Nguyễn Sinh Biên soạn
Cũng trong vùng ấy có mấy người chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa hiện đến với họ, vinh quang của Chúa chói rạng chung quanh nên họ rất sợ hãi.
Lu-ca 2:8-9.
Mỗi khi đọc một danh sách những người hảo tâm, tôi thường dừng lại ở chỗ ghi: Ẩn danh hay Vô danh. Tôi nhìn vào số tiền quyên góp của những người Ẩn danh hay Vô danh ấy và thấy gần như lúc nào cũng nhiều hơn những người có ghi rõ tên. Tôi hay cố đoán xem những người ấy là ai, ở đâu, giàu hay nghèo, và tự hỏi: tại sao những người ấy lại ẩn danh? Tôi phục những người như thế vì không muốn ai biết tên mình!
Trong câu chuyện Chúa Giê-xu giáng sinh, tác giả Lu-ca ghi đầy đủ các chi tiết về lịch sử, địa danh, về các tên người, nhưng không cho biết tên những người chăn chiên đến gặp Chúa. Nếu vào thế kỷ 21 thì chắc chắn một nhóm người như thế sẽ nổi danh ngay, vì họ là những người đầu tiên được gặp Chúa Cứu Thế.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao thiên sứ không đến với các nhân vật trong giới học giả, những nhà nghiên cứu, thông thái, các chức sắc trong tôn giáo, các bậc quyền quý cao sang, mà lại cất công đi báo tin cho một nhóm người vô danh như vậy?
Lý do thứ nhất có thể là vì tin mừng cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội ác để được làm con của Chúa đã được loan báo cho những người tâm hồn bình dị nhất, vì những người này khi nghe, đã nhận, tin và hành động.
Lý do thứ hai, vì họ là những người loan tin mừng đầu tiên cho nhân loại. Họ chỉ cần được mục kích, được chứng kiến sự việc và tường thuật lại cho mọi người những gì họ đã nghe và thấy.
Trên đời này có biết bao nhiêu người vô danh đang tôn thờ Chúa trong mùa kỉ niệm Chúa Giáng Sinh năm nay cũng chỉ vì được thông tin, bằng lòng tin và đã kinh nghiệm gặp Chúa Giê-xu. Bạn có muốn gia nhập vào hàng ngũ những người vô danh này không?
Bạn nên nhớ rằng ẩn danh hay vô danh chỉ có loài người là không biết tên thật đó thôi. Chúa biết rõ từng người chăn chiên vô danh hơn 2000 năm xưa, cũng như mỗi người tôn thờ Chúa hôm nay. Chúa biết rõ tên bạn khi bạn bằng lòng trở thành người vô danh đến chiêm ngưỡng Chúa và sau đó loan báo tin mừng cho mọi người những gì mình đã thực sự kinh nghiệm.
Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý.
Giăng 1:14.
Một tính đặc biệt của con người là muốn biết rõ những điều bí mật. Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống cũng có những bí mật, và cũng vì vậy mà con người đã qua nhiều trình độ văn minh và tiến bộ khoa học. Tuy nhiên có những lĩnh vực mà con người không có khả năng hiểu biết được, nếu không được mặc khải, nghĩa là cho biết một cách đặc biệt không theo phương cách thông thường của loài người. Thật ra phải gọi là thiên khải mới đúng, vì những gì con người không thể dùng trí óc và khôn ngoan của mình mà tìm hiểu thì phải được Thiên Chúa mặc khải.
Trong Cơ-đốc-giáo có hai mặc khải quan trọng:
1. Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thượng Đế sáng tạo nên loài người, cho một địa vị cao để quản trị sinh vật, và giao ngộ với Ngài. Nhưng con người đã phản bội, đã phạm tội và khoảng cách giữa Trời và người đã trở thành vô cùng. Con người tội ác hữu hạn đã không có cách nào để biết được Thiên Chúa, vì Thiên Chúa toàn thánh toàn thiện, vĩnh hằng và vô hạn. Chính vì vậy mà cần đến mặc khải là Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu từ cõi vô hạn đã vào đời người để cho con người biết rằng Thiên Chúa vẫn thương yêu con người, và mong chờ loài người trở về để được tái tạo và thương yêu như lúc ban đầu. Chúa Giê-xu cũng đã hi sinh làm sinh tế để chuộc tội cho loài người trước Thiên Chúa. Con đường trở về với Thiên Chúa từ đó đã mở rộng. Con người tin nhận Chúa Giê-xu thì được biết Thiên Chúa và được nhận làm con của Ngài.
2. Mặc khải thứ hai là cuốn Kinh Thánh. Kinh Thánh là mặc khải của Thiên Chúa cho con người về ba lĩnh vực: Về Thiên Chúa, về con người và về thế giới của con người. Mặc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh là chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Qua Kinh Thánh chúng ta biết được kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa nhờ Chúa Giê-xu. Khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu, thì chúng ta được Thiên Chúa tha thứ tội, được trở về với Thiên Chúa để hưởng hạnh phúc vĩnh hằng.
Có người nghĩ rằng tin Chúa là mê tín. Bạn biết mê tín là gì không? Theo Từ Điển Tiếng Việt thì Mê tín là: lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa. Theo định nghĩa này thì lòng tin nơi Chúa không phải là mê tín. Vì lòng tin này đặt căn bản trên mặc khải của Thiên Chúa là Chúa Giê-xu, và Kinh Thánh là mặc khải về ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. Khi tin như vậy, người theo Chúa đã trải nghiệm hạnh phúc thật mà Chúa ban cho và tránh được đại họa do lòng không tin đưa đến.
Mỗi năm vào tháng này nhân loại kỉ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh, nhưng Giáng sinh chỉ có ý nghĩa thật khi bạn tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng đã vào đời đề cứu bạn.
Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Chúa, tức là tin danh Ngài, thì Chúa ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời,
Giăng 1:12.
Ý nghĩa thật của Giáng Sinh không phải ở chỗ màu sắc mùa đông, cây thông, ông già Nô-en hay những món quà, những cánh thiếp, mà là ở chỗ noi theo gương Thiên Chúa trong nghĩa cử ban cho vì tình thương. Mỗi người hãy nghĩ đến nhiều người khác chưa được may mắn như mình. Tất nhiên cũng có những người cho mình là kẻ khốn cùng, nhưng ta nên nhớ rằng lúc nào bên dưới ta vẫn có những người không may mắn bằng ta. Nghĩa cử biếu tặng một món quà cho một người nghèo với một lời trìu mến, phản ánh tình thương của Con Trời giáng hạ!!
Người ta mong rằng Lễ Giáng Sinh năm nay sẽ có dịp thưởng thức nhiều bản nhạc hay, tham dự nhiều buổi trình diễn đặc sắc, và có dịp khen chê thỏa dạ. Nhưng thật sự Lễ Giáng Sinh là dịp để cho chứ không phải để nhận. Mặc dù hiểu nhận chỉ có nghĩa là thưởng thức cũng vậy.
Chúng ta có thể cho gì và cho ai?
Trước tiên, cho cũng có thể gọi là dâng, nếu người nhận là Chúa. Ta hãy dâng tâm hồn ca ngợi Chúa. Đừng đòi hỏi màu sắc phải lộng lẫy, nhạc phải hay, chương trình phải thu hút. Ta phải đóng góp vào ngày lễ bằng cách chuẩn bị kỉ niệm, dọn tâm hồn mình để mừng đón Chúa. Chúa đã cho nhưng ta có nhận hay không?
Còn đối với đồng bào thì sao?
Có bao giờ ta gởi cho ai một món quà mà biết chắc rằng người nhận không thể gởi quà lại tặng ta hay không? Hãy tìm ra một người như vậy, hãy mua cho ngưòi ấy một món quà.
Mùa Giáng Sinh là mùa tặng quà, nhưng vì món quà Chúa ban cho ta quá vĩ đại và ta không có cách gì trả ơn, ta hãy làm ơn cho những người số phận hẩm hiu, cơ nhỡ. Những người ấy không phải là ít và đang sống ngay bên cạnh ta đó!!
Cho hay nhận là tùy ở mỗi người. Nhưng cho bao giờ cũng quý hơn nhận.
Giăng 1:1.
Hôm nay trong mùa Giáng Sinh, mời quý vị tìm hiểu về Ngôi Lời hay Lời. Bản Kinh Thánh Tân Ước nhuận chánh của các cố Mục Sư Ông văn Huyên và Giáo sư John Drange Olsen dịch Ngôi Lời là Đạo. Đây là một từ rất thích hợp, vì đọc lên ta có ngay ý nghĩa của từ logos là nguyên văn của từ Ngôi Lời.
Bản Kinh Thánh Hiện Đại của cố Mục sư Lê Hoàng Phu thay từ Đạo bằng từ Chúa Cứu Thế, vì Ngôi Lời chính là Chúa Cứu Thế.
Phúc âm Giăng đã nói về Chúa Cứu Thế như thế nào?
Trong câu mở đầu, tác giả Giăng nói đến ba điều về Chúa Cứu Thế:
1. Ban đầu có Chúa Cứu Thế.
Câu này trong nguyên văn có thể dịch là: Khi khởi nguyên bắt đầu, Chúa Cứu Thế đã có rồi. Nghĩa là Chúa Cứu Thế không có khởi nguyên, vì Ngài là Đấng Vĩnh Hằng. Câu Kinh Thánh này nên dịch là: Ban đầu đã có Chúa Cứu Thế. Ban đầu đây chính là ban đầu của vũ trụ vạn vật.
2. Chúa Cứu Thế ở cùng Đức Chúa Trời.
Câu này trong nguyên văn có thể dịch là: Chúa Cứu Thế mặt đối mặt với Đức Chúa Trời. Nghĩa là Chúa Cứu Thế tồn tại cùng với Đức Chúa Trời.
3. Chúa Cứu Thế là Đức Chúa Trời.
Nguyên văn câu này là: Đức Chúa Trời là Chúa Cứu Thế. Câu này cho ta biết Chúa Cứu Thế không phải là một vị thần nào khác nhưng chính là Đức Chúa Trời. Đây là một huyền nhiệm trong Đức Chúa Trời mà trí óc con người không quan niệm được.
Trong mùa Giáng Sinh, chúng ta nên nhớ rằng Chúa Giê-xu là hiện thân của Đức Chúa Trời, đã vào đời ở với nhân loại, ứng nghiệm lời tiên tri về Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Đây là điều người tin Chúa cần nắm vững để không bao giờ so sánh Chúa Giê-xu với bất cứ ai trong đời.