Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 823

Thánh Linh Kiểm Soát

Khi chúng ta trở thành những Cơ Đốc Nhân, Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự đến và sống trong chúng ta. Khi ấy, Ngài bắt đầu giao tiếp với chúng ta. Chúng ta cần học biết để nghe được tiếng phán của Ngài. Chúa Giê-su đã phán rằng chiên Ngài (tức là những kẻ đi theo Ngài) sẽ nhận biết tiếng phán của Ngài (Giăng 10:4-5). Chúng ta nhận biết giọng nói của một người bạn thân qua máy điện thoại ngay lập tức. Nếu chúng ta chưa biết rõ người ấy lắm, thì có lẽ khó nhận ra hơn và cần phải có thêm nhiều thời gian. Càng quen biết Chúa Giê-su, chúng ta càng dễ nhận biết tiếng phán Ngài.

Ví dụ, chúng ta thấy Phaolô và những bạn đồng hành của ông, dự định vào đất Bithini ‘nhưng Thánh Linh của Chúa Giê-su không cho phép’ (Công vụ 16:7). Vì vậy họ đã chọn đường khác. Chúng ta không biết đích xác Thánh Linh đã phán thế nào với họ, song đó có thể là một trong số các phương cách. Dưới đây là ba ví dụ về cách Chúa phán qua Thánh Linh Ngài.

1. Ngài thường phán với chúng ta trong lúc cầu nguyện.

Cầu nguyện là cuộc trao đổi hai chiều. Giả sử tôi đến gặp bác sĩ và bảo: "Thưa bác sĩ, tôi gặp phải một số những vấn đề: Tôi bị nấm dưới móng chân; tôi bị bệnh trĩ; mắt tôi ngứa ngáy; tôi cần chủng ngừa bệnh cúm; tôi bị chứng đau lưng và bị sưng khuỷu tay vì chơi banh". Và rồi sau khi đã kê khai các khoản mục than phiền, tôi liếc nhìn đồng hồ và kêu lên: "Thôi chết, muộn mất rồi. Tôi phải đi đây. Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều vì đã nghe tôi nói". Vị bác sĩ hẳn sẽ bảo: "Đợi một giây đã. Vì sao ông không nghe tôi nói?" Nếu như có lúc nào chúng ta cầu nguyện mà chúng ta chỉ thưa trình với Chúa và chẳng bao giờ dành thì giờ để lắng nghe Ngài phán, thì chúng ta đã phạm phải lỗi lầm tương tự. Trong Kinh Thánh chúng ta tìm thấy Chúa phán với dân sự Ngài. Ví dụ trong một dịp khi các Cơ Đốc Nhân đang thờ phượng Chúa và kiêng ăn, Đức Thánh Linh đã phán rằng: "Hãy để riêng Banaba và Saulơ cho ta để làm công việc mà ta đã kêu gọi họ". Vì vậy sau khi đã kiêng ăn và cầu nguyện rồi, họ bèn đặt tay trên hai người và cử họ ra đi. (Công vụ 13:2-3).

Một lần nữa, chúng ta không biết chính xác Thánh Linh đã phán như thế nào. Có thể trong khi họ cầu nguyện ý tưởng ấy đã đến với tâm trí họ. Đó là một cách thông thường Ngài hay phán. Đôi khi người ta mô tả nó như là ‘những ấn tượng’ hoặc cảm nhận điều đó ‘trong tận xương cốt’ Đức Thánh Linh có thể phán bằng tất cả những phương cách ấy.

Chắc chắn là những suy nghĩ và cảm nhận ấy cần phải được thử nghiệm (IGiăng 4:1). Điều đó có phù hợp với Kinh Thánh không ? Nếu không, nó không thể đến từ một Đức Chúa Trời yêu thương được (I Giăng 4:16). Nó có gây dựng, nâng đỡ và khích lệ không? (I Côrinhtô 14:3). Khi chúng ta quyết định, chúng ta có nhận được sự bình an của Chúa không ? (Côlôse 3:15).

2. Đôi khi Chúa phán với chúng ta bằng cách ban cho chúng ta một nỗi khao khát mạnh mẽ để làm điều gì đó.

‘Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài’ (Philíp 2:13). Khi chúng ta giao nộp ý muốn của mình cho Đức Chúa Trời, Ngài hành động trong chúng ta và thường thay đổi những ao ước của chúng ta. Một lần nữa rút ra từ chính kinh nghiệm của tôi, trước khi tin Chúa thì điều ưa thích bị xếp vào hàng chót của tôi trên trần gian nầy là trở thành mục sư thụ phong của Giáo hội Anh Quốc. Vậy mà khi tôi đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế và thưa rằng tôi sẵn sàng làm điều chi Ngài muốn tôi làm, và tôi khám phá thấy những khao khát của mình đã thay đổi. Bây giờ tôi không thể hình dung một đặc quyền nào lớn hơn hoặc một công việc nào trọn vẹn cho tôi hơn là việc mà tôi hiện đang đảm nhận trong lúc nầy.

Nhiều khi người ta cố hình dung ra điều mình không thích đảm nhận nhất rồi cho rằng Chúa sẽ đòi họ phải thực hiện đúng công việc ấy. Tôi không cho rằng Đức Chúa Trời thích như thế. Vì vậy đừng sợ mà nói rằng: "Nếu tôi tin Chúa, Ngài sẽ khiến tôi phải trở thành một nhà truyền giáo". Nếu đó là điều Ngài muốn bạn đảm nhận và ý muốn của bạn được dâng cho Chúa thì Ngài sẽ ban cho bạn một khao khát mạnh mẽ để làm công việc đó.

3.Nhiều khi Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta bằng nhiều cách khác thường hơn.

Có nhiều trường hợp trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời hướng dẫn các cá nhân bằng những cách thật lạ lùng. Ngài đã phán cùng Samuên khi còn là một cậu bé bằng lời rõ ràng để Samuên có thể nghe được (I Samuên 3:4-14). Ngài đã chỉ dẫn cho Ápraham (Sáng 18), cho Giôsép (Mathiơ 2:19) và dùng các thiên sứ để bày tỏ cho Phierơ (Công vụ 12:7). Trong Cựu Ước lẫn Tân Ước Ngài thường phán qua các tiên tri (như Agabút – Công vụ 11:17-28, 21:10-11). Ngài đã chỉ dẫn qua những khải tượng (ngày nay đôi khi được xem như ‘những sự hiện thấy’). Ví dụ, một đêm nọ, Đức Chúa Trời phán với Phaolô trong một khải tượng. Ông trông thấy một người ở tại Maxêđoan đứng nài xin ông: ‘Xin hãy đến Maxêđoan cứu giúp chúng tôi. Chẳng chút ngạc nhiên, Phaolô và các bạn đồng hành của ông đã tiếp nhận điều đó như một huấn thị rằng Chúa đã kêu gọi họ đến giảng Tin Lành cho xứ Maxêđoan (Công vụ 16:10).

Chúng ta cũng tìm thấy những trường hợp Chúa chỉ dẫn qua các giấc mơ (như Mathiơ 1:20; 2:12-13, 22). Có lần khi tôi đang cầu nguyện cho một cặp vợ chồng là những người bạn tốt của chúng tôi. Người chồng mới tiếp nhận Chúa, còn người vợ, hết sức thông minh song cũng hết sức mạnh mẽ phản đối điều đã xảy đến với chồng mình, và cô ta có phần nào thù địch với chúng tôi. Một đêm nọ tôi mơ thấy một giấc mơ, trong giấc mơ đó tôi thấy gương mặt cô ta hoàn toàn thay đổi, ánh mắt cô tràn ngập niềm vui của Chúa. Điều đó khích lệ chúng tôi tiếp tục cầu nguyện và giữ sự thân gần với họ. Một vài tháng sau đó cô ta đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Tôi còn nhớ khi nhìn vào gương mặt của cô tôi đã thấy lại gương mặt mình đã thấy trong giấc mơ trước đó vài tháng.

Tất cả những điều đó đều là những cách Chúa đã dùng để hướng dẫn loài người trong quá khứ và ngày nay Ngài vẫn còn dùng. Như đã thấy ở chương nói về Kinh Thánh, ngày nay Đức Chúa Trời vẫn phán qua Kinh Thánh, Ngài có thể phán với chúng ta đang khi chúng ta đọc Kinh Thánh. Tác giả Thi Thiên nói rằng: "Các chứng cớ Chúa là... những mưu sĩ tôi" (Thi Thiên 119:24). Ở đây không có ý nói rằng chúng ta tìm được ý muốn Chúa bằng cách mở Kinh Thánh bất cứ chỗ nào một cách ngẫu hứng để thấy điều Kinh Thánh phán. Nhưng khi chúng ta phát huy thói quen đọc Kinh Thánh đều đặn và có phương pháp, chúng ta bắt đầu khám phá thế nào phần Kinh Thánh đọc hằng ngày thật phù hợp hết sức kỳ diệu và dường như dành cho các hoàn cảnh riêng biệt của chính mình.

NICK GUMBEL (Theo Những Thắc Mắc Về Đời Sống)