Có mặt tích cực nào trong những vấn đề chúng ta đang nói đến không? Chắc chắn là có rồi - với Chúa thì luôn luôn là tích cực! Tôi hiểu là bạn nhìn nhận những lẽ thật ở các chương trước hơi tiêu cực và có lẽ bạn đâm ra nản lòng và thối chí. Vâng, nếu bạn chỉ nghĩ đến những tác động tiêu cực của người khác gây ra cho đời sống bạn thì đúng là chuyện này gây nản lòng thật. Tuy nhiên, lý do chúng ta phơi bày lẽ thật này ra ánh sáng là để giúp chúng ta tiến bộ và nhìn thấy đầy đủ mức độ lớn lao và năng quyền phi thường của Ðức Chúa Trời, là những điều mà chúng ta chưa chứng kiến trong thế hệ này. Nếu chúng ta không tin và không làm cách khác thì sẽ không có thay đổi gì. Vậy đây là kết luận: chính bạn phải là tác nhân thay đổi.
Nếu sự thay đổi không bắt đầu từ bạn và tôi, thì nó bắt đầu chỗ nào? Chúa kêu gọi chúng ta trở thành các tác nhân thay đổi. Bạn đã bao giờ quan sát thấy điều gì xảy ra khi một người có tính khí dịu dàng nhưng bề ngoài khá ngang bướng thình lình lại dám gánh chịu trách nhiệm về đời sống của người khác chưa? Ðiều này thường khai thác tối đa điểm tốt trong cá nhân đó!
Ví dụ, hãy nghĩ về một người mới làm mẹ. Trước đây, cô ta có lúc ngông cuồng, thiếu chín chắn và thậm chí hơi khờ dại khi còn độc thân. Những hành động của cô chỉ ảnh hưởng tới đời sống cô, ngoài ra không ai bị ảnh hưởng. Rồi cô ta biết yêu, cưới chồng và sinh con. Bây giờ thì một cô gái ngang bướng và bất phục tùng trước kia lại trở nên kiềm chế được bản thân. Nếu bây giờ cô ta tiếp tục cư xử khờ dại, ngông cuồng, thì cô ta biết việc đó không chỉ ảnh hưởng tới đời sống cô mà cả đời sống của chồng con, là những người cô yêu thương nữa.
Liên quan tới hội thánh thì đây là điều xảy ra với mỗi một người chúng ta. Chúng ta phải yêu mến nhau tha thiết. Chúng ta phải hiểu rõ rằng khi chúng ta không vâng theo Lời Chúa thì khả năng chắc chắn là không chỉ có chúng ta bị ảnh hưởng. Chúng ta là một phần của một thân thể! Có lẽ đây là lý do Phao-lô viết mạng lệnh này giữa lúc nói về Tiệc Thánh cho hội thánh Côrinh-tô: “Mọi sự đều được phép làm, nhưng không phải mọi sự đều hữu ích. Mọi sự đều được phép làm nhưng không phải mọi sự đều xây dựng. Ðừng tìm kiếm lợi riêng cho mình nhưng hãy tìm lợi cho người khác nữa.” (1Cô-rinh-tô 10:23-24).
Phao-lô lại nói với hội thánh Phi-líp: Ðừng làm điều gì vì tham vọng ích kỷ hoặc hư vinh nhưng hãy khiêm tốn, coi người khác hơn mình. Hãy có cùng một tâm tình như Chúa Cứu Thế Giê-su đã có. (Phi-líp 2:3, 5). Ðây là tâm tình mà Chúa Giê-su có, là động lực thúc đẩy Ngài ngự xuống và phó dâng đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài đã có thể tự cứu mình. Ngài có thể gọi một đoàn thiên binh, thiên sứ để cứu Ngài khỏi tay của những kẻ hành quyết Ngài, nhưng trong tâm khảm Ngài nghĩ đến chúng ta. Ngài quan tâm tới sự sinh tồn của chúng ta hơn của chính Ngài. Ðây là tin mừng.
Khi cá nhân chúng ta sống vâng lời Chúa, cuối cùng chúng ta sẽ được phước. Chúng ta có thể trải qua những lúc bấp bênh và thậm chí là khó khăn do một số tín hữu trong hội thánh Chúa không vâng lời, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ được thịnh vượng. Ê-li là một tấm gương về sự chịu khổ như thế vì hành vi của người khác. Do A-háp và Giê-sa-bên liên tục phạm tội cùng sự lãnh đạm của dân Y-sơ-ra-ên đối với tội lỗi, trời đã không mưa xuống đất nhiều năm. Ê-li không có dư dả như dân chúng kinh nghiệm vào thời vua Ða-vít và Sa-lô-môn cai trị. Trái lại ông phải ăn bánh mì và thịt do những con quạ đem tới suốt nhiều năm - chuyện này thật hi hữu! Ðây là một chế độ ăn uống đơn điệu, không có rau, mật ong, nước trái cây hay nhiều món ngon khác như lúc người ta sống dư dả.
Ông gặp khó khăn vì những hành động của người khác. Nhưng Ê-li là một phần trong một quốc gia, một dân tộc và một thân thể. Cuối cùng thì sự vâng lời của ông đã đem đến sự thay đổi và... trời bắt đầu mưa. Hành động này chúc phước cho đất nước ông và cuối cùng thì cá nhân ông cũng được phước.
John Bevere (GIẢI ÐỘC SIÊU NHÂN)