Từ bài giảng luận "Giữ Lời Hứa"
CN Oct 25, 2015 - Hội Thánh North Hollywood
Các quan trưởng bèn nói cùng cả hội chúng rằng: Chúng ta đã chỉ danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng dân đó; vậy, từ bây giờ chúng ta không thế hại chúng nó được. (Giô-suê 9:19)
[đọc Giô-suê 9:1-27]
Có khá nhiều trắc trở trong bài học lịch sử này. Dù đã nghe, đã tìm xem vài tài liệu liên quan đến, rồi trở lại với Thánh Kinh thêm một hai lần, tôi vẫn chưa dò ra được những lý giải hợp lý cho cái kết quả của một hòa ước không bình thường. Chỉ có thể ghi lại đây ít điều đã để ý đến, với hi vọng nhờ ơn Chúa sau này gẫm ra được những dạy dỗ có ích hơn cho đời sống bình thường trong Chúa.
Tôi nói gì về Giô-suê? Đó là một người có ơn, đầy dẫy thần khôn ngoan, được chỉ định thay thế lãnh tụ Môi-se dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên bước vào đất hứa (Phục-truyền 34:9), được Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng bất cứ nơi nào người bước chân đến (Giô-suê 1:9). Người cũng đã trải nghiệm ơn lành và cả sự thạnh nộ của Chúa Giê-hô-va qua hai trận chiến lịch sử đánh chiếm thành Giê-ri-cô và A-hi, biết thành công và biết cả thất bại. Vậy mà sao người lại quá sơ xuất ở lần này? Người cũng có quan tâm tra xét mọi sự, chỉ trừ có một điều quan trọng lại bị bỏ quên: không cầu hỏi Đức Giê-hô-va (câu 14). Thánh Kinh chỉ ghi xuống một câu ngắn gọn như vậy và không thấy có lời lên án, trách phạt hay một tai họa nào giáng xuống cho dân sự, khi mà từ trên xuống dưới đều quyết định làm theo ý riêng. Chẳng ai nhớ đến việc cầu hỏi Chúa trước khi quyết định để góp ý với lãnh đạo, chỉ khi vỡ lở ra thì mọi người đồng lên tiếng trách cứ những người có trách nhiệm (câu 18). Ấy thế mà, xếp lớn Giô-suê vẫn còn quyền để tuyên án phạt dân Ga-ba-ôn dối trá: "các ngươi bị rủa sả, không dứt làm tôi mọi, cứ đốn củi và xách nước cho nhà của Đức Chúa Trời ta" (câu 23). Hạnh phúc thay! Những kẻ dối trá đáng chết đó lại được làm việc cho nhà của Đức Giê-hô-va, và Thánh Kinh chép rằng "ấy là điều dân đó hãy còn làm đến ngày nay" (câu 27). Cái đầu tầm tầm của tôi không thể hiểu nổi!
Tôi lại hướng về các trưởng lão của hội chúng Y-sơ-ra-ên. Chẳng người nào nhớ đến việc cầu vấn Đức Giê-hô-va về hòa ước quan trọng này. Tuy nhiên, khi gạo đã nấu thành cơm, họ lại là những người tuân thủ luật pháp một cách hết sức nghiêm nhặt để tránh cơn thạnh nộ của Chúa có thể giáng trên dân sự nếu như không giữ lời đã hứa nhân danh Chúa. Tôi phải nói làm sao về việc này khi Thánh Kinh ghi lại rằng chỉ "ba ngày sau khi đã lập giao ước cùng chúng nó, dân Y-sơ-ra-ên hay rằng các người này vốn lân cận mình, và ở tại giữa mình" (câu 16)? Sự vội vàng của những người lãnh đạo đã vô tình đặt lên vai toàn dân một gánh nặng, họ phải cưu mang một dân đáng diệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Y-sơ-ra-ên sẽ đồng hóa Ga-ba-ôn hay Ga-ba-ôn là một thứ vi-rút ngủ đông chờ ngày phát tác? Tôi không thể biết được quyết định của Giô-suê dành cho dân Ga-ba-ôn là đúng hay sai, nhưng chính Giô-suê phải chịu trách nhiệm và có giải pháp tiếp theo chứ không đùn đẩy cho tập thể hay cho Chúa. Trong việc này hình như Thánh Kinh cho tôi một kết thúc bỏ ngỏ.
Tôi không thể không nhắc đến kẻ lừa bịp Ga-ba-ôn. Họ được bảo đảm sự sống bằng cách dùng mưu kế để dối gạt Y-sơ-ra-ên. Cho dù họ phải trả giá trọn đời nô dịch cho Y-sơ-ra-ên, nhưng họ tránh khỏi án tử khắc nghiệt không có ngoại lệ. Nhờ sự bất cẩn của Y-sơ-ra-ên, Ga-ba-ôn đã có một cửa để sống sót và lại được sống gần bên sự hiện diện của Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí Nhân Chí Ái. Sai lầm của Y-sơ-ra-ên đã đem lại phước hạnh cho Ga-ba-ôn, điều này phải hiểu làm sao đây? Không dám hồ đồ, nhưng tôi nghĩ ngay đến ơn cứu rỗi mà Chúa đã mở ra cho tôi, một tên thuộc dân ngoại, từ sự sai lầm của tuyển dân Do Thái.
Vẫn còn nhiều điều phải học với Chúa Thánh Linh.