Nahaman tắm dưới sông bảy lần thì được sạch... số bảy bày tỏ sự đầy đủ và trọn vẹn của Chúa Tha thứ bảy mươi lần bảy là tha thứ trọn vẹn.
Có hai điều trong đời sống con người dễ vấp ngã và khó tha thứ đó là tiền bạc và tình cảm. Bạn bè thân nhau lâu ngày mượn tiền nhau giúp đỡ trong lúc hoạn nạn, nhưng rồi người mượn không có tiền trả lại, chỉ nhiêu đó cũng đủ làm tình bạn rạn nứt, có khi giận hờn không nhìn mặt nhau nữa. Chúa dạy chúng ta không nên cho mượn tiền, nếu có thể được thì biếu luôn tặng luôn. Về phương diện tình cảm cũng vậy, một người bạn mình hết lòng thương yêu, quan tâm chăm sóc, chia xẻ gánh nặng trong cuộc sống. Nhưng khi có chuyện xảy ra, chỉ cần một chút không bênh vực, không bảo vệ mình, không chung thuyền với mình, mà dành điạ vị, quyền thế hay sỉ diện nào đó cho bản thân thì coi như tình bạn bị phản bội, bị đâm những nhát dao không bao giờ lành, khi xin lỗi rất khó cho nạn nhân tha thứ ngay, vì vết thương chưa lành, nếu lành còn để lại vết sẹo nào đó. Ly vỡ rồi làm sao lành. Tôi từng trong hoàn cảnh này, vết thương ấy lớn lắm, sâu lắm, tôi không thích gặp người ấy nữa huống chi phải làm việc chung. Khi tôi đặt hết tất cả dưới chân Chúa, và tôi khóc, tôi nói con đã làm gì? Bao nhiêu tình thương con dành cho họ tại sao họ đối xử với con như thế? Tôi nhận đuợc nguồn an bình kì diệu của Ngài, Chúa ôm tôi vào lòng bảo con ơi! hãy nương dựa vào Cha, chỉ trong Cha. Từng ngày trôi qua, Chúa cho tôi bình an, nhưng khi ai nhắc đến chuyện ấy lòng tôi lại bức xúc. Một lần nọ tôi lái xe đến một con sông và đi dạo dọc theo dòng nước. Nước mạnh dần cuốn đi bao rác rưởi người ta vứt bỏ nơi đó. Tôi thưa với Chúa xin cho con đủ năng lực quăng xa hết trên dòng sông này để nước cuốn trôi đi... trôi đi... con sẽ không còn thấy nữa. Chỉ gội trong dòng huyết của Chúa, Ngài sẽ rửa sạch tất cả và chúng ta hướng về Thiên Đàng
4. Nâng cao giá trị của nhau
Mỗi người đều có giá trị trước mặt Chúa, vợ chồng cha mẹ và con cái đều có giá trị như nhau, tất cả chúng ta do Chúa tạo dựng Ngài quý trọng nâng niu, thương yêu và chăm sóc. Thật đáng thương và tội nghiệp cho số phận nghèo khổ, rách rưới, không nhà cửa, lang thang. Những con người bị xã hội ruồng bỏ đưa đẩy vào con đường tận cùng không lối thoát, những người tàn tật mắc căn bệnh hiểm nghèo... bị xa lánh, khinh thường miệt thị. Trong đôi mắt Chúa họ có giá trị, là những linh hồn quý giá đáng được trân trọng và chia xẻ.
Giá trị con người không định trên dáng vẻ bề ngoài, hay nhà cửa cao rộng, cũng không định trên sự giàu có, tri thức với nhiều bằng cấp. Chúa Giê-xu yêu thương hết thảy mọi người, Chúa yêu từng đứa trẻ còn trong bụng mẹ, yêu thiếu nhi, yêu người què, người đui, người câm, người điếc, người phung, ngay cả người thâu thuế nữa. Ngài không phân biệt da màu sắc tộc, không phân biệt tiếng nói, giới tính, xấu đẹp, giàu nghèo, vô thức hay ý thức. Chúng ta hãy tôn trọng nhau giúp nhau thấy những giá trị quý báu của mình, làm cho người đó có lòng tự tin và lòng tự trọng được yêu thương chấp nhận những khả năng tính tình mà Chúa cho.
Muốn trân trọng người khác chúng ta cần tạo mối thông công trò chuyện, tạo sợi dây liên kết trong không khí cởi mở, cố gắng thông cảm với người khác. Ngày nay có nhiều trẻ và người lớn bị mắc bệnh trầm cảm, nguyên nhân từ trong gia đình cha mẹ ít quan tâm trò chuyện với con cái, trường học nhiều áp lực bị ức hiếp kì thị, hôn nhân tan vỡ, tuổi già cô đơn...tất cả những điều ấy khiến con người trở vào vỏ sò cô lập mình, từ đó mất lòng tự tin đầy mặc cảm. Chúng ta hãy giúp họ vượt qua bản thân, cho họ thấy đâu là chân lý đâu là nguồn sự sống, giúp họ vượt qua số phận để đến gần Thiên Chúa, hoà mình vào cuộc sống.
Tập yên lặng lắng nghe đừng làm ngơ không chịu nghe ngắt lời. Gia cơ 1:9 dạy mau nghe, chậm nói, chậm giận. Tập lắng nghe, nghe đủ, nghe hiểu, nếu chưa rõ thì có thể hỏi vài câu, tạo cơ hội cho người đó bày tỏ chính mình rõ hơn, nghe hết nghe thật đầy đủ. Đừng cằn nhằn, nói nhiều, đừng nhắc đi nhắc lại một vấn đề. Đừng võ đoán hay vội vàng kết luận những điều mình nghe. Biết rồi khổ lắm nói mãi, câu nói chúng ta thường nghe trong gia đình khi vợ hoặc chồng hay cha mẹ lặp đi lặp lại một vấn đề, khiến người kia không vui, cau có rồi cũng không quan tâm đến lời nói ấy nữa.
Chúng ta có thể bất đồng ý kiến nhưng vẫn tôn trọng nhau. Tránh sự tranh cãi, nếu có hãy khôn ngoan nhường một bước, hoặc dừng lại, hay im lặng. Đừng để lửa thêm dầu đốt cháy tất cả, rất nguy hiểm hình ảnh cha mẹ gây gỗ tranh cãi theo con cái rất lâu, có khi bị ám ảnh cả cuộc đời. Chúng ta thảo luận những vấn đề chứ không tranh cãi những vấn đề. Tranh cãi thì dành phần thắng phần thua, dẫn đưa chúng ta đến chổ kiêu ngạo. Thảo luận trong tinh thần tôn trọng nhau, tôn trọng ý kiến quan điểm khác nhau. Cố gắng tìm ra ý nghĩa hay giải pháp nào đó cho thích hợp. Như vậy không khí sẽ ôn hoà, dễ thở mọi người sẽ vui vẻ. Có cặp vợ chồng kia, người chồng thường hay đưa ra những quyết định của mình quyết định mua xe, quyết định xài tiền riêng lẻ, người vợ không thể thay đổi tánh tình của chồng, một lần nọ hai người ngồi xuống nói chuyện, người chồng tỏ nhiều lí do để vợ thấy mình quyết định đúng, người vợ lắng nghe chồng nói hết nói xong, suy nghĩ một hồi người vợ nói với chồng rằng: em là vợ anh, anh là chồng em, chúng ta còn là hai nữa không anh? Chúng ta chỉ là một, vậy thì chúng ta chỉ có một quyết định chung thôi nhé anh, người chồng bèn tủm tĩm cười.
Cố gắng giải quyết những vấn đề hiện tại, đừng nhắc lại chuyện cũ. Chuyện cũ hãy chôn vào dĩ vãng, vợ chồng kị nhất là nhắc lại những lỗi lầm ngày xưa, nhất là lúc giận hờn, tranh cãi. Có một người phụ nữ đã lập gia đình, trong lúc khó khăn hụt hẫn người chồng không quan tâm khiến cô buồn và cô đơn, trong lúc ấy một anh chàng xuất hiện dang rộng đôi tay che chở cô, suýt nữa cô ngã vào, nhưng cô dừng lại trở về với mái ấm của mình, ngươi chồng biết chuyện xảy ra rồi tha thứ. Nhưng mỗi lần hai người có chuyện không vui anh lấy chuyện cũ ra nói, nói mà không biết tâm trạng người vợ như thế nào làm cho vết thương lòng trổi dậy. Tâm trạng cô đau đớn, cảm thấy chồng không còn tôn trọng mình và cô nức nở anh à, đừng bao giờ nhắc lại chuyện cũ, em đau lòng quá, xin anh hãy tôn trọng em, cô nói như một lời thỉnh cầu. Nhìn nước mắt chảy ròng của vợ, anh thấu hiểu và từ đó trở đi anh không bao giờ nhắc đến nữa.
Đừng bắt buộc phải giống nhau trong mọi phương diện. Mỗi người chỉ là một, chiếc bình do thợ gốm tạo dựng, không ai giống ai, ngay cả anh em chị em sinh đôi vẫn có nét khác biệt. Không nên đòi hỏi người chồng hay vợ, cha hoặc mẹ hay con cái giống nhau mọi mặt. Tập chấp nhận cảm thông từng cá tính, suy nghĩ, hiểu biết, thái độ sống... của nhau. Phao lô dạy trong thư 1Côrinhtô 12:24b Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quý trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.
Cư xử theo nguyên tắc Kinh Thánh hơn là phong tục tập quán. Chồng chúa vợ tôi, trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Ở các nước tự do thì cho phép trai gái ăn ở trước hôn nhân, vui thì ở buồn thì chia tay. Tất cả ngược với lời dạy Kinh Thánh, chúng ta trân trọng và gìn giữ những nét đẹp phong tục văn hóa phù hợp với Kinh Thánh mà thôi.
Cầu nguyện cho nhau. Vợ chồng nên dành thì giờ cầu nguyện cho nhau, phụ nữ thường nói nhiều, cầu nguyện cũng vậy, đó là bản năng của phụ nữ quý ông nên cảm thông. Quý bà cầu nguyện cho quý ông rất nhiều, nhưng ngược lại dường như quý ông ít cầu nguyện cho quý bà. Quý ông có mối thương giao riêng tư với Chúa không chỉ trong cầu nguyện mà trong suy nghĩ, khi làm việc, khi lái xe, khi một mình ở biển, khi sâu lắng với vần đề nào đó. Lời Chúa dạy hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ (Êphêsô 6:18). Vợ chồng cha mẹ cũng phải cầu nguyện cho con cái, cầu nguyện khi con còn trong bụng mẹ, cầu nguyện dâng cuộc đời con cho Chúa, cầu nguyện cho hôn nhân của con. Có người bảo con còn đi học mà cầu nguyện gì, xin thưa đến lúc con đòi lập gia đình mà cầu nguyện thì đã muộn màng.
Cầu nguyện với nhau. Hãy dành thì giờ cầu nguyện với nhau. Chúa hứa vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ (Mathiơ 18:20). Chúa hiện diện lắng nghe, cảm thông và ban bình an phước lành đến cho những người cầu nguyện. Ngoài ra chúng ta cảm nhận sự tha thứ, sự chữa lành, tình yêu thương kết chặt chúng ta lại với nhau.
o0o
Phải chăng con cái Chúa ngày nay thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, thiếu tình yêu thương, hay đèn nhà ai nấy tỏ, vẫn còn những con sâu con chồn chia rẽ Hội thánh và gia đình vì thiếu khiêm nhường. Sự hung dữ trong con người vẫn còn, không ai nhường nhịn ai, người này nói một tiếng thì người kia trả lời hai ba tiếng, tiếng ai lớn thì coi như thắng. Không còn nhường nhau hầu việc Chúa, vẫn còn sự tranh giành, dẫm chân lên nhau rồi té ngã, ai ngã mặc kệ, miễn tôi có quyền, đứng vững, sỉ diện, tài năng, biểu diễn là đủ. Bản ngã vẫn còn, tánh tình không thay đổi, không hợp nhau, làm việc nhiều va chạm và buồn bực bỏ đi.
Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa thì Ngài sẽ nhắc anh em lên (Giacơ 4:10). Đây là quy luật, có hạ thì có nhấc. Hạ càng thấp thì nâng càng cao. Duy nhất Chúa có thẩm quyền nâng chúng ta lên, chúng ta sẽ bay với Chúa như bay trên lưng đại bàng.
Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng sự khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường (1Phierơ 5:5). Chúng ta trang sức bề ngoài hay bề trong? Điều gì có giá trị? Khiêm nhường là phẩm hạnh, chúng ta phải mặc lấy và mang theo cho đến ngày vào Thiên Đàng. Nếu chúng ta chịu đội mão gai đi theo Chúa thì sẽ có ngày chúng ta đội mão triều thiên trong nước Ngài./.
Kim Hân