Có phải ân điển Chúa ban cho chúng ta quyền cai trị trên nghèo thiếu và thiếu thốn không ?
Vì một số lý do nào đó, nhiều người tin rằng tin kính là sống thiếu thốn. Trong những trường hợp quá khích, nhiều người khấn hứa sống nghèo thiếu để phục vụ Chúa. Lối suy nghĩ này không thích hợp khi đối diện với Philíp 4:19, trong đó Phaolô đảm bảo các tín hữu của ông, "Và Đức Chúa Trời của tôi sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho anh chị em theo như sự giàu có vinh quang của Ngài trong Chúa Cứu Thế Giê-su."
Nếu bạn đọc câu này theo mạch văn, bạn sẽ thấy Phaolô đang nói với tín hữu đặc biệt về tài chánh. Những nhu cầu của chúng ta chắc chắn sẽ được đáp ứng – không theo cách nền kinh tế hay thị trường chứng khoán hoạt động mà theo sự giàu có của Chúa nơi vinh hiển. Điều này thật lạ lùng, vì Ngài có rất nhiều của cải - nguồn cung cấp vô hạn ! Căn cứ vào lời hứa này, chúng ta tin chắc rằng Chúa muốn bạn không bao giờ thiếu bất kỳ điều tốt lành nào. Tác giả Thi-thiên viết, "Sư tử tơ còn thiếu thốn đói khát, nhưng những người cầu khẩn CHÚA không thiếu một điều tốt lành nào" (Thi 34:10). Thiếu thốn và nghèo thiếu không phải là sự sống sung mãn, vì thế nó không thể là ý muốn Chúa cho đời sống bạn.
Kinh Thánh tuyên bố danh thơm tốt hơn của cải hay dầu quý của Chúa (xem Châm 22:1; Truyền đạo 7:1). Nếu chúng ta không thể trả nợ, chúng ta mang tiếng xấu. bạn tưởng tượng đang cố làm chứng về Chúa cho người chủ nhà của bạn trong khi bạn không đủ tiền trả tiền thuê nhà đúng hẹn ? Tại sao người đó lại lắng nghe vì bằng cớ đời sống bạn không hợp với lời làm chứng của bạn ? Tuy nhiên, nếu người chủ nhà thấy Chúa chu cấp cho bạn và phải nói lời tạm biệt vì sự chu cấp của Chúa khiến bạn mua được căn nhà thay vì thuê nhà, lời chứng cho người vô tín thật hiệu quả biết bao ? Lời Chúa công bố, "Anh chị em sẽ cho nhiều dân tộc vay nhưng sẽ không vay mượn của ai cả" (Phục 28:12). Thật là một lời làm chứng sống động khi chúng ta tự do khỏi nợ nần – không vay mượn ai – mà lại "cho nhiều dân tộc mượn" bằng cách chia sẻ sự dư dật với người khác và dâng hiến cho công việc của tin lành.
Từ những câu Kinh Thánh này, rõ ràng là Chúa muốn đi thêm hơn là chỉ đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Dường như là Ngài muốn chúng ta thịnh vượng. Hãy nghe ý muốn của Ngài trong lời cầu nguyện của sứ đồ Giăng : "Anh thân mến ! Tôi cầu chúc (hơn hết) anh được thịnh vượng trên mọi mặt, được mạnh khỏe về phần xác cũng như vẫn thịnh vượng về phần hồn" (3Gi 2). Bạn có để ý những chữ trong ngoặc hơn hết (theo Kinh Thánh tiếng Anh) không ? Hơn bất cứ điều gì khác, Chúa muốn bạn, con cái Ngài, được thịnh vượng và khỏe mạnh. Để tôi nói lại: hơn hết. Hơn bất cứ điều gì khác ! Nếu lời cầu nguyện của sứ đồ Giăng không phải là ý Chúa thì lời này không được chép trong Kinh Thánh. Chúa không bao giờ phóng đại hay nói quá. Ngài không làm việc này, vì làm thế là nói dối và Chúa không thể nói dối. Nên bạn có thể tin lời này, hỡi đọc giả : ý muốn Chúa trên hết mọi sự dành cho bạn là được thịnh vượng và khỏe mạnh. Thật lạ lùng !
Sự thịnh vượng là gì ? Có nhiều đến độ không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của bạn mà còn cho nhu cầu của những người mà bạn ảnh hưởng. Nói cách khác, tiền bạc không bao giờ là yếu tố quyết định trong việc giảng tin lành cho những người mà Chúa kêu gọi bạn giảng trong Danh Ngài. Nếu vậy thì tại sao lời Chúa công bố, "Nhưng phải tưởng nhớ CHÚA, Đức Chúa Trời anh chị em vì chính Ngài đã ban cho anh chị em khả năng để tạo dựng sự nghiệp với mục đích thực hiện giao ước Ngài đã thề hứa với các tổ tiên." (Phục 8:18) ?
Chúa không chống lại việc chúng ta sở hữu tiền bạc. Điều mà Ngài chống lại là tiền bạc "sở hữu" chúng ta. Tiền bạc không phải là căn nguyên của mọi tội ác; tham tiền mới là tội. Ý Chúa cho bạn là được thịnh vượng trong mọi lĩnh vực, kể cả tài chánh.
Nhiều tín hữu non trẻ hay chưa trưởng thành bị tranh chiến trong những lĩnh vực của cuộc sống mà chúng ta vừa mới bàn qua. Tuy nhiên, một khi chúng ta lập nền chắc chắn trong sự kiện rằng Chúa không phải là tác giả của hổ nhục, mặc cảm tội lỗi, định tội, bệnh tật, đau yếu, ốm yếu thể xác, thiếu thốn hay nghèo thiếu thì rất dễ để phân biệt các lĩnh vực khác bị kẻ thù tấn công. Chúng ta được định để chiến đấu thật sự trong cuộc sống - cuộc chiến thuộc linh nhằm lấy lại phần đất cho Nước Chúa.
Hãy biết điều này trong lòng bạn khi bạn bước vào cuộc chiến : Nếu sự chống đối được liệt vào hạng là cướp, giết và hủy diệt thì nó không liên hệ gì đến Chúa. Nó đến từ thế lực của satan, kẻ muốn làm nản lòng bạn, đánh bại và cắn nuốt bạn. Bạn và tôi phải chống lại chúng cách không nao núng để nhìn thấy Nước Chúa bày tỏ dưói đất như ở trên trời.
JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn, Ngô Minh Hoà, dịch)