Từ bài giảng luận "Những Bước Chuẩn Bị Cho Sự Hiệp Một"
CN Ạug 25, 2014 - Hội Thánh North Hollywood
Này, hòm giao ước của Chúa cả thế gian đi trước các ngươi vào sông Giô-đanh. (Giô-suê 3:11)
[Đọc Giô-suê đoạn 3]
Có nhiều điểm khác biệt giữa lần chạy bộ trối chết qua Biển Đỏ bốn mươi năm trước của thế hệ cha ông với lần vượt sông Giô-đanh nhàn hạ này của con cháu Y-sơ-ra-ên. So sánh giữa hai biến cố của hành trình về đất hứa là một chuyện khá lý thú, dù không giống nhau hay có ít điểm tương đồng. Tuy nhiên, lần này chỉ muốn suy nghĩ về một khía cạnh của đức tin. Ngày trước bằng đức tin của mỗi một Môi-se đưa tay lên trước biển lớn, nước đã phân rẽ ra để mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên đoạn tuyệt với một quá khứ nô lệ. Lần này, một thế hệ mới của tuyển dân rời trung tâm huấn luyện đầy gian nan nơi sa mạc khô cằn, vượt sông mùa nước nổi, đặt những bước chân đức tin lên miền đất hứa đượm sữa và mật.
Thế hệ trẻ của Y-sơ-ra-ên đã được nuôi dạy trong thăng trầm đức tin từ thế hệ đi trước. Các tiền nhân đã gục chết trong đồng vắng vì bội tín, và lúc này là thời điểm để nhắc lại một giao ước đời đời với hậu bối, bắt đầu từ đức tin của một người được chọn lựa là Giô-suê. Có một điểm đáng chú ý nếu so sánh giữa hai lời nói được ghi trong câu 7 và câu 9 của sách Giô-suê đoạn 3 này. "Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Ngày nay ta khởi tôn ngươi lên trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, để chúng nó biết rằng ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se vậy" (câu 7), rồi "người (Giô-suê)nói: Nhờ điều này các ngươi sẽ biết rằng Đức Chúa Trời hằng sống ngự giữa các ngươi" (câu 10). Giô-suê không xum xoe với lợi thế bản lãnh cá nhân mình, nhưng mục tiêu của ông luôn luôn là tôn vinh Chúa Giê-hô-va. Một đức tin như vậy thật đáng để khởi đầu cho một chuỗi nối kết nhiều đức tin và lan rộng ra trong cộng đồng có nhiều cấp bấc đức tin thấp hơn.
Giô-suê nghe lời phán dặn của Đức Giê-hô-va, người truyền lại chính xác những động thái cần thiết cho các thầy tế lễ, một tập thể có trách nhiệm trước Chúa và trước dân sự, những người được biệt riêng để phục sự Chúa. Dưới tay của lãnh đạo đầy ơn là những người sẵn lòng vâng phục để thực hiện ý chỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Lãnh Đạo Tối Cao. Đức tin của Giô-suê vững lập từ Lời của Chúa tuyên phán với ông, đức tin của các thấy tế lễ vững vàng vì trong tay của họ là giao ước của Chúa ở giữa dân sự. Bằng đức tin đó, những người hầu việc Đức Giê-hô-va không hề bị giao động khi đứng giữa lòng sông Giô-đanh mùa nước lớn. Người hầu việc Đức Chúa Trời ngày nay vẫn không hề thiếu ơn lớn tương tự như vậy, bàn chân họ luôn vững mạnh khi trung tín thi hành thánh chức để chuyển giao đức tin cho cộng đồng tôn kính Chúa. Bước cùng với những tôi tớ thánh này là mười hai người được chọn từ các chi phái của dân Y-sơ-ra-ên. Từ lòng đến lòng, đức tin tràn ra để người nọ tiếp nối người kia lớn lên trong đức tin nơi Chúa Hằng Hữu, và họ cũng được Chúa giao cho phần việc góp sức vào phép lạ (đọc ở đoạn 4 tiếp theo).
Có thể nói thêm một điều nữa. Dân sự có thể không hiểu nỗi, hay biết đâu có người không tin vào phát lệnh của thủ lãnh Giô-suê. Có thể họ cũng không an tâm đi vào con đường được mở băng ngang dòng sông dữ bởi phái đoàn các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước; nhưng họ có lòng tin vào thân nhân của họ khi đại diện này đặt những bước chân không dè dặt đến tận giữa lòng sông. Họ cất bước theo sau bằng đức tin hết sức tầm thường đó. Giê-hô-va Đức Chúa Trời chắc cũng chỉ muốn như vậy, những người đi trước dẫn dắt kẻ theo sau, cứ thế họ sẽ học tập để lớn dần trong đức tin, việc đó nằm trong kế hoạch lâu dài của Chúa.
Có thể ở mỗi mức độ đức tin có một cảm nhận, một thái độ, một cách biểu hiện không giống nhau; nhưng chung qui mọi lòng đều phải hướng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong hành trình tâm linh. Sự hiện diện của Chúa sẽ làm nên những điều lạ lùng trong đời sống của những con người tầm thường được kết hợp lại thành tuyển dân của Chúa. Chúa không muốn ân điển của Ngài dừng lại trên một Giô-suê nào đó, ơn rời rộng của Chúa cũng không dành riêng cho một thành phần được biệt riêng. Chúa cũng chẳng thích chỉ những người đại diện của gia tộc, gia đình, phân ban hay nhóm nhỏ … thay mặt tập thể nếm trải phước hạnh trong sự vâng lời, trung tín và làm theo mệnh lệnh của Chúa. Đức Chúa Trời đầy quyền năng muốn mọi người đều ở trước sự hiện diện vinh hiển, tình yêu vô lượng vô biên, sự quan phòng chi li của Ngài; với sự sẵn lòng ngửa tay đón nhận phước hạnh dư dật do chính Chúa ban đều khắp.
"Những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va dừng chân vững trên đất khô giữa sông Giô-đanh trong khi cả Y-sơ-ra-ên đi qua trên đất khô, cho đến chừng cả dân đã qua khỏi sông Giô-đanh rồi" (câu 17). Đó chỉ là kết thúc của một thời kỳ khó khăn để bước vào tương lai cảm biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời mà tôi hết lòng thờ kính. Trong thuận thời hay trong nghịch cảnh, trong an lành hay trong nguy cấp, trong hanh thông hay trước những cản trở tưởng chừng như không lối thoát; tôi có nghe thấy tiếng Chúa phán với tôi, tôi có nắm chắc lấy giao ước đời đời của Ngài, tôi có vững lòng tin đặt tiếp những bước quyết định, do lòng nhìn thấy sự hiện diện của Chúa cùng đi với tôi trên mọi nẻo đường gập ghềnh của cuộc đời đầy nguy hiểm này?