Chúng ta đến một khía cạnh quan trọng khác của việc được trang bị đầy đủ, và đó là có được một kiến thức về những vũ khí chúng ta có trong Chúa Giê-su. Nó vừa đầy quyền năng và là những vũ khí thuộc linh, vì Phaolô cho biết, "Vì vũ khí chiến đấu của chúng tôi không phải là loại vũ khí xác thịt nhưng là quyền năng Đức Chúa Trời để phá hủy các thành lũy, đánh đổ các lý luận"(2Cô 10:4).
"Quyền năng của Đức Chúa Trời" để phá hủy các thành lũy là gì ? Đó không gì khác hơn là ân điển lạ lùng của Chúa – món quà miễn phí của Ngài dành cho mọi kẻ tin. Biết được điều này, chúng ta hãy đọc tiếp thư tín thứ nhất của Phierơ để xem lẽ thật quan trọng này được nhấn mạnh và khai triển cho chúng ta. Khi chúng ta đọc, hãy nhớ rằng chúng ta thay thế từ quyền năng hay mặc lấy quyền năng cho từ ân điển. Nó có thể được hoán đổi nhau.
Những người trẻ tuổi, cũng hãy vâng phục những người lớn tuổi. Mọi người hãy lấy sự khiêm nhường mà đối đãi nhau, vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban phước (ân điển) cho người khiêm nhường. Bởi đó, anh chị em hãy hạ mình dưới tay quyền năng của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ Ngài sẽ nâng anh chị em lên. Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em... Và Đức Chúa Trời của mọi ân sủng, là Đấng đã gọi anh chị em vào vinh quang đời đời của Ngài trong Chúa Cứu Thế, sau khi anh chị em chịu khổ ít lâu, chính Ngài sẽ phục hồi, làm cho vững, thêm sức và thiết lập anh chị em. Quyền năng thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men...
Tôi viết đôi dòng ngắn ngủi cho anh chị em, để khuyến khích và để làm chứng cho anh chị em rằng đây là ân sủng (quyền năng) thật của Đức Chúa Trời. hãy đứng vững trong đó. (1Phierơ 5:5-12).
Để tôi tóm tắt nhanh những lời vô cùng phong phú của Phierơ, rồi tôi sẽ khai triển sứ điệp này từng phần một. Đề tài chính của đoạn này là ân điển của Chúa. Phierơ bắt đầu bằng cách khích lệ chúng ta hãy đầu phục nhau. Một cách khác để nói ý này là "hãy phục dưới cùng một sứ mạng". Ông khẳng định rằng Chúa ban ân điển Ngài cho người hạ mình, và chúng ta được thấy là hạ mình khi chúng ta mong ước ân điển (quyền năng) của Ngài gánh thay mọi lo lắng của chúng ta, chứ không bởi sức riêng của chúng ta.
Phierơ kết luận đoạn này bằng ý tưởng mới mẻ : Đây là (mục đích của) ân điển thật của Chúa. Há không lý thú là Thánh Linh cảm động Phierơ cách đây 2000 năm viết những lời ân điển thật của Chúa sao ? Đây không phải việc tình cờ; Thánh Linh thấy trước rằng trong những ngày sau cùng nhận thức về ân điển Chúa sẽ bị giảm sút (ít ra trong lối suy nghĩ của cơ đốc nhân Tây phương) đến chỗ chỉ đủ để che đậy tội lỗi và là "tấm vé" lên thiên đàng. Ân điển thật của Chúa có cả những ơn phước này, nhưng còn hơn thế nữa – ân điển cũng ban cho chúng ta quyền năng để đi xa hơn khả năng riêng của chúng ta để thực thi sứ mạng trước mắt. Một khía cạnh quan trọng của sứ mạng này là chúng ta sẽ khác biệt người ta vì cớ vinh hiển Chúa và mở mang nước Chúa.
Với kiến thức này chúng ta dễ dàng suy ra tại sao phần lớn tín hữu không toả sáng như đuốc. Sống khác biệt đến qua những cuộc chiến cam go và phần lớn chúng ta lẽ tự nhiên muốn rút lui khỏi cuộc chiến. Kẻ thù sẽ không buông xui và để chúng ta ảnh hưởng thế giới cho Chúa Giê-su. Nó cương quyết chống đối sứ mạng của chúng ta, và chúng ta phải đứng lên chống cự nó để hoàn thành mục tiêu Chúa giao. Bản dịch New International Version dịch, "Đây là ân điển thật của Chúa. Hãy đứng vững trong đó." Sau khi đọc lời này thì những lời của Phaolô gởi cho Timôthê sẽ trở nên thuyết phục hơn :
Vậy, hỡi con ta, hãy nhờ ân sủng của Chúa Cứu Thế Giê-su làm cho mình mạnh mẽ... Hãy cùng ta chịu gian khổ như một người lính giỏi của Chúa Cứu Thế Giê-su. (2Ti 2:1,3).
Chúng ta phải nhớ rằng ân điển (quyền năng) của Chúa là điều chúng ta cần để chiến thắng bất kỳ khó khăn nào. Tuy nhiên, chúng ta phải hợp tác với ân điển bằng cách tin cách vững vàng – và bằng cớ của đức tin là hành động tương ứng. Khi Phierơ đi trên mặt nước, ông làm một kỳ công bất khả thể và phi thường. Chúa Giê-su phán, "Hãy đến" và trong lời đó là tất cả ân điển mà Phierơ cần để đi trên mặt nước. Nhưng khi ông không còn tin nữa, ân điển (quyền năng) giảm sút và ông bắt đầu chìm. Có đủ ân điển trong lời Chúa phán để Phierơ đi trọn đến Chúa Giê-su và vượt qua hết biển Galilê nếu ông muốn. Nhưng ân điển dừng lại vì đức tin của ông dừng lại. Chúng ta có ân điển vô hạn trong Chúa Giê-su, nhưng chúng ta chỉ có thể tiếp cận ân điển bởi đức tin : "Chúng ta bước vào ân điển này bởi đức tin mà chúng ta hiện đứng vững" (Rô 5:2).
Vấn đề không phải là ân điển thất bại mà là đức tin chúng ta giảm sút. Hậu quả là ân điển (quyền năng) bị gián đoạn. Lúc đó chúng ta bị bỏ cho một mình chiến đấu bởi sức riêng của chúng ta. Hãy nghĩ đến cái ống nước dẫn nước vào nhà bạn. Nếu cái ống bị vỡ, nguồn nước sẽ bị gián đoạn. Dù nguồn cung cấp nước vô tận nhưng nước không còn chảy vào nhà bạn vì ống nước bị vỡ. Đức tin là ống dẫn; nước là ân điển.
Đây là lý do Phierơ khích lệ chúng ta "hãy tăng trưởng trong ân điển và sự hiểu biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Chúa Cứu Thế Giê-su" (2Phi 3:18). Chúng ta đã được giao cho trách nhiệm tăng trưởng trong quyền năng của Chúa. Chúng ta làm vậy bằng cách gây dựng đức tin, và chúng ta có thể gia tăng đức tin của chúng ta. Phaolô nói, "Vì trong Phúc Âm ấy sự công chính của Đức Chúa Trời được tỏ ra từ đức tin đến đức tin như Kinh Thánh chép: "Này, người công chính sẽ sống bởi đức tin." (Rô 1:17). Hãy suy nghĩ theo cách này : đức tin bạn càng gia tăng, "ống dẫn" càng lớn - kết quả là lượng "nước" (ân điển) càng sẵn ban cho bạn. Vì thế, Chúa có thể ủy thác cho bạn trách nhiệm lớn hơn để đi sâu vào những vùng thiếu thốn và chiến đấu để mang lại sự sống.
Cùng với tác giả thư hêbơrơ, tôi hết lòng khích lệ bạn hãy :
Hãy làm cho các bàn tay mệt mỏi và đầu gối yếu đuối của anh chị em trở nên mạnh mẽ. Hãy làm đường cho bằng phẳng... Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời. (Hê 12:12-13,15).
Quay lưng khỏi ân điển Chúa là thối lui trước sự chống đối của kẻ thù, bước vào thế trung lập, trở nên an nhàn. Tại sao lại quay khỏi quyền năng siêu nhiên, siêu phàm của Chúa ? Tại sao lại không chiếm hữu quyền năng của ân điển lạ lùng của Ngài ?
Chúng ta đang ở trong cuộc chiến thuộc linh, và cách duy nhất để kết thúc tốt đẹp là hãy can trường trong đức tin. Việc can trường là một sự thoả lòng đối với Chúa và là mối đe dọa thật sự đối với nước tối tăm. Đây là sự kêu gọi, là định mệnh và đặc quyền của chúng ta khi phục vụ Chúa Cứu Thế Giê-su của chúng ta.
JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn)