Từ bài giảng luận "Mắt Tôi Đã Thấy Ngài"
CN Oct 05, 2014 - Hội Thánh North Hollywood
1 Gióp thưa với Đức Chúa Trời rằng: 2 Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, Chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm. 3 Kẻ nầy là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám ý chỉ của Chúa? Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến, Tức các sự lạ lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông biết. 4 Hỡi Chúa, xin hãy nghe, tôi sẽ nói; Tôi sẽ hỏi Chúa, Chúa sẽ chỉ dạy cho tôi. 5 Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: 6 Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, Và ăn năn trong tro bụi. (Gióp 42 1-6)
Điều chắc chắn là bằng mắt thường của mình, Gióp không thể thấy Đức Chúa Trời, cho dù tiền bối đã được nghe tiếng trả lời của Ngài giữa cơn gió lốc (xem sách Gióp từ đoạn 38 đến hết đoạn 41). Như vậy, tôi nghỉ rằng có thể lấy ý của một câu nói khác, cũng của một tiền bối đáng kính, để hiểu phần nào ý niệm "thấy Chúa" này: "Khi tôi còn trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ. Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy" (1Cô-rinh-tô 13:11,12).
Nhắc lại một đôi điều về Gióp. Ngay từ câu đầu tiên của sách văn thơ mang tên ông, Thánh Kinh đã định danh tánh của Gióp như thế này: "Tại trong xứ Út-xơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác". Điều này được lập lại hai lần nữa bởi Đức Chúa Trời khi Ngài gọi Gióp là "tôi tớ của Ta" trước mặt kẻ kiện cáo Sa-tan. Vậy thì Gióp biết Đức Chúa Trời nhiều lắm dù chưa bao giờ diện kiến với Ngài, người tôn kính Chúa hết mực và luôn bày tỏ lòng trung tín với Chúa trong nghi lễ trọng thể mỗi ngày cho mình và cho gia đình. Còn hơn thế nữa, khi mất tất cả tài sản lẫn con cái, lòng kính mến Chúa của Gióp không hề bị xao động, người nói: "Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!" (Gióp 1:21). Rồi đến lúc phải chịu đau đớn cùng cực với một thân thể đầy những ung độc từ đầu đến chân, người vẫn một lòng một dạ với Chúa: "Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?" (Gióp 2:10). Người còn tuyên bố: "Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài" (Gióp 13:15).
Trở lại với đoạn trích dẫn ở trên. "Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm" (câu 2). Không phải đợi đến lúc được nghe trực tiếp tiếng Đức Chúa Trời phán với ông, Gióp mới bừng tỉnh trong sự hiểu biết Chúa. Ngày nay, với những điều kiện, phương tiện, cơ hội nhiều hơn gấp bội thời xa xưa đó; tôi biết rằng Chúa chắc chắn làm được mọi sự, tôi cũng biết rằng ý Chúa được nên ở đất cũng như ở trên trời. Thế nhưng, vấn đề gút mắc nằm ở câu nói tiếp theo của tiền bối: "Kẻ nầy là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám ý chỉ của Chúa? Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến, tức các sự lạ lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông biết" (câu 3). Đúng y như vậy, đến khi tôi thật sự gặp Chúa, được nghe tiếng Chúa phán với mình, tôi mới nhận ra những kiến thức tôi tưởng đã đủ để tôi hãnh diện trước mặt anh em, trước mặt Hội Thánh, trước mặt Chúa chỉ là hạt cát so với sa mạc mênh mông; còn vô số điều vượt quá khả năng nhận thấy và thông hiểu của một con người. Vậy mà không ít khi tôi đặt vấn đề này kia với Chúa, tôi thích thử thách lòng nhân từ của Chúa; tôi vẽ vời nhiều kế hoạch, soạn thảo lắm chương trình, có khi còn ra điều kiện với Chúa nữa; cứ như mình ngon lành lắm, có công trạng, làm nhiều điều hữu dụng cho Ông Chủ Lớn, chỉ còn chờ Người lên tiếng để khen "Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia! Được lắm!". Có bao giờ tôi chịu nhận ra tôi đã "che ám ý chỉ của Chúa"? Tôi như vậy chỉ vì tôi vẫn cứ là kẻ "không hiểu biết gì" mà cứ đôi co với Đức Chúa Trời Toàn Tri, Toàn Năng.
Không như tôi tưởng và luôn tự hào, tự mãn, tự tin về chính mình; càng ở xa sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, tôi càng không nhìn thấy vết bẩn trong trí trong tâm của riêng mình. Cho đến khi tôi tiến đến gần và đứng trước sự thánh khiết rạng ngời của Chúa, tôi sẽ thấy mình hoàn toàn đáng xấu hổ để thưa với Chúa rằng "tôi lấy làm gớm ghê tôi". Khi nhận biết mình xấu xa, khi nhìn ra mình vẫn cứ ngu dại, đó sẽ là lúc mở ra cho tôi cánh cửa phước hạnh: tôi cần được Chúa thương xót và tôi biết mình không thể thiếu sự chỉ dạy của Chúa cho mọi vấn đề tôi sẽ gặp trên từng bước đường theo Chúa.
Gióp đã "thấy Chúa" khi nhìn lại mình và thấy mình chưa đủ tốt như Chúa muốn. Điều ông làm được để không gây thất vọng cho Chúa là: "Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời", "trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình" (Gióp 1:22; 2:10). Tôi biết Chúa đến mức độ nào? Tôi ơi! Nếu cho rằng mình cũng ngang tầm cỡ với tiền bối, thì cứ an tâm hưởng phước lành của Chúa ban cho. Bằng chẳng, tôi đáng thương kia ơi! Chớ có ngạo mạn mà khoe mình, đừng dừng lại ở việc "lỗ tai có nghe đồn về Chúa"; nhưng luôn dặn lòng trung tín học tập bằng mọi cách, trong mọi cơ hội, ở mọi hoàn cảnh Chúa cho phép, đến khi có thể hạnh phúc reo to lên rằng: "Bây giờ mắt tôi đã thấy Chúa".