Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời dư dật. Ngài là Đức Chúa Trời giàu có và Ngài đáp ứng những nhu cầu của bạn tùy theo sự giàu có vinh hiển của Ngài, trong Chúa Giê-su Christ, tất cả những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đều đến cùng chúng ta trong và qua Chúa Giê-su Christ. Phao-lô gởi cho người thành Phi-líp, nơi ông nói :Tôi được rất vui mừng trong Chúa, vì nay anh em lại lo tưởng về tôi lần nữa, anh em vẫn tưởng đến điều đó lắm, nhưng không có dịp tiện. Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi, vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thoả lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi. Nhưng anh em giúp tôi cơn hoạn nạn, thì đã làm điều thiện. Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ (Phi-líp 4:10-19).
Hãy thỏa lòng – Nhưng đừng thụ động! Từ "thoả lòng", đối với nhiều người trong chúng ta, thường mang theo nó hơi hướng thụ động. Nhưng trong tiếng Hy lạp, từ "thoả lòng" có nghĩa là "tự cung cấp đủ" hoặc "tự sản xuất". Khi Phao-lô thoả lòng trong mọi tình huống , điều đó có nghĩa là ông tự cung, tự cấp; tức không phụ thuộc vào ngoại cảnh, Phao-lô biết rằng Đức Chúa Trời là quá đủ. Ngài sống trong tôi và tôi sống trong Ngài, và trong tôi, Ngài có thể làm thành điều tôi cần, không phụ thuộc vào ngoại cảnh có vẻ ra sao.Phao-lô chỉ ra hai cái hố khác nhau mà chúng ta cần tránh. Thứ nhất là sự tham lam, tham của người lân cận mình và chẳng bao giờ thoả lòng với điều bạn có.
Cái hố khác là tin rằng sự thoả lòng có nghĩa là hạnh phúc với điều bạn đang có đến mức bạn chẳng bao giờ cố gắng để nhận được điều gì khác. Nhưng liệu bạn có thể tưởng tượng việc nói với một đứa trẻ mới sinh: "Hãy thoả lòng với điều mình có !" không ? Đứa bé chẳng có cái gì cả. Chúng ta chẳng mang gì vào thế giới này và qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Chính trong khi ở thế giới này mà chúng ta cần thứ này thứ khác. Những phước hạnh vật chất là để bạn sống trong thế giới này.
Phao-lô đang nói về thái độ này khi ông nói rằng ông chẳng thiếu thốn gì cả. Ông đã học thoả lòng trong mọi hoàn cảnh. Thỉnh thoảng, ông rơi vào tình huống thiếu thốn và có nhu cầu. ông nói : Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được (câu 12). Ông thật đã từng chịu thiếu thốn.
Nhưng anh em giúp tôi cơn hoạn nạn, thì đã làm điều thiện (câu 14). Ông nói về thiếu thốn và đói kém như là sự hoạn nạn. Ông không gọi những thứ đó là ơn phước. Ông gọi đó là sự hoạn nạn, mặc dù ông biết cần phải phản ứng ra sao khi chuyện đó xảy ra.
Nói cách khác, Phao-lô hàm ý rằng: "Thật tốt là anh em đã gửi một chút tiền cho tôi. Tôi biết nghèo hèn là gì, cũng biết giàu có là gì (và giàu có là tốt hơn!). Đó chính là điều ông đang giải thích : Tôi đã chịu thiếu thốn, cũng biết dư dật, và dư dật rõ ràng là tốt hơn.
Nếu bạn đọc 2 Cô-rinh-tô 11:22-23 cùng với một vài đoạn trong sách Công-vụ, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng có những giai đoạn Phao-lô đã chịu thiếu thốn. Ông đã bị tấn công, chìm thuyền, và chịu nhiều dạng khốn khó khác. Phao-lô đã học cách thoả lòng trong mọi tình huống, bởi ông biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng cung cấp của mình. Ông không trông đợi nơi con người hoặc ngoại cảnh, nhưng trông đợi nơi Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời sử dụng con người: Nếu Đức Chúa Trời, không phải con người, mới thật là Đấng cung cấp cho bạn, thì bạn có thể không dao động và được thoả lòng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lòng trông cậy của bạn được đặt đúng chỗ của nó – trong Đức Chúa Trời. Phi-líp 4:10-19 thực chất là một sự bày tỏ về bản chất của Đức Chúa Trời. Phao-lô quả quyết với Hội thánh ở thành Phi-líp: Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em, y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển, trong Đức Chúa Giê-su Christ. Nói cách khác, Phao-lô đang nói rằng: "Đức Chúa Trời đã luôn đáp ứng những nhu cầu của tôi. Tôi biết Ngài cách cá nhân. Ngài là Đấng cung cấp của tôi, không phải loài người." Từ những câu Kinh thánh này chúng ta thấy một khía cạnh quan trọng của việc bước đi trong thạnh vượng tài chính là tự do khỏi sự phụ thuộc vào người khác.
Mặt khác, Đức Chúa Trời đã sử dụng người khác để trở thành những kênh dẫn, qua đó Chúa cung cấp tiền bạc. Những phước hạnh tài chính luôn đến cùng chúng ta qua người khác.
Có sự khác nhau giữa tài chính và sự chữa lành. Đôi khi, Đức Chúa Trời sử dụng người khác làm kênh dẫn để mang đến sự chữa lành, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Sự chữa lành có thể đến qua sự đặt tay, hoặc có thể đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, Đức Chúa Trời luôn sử dụng người khác như những kênh dẫn của Ngài. Ngài không có xưởng in tiền trên trời. Qua Đức Thánh Linh, Ngài có thể dẫn tiền qua người khác tới những đích được lựa chọn trên đất này.
Lu-ca 6:38 nói: Hãy cho, người sẽ cho mình. Bạn sẽ luôn được nhận lại khi cho đi. Đây là một định luật thuộc linh. Điều bạn cho sẽ được ban lại cho bạn, và bạn sẽ luôn nhận được nhiều hơn những gì mình đã cho đi.
Chúng ta sẽ nhận như thế nào ? Họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn , mà nộp trong lòng các ngươi. Từ "họ" ở đây có nghĩa là con ngưởi. Chúa Giê-su nói rằng nếu bạn dâng cho Chúa, thì con người là những kênh dẫn qua đó bạn sẽ nhận được phần thưởng của mình. Hãy xem mình như một kênh dẫn, và giữ cho kênh dẫn ấy luôn mở, để Đức Chúa Trời có thể chảy qua bạn trong cách Ngài muốn. Hãy trông cậy Đức Chúa Trời đáp ứng những nhu cầu của bạn. Bạn không bao giờ phải xin xỏ tiền của người khác. Hãy đơn sơ tin cậy Đức Chúa Trời rằng Đức Thánh Linh sẽ cảm động những người Ngài kêu gọi dâng hiến. Phao-lô đã như vậy. Tôi xác quyết rằng trước hết ông đã mang những nhu cầu của mình đến với Đức Chúa Trời và xin Chúa sai ai đó đến giúp mình, nhưng ông để Ngài quyết định làm điều đó bằng cách nào và qua ai.
ULF EKMAN (Theo Tự Do Tài Chính)