Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, sau khi Chúa Giê-su báo cho các môn đồ Ngài biết về nỗi buồn bực sâu thẳm hay những lời rên siết trong linh hồn Ngài, Ngài truyền bảo họ, "Hãy ở đây thức canh với Ta" (Mat 26:38). Sau đó Ngài tách ba môn đồ để cùng đi với Ngài vào vườn nơi Ngài cầu nguyện một giờ.
Khi Ngài quay lại, Ngài thấy họ ngủ. Ngủ ! Tại sao họ lại ngủ ? Có phải khuya lắm không ? Có phải họ mệt đừ sau một ngày dài không ? Có phải họ ăn quá nhiều tại lễ Vượt Qua không ? Sách Phúc Âm Luca kể chính xác tại sao họ ngủ : "Cầu nguyện xong, Ngài đứng dậy, đến với các môn đệ, thấy họ đang ngủ vì sầu thảm" (22:45). Họ cũng sắp bị tấn công nên họ kinh nghiệm nỗi buồn tương tự như nỗi buồn của Chúa Giê-su. Tại lễ Vượt Qua, Phierơ can đảm tuyên bố rằng ông thà chết chớ không chối Chúa. Phierơ tin bởi sức riêng rằng ông sẽ cứ can trường vững vàng đến cuối cùng. Các môn đồ khác cũng tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, Chúa Giê-su biết Ngài không chỉ sắp bị thử thách can go về lòng trung thành với Cha Ngài nhưng mà các môn đồ Ngài cũng bị thử thách về lòng trung thành của họ với Ngài.
Hãy nghe Chúa Giê-su nói với môn đồ đang ngủ của Ngài như thế nào. Ngài trở lại với ba môn đệ, thấy họ đang ngủ; Ngài nói cùng Phierơ: "Vậy, các con không thể thức nổi với Thầy một giờ sao ? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các con khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm linh thì mong muốn nhưng thể xác lại yếu đuối." (Mat 26:40-41).
Một lần nữa, đây là chìa khoá để chúng ta biết là chúng ta vẫn còn kiên định vâng lời Chúa hay chỉ là ước muốn chóng qua. Chúng ta sẽ được mạnh mẽ qua việc tỉnh thức (thức canh) và cầu nguyện. Giuđê viết, "Nhưng anh chị em yêu dấu, hãy gây dựng lẫn nhau trong đức tin rất thánh. Hãy cầu nguyện trong Đức Thánh Linh" (c.20). Cầu nguyện làm cho xác thịt chúng ta im tiếng và gây dựng con người bề trong của chúng ta.
Nản lòng là điều xảy ra với các môn đồ đêm hôm đó tại vườn. Những môn đồ đã ngủ khi mà đáng lý ra họ phải cầu nguyện. Họ không tỉnh thức về mối hiểm nguy cận kề. Họ không tỉnh thức, họ trở nên uể oải.
Ngày nay bạn và tôi có những cách khác làm dập tắt hay dè nén những cảnh báo của Thánh Linh : chúng ta mở ti vi, lướt web, nhắn tin bạn bè hay kiểm tra Facebook hay đến tủ lạnh để nuôi cho cái xác thịt của chúng ta. Chúng ta trở nên ít bén nhạy với sự dẫn dắt và cảnh báo của Thánh Linh. Hậu quả là chúng ta đánh mất khả năng đứng vững cách mạnh mẽ qua những thử thách. Chúng ta đánh mất sức mạnh can trường mà đã ban cho chúng ta cách miễn phí qua ân điển Chúa.
Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ thân cận Ngài và truyền họ hãy "thức canh và cầu nguyện, e các con sa vào chước cám dỗ" (Mat 26:41). Ngài đi một đoạn và cầu nguyện thêm một giờ nữa, rồi quay lại thấy họ ngủ nữa. Lần này Ngài không đánh thức và cảnh báo họ; họ phải chọn thôi.
Nhiều khi Chúa cảnh báo chúng ta một lần, có lẽ hai lần, nhưng nếu chúng ta bỏ qua lời cảnh báo lần đầu của Ngài thì Ngài vẫn im lặng cho đến khi chúng ta ăn năn. Khi hoạn nạn ập đến chúng ta, chúng ta sẽ bối rối tự hỏi, "Chúa ơi, Ngài ở đâu đây?" Ngài đã cảnh báo chúng ta, nhưng chúng ta không lắng nghe.
Chúa Giê-su trở lại cùng một nơi không cách xa chỗ các môn đồ đang ngủ và Ngài cầu nguyện thêm một giờ nữa. Khi Ngài cầu nguyện xong, họ vẫn còn ngủ. Và đó là khi Giu-đa, kẻ phản bội, và lính canh của toà công hội đến khu vườn và bắt Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su đã thành công trong sứ mạng phi thường của ân điển bằng cách duy trì sư tiết độ, tỉnh thức trong cầu nguyện, và vững vàng không nao sờn cho đến cuối cùng. Ngược lại, các môn đồ bày tỏ ước ao muốn cứ vững vàng; họ nghĩ họ có thể làm được, nhưng họ không có sức. Như Chúa Giê-su đã tiên tri, mỗi người đều bị tấn công và thất bại : "Tất cả môn đồ đều bỏ Ngài và chạy trốn" (Mat 26:56). Phierơ làm đúng như điều ông nói ông không làm : ông chối Chúa. Nhưng Phierơ có một điều đáng khen. Ít ra là ông theo Chúa Giê-su đến tận phòng xử án. Những người khác, ngoại trừ Giăng, lập tức chạy trốn khỏi vườn để được an thân.
Có phải chúng ta thường nghe tín đồ có ý định tốt nhưng sau đó thấy họ không đủ sức làm những gì họ nói phải không ? Tại sao có chuyện này ? Vì, như các môn đồ tại vườn, họ không tỉnh thức trong sự cầu nguyện ! Tâm linh thì muốn nhưng xác thịt thì yếu. Chính do không được trang bị thích hợp nên khiến họ không đạt đến mục đích ước ao.
Ai viết lời khích lệ hãy "trang bị chính mình" tốt hơn là Phierơ ? Vào cái đêm định mệnh đó lời nói ông rất can đảm nhưng hành động của ông thì thất đảm. Chúa Giê-su đã báo trước cho ông cách rõ ràng, "Simôn, Simôn, satan đòi sàn sẩy con như lúa mì" (Lu 22:31). Nhưng Phierơ và các môn đồ khác thiếu đi sức mạnh can trường cần thiết để đứng vững mạnh mẽ suốt đêm đó. Vì thế, sau này trong cuộc đời ông, ông cảnh báo bạn và tôi hãy trang bị chính mình để kết thúc tốt đẹp, dẫu đó là một buổi tối, một giai đoạn hay cả một đời.Việc trang bị chính mình cho cuộc chiến bao gồm việc duy trì sư tiết độ và tình thức. Chúng ta không cho phép những dụ dỗ của đời này làm tắt lịm quyết tâm của chúng ta hay làm mất đi lòng tận hiến đời sống giống Chúa trong mọi sự. Và chúng ta phải tỉnh thức, canh chừng luôn luôn, vì nếu chúng ta không kiên trì canh chừng, ma quỷ, kẻ tìm cách ăn nuốt chúng ta, sẽ tàn phá.
JOHN BEVERE (Theo Không nao Sờn)