Từ bài giảng luận "Chương Trình Đầu Năm"
CN Jan 04, 2015 - Hội Thánh North Hollywood
10 Vả, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Khi bảy mươi năm sẽ mãn cho Ba-by-lôn, ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất nầy. 11 Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình. 12 Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, sẽ đi và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời. 13 Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng. (Giê-rê-mi 29:10-13)
Khi bảy mươi năm sẽ mãn cho Ba-by-lôn, ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất nầy. Con số bảy mươi năm này làm tôi nhớ lại lời của tiền bối Môi-se trong Thi thiên thứ 90: "Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi" (Thi 90:10). Bảy mươi năm, đủ để sản sinh ra vài ba thế hệ nối tiếp trên đất khách quê người. Không hẳn là cứ phải gò mình dưới gông cùm nô lệ và không ngóc đầu lên nỗi. Tôi nghe nhắc đến Nê-hê-mi, E-xơ-ra; tôi lại nghĩ đến những nhân vật khác được Thánh Kinh ghi chép lại như Giô-sép, Đa-ni-ên và ba bạn trẻ Hê-bơ-rơ; tôi cũng rất ngưỡng mộ một Ê-xơ-tê bên cạnh cha mình là Mạc-đô-chê, họ đã vì dân tộc mình mà coi nhẹ sinh mạng, quên đi những ưu đãi có được khi sống trên đất thù nghịch. Vấn đề ở đây không phải là thân phận nô dịch, nhưng với một thời gian khá dài đó, dễ lắm tôi bị đồng hóa với cách sống của những kẻ thống trị. Bọn họ không trực tiếp đặt những áp lực lên trên tôi, nhưng về lâu về dài tôi dần dà chạy theo những gì đã là quá thông thường, thành thói quen, và ở đây ai cũng làm như vậy. Không khéo, lòng kính mến Đức Chúa Trời trong tôi, bản chất được biệt riêng thánh của tôi, những gì tôi cần dành riêng cho Chúa sẽ bị bào mòn mỗi ngày một ít. Tôi sẽ bị cuốn hút vào guồng mái nhịp nhàng của đế chế, con cháu tôi sẽ sống với một xã hội có nhiều tự do hơn, hấp dẫn hơn, lý thú hơn so với khuôn khổ "cứng nhắc" của luật pháp Chúa đã giao ước với. Tôi phải luôn nhắc đi nhắc lại một quyết tâm mà những người đi trước tôi trong Chúa đã làm được: "Hết thảy những người đó ... xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. ... họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành" (Hê-bơ-rơ 11:13-16)
Tôi có thể thay đổi, nhưng Chúa Tự Hữu Hằng Hữu muôn đời không hề thay đổi. Chúa vẫn nhân từ, lòng thương xót của Ngài vẫn dư dật đối với con cái, Chúa không giữ lòng giận đến đời đời, vòng tay thương yêu luôn sẵn sàng mở rộng chờ đón đứa con hoang đàng trở về. "Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình". Đức Chúa Trời không tách tôi ra khỏi thế gian đáng diệt này, tôi phải đi cho trọn con đường của kẻ khách và bộ hành trên đất. Rồi khi tôi đã xong cuộc chạy và giữ được đức tin, Đức Chúa Trời Bình An vui lòng nhìn thấy tôi bước vào nơi yên nghĩ mà Ngài đã định sẵn cho người thuộc về Chúa. Thế thì tôi lưu luyến gì với cuộc sống trên đất này? "Bảy mươi năm" đó mê hoặc tôi bằng nhiều thứ đầy hấp lực khó cưỡng. Nếu tôi không bền lòng với Chúa, chính tôi sẽ biến những tiện nghi vật chất thành xích xiềng, tự ràng buộc mình với thế giới đầy màu sắc huyền ảo này. Đáng lý ra đó chỉ là những phương tiện để tôi bày tỏ rằng có một Đức Chúa Trời trong tôi; có thể lắm chúng trở thành quyền lực khống chế, chi phối, đẩy lòng ham muốn của tôi đến chỗ trở nên một nô lệ mù quáng không còn kiểm soát được chính mình. Tôi trân trọng một quê hương ở tương lai, nhưng tôi lại thích được kéo dài đời sống ở thế giới hiện tại. Tôi biết hạnh phúc vô biên khi được về với Chúa trên trời, nhưng tôi có lắm lý do để hi vọng được nấn ná ở đất này càng lâu càng tốt. Mọi công trình trên đất này rồi sẽ đều qua đi, tôi biết chắc như vậy, nhưng tôi vẫn luôn muốn tạo dựng để hưởng thụ, tội gì không hưởng những thành quả đầy mồ hôi và nước mắt của chính mình? Phải! Chẳng tội tình gì cả, chỉ có mỗi một điều: với Đức Chúa Trời tôi không thể bắt cá hai tay. Lời Chúa tuyên hứa: "Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng". Tôi ơi! Có cần phải nói gì thêm cho hai tiếng HẾT LÒNG này không?
Thật khác biệt khi tôi không ở trong hoàn cảnh phu tù như dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa: xa quê hương, không còn nơi biệt riêng để thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của dân tộc mình. Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt tâm linh, phải chăng vấn đề của hai thế hệ chẳng có gì khác nhau cả. Ngày nay, tôi được tự do mọi bề nhưng hãy bình tâm xem xét lại mọi diễn biến đang xảy ra từng ngày trong môi trường tôi đang sinh sống. Tất cả đều có thừa uy lực để khiến tôi dần dà thuyên giảm lòng kính yêu Thiên Chúa. Đặc ân được kêu xin, được cầu nguyện với Chúa; bổn phận tìm kiếm Chúa để được nghe Lời Chúa, được thấy ơn của Chúa; được phê chuẩn làm chứng nhân, khâm sai, làm người bày tỏ, rao ra Danh Chúa ... mọi điều cao quý đó có thể trở nên mơ hồ rồi nhạt nhòa trong tôi, nếu tôi lệch lạc mục tiêu của đời sống Cơ đốc.
Thế gian này luôn làm tôi mất bình an và nguội dần lòng trông cậy Chúa. Tình yêu của Chúa vẫn không thay đổi. Còn tôi?