Kinh Thánh chép rằng thói quen của Chúa Giê-xu là dạy dỗ các đám đông (Mác 10:1). Kinh Thánh cũng chép lại những phản ứng của đám đông trước sự dạy dỗ của Ngài. Chúng ta biết rằng :
* "đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ" (Ma-thi-ơ 7:28).
* "đám đông rất kinh ngạc về những điều Ngài dạy dỗ" (Ma-thi-ơ 22:33, BDM).
* "cả đoàn dân cảm động sự dạy dỗ của Ngài lắm" (Mác 11:18).
* "Nghe Chúa giảng dạy, dân chúng thích thú vô cùng" (Mác 12:37, BDM).
Chúa Giê-xu thường dạy dỗ thông qua việc trả lời một câu hỏi hay một nan đề đặc biệt của ai đó trong đám đông. Ngài gãi ngay chỗ ngứa của dân sự. Sự giảng dạy của Ngài rất trực tiếp. Ngài luôn luôn liên hệ và nhắm tới đối tượng ngay trong thời điềm đó.
Các đám đông luôn tụ họp lại để nghe tin mừng. Có quá nhiều tin xấu trên thế giới đến nỗi điều người ta cần không phải là nghe thêm những tin xấu khác khi họ đến nhà thờ. Họ đang tìm kiếm một ai đó có thể đem tới cho họ niềm hy vọng và sự khích lệ. Chúa Giê-xu hiểu điều này và đồng cảm với các đám đông. Ngài biết rằng họ "cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn" (Ma-thi-ơ 9:36).
Khi bạn bắt đầu với những nhu cầu của dân sự trong lúc giảng hay dạy dỗ, bạn sẽ thu hút được sự chú ý của thính giả ngay. Nhà truyền thông giỏi nào cũng hiểu và áp dụng nguyên tắc này. Một thầy giáo giỏi biết phải bắt đầu bằng sự hứng thú của học sinh và dẫn chúng vào bài học mình sẽ dạy. Một người bán hàng giỏi biết cách phải bắt đầu với những nhu cầu của khách hàng, chứ không phải sản phẩm mình có. Một nhà quản lý giỏi biết phải bắt đầu với lời than phiền của nhân công, chứ không phải kế hoạch của mình. Bạn bắt đầu ngay từ chỗ đứng của dân sự và đưa họ đến nơi nào bạn muốn.
Điều gì thu hút sự chú ý của bạn? Có ba điều luôn luôn tác động vào hệ thống hoạt hóa dạng lưới của bạn: những điều bạn coi trọng; những điều độc đáo; và những điều đe dọa bạn. Sự thật này nếu được áp dụng sẽ rất hữu ích cho những ai giảng và dạy. Nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của một đám đông thờ ơ, bạn cần phải buộc chặt sứ điệp của mình vào một trong ba điều gây chú ý kia.
Dù rằng chia sẻ Tin Lành bằng một cách độc đáo hay đe dọa sẽ thu hút sự chú ý của các thân hữu, nhưng tôi tin rằng trình bày giá trị của nó cho mọi người là cách giống với cách giảng dạy của Chúa Giê-xu nhất. Ngài đã dạy dỗ theo cách khiến cho dân sự hiểu được giá trị và lợi ích của điều Ngài đang nói. Ngài không cố đe dọa những người không tin để kéo họ vào nước Đức Chúa Trời. Trên thực tế, những điều Ngài ngăm đe chỉ dành cho những người sùng tín ! Ngài yên ủi những người đau đớn và làm đau đớn những người đang tự thỏa mãn.
Dù hầu hết những người chưa tin Chúa không tìm kiếm lẽ thật, nhưng họ đang tìm kiếm sự giải thoát. Điều này tạo cho chúng ta một cơ hội để thu hút họ vào lẽ thật. Tôi khám phá ra rằng khi tôi dạy một lẽ thật giải phóng những nỗi đau hay giải quyết những nan đề của họ, thì những người chưa tin nói rằng, "Cám ơn ! Còn điều gì thật trong cuốn sách này không ?" Chia sẻ những nguyên tắc Kinh Thánh đáp ứng được nhu cầu nào đó sẽ tạo nên sự khao khát lẽ thật nhiều hơn.
Có rất ít người đến với Chúa Giê-xu đang khi đi tìm lẽ thật; họ đang tìm kiếm sự giải thoát. Cho nên Chúa Giê-xu đã đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của họ, dù đó là bệnh phung, sự mù lòa hay gù lưng. Sau khi các nhu cầu cấp thiết của họ được đáp ứng, họ luôn luôn hăm hở tìm kiếm sự thật về người đã giúp họ giải quyết những nan đề mà họ bó tay.
Ê-phê-sô 4:29 chép rằng, "Hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến." Xin lưu ý rằng điều chúng ta nói phải được quyết định bởi các nhu cầu của những người nghe chúng ta. Chúng ta chỉ được phép nói điều gì đem lại lợi ích cho họ. Có thể lập luận như vầy : Nếu đây là ý muốn Đức Chúa Trời trong các cuộc nói chuyện của chúng ta, thì cũng là ý muốn của Ngài cho các bài giảng. Không may là có nhiều mục sư quyết định nội dung các sứ điệp của họ theo điều họ cảm thấy cần thiết phải nói hơn là điều mà dân sự cần nghe.
Một lý do khiến việc nghiên cứu bài giảng trở nên khó khăn đối với nhiều mục sư đó là họ hỏi sai câu hỏi. Thay vì hỏi rằng, "Tôi phải giảng điều gì vào Chúa Nhật này?" họ nên hỏi, "Tôi sẽ giảng cho ai?" Chỉ cần suy nghĩ thông suốt về các nhu cầu của hội chúng cũng sẽ giúp xác định sứ điệp trong ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu liên hệ lẽ thật vào đời sống.
Tôi rất thích tính thực tiễn và đơn giản trong sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Nó thật rõ ràng, phù hợp và dễ áp dụng. Ngài nhắm vào sự áp dụng vì mục đích của Ngài là biến đổi con người, chứ không chỉ thông tin cho họ. Hãy xem Bài Giảng Trên Núi, một bài giảng vĩ đại nhất từng được giảng. Chúa Giê-xu bắt đầu Bài Giảng Trên Núi bằng cách chia sẻ tám bí mật của sự hạnh phước thật. Ngài tóm tắt sứ điệp của mình bằng cách dạy chúng ta không được đoán xét người khác, phải trung tín cầu xin Đức Chúa Trời đáp ứng các nhu cầu của mình, và cảnh giác với các giáo sư giả. Rồi Ngài kết luận bằng một câu chuyện đơn giản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng điều Ngài giảng.
Đây là loại rao giảng chúng ta cần có trong các Hội Thánh ngày nay - sự rao giảng không chỉ thu hút các đám đông – nó thay đổi đời sống ! Chỉ đơn giản công bố rằng "Đấng Christ là lời giải đáp" thì chưa đủ; chúng ta cần phải chứng tỏ cho các thân hữu thấy Đấng Christ là lời giải đáp như thế nào. Các bài giảng khuyến khích dân sự thay đổi mà không chia sẻ những bước thực tiễn để thay đổi chỉ kết thúc và tạo thêm mặc cảm tội lỗi, sự hoang mang trong lòng dân sự.
Có nhiều bài giảng thuộc loại mà tôi gọi là bài giảng "thật tệ". Nó chỉ than phiền về xã hội và đoán xét dân sự cách chung chung. Nó chẩn đoán lê thê mà thiếu phương thuốc chữa bệnh. Loại rao giảng này khiến cho các Cơ đốc nhân cảm thấy họ tốt hơn "những người ngoài kia" nhưng nó hiếm khi thay đổi được điều gì. Thay vì thắp sáng một ngọn nến, nó chỉ nguyền rủa bóng tối.
Khi tôi đi khám bệnh, tôi không chỉ muốn nghe mình bệnh gì; tôi muốn bác sĩ chỉ tôi những cách cụ thể để khỏi bệnh. Điều ngày nay dân sự cần là bớt đi những bài giảng "phải" và thêm những bài giảng "làm thế nào."
Một số mục sư phê bình rằng những bài giảng "áp dụng vào đời sống" là nông cạn, đơn giản thái quá và thấp kém. Đối với họ, sự rao giảng đúng nhất là rao giảng mô phạm, giáo điều. Thái độ này ngụ ý rằng Phao-lô sâu sắc hơn Chúa Giê-xu, rằng thư Rô-ma "sâu sắc" hơn Bài Giảng Trên Núi và Các Ví Dụ. Tôi gọi đó là dị giáo ! Sự giảng dạy sâu sắc nhất là sự giảng dạy tạo nên những thay đổi trong đời sống hằng ngày của dân sự. Như D.L. Moody đã từng nói, "Kinh Thánh không phải để gia tăng kiến thức của chúng ta mà là để biến đổi đời sống chúng ta." Mục đích của chúng ta là trở nên giống Đấng Christ.
RICK WARREN (Theo Hội Thánh Theo Mục Đích)