Từ bài giảng luận "Đứng Lên Từ Thất Bại"
CN Oct 12, 2014 - Hội Thánh North Hollywood
Kế đó, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Hãy đem theo mình hết thảy quân lính, chổi dậy đi lên hãm đánh thành A-hi. Kìa, ta đã phó vào tay ngươi vua A-hi, dân sự, thành, và xứ của người. (Giô-suê 8:1) (cũng xem Giô-suê 7:1-9)
Mỗi khi nói đến thất bại của dân Y-sơ-ra-ên trước thành A-hi xưa kia, tôi liền nghĩ ngay đến tội đáng chết của A-can, không ai khác hơn, kẻ đã cả gan phạm cấm lệnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dặn trước khi tiến chiếm thành lớn Giê-ri-cô. Vậy mà hôm nay, khi nghe tuyên đọc chỉ một câu của Giô-suê đoạn 8 này, tôi nhận thêm ra vài điểm yếu từ lãnh đạo cao cấp lúc đó. Giá phải trả cho một sự chỉ đạo thiếu thận trọng là 36 mạng người và làm suy xụp nghiêm trọng tinh thần của toàn dân trước kẻ thù. Gán trách nhiệm lên người khác rồi phủi tay, không khó; nhưng nhìn thấy lỗi, nhận ra sai lầm trong quyết định của mình đối với công việc chung, cần đến sự cố gắng vượt qua chính mình, để nhìn nhận rằng: "Tôi sai rồi!". Sẽ thấy những khác biệt đưa đến hai kết quả trái ngược, khi so sánh các động thái của Giô-suê trước chiến trận A-hi cùng với lời Đức Giê-hô-va phán sau khi thi hành án tử trên A-can và toàn gia tại trũng A-cô.
"Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê". Sau thất bại nặng nề, bây giờ Giô-suê nghe Chúa phán với mình. Trước đó thì sao? "Ở Giê-ri-cô Giô-suê sai người đến thành A-hi gần Bết-A-ven, về phía đông Bê-tên, và truyền lịnh này rằng: Hãy đi lên do thám xứ" (Giô-suê 7:2). Không thấy nói đến một lời tường trình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Có thể biện minh một chút cho lãnh tụ: chuyện mờ ám của A-can trong một tập thể quá đông đảo làm sao Giô-suê có thể kiểm soát và phát hiện? Tuy nhiên, cho dù không hay biết, nếu người đem chuyện đánh A-hi trình với Đức Giê-hô-va, chắc rằng diễn biến sẽ khác. Có lẽ Giô-suê ngủ quên trên chiến thắng(?!), người đã không xin ý chỉ của Chúa Giê-hô-va, chỉ nghe theo báo cáo của các thám tử, "lấy làm vô ích đem cả dân sự đi lên đó; nhưng hãy cho chừng vài ba ngàn người đi lên đó mà đánh thành A-hi. Chớ làm cho mệt nhọc cả dân chúng đi đó; vì người A-hi ít quá" (Giô-suê 7:3). Đây cũng là một điều nhắc nhở cho tôi. Tôi không đảm đương trọng trách như Giô-suê, nhưng bầy nhỏ Chúa giao vào tay tôi cũng sẽ thất bại nếu tôi quá chủ quan trong quyết định lớn nhỏ. Tôi nghe theo từng trải, kinh nghiệm, khả năng, nhận định và khôn ngoan của tôi, của cộng sự thân tín, có thể là áp lực của tập thể; và đôi khi tôi còn trưng ra được vài lý do để "quên" trình công việc cho Đấng nhìn thấy tương lai. Như Giô-suê, sau biến cố, tôi sẽ khóc lóc mà chất vấn Chúa; tôi thưa rằng mình đã cố gắng, luôn trung tín, tận tâm tận lực, vì cớ Hội Thánh, vì Danh Chúa ... sao Chúa lại để cho ra đến nông nổi này? Tôi không nhìn thấy tôi đã sơ suất, chính tôi đã bất cẩn, chính tôi đã vô tình để Chúa đứng ngoài kế hoạch đang tiến hành. Tôi phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm không nên có đó.
"Hãy đem theo mình hết thảy quân lính, chổi dậy đi lên hãm đánh thành A-hi". Kế hoạch đánh chiếm A-hi của Giô-suê đơn giản, là bấy nhiêu đó đủ thắng rồi. Còn kế hoạch của Đức Giê-hô-va là hết thảy phải đồng lòng bước vào cuộc chiến, cùng nhau chiến đấu, dù cho A-hi chỉ là một thành khá nhỏ so với Giê-ri-cô. Trên con đường trường chinh thuộc linh này có biết bao "thành trì" lớn bé mà Hội Thánh phải chiếm lĩnh. Không thể giao khoán cho một nhóm, một bộ phận chuyên trách hay một tập thể, một cá nhân được chọn. Chính tôi phải tham gia vào chiến trận thuộc linh, tôi phải cầm gươm và chiến đấu chứ không đứng xa xa mà lớn tiếng hô hào thúc hối. Tôi phải học biết gian khổ cùng anh em, để được hạnh phúc với anh em trong phước ân từ Chúa. Không chủ quan khi ra trận, cũng không bi quan khi thảm bại. Dù cho tôi ở vị trí nào trong đoàn quân, tôi cũng luôn hạ mình xuống trước Chúa, than thở chứ không trách cứ Ngài. Tôi cần nhìn thấy mình đã sai từ đâu và lắng nghe tiếng Chúa phán dạy tôi.
"Kìa, ta đã phó vào tay ngươi". Mọi thành quả trong tiến trình hầu việc Chúa đều do Chúa phán quyết, bởi lòng nhân từ và thương xót của Chúa, là ân điển sẵn dành cho những đầy tớ bền lòng phục vụ Chúa. Sự thành công trong công việc Chúa có thể làm cho tôi thấy mình trở nên cần thiết và quan trọng đối với Hội Thánh. Ân tứ tôi được Chúa hậu hỉ trao cho có thể biến thành những thứ trang sức hào nhoáng mất dần tính thực dụng để phục vụ Chúa và anh em. Về lâu về dài, tôi dễ lắm bị ru ngủ trong mấy thứ vượt trội từ những cống hiến cho công việc chung. Bởi thế cho nên, những vấp váp trong đời sống hầu việc Chúa không nên xem là thất bại, chúng rất cần cho riêng tôi. Đó là những tiếng chuông thức tỉnh khi tôi bị cuốn hút vào công việc, thỏa mãn với công trình, tưởng mình có thể tự lo liệu thay vì phải luôn bám lấy và làm phiền Chúa. May thay! Trong những bất cẩn đó, Chúa vẫn ở bên kẻ Ngài sai phái, "dầu tôi té, cũng không nằm sải dài; Vì Đức Giê-hô-va lấy tay Ngài nâng đỡ tôi" (Thi thiên 37:24).
Bài học khó không đến một lần và chưa đủ cải thiện tôi. Trên đường phục vụ Chúa, tôi sẽ còn phải trải qua nhiều biến cố không chỉ ở giới hạn của thử thách mà có thể là những đòn chí tử, bởi tôi vẫn cứ là một con người yếu đuối trước khi tôi gặp được Chúa ở mức đến. Cho dù như thế, tôi không được phép nản lòng và bỏ cuộc. Tôi phải nhận ra và kêu lên "Tôi sai rồi!", tiếng Chúa sẽ nhỏ nhẹ bên tôi: "Ngươi chớ sợ, chớ ái ngại" vì "Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi" (Giô-suê 1:8).