Từ bài giảng luận "Lòng Nhân Từ Của Thiên Chúa"
CN Nov 15, 2015 - Hội Thánh North Hollywood
Quả thật, trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi. Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài. (Thi-thiên 23:6)
Nếu tôi đọc thi thiên quá nổi tiếng này với mục đích thu lượm, chắc là tôi sẽ đi càng ngày càng xa dần trong ý niệm một đời hưởng thụ thông qua cái gọi là thờ kính, phó thác, ở trong ... Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng có "trách nhiệm" chăn giữ tôi bởi vì tôi là chiên trong bầy của Ngài mà! Không hoàn toàn sai, nhưng đó chắc không phải là tâm trạng của thi sĩ Đa-vít khi viết nên những dòng thơ tuyệt tác để ca ngợi Thiên Chúa từ ái. Chính tôi đã lái những chữ đầu tiên của bài thơ này theo định hướng riêng mà không hiểu được tiếng lòng của tác giả, nên kết thúc quan trọng cũng có thể bị lệch một ít theo hướng khác.
Thi thiên 23 thường được đọc trong lễ tang. Rất thích hợp, nghi thức đó nhằm nhắc đến sự đón nhận lòng nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời mà người nằm xuống đã trải nghiệm cả cuộc đời mình đi theo Chúa. Tôi tin rằng tiền bối Đa-vít đã dệt những vần thơ bất hủ này với sự cân nhắc chọn lựa chính xác, vừa đủ để nói lên lòng biết ơn chân thành của mình trước tình yêu thương của Đấng Chăn Lớn.
Tôi trở lại với Thánh Kinh trưng dẫn bên trên: "Quả thật, trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi. Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài". Hai chữ "phước hạnh" ở đây tôi nên hiểu như là hai chữ "nhân từ" mà thi sĩ dùng rất nhiều lần trong các bài thơ khác của người, như một điển hình trong Thi-thiên 51 câu 1: "Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa". Nếu không cố bám theo chuỗi phước mà tôi hay mơ tưởng, tôi sẽ đọc lại câu thơ này là " Quả thật, trọn đời tôi, lòng nhân từ và sự thương xót (của Chúa) sẽ theo tôi". Tôi sẽ mang một tâm trạng, một ý thức, một hướng nhìn, một tinh thần yêu kính Chúa trưởng thành hơn; bởi tôi lập luận như vầy: tôi sẽ ở trong nhà Chúa đời đời vì ở đó tôi được đầy đủ mọi thứ? Giao dịch sòng phẳng thì chẳng có gì hảnh diện để khoe ra. Còn nếu tôi nói rằng tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va vì Ngài đã lấy lòng nhân từ và thương xót dư dật đãi người hư mất như tôi, ơn cao quí đó chẳng đáng phải hết lòng ngợi ca Đấng chăn giữ tôi lắm lắm hay sao?
Theo dòng chảy của tư duy đó, tôi đọc lại câu mở đầu của thi thiên: "Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì". Điều đó có nghĩa là tôi chẳng cần gì hơn nữa bởi tôi đã được ở gần bên Chúa. Tôi không quá thiêng liêng hay làm bộ từ chối việc Chúa sẽ "cho thêm mọi điều ấy nữa", nhưng thỏa lòng với những gì Chúa ban cho ngay hiện tại là điều tôi phải thật sự có để hạnh phúc trong Chúa. Chẳng mấy ai thích loại tư tưởng kiểu như thế!!! Tôi dễ dàng nói về một tinh thần lạc quan thỏa lòng, về một sự sống dư dật; nhưng có thể lắm trong tôi hạt mầm ham muốn theo cách xác thịt vẫn chưa hề tan biến nơi mãnh đất lòng mầu mỡ này. Huynh trưởng Phao-lô đã nói: "Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi" (Phi-líp 4:11-13). Chẳng phải đợi đến khi trở nên một đầy tớ trung kiên của Chúa tôi mới học đòi như vậy, ngay bây giờ, cho dù tôi chỉ là một tín đồ thường thường thôi, tôi vẫn phải sống tốt để người ta thấy thế nào là hạnh phúc khi được sống với Chúa, trong Chúa và có Chúa sống trong lòng mình.
Chúa cũng muốn thấy tấm lòng biết ơn sâu xa được tôi bày tỏ ra như Đa-vít xưa kia.