Đối với Abraham, của cải vật chất không phải là sự cản trở hầu việc Đức Chúa Trời mà đúng hơn nó là phương tiện giúp cho việc đó. Đức Chúa Trời không chống lại của cải vật chất, nhưng Ngài chống lại sự tham lam và ích kỷ trong lòng người. Bản thân tiền bạc không phải là cội rễ của điều ác, mà sự tham muốn tiền bạc mới là điều ác (ITimôthê 6:10). Sự tham tiền là tội lỗi. Song, nếu như sự tham muốn đó mất đi, thì của cải của bạn có thể trở thành phương tiện để truyền giảng Tin Lành đi khắp nơi trên thế giới. "Nhưng lẽ nào không phải chính Chúa Giê-su đã nói với người trai trẻ nọ rằng hãy đi, bán hết gia tài mình, rồi hãy đến mà theo Ngài sao ?". Đúng, Chúa Giê-su đã nói như vậy và người trai trẻ trở nên rầu rĩ vì những lời này. Anh ta bỏ đi và rất là buồn bã vì có nhiều của cải lắm (Mác 10:22) Sau đấy, Chúa Giê-su nhận xét rằng : ‘Kẻ giàu vào Nước Đức Chúa Trời khó là dường nào" (Mác 10:23). Thoạt tiên, có vẻ như tiền bạc và sự giàu có là sự cản trở lớn để đi theo Chúa Giê-su. Nhưng trên thực tế, vấn đề không phải là ở chính tiền bạc mà là tiền bạc đã chiếm giữ lòng của người trai trẻ này, bởi vậy mà anh ta trở nên rầu rĩ và buồn bực bỏ đi. Bạn luôn luôn bị buồn khi bạn phải từ bỏ những gì mà bạn thích. Người trai trẻ đã yêu quý tiền bạc hơn là Chúa Giê-su. Bạn không thể đồng một lúc hầu việc Đức Chúa Trời và cả Mamôn nữa, nhưng bạn có thể hầu việc Đức Chúa Trời bằng các phương tiện của mình. Tin Lành theo Luca 8:3 nói về những người đàn bà đi theo Chúa Giê-su và hầu việc Ngài bằng của cải của mình. Nếu như bạn không có gì hết, thì bạn cũng không cần phải dâng hiến. Đức Chúa Trời hoàn toàn không chống lại của cải, nhưng Ngài chống lại điều bạn cho phép của cải chiếm giữ lòng của bạn.
Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ về tiền bạc trên cơ sở của điều đã xảy ra (Mác 10:24-31). Phierơ nói "... Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mà đi theo thầy". Chúa Giê-su đáp rằng "... chẳng một người nào vì Ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời này, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ và sự sống đời đời trong đời sau" ở đây Chúa Giê-su muốn nói điều gì ? Ngài nói : Nếu như ngươi giao phó cho Ta cuộc sống của mình và khi cần sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì cớ Nước Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ được nhận trở lại "trăm lần" "trong đời này". Nếu như bạn dâng trọn cho Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ báo trả dư dật gấp trăm lần mọi nhu cầu của bạn, bao gồm cả về vật chất nữa. Nếu như người trai trẻ giàu có nọ hiểu được điều này, thì anh ta sẽ vui mừng dâng trọn tất cả những gì mà anh ta có.
Hãy cho bạn sẽ được ban cho. Khi bạn nhận thức được rằng Đức Chúa Trời bao giờ cũng hoàn trả, thì bạn sẽ dâng hiến cho Ngài một cách vui vẻ. Bạn sẽ không còn khư khư giữ lấy tiền bạc, không dám dâng vì tiếc của và sợ sệt. Bạn sẽ sẵn sàng dâng hiến tất cả những gì mà Đức Chúa Trời đòi hỏi vì bạn biết rằng bởi cớ Giao ước, Ngài luôn luôn quan tâm đến bạn. Chúa Giê-su nói "Hãy cho, các ngươi sẽ được ban cho; người ta sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì các ngươi cũng được lường lại mực ấy" (Luca 6:38). Chìa khóa để mở các kho ở trên trời đó là sự vâng phục và sự hiến dâng môt cách trọn vẹn. Hãy sẵn sàng dâng hiến, hãy mau kíp mà dâng hiến, vì Chúa Giê-su hứa rằng khi đó "các ngươi sẽ được ban cho". Ngài sẽ hoàn trả cho bạn một cách dư dật. Ngài "sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn". Đức Chúa Trời sẽ trả lại tất cả những gì mà bạn dâng cho Ngài. Một số người phản đối lại điều này "Dâng đi để rồi nhận lại, không phải là vì lợi ích cá nhân sao ?". Nhưng bạn dâng không phải chỉ để nhận lại. Bạn dâng vì điều đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì tình yêu đối với Chúa, bạn muốn giúp cho những nhu cầu của người khác. Và bởi bạn dâng nên bạn sẽ nhận được. Quy luật này bao giờ cũng có hiệu lực. Chính Chúa Giê-su đã nói "Hãy cho, các ngươi sẽ được ban cho". Đó là luật gieo và gặt. Nó có hiệu lực trong mọi lĩnh vực của đời sống bạn, bao gồm cả mặt kinh tế. Sứ đồ Phaolô nói về điều này như sau "Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều" (II Côrinhtô 9:6). Ở đây Phaolô nói về tiền bạc. Khi giảng cho những người Côrinhtô về sự dâng hiến, ông đã áp dụng luật gieo và gặt. Ông gọi của cải và những phương tiện của chúng ta là hạt giống có thể dùng để gieo (II Côrinhtô 9:10). Người làm ruộng khi gieo, thực sự tin rằng sẽ đến lúc gặt, ở đây hoàn toàn không có gì đáng trách cả. Bao giờ bạn cũng gặt được nhiều hơn những gì bạn gieo ra, kết quả là bạn lại có thể gieo được nhiều hơn và chúc phước cho người khác tốt hơn trước. Khi bạn gieo, bạn sẽ không bị nghèo đi, mà bạn sẽ có một khoản nào đó. Còn Đức Chúa Trời nói "Hãy ban cho thì sẽ được nhận lãnh". Trong Châm ngôn có nói "Có người rải của mình ra, lại càng thêm nhiều lên; cũng có người chắt lót quá bực, nhưng chỉ được sự thiếu thốn" (Châm ngôn 11:24). Theo quy luật thuộc linh, ban đầu bạn cần phải gieo sau đó rồi mới gặt.
Bạn cần phải có ít nhất một thứ gì đó để có thể đem gieo, và bạn không được vì sự tiếc của mà giữ nó lại cho mình. Bởi vậy, Phaolô nói "Như vậy, anh em được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố thí... " (II Côrinhtô 9:11). Làm sao Phaolô có thể mong muốn cho những người Côrinhtô được giàu có nếu như sự giàu có là tội lỗi ? Đó hoàn toàn không phải là tội lỗi. Lòng tham và sự ham muốn tiền bạc chứ không phải là sự giàu có là tội lỗi đối với người trai trẻ giàu có nọ. Khi Phaolô khuyên bảo những người giàu (I Timôthê 6:17-18), ông không nói rằng họ cần phải dâng hiến tất cả những gì mà họ có và sống một cuộc sống khổ hạnh : Phủ tro lên đầu, bận đồ bằng vải gai và tránh những phước hạnh và tiện nghi về vật chất. Phaolô chỉ răn dạy họ "không trông cậy vào của cải không chắc chắn, nhưng hãy trông cậy vào Đức Chúa Trời là Đấng ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng" "làm điều lành, nhiều việc nhân đức, kíp ban phát và phân chia của cải mình có". Nói một cách khác, chúng ta không được đặt sự trông cậy giả tạo vào ví tiền, sổ tiết kiệm, hay trông cậy vào gia tài và các khoản cho vay lãi. Ngày hôm nay gió thổi xuôi chiều, nhưng ngày mai gió đã thổi ngược. Những gì mà chúng ta có, vừa có thể dùng một phần trong đó để gieo làm phước cho những người khác vừa giúp cho công việc của Đức Chúa Trời. Bằng cách đó, chúng ta dự phần vào việc cung cấp tài chính cho việc truyền giảng Tin Lành để Tin Lành được rao truyền khắp thế giới.
ULF EKMAN (Theo Đức Tin Chiến Thắng Thế Gian)