Từ bài giảng luận "Khóc Nơi Mé Sông Ba-By-Lôn"
CN Date, 2015 - Hội Thánh North Hollywood
1 Chúng tôi đang ngồi trên mé sông Ba-by-lôn, bèn nhớ lại Si-ôn, và khóc.
2 Chúng tôi treo đàn cầm chúng tôi trên cây dương liễu của sông ấy.
3 Vì ở đó những kẻ bắt chúng tôi làm phu tù, có biểu chúng tôi hát xướng. Kẻ cướp giựt chúng tôi có đòi chúng tôi hát mừng, mà rằng: Hãy hát cho chúng ta một bài ca của Si-ôn.
4 Trên đất ngoại bang, chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va?
5 Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi!
6 Nếu ta không nhớ đến ngươi, chẳng thích Giê-ru-sa-lem hơn sự vui vẻ nhất của ta, nguyện lưỡi ta dính nơi ổ gà! (Thi thiên 137:1-6)
Tiểu tựa ghi ở bên trên bài thi thiên buồn này là "Sự buồn thảm của những kẻ bị lưu đày qua Ba-by-lôn". Sơ lược qua lịch sử, tôi chẳng thấy mình với họ có điểm nào giống nhau cả, trừ ra chúng tôi thảy đều là tuyển dân của Đức Chúa Trời và có lòng thờ kính Chúa Hằng Hữu. Khác biệt từ thời đại, dân tộc tính, sinh hoạt, truyền thống, nghi thức; cho đến nề nếp, suy nghĩ, tập quán và còn nhiều thứ khác nữa. Họ đã phạm tội trọng với Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cấp độ quốc gia, được cảnh cáo nhiều lần nhiều cách, nhưng cuối cùng họ bị định tội để phải rời xứ sở của lời hứa, đi làm phu tù ở một cường quốc ngoại bang. Thế thì, tôi đọc mấy vần thơ này để buồn man mác, để cảm thông cho những thế hệ đi trước quá bạc phước và chỉ bấy nhiêu đó thôi sao? Tôi không ở trong hoàn cảnh thương đau, không chịu hình phạt, cũng chưa bao giờ phải gồng mình dưới một áp lực tâm lý quá nặng nề, để cất tiếng khóc vì nổi đau mất nước, nhớ quê hương hay tiếc nuối một thứ gì linh thiêng tầm cỡ. Thánh Kinh muốn nói gì với tôi qua mấy vần thơ đầy nước mắt này?
Không biết khi bị lưu đày, là phu tù, họ có phải làm những công việc nặng nhọc, khổ sai, hay bị đánh đập tàn nhẫn, bị bạc đãi, khinh thường và ghét bỏ? Từ ít dòng lệ thi trích dẫn, tôi thấy họ được đối xử cũng không đến nổi nào. Họ vẫn có thì giờ rãnh rổi ra chơi bên mé sông, lại còn đem theo đàn cầm nữa, chỉ vì hoài niệm mà không còn tha thiết với đàn địch. Dân bản xứ nếu cho rằng không thân thiện thì cũng không quá tệ bạc với họ, người ta đề nghị họ hát cho nghe những bài ca của Si-ôn. Một cách giao lưu văn nghệ, một hình thức trao đổi văn hóa để hiểu nhau hơn. Cho dù có thể chỉ nhằm mua vui, con dân Chúa vẫn còn có cơ hội để trình bày về Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình hết lòng thờ phượng trước dân ngoại. Vậy mà họ lại buồn, nhớ Si-ôn, không thể hát xướng và khóc. Để ra ngoài tất cả mọi thứ không trùng khớp, hình như cũng có cái gì đó tương tự, lẩn khuất trong đời sống văn minh hiện đại của tôi ngày nay.
"Trọn đời sống tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va; Hễ tôi còn sống chừng nào tôi sẽ hát xướng cho Đức Chúa Trời tôi chừng nấy" (Thi thiên 146:2). Đó là bổn phận, là vinh dự, là đặc ân, là việc tôi phải trân trọng hành xử nghiêm túc trước mặt Chúa luôn luôn. Thế nhưng, than ôi! Có vẻ như càng ngày tôi càng thích giao khoáng việc này cho một vài anh em thay tôi hát xướng tôn ngợi Thiên Chúa. Đáng lý ra tôi phải góp tiếng hát từ tấm lòng tràn trề hạnh phúc khi ra mắt Chúa, thay vào đó, tôi đã "treo đàn cầm chúng tôi trên cây dương liễu"! Lẻ ra tôi phải hát cho một Giê-ru-sa-lem tươi đẹp của tương lai bằng hào khí Si-ôn, nhưng tất cả chỉ tóm lại trong mấy chữ "sao cũng ổn!". Tôi có đủ mọi phương tiện yểm trợ tích cực và có cả khối bài hát được sáng tác liên tục làm phong phú kho tàng thánh ca, nhưng tất cả như đá tảng dìm tôi xuống đáy biển tỉnh lặng. Trong tôi không còn lửa, tôi cần được truyền lửa, nhưng một chút lửa nhen lên quá mơ hồ chỉ làm lòng tôi thêm băng giá, rồi tôi mặc kệ. Hát xướng vui vẻ trong nhà Chúa với tôi bây giờ chỉ còn là một tiểu tiết, một việc ráng làm cho xong, một cách lấp đầy chương trình thờ phượng, và tôi có ở đó để phụ diễn, để xem mà không thấy, để nghe mà chẳng cần hiểu. Tôi đã đánh mất nỗi háo hức của một con trẻ reo vui chào đón cha mình trước cửa nhà. Chẳng ai cấm cản tôi trong việc hát xướng tán tụng Đức Chúa Trời đang ngự giữa đền thánh; thế mà trước Chúa, tôi hờ hững, lơ là, phân tâm, uể oải ... Đó là bằng chứng không thể chối cải, là số đo thực của lòng thành kính, là chuông báo động sự suy xụp trong đời sống tâm linh cá nhân tôi. Nghiêm trọng hơn, một Hội Thánh có nhiều người giống như tôi sẽ làm Chúa buồn biết bao!
Tôi không thể chờ đợi một ai đó hay một phép lạ để dựng lại tinh thần hát xướng. Giê-ru-sa-lem thiêng liêng phải luôn rực sáng trong tim tôi. Những lời hát tôi dâng lên Chúa không phải là nước mắt, buồn tủi, khổ nhục hay dửng dưng; mà phải là tiếng reo vui, nỗi phấn khích, niềm hạnh phúc trào dâng từ đáy lòng biết ơn Đức Chúa Trời Tự Hữu Hằng Hữu. Tôi cất cao tiếng hát tôn vinh Chúa, chứ tôi không để lòng tôi lảng đảng hướng về một đối tác, một hào quang, một hấp dẫn nhất thời làm biến dạng của dâng lên cho Thiên Chúa. Tôi không hát như một phu tù cho những thế lực êm ái nào đó; tôi hát vì tôi yêu Chúa. Tôi không hát cho riêng tôi, tôi không hát để người ta khen, tôi cất tiếng hát để chính Chúa lắng tai nghe và vui lòng, cho dù tôi chẳng có một chút nào chuyên nghiệp trong vấn đề hát xướng.
Khi tôi hát xướng trong nhà Chúa, tôi tôn ngợi Chúa với cả tấm lòng, tiếng hát ngô nghê của tôi sẽ thắp sáng một ngọn nến nhỏ góp phần làm vinh hiển Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ thương xót đang ngự ở trên trời cao kia, đang hiện diện giữa cộng đồng thánh, và Ngài cũng đang ở trong lòng này.