Từ bài giảng luận "Sự Khôn Ngoan"
CN June 29, 2014 - Hội Thánh Norwalk
Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng. (Châm Ngôn 2:6)
Trừ khi đâu đó rạch ròi không còn phương cách nào chạy chữa, ít có ai chịu nhận mình là không khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan. Tôi cũng vậy! Trên cái đất nước văn minh xem như đứng hàng đầu thế giới này, mấy ai chịu thua ai, cho dù là việc lớn hay việc bé tí; người nào cũng muốn tỏ ra mình đã quá từng trải, quá kinh nghiệm, cái gì cũng biết, cái gì cũng thông. Mọi người sống cạnh tranh từng ngày nên có lẽ vì vậy mà nếu có dịp, tôi cũng thích tỏ cho xung quanh biết rằng tôi cũng thuộc loại có hạng lắm đó nghe! "Khôn sống, mống chết" mà! Tuy nhiên, cách định nghĩa khôn ngoan của đời không giống như Thánh Kinh định chuẩn, dầu rằng cả hai đều công nhận sự khôn ngoan phát xuất từ một Thượng Đế. Tôi không dám lạm bàn về sự khôn ngoan trong thế gian này, bởi tôi chẳng biết nhiều về các thiên tài, cũng chẳng mấy khi được gặp những người có khả năng thiên phú hay thiên bẩm. Tôi chỉ cố gắng nhìn lại một vài nét phát họa từ Thánh Kinh để xem mình có được chút nào sự khôn ngoan thật của người được gọi là con cái của Đấng ban cho khôn ngoan.
Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan. Phải, Đức Chúa Trời ban khôn ngoan cho tôi, và Chúa cũng ban cho mọi người một sự khôn ngoan giống y như vậy, cũng có một vài trường hợp quá đặc biệt như Giô-sép hay ông vua trẻ Sa-lô-môn ngày xưa. Quan trọng là việc tiếp theo sau đó, tôi sử dụng sự khôn ngoan như thế nào, với mục đích gì, theo hướng nào? Hãy nghe lại một nhận định của Thánh Kinh trong vấn đề này: "Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người, đặng xem thử có ai khôn ngoan, tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng. Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không" (Thi-thiên 14:2,3). Loài người dầu trước kia hay hiện nay, ai cũng dùng khôn ngoan để tìm kiếm lợi vật chất hay tinh thần cho riêng mình, trong khi khôn ngoan dưới mắt Thượng Đế là phải luôn hướng về Chúa, tìm kiếm Chúa và tôn vinh Ngài. Tôi là con cái Chúa, đương nhiên tôi có sự khôn ngoan hơn những người kia rồi! Tôi thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa, tôn cao Danh Chúa và tôi thường nói rằng tôi làm mọi việc là để vinh hiển danh của Thiên Chúa. Thế thì, tôi đã sở hưu sự khôn ngoan đó ra sao trên con đường đầy gian nan của người thuộc về Chúa?
Châm-Ngôn đoạn 2 có những câu mở đầu như vầy: "Hỡi con, nếu con tiếp nhận lời ta, dành giữ mạng lịnh ta nơi lòng con, để lắng tai nghesự khôn ngoan, và chuyên lòng con về sự thông sáng. Phải nếu con kêu cầu sự phân biện, Và cất tiếng lên cầu xin sự thông sáng, nếu con tìm nó như tiền bạc, Và kiếm nó như bửu vật ẩn bí ...". Không cần phải giải thích hay phân tích thêm cho tôi điều gì cả, chính ngay trong lời dạy của Thánh Kinh đã cô đọng đủ mọi yếu tố để thành hình trong tôi một "sự khôn ngoan từ trên mà xuống" theo như cách nói trong thư Gia-cơ. Một đứa bé con chập chửng cũng có những cảm thụ tự nhiên như vậy. Bé tiếp nhận những lời nói của cha mẹ, ông bà và những người bé gặp; bằng cách nào đó bé ghi nhớ, cứ nghe đi nghe lại vài lần, rồi thì đến khi đúng cơ hội, bé phát biểu những lời đơn giản mà mọi người phải kêu lên rằng: "Cháu nó khôn quá! Ai dạy mà khôn lanh thế?". Tôi tiếp nhận sự khôn ngoan từ Chúa giống như một đứa trẻ với lòng dạ trinh nguyên hay tôi cầu xin khôn ngoan để mưu toan cho việc tìm kiếm những thứ tôi cần giữa đời này? Nếu tôi chân chỉ tìm kiếm sự khôn ngoan của Chúa ban tặng cũng giống như tôi cố công ráng sức tìm kiếm "tiền bạc", "bửu vật ẩn bí"; có lẽ đời tôi đã có những thay đổi lớn, dù chỉ với chừng mực tầm thường đó thôi.
Sự khôn ngoan sẽ phát triển mạnh khi tôi có một khởi đầu đúng. "Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng". Và, tôi không thể rời khỏi Chúa bởi mọi điều tiếp theo lại đến từ nơi Chúa và chỉ có Chúa mới "ban cho" thôi. Từ sự kính sợ Đức Chúa Trời, khôn ngoan trong tôi sẽ tăng trưởng khi tôi cứ tiếp tục học những tri thức, những hiểu biết từ nơi Chúa. Thế rồi nhờ đó tôi sẽ dần dà được thông sáng, tức thông hiểu rõ ràng hơn những việc Chúa thu xếp trên cuộc sống của tôi. Người ta tìm cách này cách kia để "thông thiên", Chúa bày sẵn cho tôi một con đường đơn giản. Người ta tốn tiền bạc công sức để mua tri thức, tôi sẽ có đủ tri thức cần dùng khi tôi chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa. Phao-lô nói với anh em ở Hội Thánh Phi-líp như thế này: "Điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn" (Phil. 1:9,10). Chúng ta hằng cầu nguyện cho nhau như vậy, thế nên Hội Thánh của Chúa luôn phải là một tập hợp của những người khôn ngoan thật, bởi "bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời", vì thật sự chỉ có "Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng".
Khôn ngoan không dành riêng cho Đa-ni-ên, mà còn thấy trong đời sống của Ha-na-nia, Mi-sa-ên, A-xa-ria của Thiên Chúa, dù cho họ có bị đẩy đến trước ngưỡng cửa sinh tử. Còn tôi thì sao?