Trước hết, chúng ta có quyền trực tiếp đến với Đức Chúa Trời trong mọi vấn đề về tôn giáo. Không có một giai cấp nào đặc biệt hơn giai cấp nào đối với Đức Chúa Trời. Không có một cá nhân hay tập thể nào, dù là mục sư hay giám mục, giáo hoàng hay truyền đạo, có nhiều đặc quyền hơn người khác khi ra mắt Chúa; và cũng không nhờ những người đó mà chúng ta mới đến được với Ngài. Cũng không ai có quyền hay khả năng thay mặt người khác trong những vấn đề về tâm linh. Chỉ có Chúa Giê-su ở giữa Đức Chúa Trời và chúng ta. Như sứ đồ Phao-lô đã viết, "Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-su Christ, là người" (I Ti-mô-thê 2:5).
Chúa Giê-su là thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta bởi sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài. Chúng ta hãy lắng nghe lời của tác giả sách Hê-bơ-rơ: "Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Giê-su, con Đức Chúa Trời... chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng." (Hê-bơ-rơ 4:14-16). Con đường đến với Đức Chúa Trời đã được mở ra cho chúng ta qua Đấng Christ.
Ngoài ra, những người tín hữu chúng ta hiện nay là còn là thầy tế lễ. Phi-e-rơ nói, "Anh em... làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Giê-su Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời." Và "Anh em... là chức thầy tế lễ nhà vua... hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài" (I Phi-e-rơ 2:5, 9). Chức tế lễ của người tín hữu là một cách diễn đạt khác của quyền tự quyết linh hồn.
Về mặt thực hành, điều này có nghĩa là chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Các sứ đồ đã xin Chúa Giê-su dạy họ cầu nguyện. Để đáp lại lời thỉnh cầu của họ, Ngài đã dạy, "Khi các ngươi cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời... (Lu-ca 11:1-2). Đó là cách trực tiếp chúng ta có thể ra mắt Chúa.
Là thầy tế lễ của chính mình, chúng ta có thể xưng tội trực tiếp với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6:12).
Là thầy tế lễ, chúng ta có quyền thông giải Kinh Thánh cho mình. Sứ đồ Phao-lô đã khen các Cơ đốc nhân tại thành Bê-rê vì họ đã nghe ông giảng và "tra xem Kinh Thánh" để xem lời giảng ấy có thật không (Công vụ 7:11).
Những tín hữu ở Bê-rê đã không chấp nhận Tin Lành do Phao-lô giảng mà không cần thắc mắc; và Phao-lô đã nói rằng họ có khả năng tự mình đọc và hiểu Kinh Thánh. Cũng như thế, là người Báp-tít, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời ban cho mỗi chúng ta khả năng để hiểu và giải nghĩa Kinh Thánh cho mình.
Cùng là tín hữu nhưng chúng ta có thể hiểu và tin cách khác nhau về nhiều điều trong Kinh Thánh. Không phải mọi người trong chúng ta đều có ý kiến giống nhau về công cuộc sáng tạo. Một số người tin rằng thế giới được dựng nên trong sáu ngày, trong khi một số khác lại tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên thế giới trong sáu thời kỳ địa chất khác nhau. Chữ yom (ngày) trong tiếng Hê-bơ-rơ đều có thể được giải nghĩa theo hai cách này.
Không phải tất cả chúng ta đều đồng ý về sự soi dẫn. Một số người tin nơi sự soi dẫn toàn diện bằng ngôn từ, nghĩa là mọi lời trong Kinh Thánh được ban cho chúng ta trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Một số khác lại tin rằng sự soi dẫn ấy năng động hơn, ấy là Đức Chúa Trời soi sáng ý tưởng cho con người và cho phép họ diễn tả lẽ thật ấy bằng ngôn ngữ của chính họ.
Hết thảy chúng ta cũng không tin giống nhau về sự tái lâm của Chúa Giê-su. Một số tin rằng Chúa Giê-su sẽ ngự đến trong không trung và Hội Thánh sẽ được cất lên khỏi đất. Sau đó sẽ là bảy năm đại nạn, là lúc những người Do Thái không tin sẽ được cứu. Sau đó, Chúa Giê-su sẽ trở lại, thiết lập vương quốc của Ngài và cai trị trong 1,000 năm. Kế đến, sự phán xét sẽ diễn ra và sự sống đời đời bắt đầu. Một số người khác thì tin rằng sự hiện đến thứ hai của Chúa Giê-su chỉ là một sự kiện chung nhất. Khi Ngài tái lâm thì những người đã chết sẽ sống lại, sự phán xét sẽ diễn ra và trật tự đời đời sẽ bắt đầu.
Khi tôi còn làm mục sư ở nhà thờ cũ trước đây, tôi có giảng một bài về sự tái lâm. Tuần sau đó, một giáo viên trường Chúa nhật đến gặp tôi và nói, "Thưa Mục sư, cách tôi tin về sự tái lâm không giống như cách mục sư tin. Vậy, tôi có nên nghỉ dạy lớp trường Chúa Nhật không ?" Tôi trả lời, "Không nên tí nào ! Hãy dạy cho lớp của anh điều mà anh tin. Nhưng cũng nói với họ là có những người cũng tin nơi Kinh Thánh như chúng ta; nhưng họ giải nghĩa Kinh Thánh theo cách khác."
Bạn và tôi đều tin nơi Chúa Giê-su sẽ tái lâm cách cá nhân, trong sự đắc thắng và mọi người đều trông thấy được. Chúng ta đều tin nơi sự phán xét chung thẩm. Cả hai chúng ta đều tin thiên đàng và địa ngục. Nhưng cách chúng ta hiểu về tất cả những sự kiện xung quanh sự tái lâm lại không giống nhau. Một đặc điểm của người Báp-tít đó là có thể bất đồng trong việc diễn giải Kinh Thánh nhưng tôn trọng quan điểm của người khác. Người Báp-tít có quyền tự mình đọc và hiểu Kinh Thánh. Đó là một đặc quyền trong chức vụ thầy tế lễ của chúng ta.
Nói trong Cơ đốc giáo không phân biệt tầng lớp dĩ nhiên không có nghĩa là nghiêm cấm việc biệt ra những người làm mục sư hoặc các chức vụ khác để thực hiện một số các nhiệm vụ cụ thể nào đó vì ích lợi của Hội Thánh. Điều đó cũng không phủ nhận việc Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh Ngài những người có ơn dạy dỗ và chúng ta được gây dựng nhờ chức vụ của họ (Ê-phê-sô 4:11-12). Nhưng nó khẳng định nguyên tắc cá nhân trong tôn giáo và không cho phép những người có chức vụ hoặc các giáo sư đó tự cho rằng chỉ mình họ mới có thể ra mắt Đức Chúa Trời.
PAUL W. POWELL (Theo Hội Thánh Ngày Nay)