Từ bài giảng luận "Tri Thiên Mạng"
CN July 13, 2014 - Hội Thánh North Hollywood
Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.
(1Cô-rinh-tô 13:12)
[đọc Thi Thiên 139]
"Tận nhân lực, tri thiên mạng". Thật thích thú khi bất ngờ tôi nghe kết nối ba chữ "tận nhân lực" với bốn yêu cầu trong điều răn lớn nhất của luật pháp Chúa: "Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi" (Mác 12:30). Lại càng khoan khoái hơn khi hóa giải được việc vô cùng huyền bí là "tri thiên mạng" bằng lời thú nhận chân thành của Phao-lô trong Phiên Khúc Tình Yêu 1Cô-rinh-tô 13, "ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy". Bằng tâm trạng nhẹ nhàng đó, tôi bước trở ngược lại với Thi thiên 139 của thi sĩ Đa-vít, cùng những phân tích hết sức tinh tế qua bài giảng luận, trong tâm trí tôi dần dần hiện lên những nét phát họa đơn giản về sự hiểu biết Chúa. Thi Thiên này bày tỏ tâm tình của một con người chấp nhận gắn liền trọn đời sống mình với Thiên Chúa Hằng Hữu, đó có phải là tôi không?
Cho dù chỉ nhắc đến một vài khía cạnh của sinh hoạt thường nhật, sáu câu đầu của Thi Thiên 139 đã có đến 5 chữ biết mô tả việc Đức Chúa Trời biết đến tôi bằng sự dò xét, xét nét, bằng sự bao phủ, đặt tay Ngài trên tôi. Đức Chúa Trời Toàn Tri, Ngài biết tất cả mọi sự, và hân hạnh thay, Chúa cũng quan tâm đến tôi, một tạo vật nhỏ bé mang lấy một chút thần khí của Ngài ban cho. Đứng trước sự vĩ đại của Chúa, trước tình yêu vô lượng vô biên của Ngài dành cho tôi, không có cách nào để tôi có thể hiểu thấu đáo. Dẫu vậy, cho dù tôi chỉ biết một phần rất ít về Chúa đến nỗi phải thốt lên rằng: "Sự tri thức dường ấy, thật diệu kỳ quá cho tôi, cao đến đổi tôi không với kịp!" (câu 6), tôi vẫn không có gì phải hổ thẹn khi tôi tự nguyện tìm biết Chúa với cả tấm lòng, cả linh hồn, với trọn trí khôn cùng sức lực mình hiện có. Tôi phải luôn tự nhắc nhở rằng Chúa biết tôi rõ mồn một; để rồi trong từng hành vi, cử chỉ, lời nói, nết ăn ở, nết suy nghĩ của tôi, tôi phải cẩn trọng vì đời sống mình đã nằm trọn trong tầm nhìn xuyên suốt của Đấng biết hết mọi sự.
Những câu thơ tiếp theo (câu 7 đến câu 16) mô tả một Đức Chúa Trời Toàn Tại, Ngài có mặt khắp mọi nơi trên thế giới này. Không gian và thời gian không thể ngăn cản được hiện diện của Đức Chúa Trời, nghĩa là không hoàn cảnh nào có thể phân cách giữa Chúa với tôi. Trước khi tôi thành hình như một vật chất chưa thể nhìn thấy bằng mắt cho đến khi tôi đi hết đoạn đường trần, ở bất cứ thời điểm nào, "tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, Tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi" (câu 10). Không chỉ nhận biết có Chúa luôn bên cạnh, lòng tôi phải cảm được tình yêu mà Chúa luôn dành cho tôi, vì lúc nào Ngài cũng quan phòng và làm ơn cho tôi. Tôi cần biết càng ngày càng hơn về Đức Chúa Trời, để tôi sống xứng đáng với Ngài và biết tạ ơn Chúa luôn luôn với cả tấm lòng, linh hồn, trí khôn và thân xác mình. Tận tâm, tận lực, tận trung, tận tụy trong sự kính yêu Chúa; tôi sẽ tận hưởng phước ân Chúa sẵn dành dẫu rằng tôi có phải trải qua những giây phút tưởng chừng như là đã ... tận mạng. Tôi có biết Đức Chúa Trời đủ để sống như vậy không?
Tôi biết Đức Chúa Trời Toàn Tri, tôi cũng biết Đức Chúa Trời Toàn Tại, dù sự hiểu biết của tôi đặt trên nền tảng đức tin và không biết đến bao giờ mới gọi là đủ. Thế nhưng, một câu hỏi mọi người luôn đặt ra cho tôi là "làm sao để biết ý Chúa?". Thánh Kinh cũng đã xác nhận điều này: "Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu" (Ê-sai 55:8,9). Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng không giấu kín câu trả lời, một trong số những lời giải đáp nằm ngay trong phần cuối Thi Thiên thứ 139 này. Đức Chúa Trời Toàn Năng đã làm nên mọi vật, Ngài cho phép mọi sự chạm vào đời sống tôi để tôi nắm bắt được các tư tưởng lớn, quí báu và nhiều hơn cát của Ngài, miễn là tôi chịu tỉnh thức với Chúa (câu 17,18). Nguyên tắc mà Chúa muốn tôi noi theo là lìa khỏi con đường gian ác của thế gian (theo định nghĩa của Chúa) và tìm kiếm sự công bình trong nước công bình của Ngài. Lời cầu nguyện nhắc nhớ tôi từng ngày vẫn vang dội: "Xin chớ để chúng con bị cám dỗ mà cứu chúng con khỏi điều ác". Tôi không còn đứng trong hàng ngũ của những kẻ bị Đức Chúa Trời lên án, nhưng là một trong những chứng nhân được Chúa đặt giữa đời thường này để "Danh Cha được thánh, Nước Cha được đến", cũng để "Ý Cha được nên, ở đất như trời!" (Ma-thi-ơ 6:9-13).
Bởi thế cho nên, tôi cần "tận nhân lực" hạn chế của tôi, để "tri thiên mạng", cái mạng sống hèn mọn này được Đức Chúa Trời làm mới lại từ sự hiện diện thường trực, với quyền năng và lòng thương xót của chính Ngài trong tiến trình thánh hóa tôi. Tôi xin thưa với Chúa rằng: "Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi. Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, Xin dắt tôi vào con đường đời đời" (câu 23,24).