Từ bài giảng luận "Ngày Nay Chúa Đến Thì Sao?"
CN May 29, 2016 - Hội Thánh North Hollywood
Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. (Giăng 14:2,3)
Bài viết
"Ngày nay Chúa đến thì sao?" đối với tôi không có nghĩa là ngày Chúa đến ra làm sao?; nhưng tựa của bài Thánh Ca này đặt cho tôi một vấn đề cá nhân hết sức nghiêm trọng: tình trạng của tôi lúc bấy giờ sẽ ra thể nào? Đó là điều mà tôi phải suy nghĩ đến ngay hôm nay, bởi có lời cảnh tỉnh được chép trong Thánh Kinh như vầy: "Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng"(Heb 12:15).
Chuyện Đức Chúa Giê-xu Christ trở lại là việc của Chúa, đã được Đức Chúa Trời hoạch định trong những bước rất rõ ràng, và mọi sự còn đang ở tương lai, tôi chỉ chờ đợi và lấy mắt nhìn xem mọi diễn biến, nếu thấy thích biết cặn kẻ mọi lời tiên tri này thì có cả một kho sách giải nghĩa để tôi tham khảo. Còn khi lưu tâm đến "trật phần ân điển", tôi phải hết lòng nhờ Chúa giúp cho nhiều việc: để ngăn chận "rễ đằng châm ra", phải đối phó với "nhiều ngăn trở và ô uế" khiến tôi đánh mất ơn cứu chuộc của Chúa ban cho. Những điều này không phải chỉ nhắm vào riêng một ai đó, nhưng bất cứ những người tự xưng mình là Cơ-đốc Nhân đều có thể bị trở thành đối tượng mà quyền lực tối tăm để mắt đến: "Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được"(1Phi-e-rơ 5:8)
Bên cạnh nguy cơ đó, lý do mà tôi phải luôn luôn tỉnh thức là ngày Chúa đến lúc tôi không ngờ, tôi không thể biết là lúc nào để mà có thể xoay trở. Đức Chúa Giê-xu đã dạy rằng: "Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến" (Mathiơ 24:42). "Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm" (2Pe 3:10). Phao-lô cũng cảnh báo y như vậy : "Chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy" (1Têsalônica 5:2).
Dù phải luôn tự cảnh tỉnh mình để lúc nào cũng ở trong tình trạng chuẩn bị gặp Chúa, nhưng tôi không đánh mất hi vọng hay mòn mỏi trong tuyệt vọng , bởi vì bên cạnh tôi, Chúa vẫn hổ trở để tôi thắng hơn, thắng hơn thế gian, thắng hơn ma quỉ và thẳng hơn chính mình, "Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta"(1Côrinhtô 1:8).
Tôi phải đoan chắc rằng, ngay chính hôm nay, tôi đang sống với Chúa và có Chúa sống trong tôi. Nếu tôi luôn giữ mình trong Chúa thì "Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giê-xu Christ"(Philíp 1:6). Nhờ vậy, tôi sẽ trở nên một đầy tớ có ích cho Chúa giữa thế gian này: "Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời" (1Phierrơ 2:12).
Ơn của Chúa dành cho tôi lớn lắm, Chúa cũng muốn anh em tôi sẽ ở trong sự chăm sóc tận tình như vậy. Lời Chúa dạy rằng: "Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy" (Hêbơrơ 10:24,25).
Kế hoạch của Chúa hết sức rõ ràng, thực dụng và hiệu quả. Đức Chúa Trời không muốn một người nào bị hư mất, nhất là những kẻ đã thuộc về Ngài trong đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ. Từng ngày sẽ trôi qua trong đời sống tôi, khi tôi trông đợi ngày Chúa trở lại để Chúa ở đâu thì tôi cũng được ở đó với Chúa; tôi phải giữ cho mình và cả anh em mình được thánh sạch, xứng đáng để được gọi là những "đày tớ ngay lành và trung tín"; khi Chúa đến, Ngài sẽ khen rằng "được lắm, hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi".