Mỗi năm, vào tháng 12, các nhà thờ Tin Lành trên toàn quốc Việt
Nam lại treo khẩu hiệu: Mừng Chúa Giáng Sinh.Khẩu hiệu này bằng Việt Ngữ không mơ hồ như những chữ:
Merry Christmas trong tiếng Anh,
hay Joyeux Noel trong tiếng Pháp,
hoặc felix Navidad trong tiếng Tây Ban Nha
nhưng xác định rõ Đấng mà người ta tôn vinh, đó là Chúa Giê-xu.
Chúa Giáng sinh vì Ngài không phải sinh ra từ địa cầu của con người, nhưng từ cõi vĩnh hằng vào cuộc đời nhân loại, làm người để cứu nhân loại.
Người Tin Lành Mừng Chúa Giáng sinh bằng cách mời đồng bào đến Thánh Đường để cùng với họ hiểu rõ tại sao Chúa Giáng Sinh và tại sao phải ca mừng.
Chúa Giê-xu giáng sinh 2015 năm trước đây trong kế hoạch của Thiên Chúa để cứu nhân loại sống trong tội ác, xa cách Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, là Nguồn Sống, Nguồn Hạnh Phúc, nên đau khổ và lầm than. Tin nhận Chúa Giê-xu là đón nhận Chúa Cứu Thế vào cuộc đời, được thứ tha mọi tội lỗi, được nhận lại làm con Thiên Chúa, với tình thương và hi vọng.
Người Tin Lành tin rằng tin nhận Chúa Giê-xu để được Cứu Rỗi.
Cứu rỗi cũng là một từ thần học trong Việt Ngữ, vì trong các ngôn ngữ khác chỉ có:
Cứu, Cứu chuộc, Cứu độ, nhưng riêng Việt ngữ có từ Cứu Rỗi. Người Tin lành tin rằng Mừng Chúa Giáng sinh không phải chỉ có cây thông, hoa đèn rực rỡ, ca mừng Chúa Giáng sinh hay những món quà tặng cho nhau, nhưng mỗi người phải tin nhận Chúa Giáng sinh để được cứu rỗi.
Cứu rỗi là được giải cứu khỏi cuộc đời tối tăm của tội ác để bước sang cuộc đời ánh sáng của thánh khiết trong niềm tin, thương yêu và hi vọng. Không phải chỉ được giải phóng, nhưng được hưởng an bình, thương yêu và hi vọng.
Người Tin Lành không mời gọi đồng bào vào đạo, nhưng tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu để được Cứu Rỗi.
Chúa Giê-xu khi vào đời đã dạy nhân loại bí quyết hạnh phúc là Hết lòng Kính Chúa và Yêu người.
Tin Chúa Giê-xu là từ bỏ những mê-tín dị đoan, thờ ma lạy quỷ, những tập tục hủ lậu thiếu văn hóa văn minh, nhờ Chúa thanh tẩy mọi thói hư tật xấu trong tứ đổ tường và được biến đổi thành con người mới hết lòng tôn thờ Chúa là Chân Thần và thương mến mọi người qua tình thương hi sinh đã nhận từ nơi Chúa.
Khi tin Chúa Giê-xu thì con người được tha thứ tội ác, ra khỏi cõi tối tăm tội ác mà bước vào an nghỉ trong cõi hạnh phúc đời đời như lời Phúc Âm đã dạy: Ai tin Con- tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu thì hưởng sự sống vĩnh hằng, ai không chịu tin Con – Chúa Giê-xu - thì không có sự sống đâu, nhưng cơn phẫn nộ của Thiên Chúa vẫn ở trên người đó. (Phúc Âm Giăng 3:36). Tin Chúa Giê-xu thì được cứu rỗi, nghĩa là không những được tha tội, cứu vớt khỏi biển trầm luân tội ác, nhưng còn được an nghỉ trong cõi vĩnh hằng của Chúa nữa, đó là sự cứu rỗi mà niềm tin trong Chúa mang lại.
Chính vì tin Chúa để được cứu rỗi mà người tin Chúa hăng hái mời gọi đồng bào tin nhận Chúa.
Theo bí quyết hạnh phúc mà Chúa Giê-xu đã dạy: Hết lòng Kính Chúa và yêu người mà con dân Chúa, người Tin lành loan truyền Tin Mừng Cứu Rỗi trong Chúa Giê-xu cho đồng bào, sau khi đã nếm trải tình thương và sự cứu rỗi trong Chúa.
Người ta không thể cho ai cái gì mình không có, nhưng người Tin Lành vì được hạnh phúc Chúa ban, nên cũng muốn chia sẻ ân phúc đó cho đồng bào.
Phúc âm Giăng chương 1 câu 12 còn dạy rằng:
Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Chúa, tức là tin danh Ngài, thì Chúa ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời.
Ý nghĩa thật của Giáng Sinh không phải ở chỗ màu sắc mùa đông, cây thông, ông già Nô-en hay những món quà, những cánh thiếp, mà là ở chỗ noi theo gương Thiên Chúa trong nghĩa cử ban cho vì tình thương.
Mỗi người hãy nghĩ đến nhiều người khác chưa được may mắn như mình. Tất nhiên cũng có những người cho mình là kẻ khốn cùng, nhưng ta nên nhớ rằng lúc nào bên dưới ta vẫn có những người không may mắn bằng ta. Nghĩa cử biếu tặng một món quà cho một người nghèo với một lời trìu mến, phản ánh tình thương của Con Trời giáng hạ!
Người ta mong rằng Lễ Giáng Sinh năm nay sẽ có dịp thưởng thức nhiều bản nhạc hay, tham dự nhiều buổi trình diễn đặc sắc, và có dịp khen chê thỏa dạ. Nhưng thật sự Lễ Giáng Sinh là dịp để cho chứ không phải để nhận. Mặc dù hiểu nhận chỉ có nghĩa là thưởng thức cũng vậy.
Chúng ta có thể cho gì và cho ai?
Trước tiên, cho cũng có thể gọi là dâng, nếu người nhận là Chúa. Ta hãy dâng tâm hồn ca ngợi Chúa. Đừng đòi hỏi màu sắc phải lộng lẫy, nhạc phải hay, chương trình phải thu hút. Ta phải đóng góp vào ngày lễ bằng cách chuẩn bị kỉ niệm, dọn tâm hồn mình để mừng đón Chúa. Chúa đã cho nhưng ta có nhận hay không?
Còn đối với đồng bào thì sao?
Có bao giờ ta gửi cho ai một món quà mà biết chắc rằng người nhận không thể gửi quà lại tặng ta hay không? Hãy tìm ra một người như vậy, hãy mua cho ngưòi ấy một món quà.
Mùa Giáng Sinh là mùa tặng quà, nhưng vì món quà Chúa ban cho ta quá vĩ đại và ta không có cách gì trả ơn, ta hãy làm ơn cho những người số phận hẩm hiu, cơ nhỡ. Những người ấy không phải là ít và đang sống ngay bên cạnh ta đó!!
Cho hay nhận là tùy ở mỗi người. Nhưng cho bao giờ cũng quý hơn nhận.
Trong chiều hướng phát triển nếp sống văn hóa, văn minh, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, người tin Chúa – người Tin lành với tay ra mời gọi đồng bào đón nhận tình thương của Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi, hưởng được hạnh phúc thật và sự sống vĩnh hằng ngay trên trần thế đau thương này.
Vì trong niềm tin nơi Chúa, nhiều thanh niên thiếu nữ đã được cứu khỏi cuộc sống sa đọa trong ma túy, nghiện hút, được tha tội và làm lại cuộc đời, đây là việc mà ngoài quyền năng của Thiên Chúa, không phương cách nào trong thế giới văn minh này thực hiện được.
Nếp sống văn hóa, văn minh, phát triển kinh tế xã hội phải bắt đầu bằng một niềm tin chân thành nơi Chúa, được Chúa tha thứ tái tạo thành con người mới với tình thương và hi vọng mà Chúa ban cho để chia sẻ cho mọi người.
Nguyễn Sinh