Từ bài giảng luận "Hãy Tắm Thì Được Sạch"
CN Nov 29, 2015 - Hội Thánh North Hollywood
Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ. (Rô-ma 6:11)
(đọc 2Các Vua 5:1-19)
Câu chuyện quan tổng binh Na-a-man được chữa lành bịnh phung có vài nghịch lý nên suy gẫm.
Điều đáng chú ý trước tiên là Thánh Kinh dùng từ "giải cứu" thay vì "chữa bịnh" (so sánh câu 1 với câu 3 và câu 6). Có lẽ trong thời xa xưa đó, thứ bệnh da liễu này không có thuốc chữa, cứ phải mang sự phiền phức dù chỉ là ngoài da cho đến hết đời. Na-a-man vẫn ở trong chức vụ và mọi người đều vẫn không thể vì chứng bệnh quái ác này mà xem thường quan tổng binh Sy-ri. Tuy nhiên, người đã được Chúa dùng để giải cứu dân Sy-ri (câu 1), nhưng người không thể tự cứu lấy mình. Hơn thế nữa, khởi điểm để người được giải cứu lại phát xuất từ lời đề nghị của một bé gái nô lệ sai vặt trong nhà. Đó là một chứng nhân Chúa đặt để dành cho người mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn làm ơn cho. Em bé biết sao nói vậy: "Ông tiên tri ở Sa-ma-ri sẽ giải cứu chúa tôi khỏi bịnh phung" (câu 3). Đức Chúa Trời dùng mỗi người một cách, lớn hay nhỏ đều trở nên một công cụ tuyệt vời trong tay Chúa.
May mắn làm sao, quan tổng binh đã chịu nghe theo lời của cô bé giúp việc nhà đó! Dẫu vậy, người lại tiến hành công việc theo quy trình hợp lý, hợp pháp thay vì đến thẳng với tiên tri của Đức Chúa Trời. Không có gì đáng trách cả, chính trị là như thế, người quá hiểu biết là như vậy. Việc đối với người bình thường tưởng chừng như hết sức đơn giản; lại cần phải lên kế hoạch, duyệt xét, thi hành từng bước rõ ràng đối với người uyên bác. Tin lành của Chúa sẵn dành cho tất cả mọi người không phân biệt đẳng cấp, nhưng than ôi! "Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời!" (Lu-ca 18:25). Tin lành dành cho Na-a-man lại biến thành tin dữ cho vua Y-sơ-ra-ên, cho đến khi người của Đức Chúa Trời đưa mọi việc trở lại vị trí giản đơn, "Na-a-man hãy đến tôi, ắt người sẽ biết rằng trong Y-sơ-ra-ên có tiên tri" (câu 8). Điều tôi nên làm là tiếp nhận ơn Chúa với tấm lòng như trẻ nhỏ.
Ơn lành của Chúa đòi hỏi một tấm lòng thuận phục trong việc làm hết sức tầm thường khiến quan tổng binh nổi nóng. Mệnh lệnh đơn giản là: "Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giô-đanh", còn Na-a-man cứ đinh ninh trong trí: "Ta nghĩ rằng chính mình người sẽ đi ra đón ta, đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung" (câu 10,11). Có thể có nhiều người đến với Chúa để mong được thấy phép lạ, khám phá triết lý cao siêu hay tìm kiếm điều phi thường từ quyển sách cổ đầy uy lực siêu nhiên, nhưng Thánh Kinh dạy cho tôi một cách sống bình thường đẹp lòng Chúa. Tôi vẫn tiếp tục ăn, uống, sinh hoạt như thường nhật; chỉ cần thêm một điều, mục tiêu của đời sống tôi bây giờ là làm vinh hiển Danh Chúa giữa cõi tạm này. Như lời tiên tri Ê-li-sê nói: "ắt người sẽ biết rằng trong Y-sơ-ra-ên có tiên tri", người khác phải nhìn thấy tôi thuộc về Chúa và họ cần thấy Chúa trong tôi. Na-a-man được sạch phung và sạch cả tấm lòng: "Bây giờ, tôi nhìn biết rằng trên khắp thế gian chẳng có chúa nào khác hơn Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên" (câu 15).
Đó là điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn làm ơn cho quan tổng binh xứ Sy-ri, người cần nhìn biết một Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, hay làm ơn cho những ai thực tâm tìm đến với Ngài. Chúa nhìn vào tấm lòng chứ không đòi hỏi việc trả lễ như cách làm thông thường của người thế gian. "Na-a-man ép nài Ê-li-sê nhậm lấy, nhưng người từ chối" (câu 16). Ân điển Chúa ban cho miễn phí, nhận hay không nhận thôi.
Nếu đọc tiếp những câu sau của phân đoạn Thánh Kinh này, lời cầu xin của quan tổng binh cũng khó chấp nhận, vậy mà "Ê-li-sê đáp với người rằng: Hãy đi bình yên" (câu 19). Nghịch lý đó chẳng đáng để tôi suy gẫm một cách nghiêm túc sao? Câu trả lời là Rô-ma 6:11, hãy bình tâm suy nghiệm!