Từ bài giảng luận "Trở Về"
CN May 01, 2016 - Hội Thánh North Hollywood
Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. (Luca 15:20)
[đọc Luca 15:11-32]
Không ai còn lạ gì với bộ ba ẩn dụ của Đức Chúa Giê-xu về con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất và nhất là đứa con trai hoang đàng phá của này. Điều cần quan tâm hôm nay, cho dù tôi đã là một thành viên trong gia đình Cơ-đốc, không kể thời gian là bao lâu, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể có hành động như đứa con trai phá của đó. Hãy xem người anh còn ở trong nhà cha mình mà vẫn có hành động như kẻ đáng chê trách đã bỏ nhà đi hoang.
Tôi cũng vậy, tôi sẽ trở nên giống như người con trai hoang đàng khi mà:
1/ Đánh mất sự tương giao giữa mình với Cha, như con chiên nhỏ đi ra ngoài tầm kiểm soát của người chăn. Đứa em nghĩ rằng đến lúc mình không cần ở dưới sự giám sát của cha nữa, mình có quyền tự do suy nghĩ và hành động, mình sẽ làm nên chuyện khi trong tay có đủ phương tiện và cơ hội, tự đứng trên chân mình và không dựa dẫm vào ai khác.
2/ Bức rời ra khỏi sự liên kết của tập thể, như đồng bạc không còn nằm trong sự gắn bó của sợi dây kết nối mười đồng bạc của thiếu phụ kia. Người em không còn muốn sống với gia đình, hay người anh không muốn tham gia vào bữa tiệc vui của cha, không muốn dự bữa tiệc lớn với bò con mập béo mà đố kỵ vì không có được một bữa thết đãi bạn bè chỉ với một con dê con bé xíu.
Tại sao người cha lại thuận theo đề nghị kém khôn ngoan của người em, tại sao Đức Chúa Trời biết tôi sẽ thất bại mà Ngài vẫn cho phép tôi tẻ tách? Câu trả lời được tóm gon trong hai chữ "TỈNH NGỘ" (câu 17). Đức Chúa Trời không ép tôi phải thuận phục, Ngài muốn tôi phải học biết và hoàn toàn chấp nhận ở dưới sự điều khiển của Ngài, tôi chỉ ngộ ra điều quan trọng đó khi tôi lâm vào hoàn cảnh hết thuốc chữa như người em hoang đàng kia. Như đã nói, điều đó có thể được cho phép xảy ra khi tôi đang hầu việc Chúa, đang ở trong sự hiện diện của Chúa, ở trong nhà Chúa. Đức Chúa Trời yêu thương cần sữa tôi lại bằng chính thực tế mà tôi muốn dấn thân vào đó.
Đây là bài học nhắc tôi về tình yêu thương vô biên của Đức Chúa Trời, như lời người cha tuyên bố khi đứa con trai trở về nhà: (câu 32) "Nhưng thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được". Tuy nhiên, đó không thể là cái cớ để tôi lợi dụng như một tấm thẻ bảo hiểm cho mọi sai trái của tôi. Từ câu chuyện này, tôi phải nhìn thấy hạnh phúc khi đang còn ở trong nhà Cha. Tôi phải "dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh" (Êph 4:3). Mất sự thông công với Chúa và mất đi sự thông công với anh em là mối hiểm họa luôn chực chờ để biến tôi thành kẻ bất hạnh.
Con chiên khù khờ cần đến người chăn đi tìm kiếm đem về chuồng. Đồng bạc cần đến người thiếu phụ đốt đèn soi khắp nhà để thu hồi. Còn tôi, cũng như đứa con trai lầm lạc kia, phải tự mình quyết định đứng dậy mà về cùng cha mình.
Mong răng, không phải đến lúc cùng cực đó tôi mới tỉnh ngộ mà tôi cần phải ngộ ra ngay từ hôm nay, lúc còn có cơ hội, vì tôi không biết được ngày mai của mình sẽ ra làm sao đâu. Con chiên ngu ngơ nầy của Chúa không đủ trí khôn để địch lại mưu kế của thế lực tối tăm của thế gian, nếu không ở trong Chúa và chiến đấu bằng sự trợ giúp của Ngài.