Khi thuyết trình, tôi thường hỏi cử tọa : "Nếu quý vị là người hầu việc Chúa trọn thời gian, xin vui lòng giơ tay lên." Thường thì tôi chỉ thấy một số ít cánh tay giơ lên. Chỉ có một vài người hầu việc Chúa trọn thời gian giữa vòng cử tọa cảm thấy tự hào khi giơ tay. Tôi sẽ đặc biệt mời họ bước lên và xin cử tọa một tràng pháo tay cổ vũ. Giống như tiên tri Ê-sai sẵn lòng lắng nghe lời kêu gọi, họ cũng sẵn lòng dành trọn thời gian trong cam kết cho chức vụ Cơ đốc. "Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng : Ta sẽ sai ai đi ? Ai sẽ đi cho chúng ta ? Tôi thưa rằng : Có tôi đây; xin hãy sai tôi" (Ê-sai 6:8).
Chúng ta nên trân trọng những người hầu việc Chúa toàn thời gian. Họ là người sẵn lòng tiến lên phía trước; sẵn lòng tận hiến cuộc đời và sự nghiệp trọn thời gian cho sự trình bày Phúc âm.
Tôi lại đọc thêm lần nữa và cổ vũ họ rằng nếu là Cơ đốc nhân, họ đã cam kết làm một "Cơ đốc trọn thời gian" trong mọi điều họ làm. Họ không thể phân chia đức tin của mình thành từng phần riêng biệt như ở sở làm, tôi là Joe – thành viên ban quản trị - ở nhà, tôi là Joe - chồng hoặc cha; và ở nhà thờ, tôi mới làm Joe – Cơ đốc nhân.
Không phải như vậy. Thật ra chúng ta thấy Chúa Giê-xu thực thi phần lớn chức vụ của Ngài đang khi dong ruổi trên đường, ngoài chợ, tại bãi đánh bắt cá, tại đám cưới, trên sườn đồi, đang khi trong nhà, hay bên giếng nước. Chúng ta chắc chắn cũng thấy Ngài phục vụ trong nhà hội và tại đền thờ. Việc xuất hiện ở tại nhà hội hay đền thờ là kết quả tự nhiên của chức vụ trọn thời gian của Ngài. Những địa điểm này không chỉ đơn thuần là một nơi Ngài phải đến để phục vụ. Chúng ta cũng thấy sứ đồ Phao-lô sử dụng nhà hội để thi hành chức vụ khi đi từ nơi này đến nơi khác. Nhưng lúc đó nhà hội là khởi điểm tốt để ông bắt đầu một cộng đồng mới vì ông biết nơi đó sẽ có sự hội họp của những người quan tâm đến vấn đề thuộc linh (xem Công vụ 17:2). Nếu bạn gọi mình là Cơ đốc nhân và tuyên xưng danh Giê-xu làm Chúa của bạn, thì bạn đã là hầu việc Chúa trọn thời gian. Bạn cần phải thuộc về Ngài một trăm phần trăm trong mọi tình huống và mọi hoàn cảnh. Chẳng phải là điều kỳ diệu hay sao khi Intel, Nike, Boeing, GE, TI, IBM, hoặc người chủ bất kỳ nào trả lương cho bạn, dành phúc lợi cho bạn khi bạn dong ruổi thi hành chức vụ hầu việc Chúa trọn thời gian mỗi ngày ? Nhưng như tôi đã nhiều lần nhắc nhở, trong sở làm, đầu tiên và trước hết, bạn phải làm một nhân viên giỏi. Làm một nhân viên giỏi, bạn sẽ có vô số cơ hội giới thiệu về Chúa Cứu Thế cho người khác. Giữa những nhiệm vụ chính thức và cơ hội bất thường, bạn sẽ tìm thấy vô số dịp tiện xen lẫn trong đấy. Bạn phải làm một chứng nhân tỏ tường và công khai. Bạn được kêu gọi để làm người hầu việc trọn thời gian cho Chúa Cứu Thế. Bây giờ, vấn đề là phải làm điều đó như thế nào : Bạn nên chia sẻ niềm tin ở sở làm trong những hoàn cảnh nào và nên tiết chế hơn trong những tình huống nào Sau đây là hai nguyên tắc đơn giản mà tôi từng sử dụng nhiều năm qua và rất có ích lợi cho tôi :
Nguyên tắc số 1 - Đừng ngần ngại. Hãy làm một Cơ đốc nhân hòa hợp, toàn tâm toàn lực và trọn vẹn một trăm phần trăm trong mọi lúc và đừng ngại chiếu ra ánh sáng Cơ đốc khi bạn ở sở làm hoặc trên thương trường. Sau nhiều năm làm Cơ đốc nhân, có một số biệt ngữ mà tôi không ngại sử dụng chúng trong khi trò chuyện hằng ngày. Nếu bạn có thói quen nói "Ngợi khen Chúa" hay những câu tương tự khi một điều tuyệt vời nào đó xảy ra, đừng ngại sử dụng chúng nơi công sở.
Cũng đừng ngần ngại tỏ mình là Cơ đốc nhân. Intel có một chiếc máy bay phản lực sử dụng nội bộ. Hãy hình dung rằng đây không còn là chiếc máy bay sang trọng nữa, mà là một chiếc xe buýt biết bay trên đó có thể có những công nhân thử việc chen vào ngồi cạnh giám đốc điều hành công ty. Trên máy bay, tôi luôn ngồi ở hàng ghế gần lối đi và vẫn có giờ tĩnh nguyện như thường. Tôi lấy Kinh Thánh ra đọc khi máy bay cất cánh. Tôi không ngần ngại khi làm điều đó trước mặt mọi người. Đọc Kinh Thánh là một phần cuộc đời tôi và tĩnh nguyện buổi sáng cũng như vậy. Gần đây, có một người tên là John nhận ra điều này và sử dụng cơ hội đó để làm quen với tôi. Anh hiện đang cùng gia đình dự nhóm ở nhà thờ chúng tôi. Đừng che giấu niềm tin của mình, nhưng hãy tự hào về nó.
Nguyên tắc số 2 - Nếu ai đó bước vào lãnh vực cá nhân, bạn cũng hãy làm như vậy !
Tôi thường cảm nhận rằng nhiều người cần biết Chúa Cứu Thế và nghe đến Phúc Âm. Thật tuyệt vời nếu bạn nhận thấy sự thôi thúc đó trong những tình huống khác nhau; ấy là bạn đang cảm nhận tiếng gọi của Đức Thánh Linh. Khi nào thích hợp để đáp ứng, khi nào thì không ? Nếu một ai đó nói chuyện về gia đình, con cái, bệnh tình của người thân hoặc cha mẹ họ, hay những hoạt động cá nhân như thể thao, sở thích, thì họ đang mở ra cánh cửa cho cuộc trò chuyện mang tính cá nhân với bạn. Họ đang chuyển từ lãnh vực chuyên môn sang cá nhân. Điều quan trọng cần chú ý là người kia làm điều đó, chứ không phải bạn. Nếu bạn là người khởi xướng, điều đó không đáng quan tâm; nhưng phải là ngưởi kia – là người đang mở ra cánh cửa để đi từ bối cảnh làm việc sang những vấn đề riêng tư. Khi cánh cửa bước vào đời sống của họ rộng mở, hãy xem đó là cơ hội để chia sẻ riêng tư về cuộc đời và niềm tin của bạn.
Ngược lại, gần đây, Matthew, một đồng nghiệp của tôi tại Intel đến gặp tôi hỏi về mối quan hệ cố vấn. Cố vấn nơi công sở luôn được Intel khuyến khích, vì thế nhiều người thường hỏi tôi về vấn đề này. Matthew và tôi sắp xếp dùng chung bữa tối khi cả hai chúng tôi tình cờ cùng đến một nơi nọ. Anh làm việc trong nhóm của tôi nhưng tôi lại không biết nhiều về anh. Anh khá nhanh nhạy, có tiếng tốt, và đang lo lắng khi ngày càng thành công và có ảnh hưởng nhiều hơn trong công ty. Mới trò chuyện, tôi nhận thấy ngay là Matthew có đọc ấn bản đầu của quyển sách này. Hơn nữa, anh cởi mở và khao khát có mối liên hệ không chỉ ở mức độ chuyên môn mà còn cá nhân nữa. Với cánh cửa rộng mở, có thể nói như vậy, tôi tự do bước vào và chia sẻ về công việc, gia đình và niềm tin của mình. Không bao lâu sau, Matthew cùng vợ và các con đến thăm Hội Thánh của chúng tôi. Tôi có thể chia sẻ nhiều điều về niềm tin của tôi. Linda và tôi có thể giải đáp những nghi vấn và bận tâm của vợ chồng anh. Chúng tôi bắt đầu gặp gỡ các con anh và hai gia đình qua lại nhiều hơn. Ít tháng sau, vào một Chúa nhật Phục sinh, Matthew đã nhận phép báp-têm để bước vào mối liên hệ với Chúa Cứu Thế. Hiện nay, gia đình Cơ đốc của anh ngày một lớn mạnh, chúng tôi thường ngồi cạnh nhau ở nhà thờ cũng như trong những dịp lễ khác. Khi hồi tưởng lại lần trò chuyện đầu tiên của chúng tôi, Matthew hóm hỉnh bảo anh thì hé cửa, còn tôi phá hỏng cả bản lề. Khi người khác mở cửa, hãy tự do bước vào và chia sẻ cuộc đời và lòng nhiệt tâm của bạn. Nếu người đó thấy không được thoải mái, bạn sẽ nhận ra ngay. Nếu họ có vẻ khó chịu, bạn cần lập tức tôn trọng sự lo lắng của họ và lùi lại ngay. Tuy nhiên, nếu đó là cơ duyên thiên định, thì bạn không thể nào lờ đi sự kêu gọi của Đức Thánh Linh để không tận dụng mọi cơ hội mình có và sử dụng nó cho ChúaCứu Thế. Hãy tiến lên, bạn nhé !
PAT GELSINGER (Theo Nghệ Thuật Sống Quân Bình)