(Kính tặng tất cả những người Mẹ!)
Một trong những điều mà độc giả không khó để nhận ra khi đọc thơ tâm linh của Tường Lưu, ấy là những bài thơ viết về Cha Mẹ của thi sĩ chiếm số lượng khá lớn trong những thi tập tâm linh của ông. Điều đó nói lên rằng hình ảnh về Cha Mẹ chiếm một vị trí quan trọng trong tâm hồn của thi sĩ.
Nhân ngày Lễ Mẫu Thân, chúng ta cùng bước vào vườn thơ tâm linh của thi sĩ để cùng thưởng thức những vần thơ đẹp đẽ, đầy tình cảm mà ông dành tặng Mẹ.
Nghĩ về Mẹ, thi sĩ nghĩ về lời ru của Mẹ đầu tiên, vì hầu như ai trong chúng ta cũng đều được lớn lên trong những lời ru ngọt ngào của Mẹ trước hết. Hãy nghe thi sĩ viết về lời ru của Mẹ với những so sánh mới đẹp làm sao: Lời Mẹ ru như dòng sữa ấm, lời Mẹ ru như lời thơ, lời Mẹ ru như điệu nhạc thần tiên và lời ru ấy vang vọng đến ngàn năm, không phôi pha:
Lời mẹ ru con, ru ngàn năm/ Con nghe dòng sữa chảy ấm lòng/ Cái ngủ đã về ngày thơ ấu/ Ấm êm lời mẹ ru ngàn năm/ Con nghe lời mẹ ru ngàn năm/ Con nghe tình mẫu tử thấm lòng/ Hai hàng lệ nóng dâng cay mắt/ Con nghe lời mẹ ru đời con/ Lời mẹ ru con là lời thơ/ Là nhạc thần tiên đẹp giấc mơ/ Con thấy yên lòng trong tay mẹ/ Bây giờ cho mãi đến bao giờ. (Lời mẹ ru - CKTL) (*)
Nói về tình cảm của Mẹ dành cho mình, thi sĩ xem đó là một thứ tình cảm bất diệt, dầu nhiều khi mình có thể quên Mẹ, nhưng Mẹ thì nhất định không quên mình:
Mẹ tôi không quên tôi/ Dẫu xa cách phương trời/ Dẫu trên non, dưới biển/ Mẹ tôi vẫn gần tôi/ Mẹ tôi không quên tôi/ Chẳng bao giờ quên tôi/ Có khi tôi quên mẹ/ Mẹ tôi không quên tôi. (Mẹ tôi không quên tôi – CKTL)
Nói về Mẹ thì không thể không nói về tình Mẹ, vì tình Mẹ là cả một trời cảm xúc của tất cả các thi nhân từ xưa cho đến nay. Tình Mẹ là thứ tình cảm hết sức đẹp đẽ trên đời và thiêng liêng vô cùng:
Tôi muốn dệt những vần thơ về mẹ/ Để đọc lên cho nước mắt trào rơi/ Vì có gì đẹp đẽ nhất trên đời/ Thiêng liêng nhất phải chăng là tình mẹ/ Những kỷ niệm xa xưa còn lưu dấu/ Chiếc nôi êm tôi ngủ mẹ ngồi đưa/ Hồn ca dao phảng phất giấc ban trưa/ Mẹ tôi đã ru tôi vào sông núi. (Thơ về mẹ - CKTL)
Tình mẹ với con, tình thiêng liêng/ Con là của mẹ, của mẹ riêng/ Nên con dù có ra sao nữa/ Mẹ vẫn dành con trọn trái tim/ Thập hình treo giữa đỉnh đồi hoang/ Tim Chúa vì ta đã vỡ tan/ Tim mẹ cho ta trong cõi tạm/ Tim Chúa cho ta, cõi vĩnh hằng. (Tình mẹ - CKTL)
Từ tình Mẹ, tim Mẹ, thi sĩ rất lô-gíc, đưa ta đến với tình Chúa, tim Chúa một cách thật lý thú và với sự liên hệ thật độc đáo từ cõi tạm đến cõi vĩnh hằng.
Sống xa Mẹ, thi sĩ nhớ về Mẹ vô biên, dù nước mắt tuôn dài, nhưng vẫn không thể nào nguôi được nỗi nhớ thương Mẹ. Và dù chưa một lần thưa với Mẹ rằng mình yêu Mẹ nhất trên đời, nhưng Mẹ vẫn dư biết điều đó, vì trái tim kỳ diệu của Mẹ báo cho Mẹ biết tình cảm của từng đứa con dành cho mình:
Nước mắt chẳng làm khuây nhớ mẹ/ Đêm đêm thao thức suốt đêm đêm/ Có gì đền đáp ơn trời bể/ "Nước trong nguồn" chảy mãi, triền miên/ Tôi chẳng bao giờ thưa với mẹ/ Rằng tôi yêu mẹ nhất trên đời/ Mẹ biết trong lòng tôi rất rõ/ Rằng tôi yêu mẹ nhất trên đời. (Thưa với mẹ - CKTL)
Không có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất Mẹ phải không bạn? Hãy nghe thi sĩ khóc Mẹ khi Mẹ không còn trên cõi đời nầy nữa với mình với những dòng thơ lục bát da diết sau đây:
Mẹ ơi, mẹ đã đi rồi/ Bật oà con khóc như hồi còn thơ/ Sáu mươi bảy tuổi bây giờ/ Lòng con thổn thức, mắt mờ lệ tuôn/ Mẹ thương con đủ mọi đường/ Con thương mẹ thật bất thường, mẹ ơi. (Khóc mẹ - CKTL)
Mẹ thương con đủ mọi đường/ Con thương mẹ thật bất thường, mẹ ơi. Hai câu thơ hay quá, vì nó nói rất đúng lòng của chúng ta với Mẹ và lòng của Mẹ dành cho chúng ta.
Cũng nỗi đau mất Mẹ đó, nhưng trong một bài thơ khác, với thể thơ tám chữ, thi sĩ diễn tả nổi đau một cách nồng nàn, cháy bỏng:
Mẹ đi rồi, một trời riêng sụp đổ/ Kỷ niệm xưa con nghĩ đã khi quên/ Nay hiện ra đầy trong trí, trong tim/ Mỗi kỷ niệm nhạt nhòa hàng nước mắt. (Trong tay mẹ - CKTL)
Một lần, thi sĩ pha trà ngồi uống một mình và nhớ đến Mẹ, ước chi Mẹ còn để hai mẹ con cùng uống và cùng nói chuyện thì còn gì bằng. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng mà thôi, vì Mẹ đã đi về miền vinh hiển rồi. Và thi sĩ mong ước sớm được về nơi ấy để ... pha trà Mẹ xơi:
Mẹ ơi, con biết nói gì/ Nước trà đã đậm, ước chi Mẹ còn/ Mẹ con cùng uống mới ngon/ Bây giờ, nước mắt của con đậm trà/ Con trông ngày tháng mau qua/ Thiên Đàng con sẽ pha trà ...Mẹ xơi. (Thiên Đàng con sẽ pha trà ... mẹ xơi – VHTL)
Nếu có người nào cực khổ nhất trên đời, thì đó phải là người Mẹ, vì Mẹ phải mang nặng đẻ đau để sinh ra ta, vì Mẹ phải nhường nhịn tất cả, chịu đựng tất cả để dành những gì tốt đẹp nhất cho ta, nhưng kỳ diệu thay, nếu có người nào không than thở trên đời, thì đó cũng lại là người Mẹ:
Con từng thấy Mẹ đói/ Nhường phần Mẹ... con ăn/ Làm sao Mẹ chịu nổi/ Con chẳng nghe Mẹ than/ ... Suốt đời Mẹ bao nỗi.../ Xơ xác tấm thân vàng/ Khi trút hơi thở cuối/ Không một lời Mẹ than. (Con chẳng nghe Mẹ than – TĐTL)
Không còn Mẹ bên đời là một bất hạnh lớn. Và một khi Mẹ đã ra đi thật xa rồi thì nỗi nhớ thương Mẹ là rất lớn trong ta, một nỗi nhớ thương không gì có thể bù đắp được, một khoảng trống tâm hồn khó lấp đầy làm sao:
Mẹ đi đã mấy thu vàng úa/ Cỏ mộ vàng theo thu mấy mùa/ Câu hát Mẹ ru...còn ngấn lệ/ Bên trời ngơ ngẩn... những ngày xưa. (Mẹ đi đã mấy thu – TTTL)
Cũng nỗi nhớ về Mẹ, nếu như ở bài thơ trên thì nỗi nhớ như âm thầm và như thấm vào bên trong, thì ở bài thơ "Quà tặng Mẹ" dưới đây, nỗi nhớ ấy như chực trào tuôn ra bên ngoài:
Tôi nhớ Mẹ, nhớ không sao tả xiết!/ Mẹ của con, Mẹ khuất núi lâu rồi/ Nỗi buồn này vời vợi, khó cho nguôi/ Khi Mẹ sống không có quà ... con tặng!/ Ngày Lễ Mẹ, nước mắt con giàn giụa/ Không sao ngăn tiếng nức nở trong lòng/ Mẹ của con! Mẹ yêu dấu của con!/ Trễ quá rồi, Mẹ ơi, quà tặng Mẹ! (Quà tặng Mẹ - TTTL)
Ở một bài thơ khác, ta thấy nỗi nhớ Mẹ của thi sĩ như vỡ oà một cách mạnh mẽ chưa từng có:
Con đã nhiều đêm thầm khóc Mẹ/ Nuốt dòng nước mắt ngược vào tim/ Nghĩ đến cuộc đời dài khổ hận/ Vì con Mẹ chịu hết, một mình/ Đâu biết hôm nay con khóc lớn/ Chạnh lòng nhớ Mẹ lệ khơi dòng/ Con vẫn muôn đời con của Mẹ/ Mẹ vẫn muôn đời Mẹ của con. (Nhìn Mẹ người quen – TLTT).
Con vẫn muôn đời con của Mẹ/ Mẹ vẫn muôn đời Mẹ của con. Đó là một chân lý không bao giờ thay đổi vậy.
Nếu hỏi trên đời nầy người luôn có tấm lòng bao dung với ta là ai, thì câu trả lời rõ ràng: đó không ai khác hơn là Mẹ và chỉ có Mẹ mà thôi. Mẹ không những bao dung, rộng lượng, mà Mẹ còn là người luôn ở bên ta, an ủi, nâng đỡ ta nhiều nhất trong mọi bước đường đời. Ôi, Mẹ tuyệt vời làm sao!:
Con nhớ bồi hồi ngày ... dĩ vãng/ Mẹ là nguồn an ủi vô cùng/ Những lúc con vui, con buồn bã/ Nhìn qua Mẹ đã biết ngọn nguồn!/ Con lỗi, con sai, con sao nữa/ Vòng tay của Mẹ sẵn bao dung!/ Mẹ vui những lúc con thành đạt/ Không thất bại nào Mẹ không có bên con!/ Nếu không còn Mẹ trên đời nữa/ Hỏi có chi làm con buồn hơn? (Nhớ Ba, nhớ Mẹ - TLTT 12)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng viết:
Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ? Sẽ không lớn nỗi thành người.
Vâng, mỗi người trong chúng ta ai đều cũng có một quê hương để mà thương yêu, cũng như mỗi người chỉ có một Mẹ để nhung nhớ vậy. Thi sĩ Tường Lưu là người thuộc quê hương "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm.", nhưng thi sĩ không dừng lại ở đó, ông như vượt cao hơn một bước nữa, ông xem Mẹ như là quê hương của chính mình. Đó là một ý nghĩ thật hay và độc đáo:
Mẹ ơi Mẹ, quê hương con là Mẹ/ Khi con buồn, nỗi nhớ Mẹ mông mênh/ Mẹ dịu dàng, Mẹ an ủi, Mẹ khuyên/ Nép vào Mẹ, con vơi đi sầu muộn/ Cuộc đời con bao nhiêu phen lận đận/ Bước thăng trầm Mẹ đâu tách rời con/ Mẹ vì con, qua ngày tháng mỏi mòn/ Tình của Mẹ dành cho con ... muôn thuở. (Quê hương con là Mẹ - TLTT 12)
Trên đây là một trong số những vần thơ hay và đầy cảm xúc viết về Mẹ của thi sĩ Tường Lưu mà tôi muốn chọn lọc để gởi tặng đến bạn đọc nhân ngày Hiền Mẫu năm nay.
Theo tôi, có thể nói rằng dòng chảy của thơ viết về Mẹ trong thơ tâm linh của Tường Lưu là dòng chảy mạnh thứ hai sau dòng chảy của thơ dành để ca ngợi Chúa. Với Tường Lưu thi sĩ, thì "Chúa trên hết, không có gì trên nữa" (**). Thi sĩ đã từng tuyên bố "Thơ tôi ca ngợi một mình Chúa thôi" đó sao! Và rồi thứ đến là Cha Mẹ và sau đó là những tình cảm còn lại.
Chính vì vậy mà trong các thi tập tâm linh của mình, tác giả đã dành một số lượng lớn những bài thơ để viết về Cha Mẹ của mình bằng một giọng điệu thơ tha thiết và nồng cháy vô cùng. Có thể nói Cha Mẹ là một nguồn cảm hứng không dứt trong trái tim thơ của thi sĩ. Chẳng vì thế mà ở bất cứ thi tập tâm linh nào của Tường Lưu, ông cũng đều trang trọng ghi dòng chữ đầy yêu thương ở ngay những trang đầu của mỗi tập thơ:
"CON CẢM ƠN BA MẸ ĐÃ CHO CON NHỮNG DÒNG THƠ NÀY."
Tôi là người yêu thơ văn, nhất là thơ văn Cơ-đốc, Tường Lưu là một trong những tác giả thơ Cơ-đốc mà tôi rất yêu thích từ lâu nay. Mỗi khi gặp người "đồng thanh tương ứng" thì tôi thường không quên đọc những bài thơ tâm linh mà tôi thuộc lòng của Tường Lưu cho bạn bè nghe và hầu như ai cũng thích thú cả. Tôi tin rằng cũng có nhiều người yêu thích thơ tâm linh Tường Lưu như tôi. Sở dĩ tôi thích thơ ông là vì tôi đọc và như thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong đó nhiều nơi lắm. Một lẽ khác khiến tôi yêu thơ ông là vì những vần thơ viết về Cha Mẹ của ông dạt dào cảm xúc quá và những cảm xúc rất thật làm rung động trái tim nhạy cảm của tôi.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ có một nhận xét khá thú vị về thơ Tường Lưu như sau: "Thơ Tâm Linh của Tường Lưu không phải chỉ là những đoá hoa đẹp trong một bó hoa nhưng là cả một vườn hoa. Tôi yêu thích thơ Tường Lưu và luôn luôn muốn giới thiệu cho mọi người thưởng thức thơ Tường Lưu." (***) Vâng! bước vào thơ tâm linh của Tường Lưu là chính xác ta đang bước vào Vườn Hoa Tâm Linh (tên một Thi Tập Tâm Linh của Thi sĩ) thật đẹp đẽ và đầy hương thơm vậy. Trong đó, ta thấy bao la tình Chúa và đầy ắp tình người. Tạ ơn Chúa!
Tôi may mắn đã có được trong tay gần như đủ bộ thơ tâm linh của Tường Lưu. Tôi dành cho nó một chỗ trân trọng trên kệ sách của tôi và cũng thường dành thì giờ để thưởng thức tâm thơ của một thi sĩ cùng quê hương Quảng Nam với tôi mà tôi hằng yêu mến và ngưỡng mộ.
Cảm tạ Chúa đã ban cho Tường Lưu có một tâm hồn thơ thật phong phú và sâu lắng. Những vần thơ viết về mẹ của thi sĩ cũng rất sâu lắng và phong phú. Tôi tin rằng thơ tâm linh của Tường Lưu đã, đang và sẽ được Chúa dùng một cách ích lợi cho công việc nhà Chúa chung, khích lệ nhiều người trong đức tin theo Chúa và đem nhiều người đến với Ngài. Vì chính tác giả đã quyết định trong lòng rằng: "Thơ tôi ca ngợi một mình Chúa thôi!"
Nguyện Chúa ban phước cho những năm tháng còn lại của thi sĩ trên trần gian nầy cho đến ngày "tung cánh thiên thần mà bay" về với Chúa như chính thi sĩ đã mong ước một cách thật thơ mộng vậy.
Kính chúc những người Mẹ ngày Lễ Mẹ nhiều niềm vui và phước hạnh trong tình yêu miên viễn của Ngài. Amen!
Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.
(*) : Các tên viết tắt các Thi Tập Tâm Linh trong bài viết:
+ CKTL: Ca Khúc Tâm Linh.
+ VHTL: Vườn Hoa Tâm Linh.
+ TĐTL: Thách Đố Tâm Linh.
+ TTTL: Thăng Tiến Tâm Linh.
+ TLTT: Tâm Linh Thi Tuyển.
+ TLTT12: Tâm Linh Thi Tập 12.
(**): Một câu thơ của tác giả Bình Tú Ngọc trong bài thơ "Tìm kiếm Ngài trước hết".
(***) Trích từ bài viết "Tôi thích thơ Tương Lưu" của Mục Sư Nguyễn Văn Huệ, Chủ Nhiệm Kiêm Chủ Bút Đặc San Hướng Đi, đăng trong "Tâm Linh Thi Tuyển" của Tường Lưu, xuất bản năm 2005.