Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 789

Ân Điển Là Quyền Năng Chúa Ban Cho Chúng Ta

Vào năm 2009, chúng tôi tổ chức một cuộc khảo cứu khắp nước Mỹ, đặt câu hỏi cho hàng ngàn tín đồ được tái sanh, tin Kinh Thánh, từ nhiều giáo phái và hội thánh độc lập. Cuộc khảo cứu này yêu cầu các tín hữu "đưa ra bốn định nghĩa về ân điển Chúa." Phần lớn những người trả lời định nghĩa ân điển Chúa là (1) sự cứu rỗi; (2) món quà không đáng để nhận; và (3) sự tha tội.

Tôi rất vui là tín đồ Mỹ hiểu được chúng ta được cứu bởi ân điển và chỉ bởi ân điển. Sự cứu rỗi không đến bởi việc được rảy nước, đi dự nhóm, giữ luật lệ tôn giáo hay làm việc lành nhiều hơn làm điều ác. Êphêsô 2:8-9 nói rõ, "Thật vậy, nhờ ân sủng, bởi đức tin mà anh chị em được cứu rỗi, đây không phải tự sức anh chị em, nhưng là một tặng phẩm Đức Chúa Trời ban, cũng không phải do công đức anh chị em làm, để không ai có thể khoe mình." Thật an tâm khi biết các cơ đốc nhân đã hiểu biết vững vàng rằng ân điển Chúa không thể "mua" hay đoạt lấy mà được nhận lãnh chỉ bởi đức tin nơi công tác cứu chuộc của Chúa Cứu Thế tại Gôgôtha.

Cuộc khảo cứu cũng cho thấy rằng, nói chung, cơ đốc nhân Mỹ biết ấy là bởi ân điển Chúa mà tội lỗi chúng ta được tẩy xóa. Êphêsô 1:7 xác nhận lẽ thật kỳ diệu này : "Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta nhờ huyết Ngài được cứu chuộc, được tha thứ các tội phạm theo lượng ân sủng phong phú." Chính món quà miễn phí của Chúa đã tha thứ tội lỗi chúng ta đời đời. Cảm tạ Chúa !

Nhưng đây là điều đáng buồn mà cuộc khảo cứu này bày tỏ. Chỉ 2 phần trăm trong số hàng ngàn người được khảo cứu tin rằng "ân điển là quyền năng của Chúa." Tuy nhiên đây chính là cách Chúa mô tả ân điển của Ngài: Ân sủng Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. (2Cô 12:9). Đức Chúa Trời định nghĩa ân điển Ngài là quyền năng của Ngài. Tuy nhiên, theo cuộc khảo cứu, chỉ 2 phần trăm cơ đốc nhân Mỹ biết và hiểu nghĩa này. (Con số thật sự là 1,9 phần trăm. Thật đáng báo động!).

Ý này cũng được tìm thấy trong lời khen của Phaolô về các tín hữu người Maxêđoan : "Chúng tôi muốn anh chị em biết về ân sủng của Đức Chúa Trời đã ban cho các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan. . . Tôi xin làm chứng, không những họ đã tự nguyện quyên góp theo khả năng, nhưng còn vượt quá khả năng nữa." (2Cô 8:1-3). Ân điển Chúa giúp cơ đốc nhân người Maxêđoan có thể dâng vượt quá khả năng của họ. Đó là ân điển – đó là quyền năng của Chúa. Sau khi đọc cẩn thận mỗi câu trong Tân ước về ân điển, sau nhiều giờ nghiên cứu các từ điền Hy lạp mà tôi có trong tay, sau khi nói chuyện với những người nói tiếng Hylạp, định nghĩa tóm tắt của tôi về ân điển như thế này : Ân điển là quyền năng miễn phí của Chúa ban cho chúng ta khả năng để làm vượt quá khả năng tự nhiên của chúng ta.

TẠI SAO LẠI ĐÁNG BUỒN NHƯ THẾ ? Tại sao lại có sự thật đáng buồn là chỉ 2 phần trăm cơ đốc nhân Mỹ hiểu được ân điển là quyền năng? Hãy để tôi minh họa bằng một ví dụ giả thử :

Lấy ví dụ là chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng có một bộ lạc ít người sống gần khu rừng rậm ở vùng xích đạo tại Châu Phi. Chúng tôi nhận biết rằng bộ lạc này mỗi ngày phải đi bộ hai dặm đường để lấy nước sạch từ nguồn suối. Rồi họ phải gánh nước về lều của họ để cung cấp nước cho dân làng của họ.

Những người nam của bộ lạc phải vào rừng săn tìm thú rừng. Đôi khi sau khi giết được con linh dương hay con hươu, họ phải vác xác con thú đó đi bộ từ tám đến mười dặm để về lại lều của họ. Mỗi khi họ cần thức ăn mà họ không thể tìm thấy trong rừng, họ phải đi bộ hơn ba mươi lăm dặm đến ngôi làng gần nhất, mua bán hay trao đổi đồ để lấy thức ăn rồi mang về lều của họ. Sau khi biết được sự thật này chúng tôi quyết định tặng cho dân làng một món quà. Chúng tôi sẽ ban cho họ một hồng ân khi làm ơn giúp họ (đây là định nghĩa của ân điển được Strong đưa ra). Chúng tôi quyết định mua cho dân làng một chiếc xe tải mới Land Rover. Chúng tôi mua chiếc xe này, đóng thùng gởi sang lục địa Châu Phi, và đích thân chúng tôi lái tới chỗ ở của họ. Sau khi đậu gần đó, chúng tôi vào rừng rậm, mời vị tộc trưởng và dân làng ra xem chiếc xe tải này. Với nụ cười to, chúng tôi tuyên bố, "Đây là món quà của chúng tôi dành cho quý vị!". Chúng tôi mời vị tộc trưởng ngồi ghế phía trước trong xe. Một người trong chúng tôi ngồi ghế tài xế và cho nổ máy. Chúng tôi vui vẻ giải thích, "Thưa tộc trưởng, chiếc xe này thật kỳ diệu! Nó có máy lạnh! Nếu nhiệt độ bên ngoài 108 độ F thì ông chỉ cần bật công tắc và điều chỉnh đến số 75 thì ông sẽ có được 75 độ F nóng thoải mái dù nhiệt độ bên ngoài rất nóng." Ông biết công dụng của nó không ? Ông có thể nghe những chương trình phát thanh từ khắp nơi trên thế giới trong lúc ông ngồi trong xe." Ông có thể nghe phát thanh trực tiếp từ đài BBC ở Anh - vị tộc trưởng vô cùng ngạc nhiên.

"Thưa tộc trưởng, chưa hết. Chúng tôi cũng cài đầu chạy đĩa DVD trong xe." Chúng tôi lấy một số đĩa DVD, cho vào máy, nhấn nút chạy và vị tộc trưởng ngạc nhiên khi ông nhìn thấy màn hình chiếu phim màu."Nhưng còn nữa! chiếc xe này cũng có đầu đĩa chạy CD." Chúng tôi cho đầu đĩa CD thờ phượng vào và vị tộc trưởng kinh ngạc khi chiếc xe đầy bầu không khí nhạc thờ phượng Chúa. Rồi chúng tôi ra khỏi xe và vị tộc trưởng hỏi, "Chúng tôi phải đưa bao nhiêu tiền để nhận món quà đắc giá này?". Chúng tôi trấn an ông, "Không đưa gì cả. Ông không thể mua chiêc xe này từ chúng tôi. Đây là món quà chúng tôi tặng cho ông và dân làng của ông. Chúng tôi yêu thương hết thảy quý vị !".

Vị tộc trưởng và dân làng rất biết ơn. Chúng tôi chào tạm biệt. Nhưng nhiều tháng sau, chúng tôi phát hiện ra rằng bộ lạc này vẫn còn đi bộ bốn dặm mỗi ngày để lấy nước. Họ vẫn còn đi nhiều dặm để đi săn và vác thịt rừng về lều của họ, và họ vẫn còn đi bộ ba mươi lăm dặm để kiếm thức ăn ở làng lân cận. Tại sao ? Bởi vì chúng tôi quên nói cho họ biết là chức năng chủ yếu của chiếc xe tải này là vận chuyển. Chúng tôi chỉ cho vị tộc trưởng mọi thứ ngoại trừ một tính năng quan trọng nhất : chiếc xe tải này sẽ chở quý vị đến bất cứ nơi nào quý vị cần đi và sẽ chở hàng hóa cho quý vị.

Tương tự, nhiều cơ đốc nhân ở vị trí lãnh đạo đã không giảng cho cơ đốc nhân Tây phương biết rằng chức năng chủ yếu của ân điển Chúa là quyền năng của Ngài.

JOHN BEVERE