Từ bài giảng luận "Ưu Tiên Một"
CN March 30, 2014 - Hội Thánh North Hollywood
Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. (Ma-thi-ơ 6:33)
[cũng nên đọc Ma-thi-ơ đoạn 6 này từ câu 24 đến câu 34 ]
Đừng lo lắng gì hết! Tôi được nhắc nhở luôn như vậy mỗi khi học phân đoạn Kinh Thánh này. Tôi cũng thường tự nói với lòng rằng chẳng có gì phải lo vì có Chúa luôn vùa giúp tôi trong mọi việc, như lời Ngài đã hứa. Thế mà cứ lo, càng được động viên càng lại vướng mắc bao nhiêu chuyện tưởng như là có thể làm vỡ tung cái đầu của tôi. Mà tôi lo được đến đâu? Từ căn bản của lời khuyên trên đã làm tôi thấy lo.
Cả cái thế gian này sống được nhờ vào tài chánh công cũng như tư, toàn thế giới đang hoạt động đa phần dựa vào kinh doanh cái ăn, cái mặc. Chỉ là thay đổi theo thời gian thôi chứ làm sao loại bỏ thị trường béo bở của nhu cầu căn bản được nâng cấp ngày càng choáng ngợp này. Vậy mà lời Chúa khuyên tôi là đừng quá nặng lòng với chúng. Tôi hơi chột dạ, những lời này có còn phủ hợp với hoàn cảnh sống của tôi trong cái thế giới hào nhoáng quá hấp dẫn này không? Xin thưa ngay, Lời Chúa không biến dời, chỉ có tôi muốn kéo giản lẽ thật theo ý muốn của mình và coi đó như là mẫu mực có thể chấp nhận được. Và cũng vì thế tôi càng thấy lo nhiều hơn khi phải học đi học lại điều căn bản mà Chúa thật sự muốn đặt vào trong lòng để làm nền tảng cho cả cuộc đời tôi.
Xem lại lời Chúa Giê-xu phán ở Phúc Âm Ma-thi-ơ đoạn 6 câu 24: "Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa". Một sự phân định rạch ròi không thể nhầm lẫn được, Đức Chúa Trời hoàn toàn không phải là Chúa tiền bạc. Điều đó là hiển nhiên vì tiền bạc không do Chúa tạo nên mà là sản phẩm của con người. Có người sẽ chỉ cho tôi điều này: Đức Giê-hô-va có phán "Bạc là của ta, vàng là của ta" (A-ghê 2:8). Phải, đó là những thứ vật chất Chúa tạo ra, con người ấn định cho chúng có giá trị đỉnh cao và luôn muốn sở hữu. Tôi có thể chuyển đổi chúng thành tiền, thành tài sản của mình, nhưng tôi ơi! Chúa Giê-hô-va nhắc điều này để chỉ ra rằng dân sự Ngài dùng những quý kim để làm vinh hiển cho đền thánh của Ngài, còn sự vinh hiển thật từ Chúa lớn gấp vạn lần hơn. Tôi dựa vào đó để xin Chúa chuẩn chi cho những công việc tôi gọi là "vì Danh Chúa"? Điều tôi phải quyết định là theo Đức Chúa Trời hay theo Ma-môn, không thể nhập nhằng muốn nắm lấy cả hai bên. Chúa Giê-xu đã có một kết luận rất minh bạch trong việc này: "Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài", không phải tôi tìm đến với Chúa để nhờ cậy Ngài thoả mãn nhu cầu theo cách nhìn của trần gian này, tôi cần thật lòng mong muốn để trở thành công dân của nước Trời và chấp nhận một nếp sống công bình theo chuẩn duy nhất của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không hề khuyến dụ tôi bằng sự giàu có của Ngài, điều đó chỉ là sự tưởng tượng của tôi thôi. Chữ "cho thêm" tiếp theo hàm ý "cùng với những nhu cầu căn bản kể trên", không hơn, nghĩa là tôi sẽ có đủ ăn, đủ mặc như người ta, đừng vẻ thêm chuyện.
Trở lại với sự so sánh của Chúa Giê-xu trong vấn đề ăn mặc này. Ngài nói: tôi, một con người, "chẳng phải là quý trọng hơn loài chim sao?" (câu 26). Tôi phải làm sao đây khi tôi có nhiều nhu cầu hơn chú chim kia? Ngày nay, tôi bị lọt thỏm vào trong ma trận của việc ăn uống, không còn là ăn uống thông thường như ngày xưa mà đúng là luôn lo lắng phải "ăn thứ gì, uống thứ gì?". Tôi không thể lo cho "đời mình dài thêm một khắc", nhưng tôi lại bị ám ảnh bởi ăn uống có thể làm đời tôi ngắn đi nhiều khắc; để rồi, không còn đơn thuần là lo lắng, ẩm thực trở thành mối đe doạ đè nặng trên sự sống hằng ngày của tôi. Chẳng những tôi bị ràng buộc bởi một thực đơn dinh dưỡng nghiêm khắc, tôi còn phải lệ thuộc nhiều vào những thứ trợ giúp khác nếu không thì e rằng khó mà sống khoẻ. Tôi vẫn không buông tay Chúa nhưng hình như tôi luôn "bắt cá hai tay". Đó là cách tôi làm để gọi là quý trọng sự sống, thân thể mình theo ý Chúa sao?
Đức Chúa Trời không biến tôi thành một vật thể tiêu cực, Chúa không buộc tôi phải theo Ngài như những nô lệ vô hồn, vô cảm, vô tri, vô giác. Chúa muốn tôi bước vào một thế giới thật sự hạnh phúc, thế giới của Chúa. Điều tôi phải quan tâm duy nhất là được sống và sống xứng đáng trong nước của Chúa; còn mọi việc khác, Đức Chúa Trời đều biết cả và Ngài đã chuẩn bị để tôi ở với Ngài mà không cần lo lắng đến ba cái thứ vớ vẫn đó. Chúa Giê-xu phán như vầy: "dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó" (câu 29). Tôi biết Chúa toàn năng, nhưng sao tôi cứ thích chạy theo thời trang hết năm này qua năm khác? Tôi ưa tìm kiếm cái bề ngoài coi cho được hơn người khác à?
Tôi tìm đến với Chúa vì nhu cầu có giá trị đời đời, Chúa không muốn thấy tôi cứ loay hoay với những "mọi điều các dân ngoại vẫn thường tìm" (câu 32). Tôi không nên đặt mình dưới áp lực của những nhu cầu tầm thường đó; rồi lại than vãn, kể lể, kêu xin với Chúa ngày này qua ngày kia. Chúa muốn tôi cảm nhận được hạnh phúc ngay hôm nay với Chúa. Còn ngày mai? "Ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy". Trong thời biểu sống, Chúa đã tính cả sự khó nhọc đủ cho tôi rồi, đừng lo!