Một trong những môn học dỡ nhất của tôi là môn tiếng Anh - đặc biệt môn viết sáng tạo. Tôi rất run khi được cho bài tập về nhà môn viết. Thường thì mất ba bốn giờ mới viết xong một bài tập dài một hai trang giấy. Tôi ngồi xuống với tờ giấy trắng, mất một thời gian lâu để cố nghĩ ra cách viết. (Lúc đó chưa có máy tính cá nhân và iPads!) Cuối cùng tôi cũng "rặn" ra được một câu, đọc lướt qua, nghĩ thấy nó lủng củng quá nên quăng tờ giấy vào sọt rác. Cố gắng lần nữa, tôi viết được hai câu, cũng thấy ý tứ sao lủng củng quá và quăng luôn. Tôi cứ làm như thế cho đến khi tôi tốn mất cả một chồng giấy và hàng khối thời gian. Hơn một giờ sau, tôi mới viết được một hai đoạn văn nghe được. Cuối cùng, dù bài văn của tôi tạm được theo đánh giá của tôi, nhưng tôi bị cho điểm kém phần bài tập về nhà. Đôi khi tôi tự hỏi không biết các thầy cô giáo dạy Anh văn của tôi, cho tôi đậu để lên lớp chỉ vì họ không chịu nổi tôi thêm một năm nữa. Bạn nghĩ tôi nói phóng đại hả ? Sự thật là tôi đạt 370 điểm so với thang điểm là 800 về phần thi vấn đáp của chương trình thi SAT. Chỉ đạt 46 phần trăm, không đủ để lên lớp. May thay, tôi lại giỏi về toán học và khoa học nên tôi được nhận vào học môn kỷ sư tại đại học Purdue.
Vào năm 1991, khi Chúa phán với tôi trong sự cầu nguyện, Con trai à, Ta muốn con viết sách. Tôi nghĩ Chúa đã lầm to. Tôi tự nhủ, Có thể là Chúa có quá nhiều con cái Ngài trên hành tinh này, nên Ngài lộn tôi với ai đó ?
Tôi xấu hổ khi thừa nhận điều này, nhưng điều Ngài yêu cầu dường như buồn cười, nên tôi không làm gì cả. Lúc đó tôi thiếu hiểu biết về những gì tôi đang chia sẻ cho bạn về tính chất lạ lùng, năng quyền của ân điển Chúa. Mười tháng sau, chỉ trong vòng hai tuần liền, hai phụ nữ từ hai tiểu bang khác nhau đến gặp tôi. Một người từ bang Texas, người khác từ bang Florida. Mỗi người nói với tôi giống nhau: "John Bevere à, nếu anh không viết ra sứ điệp Chúa ban cho anh, Ngài sẽ ban nó cho người khác và anh sẽ bị phán xét vì không vâng lời."
Khi tôi nghe người phụ nữ thứ hai khuyên cùng một lời tôi vừa mới nghe hai tuần trước đó, nỗi sợ hãi ập đến tôi. Tốt hơn là tôi nên lắng nghe và tốt hơn hết là tôi nên viết sách ! Nhưng tôi nghĩ Chúa lầm to rồi. Tôi không thể làm bài văn mười trang giấy, nói chi là viết một cuốn sách ! Đang lúc tranh chiến như thế, tôi viết ra một hợp đồng với Chúa trên một tờ giấy. Tôi viết, Con cần ân điển Chúa. Con không thể làm việc này nếu không có khả năng của Ngài. Tôi ký vào hợp đồng đó và ghi ngày tháng năm.
Sau này, tôi ngồi xuống viết. Tôi không bắt đầu viết phát thảo, vì tôi không biết cách nào để tổng hợp ý, hay nên bắt đầu viết từ đâu. Tôi chỉ có ý tưởng chung chung về đề tài. Bất chợt, những ý tưởng hiện ra trong trí mà tôi chưa hề nghĩ ra, chưa hề được dạy dỗ hay nghe ai giảng dạy trước đây. Tôi viết và cứ viết ra. Cuối cùng, tôi có được một bản thảo dài bằng một cuốn sách. Sau đó, tôi viết cuốn thứ hai, rồi cuốn thứ ba. Đến ngày nay, tôi là tác giả của mười lăm cuốn sách bán tổng cộng gần hàng triệu cuốn và được phát hành trên sáu mươi thứ tiếng khắp thế giới. Có một cuốn sách, Drawing Near, đã giật được giải bình chọn hàng năm của Retailer’s Choice vào năm 2004, và một số cuốn thành sách bán chạy ở quốc nội lẫn quốc tế.
Bạn thấy là nếu dựa vào khả năng "tự nhiên" của tôi thì tôi không có công trạng nào trong đó phải không ? Tất cả đều bởi ân điển Chúa mà thôi ! Tôi đứng giảng tại một hội trường ở Châu Âu hơn tám ngàn người dự nhóm, phần lớn là các mục sư lãnh đạo cơ đốc, và hỏi có bao nhiêu người đã đọc sách vở của tôi. Ngạc nhiên là tôi quan sát hầu như mọi người đều giơ tay. Tại một hội đồng quốc tế tại Đông Âu, người chủ trì hỏi sáu ngàn lãnh đạo hội thánh từ sáu mươi nước là họ có đọc sách nào của tôi được dịch sang tiếng của họ. Tôi thật choáng ngợp khi nhìn thấy khoảng 90 phần trăm đưa tay. Tôi nghe nhà xuất bản tại một nước ở Iran (lúc tôi viết sách này thì có bảy đầu sách của tôi được dịch sang tiếng Farsi, thứ tiếng của Iran), "Mục sư là tác giả cơ đốc được nhiều người đọc nhất ở Iran." Những báo cáo như thế tiếp tục đến với tôi. Nhưng vấn đề là, Ân điển lạ lùng của Chúa !
Ngày nay, bởi ân điển quyền năng của Chúa, tôi đã giảng trước đám đông năm ngàn người, mười ngàn người và thậm chí hai mươi ngàn người khắp thế giới. Người ta hỏi tôi, "Mục sư có căng thẳng trước khi giảng không ?"
Tôi trả lời, "Không căng thẳng gì cả." Họ thường thấy lúng túng bởi câu trả lời của tôi. "Làm sao mục sư đối diện với nhiều người như thế mà không căng thẳng gì ?" Tôi cười và nói, "Tôi biết trước đây tôi rất dở, và nếu ân điển Chúa không giúp đỡ, hết thảy chúng ta gặp rắc rối lớn." Bây giờ tôi biết về ân điển Chúa, ân điển Ngài không bao giờ cạn. Ân điển Chúa luôn luôn có sẵn ! Đó là lý do Phaolô nói, "Anh chị em hãy xem xét lúc Chúa kêu gọi anh chị em. Giữa vòng anh chị em không có mấy người khôn ngoan theo trần tục, không mấy người có quyền thế, cũng không có nhiều người quý phái (1Cô 1:26). Tại sao ? Vì những người khôn ngoan, những người quyền thế và những người quý phái nhờ vào khả năng riêng của họ thay vì nhờ vào ân điển Chúa.
Lúc còn trẻ, Phaolô đã từng là một con người khôn ngoan và quý phái. Ông thừa nhận trong Philíp 3:4, "Mặc dù tôi cũng có lý do để kiêu hãnh về phần xác." Nhưng Phaolô chọn lệ thuộc ân điển : "Nhưng bất cứ những gì xưa kia [khôn ngoan, quyền thế, quý phái] tôi coi là lợi thì nay vì Chúa Cứu Thế tôi coi là lỗ." (Phi 3:7). Tại sao những đức tính kia lại vô dụng ? Vì Phaolô muốn bước đi trong ân điển phục sinh miễn phí của Chúa hơn là chính khả năng riêng của ông, "Để tôi biết Ngài và quyền năng phục sinh của Ngài" (c.10). Điều này không có nghĩa là Phaolô không làm gì cả. Ông học chăm chỉ để chứng tỏ mình được chấp nhận, và ông cầu nguyện tha thiết để được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn Chúa trong mọi khôn ngoan và hiểu biết thuộc linh. Phaolô phải buộc mình làm việc như hết thảy chúng ta, nhưng ông tin ân điển Chúa để vượt qua nỗ lực con người mà bước vào lĩnh vực của quyền năng siêu nhiên.
Nếu bạn là một sinh viên, bạn nên học chăm, nhưng cùng lúc bạn nên tin Chúa về ân điển Ngài để đem bạn vượt đến cấp độ suy tư và thành đạt mà chính hiểu biết riêng của bạn không thể làm được. Nếu bạn là một bác sĩ, bạn nên cập nhật những khám phá mới về y học, nhưng bạn không tin cậy vào khả năng hay nền học vấn của bạn. Bạn phải tin cậy vào khôn ngoan và tính sáng tạo của ân điển Chúa giúp bạn tiến xa hơn những gì người ta đã biết. Nếu bạn là một vận động viên chuyên nghiệp, bạn nên luyện tập siêng năng, nhưng bạn phải tin vào ân điển Chúa để vượt hơn hẳn những người không tin trong lĩnh vực của họ.
Hãy nhớ những chương đầu, chúng ta đã khám phá ra rằng Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời viết tiểu sử của mỗi chúng ta trước khi chúng ta ra đời ? Chúng ta thấy Đavít ngợi khen Chúa: "Mắt Chúa thấy thể chất vô hình của tôi; tất cả các ngày định cho tôi đã được ghi vào sổ của Chúa trước khi chưa có một ngày nào trong số các ngày ấy" (Thi 139:16).
Hãy để tôi nói với bạn về tiểu sử của bạn. Bạn không thể nào hoàn thành tiểu sử mà Chúa viết cho bạn bởi khả năng riêng của bạn. Bạn không thể làm việc này được. Nếu Chúa muốn cho tiểu sử của bạn hoàn thành bởi khả năng riêng của bạn thì Ngài phải chia sẻ vinh quang với bạn. Mà Chúa không làm việc này ! Ngày nói rõ, "Ta không nhường vinh quang Ta cho ai khác" (Êsai 42:8). Chúa chủ ý viết tiểu sử của bạn vượt quá khả năng của bạn để bạn phải lệ thuộc ân điển Ngài mới hoàn thành được. Đây là cách Ngài được vinh hiển ! Đây là điều tôi nói với tín hữu về những sách tôi viết. Không ai ý thức hơn tôi là tác giả của những cuốn sách này. Nó không phải do tài khéo của khả năng tôi. Tôi biết tôi là ai bởi khả năng của Ngài, ân điển của Ngài, chứ không bởi tôi. Ấy là món quà miễn phí của Chúa.
Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động là chỉ có 2 phần trăm tín đồ Mỹ biết về quyền năng của ân điển Chúa giúp họ hoàn thành tiểu sử Chúa đã định trước cho họ. Làm sao 98 phần trăm còn lại hoàn thành sự kêu gọi của họ bằng khả năng riêng của họ? Sự thật là họ không thể hoàn thành được. Sao mà chúng ta chưa thấy những ảnh hưởng to lớn trong cộng đồng của chúng ta?
JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn)