Từ bài giảng luận "Nếu Chúa Khứng"
CN April 17, 2016 - Hội Thánh North Hollywood
Nầy, có một người phung đến gần, lạy Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được. (Ma-thi-ơ 8:2)
(đọc Ma-thi-ơ 8:1-17)
Dù rằng phân đoạn Kinh Thánh trích dẫn ghi lại những ba lần chữa bệnh chỉ bằng lời phán của Đức Chúa Giê-xu, nhưng bài giảng luận không đưa tôi vào những biện chứng về thần tánh của Cứu Chúa hay đưa ra những bài học về đức tin để được chữa lành. Diễn giả có nói đến nguyên tắc cầu xin tóm tắt như sau: Cầu xin trong sự kính sợ, bằng đức tin và lòng vâng phục trọn vẹn. Tuy nhiên, sự nhắc nhở lại nhằm vào hai điều khác nằm ẩn sau ba chữ "NẾU CHÚA KHỨNG" được trích ra để làm đề mục.
Tôi phải cầu nguyện trong tinh thần "NẾU CHÚA KHỨNG", có nghĩa là tôi hoàn toàn tin rằng Đức Chúa Trời quyền năng có năng lực vô biên để làm bất cứ việc gì đồng thời tôi cũng phải luôn tự nhắc mình rằng Ngài có toàn quyền làm hay không làm. Không dễ dàng cho tôi khi phải đối diện với thực tế này. Bởi, tôi vẫn cầu nguyện với Chúa theo bản tánh xác thịt đầy ham muốn, đầy ý riêng, cố tình tạo đủ thứ áp lực để hi vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện mọi yêu cầu của tôi trong khoảng thời gian chờ đợi ngắn nhất. Tôi hay viện dẫn nhiều thứ, từ trích dẫn lời hứa của Chúa, khởi động sức mạnh của tập thể kèm theo những thủ tục đặc biệt để bày tỏ lòng thành tâm, nêu rõ mục đích là chỉ với lòng thành thật muốn làm mọi sự để vinh hiển Danh Chúa .v.v... nhưng nếu đặt lại vấn đề trong tinh thần "NẾU CHÚA KHỨNG", tôi sẽ hiện nguyên hình với đủ mọi thứ tư kỷ, vị kỷ, ích kỷ, cao ngạo, hình thức ... tôi chỉ muốn lợi dụng quyền năng vô đối của Chúa chứ không để "Ý CHA ĐƯỢC NÊN" như vẫn nghêu ngao cầu nguyện mỗi ngày.
Một điều nữa của tinh thần "NẾU CHÚA KHỨNG", nếu Chúa không cho phép điều tôi khẩn xin xảy ra, thái độ của tôi sẽ như thế nào, chấp nhận hay hụt hẩng? Như đã nói ở trên, Chúa có quyền không làm theo yêu cầu của tôi, và còn hơn thế nữa, Ngài rất nhiều khi còn làm ngược lại kế hoạch, dự tính hay khôn ngoan của tôi. Trong những trường hợp đó, dễ lắm tôi trách cứ, than phiền, làm nũng với Chúa, dù biết rằng không thể xoay chuyển tình thế. Điều tôi cần phải làm là yên lặng, tiếp tục bước đi trong con đường hẹp, dấn thân vào những khó khăn, trở ngại với lòng thuận phục để chờ xem điều tốt lành sẽ đến khi tôi chấp nhận "KHÔNG THEO Ý MUỐN CON, NHƯNG THEO Ý MUỐN CHA" (Ma-thi-ơ 26:39). Đức Chúa Giê-xu đã phải cật lực chiến đấu trong hoàn cảnh đó nơi vườn Ghết-sê-ma-nê xưa kia để lại gương mẫu cho tôi, một môn đồ của Ngài, và tôi cũng phải bước theo Ngài y như vậy, không có loại trừ. Tôi có làm được không? Đó là điều tôi cần nhờ ơn Chúa để ngộ ra và chuẩn bị, trước khi tôi cất tiêng kêu xin với Chúa.
Đức tin là một yếu tố vô cùng quan trọng để ơn Chúa, phép lạ và những gì tốt lành ngoài sự hiểu biết của tôi sẽ được ban cho qua lời cầu nguyện của người công chính (Gia-cơ 5:16). Tuy nhiên, đức tin đó cũng phải hoàn toàn chấp nhận thẩm quyền quyết định tối hậu của Đức Chúa Trời. Chúa biết điều tốt lành nhất mà tôi nên nhận được, hoàn toàn không theo cách suy nghĩ hạn hẹp của tôi, nhưng có ích lợi theo quy hoạch dài lâu của Đấng Chủ Tể. Tinh thần "NẾU CHÚA KHỨNG" không biến tôi thành một đầy tớ tiêu cực trong nhà Chúa, nhưng giúp tôi khiêm nhu hơn để được nhìn thấy bàn tay của Chúa làm những việc trọng đại khác thường và có hiệu quả, để rồi tôi chỉ biết cất tiếng vui mừng tạ ơn vì Ngài chấp nhận sự yếu đuối của một con người như tôi để làm nên những phép lạ bày tỏ tình yêu tuyệt diệu của Ngài.