Từ bài giảng luận "Y-sác"
CN Feb 22, 2015 - Hội Thánh North Hollywood
Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, cha ngươi; chớ sợ chi, ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi tớ ta. (Sáng-thế ký 26:24)
[đọc Sáng 26:12-25]
Sẽ quá nhiều khi phải duyệt lại toàn bộ đời sống một tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên, người mà Giê-hô-va xưng mình là Đức Chúa Trời của Y-sác, những biến cố trong đời sống của người là hình bóng về Đấng Mê-si, Cứu Chúa cho cả nhân loại xuất hiện rất lâu sau đó. Bởi thế, tôi muốn ngắm nhìn Y-sác qua một giai đoạn của cuộc đời người, xứng lắm với tên người được đặt cho từ khi lọt lòng mẹ, Y-sác có nghĩa là vui cười, có lẽ người vẫn luôn nở nụ cười hòa bình để vượt qua những khó khăn của cuộc sống lử hành trên đất khách.
Tôi không có ý phủ nhận lòng ham muốn hừng hực trước sự thịnh vượng mà Y-sác tạo dựng được, nhưng điều tôi phải học là một vài điểm đáng chú ý hơn trong vấn đề này. Kết quả đó lại là thành tựu của một tinh thần hết sức hòa bình, một hành động vô cùng nhẫn nhịn và một tấm lòng luôn đặt mình dưới sự ban cho của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của cha mình.
Thử để mắt đến sự thịnh vượng của tổ phụ Y-sác. "Y-sác gieo hột giống trong xứ đó; năm ấy gặt được bội trăm phần", "Người nên thạnh vượng, của cải càng ngày càng thêm", "Người có nhiều bầy chiên, bầy bò và tôi tớ rất đông" "Các đầy tớ của Y-sác còn đào thêm giếng nơi trũng, gặp được một giếng nước mạch" (câu 12,13,14,19). Sự thành công của Y-sác là do khả năng chuyên môn, quản lý tốt, đầu tư sáng suốt, cơ hội thuận tiện, và thêm vào đó là quá may mắn. Tất cả những yếu tố đó chắc chắn đưa công việc đến thành công, mang đến sự thịnh vượng cho người có lòng tận tụy trên con đường gầy dựng sự nghiệp. Tôi không có những thuận lợi đến mức như Y-sác, nhưng trong những thu hoạch của tôi, tôi vẫn có thể tự hào với thành quả trong cuộc sống bằng sự cố gắng tự thân và thu hoạch từ chính bàn tay của mình. Điều Y-sác hơn tôi ở đây là: "vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho", người nhìn biết rằng: "Đức Giê-hô-va đã để cho chúng ta được ở rộng rãi, và ta sẽ đặng thịnh vượng trong xứ", và nhất là: "Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, cha ngươi; chớ sợ chi, ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi tớ ta" (câu 12, câu 22, câu 24). Đó là sự thịnh vượng tâm linh, một tương giao mật thiết giữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Y-sác. Tôi có thể thành công, tôi có thể tận tâm tận lực để trở nên thịnh vượng vật chất, nhưng điều quan trọng hơn cho mọi toan tính, xoay trở là tôi cần có được sự yểm trợ từ Đấng ban cho mọi sự, Đức Chúa Trời ở cùng tôi và luôn muốn đem lại mọi phước lành cho tôi. Với một nhúm của cải Chúa đặt vào trong tay tôi, tôi có thỏa lòng để hiểu biết Chúa nhiều hơn và thấy đủ dư dật để cứ "vui mừng trong Chúa luôn luôn"(Phi 4:4), mà không cần phải quan tâm đến việc làm một phép so sánh nào đó với tổ phụ Y-sác của dân Y-sơ-ra-ên ngày trước?
Một điều đáng chú ý khác, đằng sau sự thịnh vượng của Y-sác là "bởi cớ ấy, dân Phi-li-tin đem lòng ganh ghẻ", là "hãy ra khỏi nơi ta, vì ngươi thạnh vượng hơn chúng ta bội phần" (câu 14, 16). Thời nào cũng vậy, ở đâu cũng như nhau, môi trường nào cũng thế thôi; ngoài mặt người ta có thể chúc mừng, đề cao, ca ngợi sự thành công của tôi, nhưng sau lưng tôi sẽ là ganh tị, ghen ghét, là phân cách, cô lập, hạ bệ. Tôi không cường điệu vấn đề này, bởi nhiều người thích thấy tôi thua kém, chứ mấy ai hoan nghinh khi tôi vượt qua mặt họ khiến họ không theo kịp sự thịnh vượng của tôi. Có thể tôi đang "suy bụng ta...", nhưng hãy lấy thực tâm nhìn ngắm cho kỹ càng cái cỏi đời đen bạc này. Vì thế cho nên ...
Hãy xem cách xử sự hòa bình của một người thuộc Chúa. Y-sác đã có một thái độ hết sức hoà hoãn, người trần mắt thịt có thể cho đây là hành động của nhu nhược và kém cỏi. "Y-sác bỏ chốn nầy đi", "người bỏ chỗ đó đi đào một giếng khác" (câu 17, câu 22). Không thấy Thánh Kinh ghi lại một lời phản pháo, than phiền, cằn nhằn hay làm trận làm thượng nào cả; Y-sác liên tục lẳng lặng ra đi cho đến khi tìm được chỗ không còn ai làm phiền đến mình nữa. Vấn đề không giải quyết bằng bạo lực, cũng chẳng đàm phán, nhưng bằng một ý chí hòa bình, cho dù bên cạnh mình luôn có Đấng bảo trợ với quyền uy tối thượng. Tinh thần Cơ đốc đó phải thành hình toàn hảo trong đời sống tôi, có vẻ quá tiêu cực nhưng đứng trên quan điểm thánh của Đức Chúa Trời, tôi cần gì phải tranh giành những thứ thuộc về đất? Không thiêng liêng quá đáng, Đức Chúa Trời có thể cho tôi cái này hay cái khác tùy lòng nhân từ thương xót của Ngài luôn dành cho tôi, tôi đâu có thiếu thức gì mà phải giành giựt, đấu đá. Những thứ tôi tích lũy được cho tương lai trong nước Chúa sẽ không ai có thể cướp mất đi và đó mới thật là những của báu mà tôi phải nặng lòng tìm kiếm. Thánh Kinh dạy tôi như vầy: "Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình" (1Côr 14:33), "Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người" (Rô-ma 12:18).
"Y-sác lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó" (câu 25). Giê-hô-va Đức Chúa Trời được tổ phụ Y-sác đặt lên trên hết và trước hết trong cuộc đời mình. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất làm cho tôi được thịnh vượng và chính Ngài cũng dạy cho tôi một tâm tình hòa bình để sống trên đất này.