Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 46

Viết Về Cha Mẹ Kính Yêu

Ca dao Việt Nam dành nhiều câu nói về người cha, người mẹ, ca ngợi người cha, người mẹ để nhắc nhở con cái phải biết ơn và kính trọng cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ. Câu ca dao quen thuộc hơn cả mà ai trong chúng ta cũng thuộc lòng:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Người ta nói cha sinh mẹ dưỡng. Quả thật, công sinh thành dưỡng dục ta của cha mẹ thật lớn, thật to. Hai hình ảnh được tác giả dân gian dùng so sánh ở đây để nói lên cái to lớn của công ơn cha mẹ là núi Thái Sơn và nước trong nguồn. Núi Thái Sơn là một ngọn núi cao nhất ở Trung Hoa, còn nước trong nguồn là nước chảy mãi không bao giờ dứt. Công cha cao lớn như núi, nghĩa mẹ dạt dào, lai láng như nước chảy tự trong nguồn vậy. Nhắc đến công cha nghĩa mẹ lớn lao, dạt dào như vậy để những người làm con luôn luôn ghi nhớ mà biết kính trọng cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ. Thật là một câu ca dao đáng ghi lòng tạt dạ.

Cau ca dao sau đây thì nói đến hạnh phúc của những người con còn cha và bất hạnh của những người con có cha đã đi về nơi chín suối:

Con cha gót đỏ như son
Một mai cha chết gót con đen sì.

Con cha thì cha lo làm ăn, kiếm tiền bạc để nuôi nấng, chăm sóc con cái, con cái không phải làm lụng cực nhọc, vất vả, nên gót chân "đỏ như son", lành lặn, đẹp đẽ. Nhưng nếu không may cha mất đi thì con cái phải vất vả làm lụng trong khó nhọc, dãi nắng dầm mưa, gót chân đen sì, sần sùi, thô ráp. Chính vì vậy mà khi cha mẹ còn sống con cái phải biết hết lòng thương yêu cha mẹ của mình.

Cha me còn sống là niềm vui và hạnh phúc lớn cho con cái, nếu ai đó có cha mẹ đã qua đời sớm thì thật đáng buồn làm sao:

Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn không dây.

Hình ảnh đờn không dây được dùng để ví sánh với những người con mà cha mẹ đã qua đời sớm thật hay và chính xác. Đờn không dây thì đâu còn là đờn nữa. Có thể nói dây đờn giống như là linh hồn của cây đờn. Có dây đờn thì người nghệ sĩ mới đờn được và cây đờn mới trở nên sống động, còn nếu đờn bị đứt hết dây thì cây đờn đó không thể sử dụng được, nó bị bỏ đó không ai quan tâm đến. Con không còn cha mẹ, phải sống mồ côi thì cũng bơ vơ, lạc lõng giống như cây đờn không dây vậy. Thật tội nghiệp thay cho những người con gặp cảnh cha mẹ phải qua đời sớm.

Rat nhiều câu ca dao nói đến công cha nghĩa mẹ thật to lớn, thật bao la; nó to lớn, bao la đến nổi không một người con nào có thể đền đáp nổi. Chính vì lẽ đó mà ca dao luôn khuyên nhắc bổn phận của người làm con cái phải hết lòng sống hiếu thảo với cha mẹ:

Bao vâng gọi dạ con ơi
Vâng lời sau trước con thời chớ quên
Công cha nghĩa mẹ khôn đền
Vào thưa ra gởi mới nên con người.

Le phép với cha mẹ là một điều mà người làm con phải ghi nhớ và thực hiện, vì cha mẹ là người đã chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình từng li từng tí để hình thành cho mình một nhân cách tốt đẹp, một nếp sống đạo đức đúng đắn. Ngày hôm nay, có không ít những người con thiếu lễ phép với cha mẹ, nói năng cộc lốc với cha mẹ, thậm chí xem thường cha mẹ. Những người con như thế cần phải sửa đổi ngay vì cha mẹ rất buồn, rất khổ tâm khi có những người con như vậy.

Mot câu ca dao khác nhắc nhở những người con về lòng hiếu thảo:

Con người ta đứng trong trời đất
Ai là không bác mẹ sinh thành
Có cha mẹ mới có mình
Ở sao cho xứng chút tình làm con.

Khong cha mẹ nào đòi hỏi chúng ta phải trả công nuôi dưỡng, vì nước mắt chảy xuôi, chứ không bao giờ chảy ngược. Đó là một luật định của Tạo Hoá đã đặt để trong tâm hồn con người tự ngàn xưa. Điều mà cha mẹ mong muốn hơn cả ở người con là mong muốn con biết làm vui lòng cha mẹ, biết sống có tình với cha mẹ, đối xử với cha mẹ trong tình yêu thương kính trọng.

Đó là một số những câu ca dao nói về lòng hiếu thảo với cha mẹ của con cái mà thiết nghĩ chúng ta nên học thuộc và làm theo để sống xứng đáng là người con hiếu thảo hầu làm cha mẹ vui lòng...

Trong Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời cũng nhiều lần nhắc nhở chúng ta về lòng hiếu thảo với cha mẹ. Đức Chúa Trời xem vấn đề hiếu thảo là rất quan trọng, nó quan trọng đến dỗi Ngài phải để vấn đề nầy vào trong diều răn của Ngài dành cho con người và là vấn đề con người phải làm mới được đẹp lòng Ngài. Đạo của Chúa có mười điều răn (Xuất Ê-díp-tô ký 20), và mười điều răn đó được chính Chúa Giê su tóm lại thành hai điều lớn như sau:

- Phải thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.

- Phải yêu kẻ lân cận như mình.

Nếu hỏi một người sống trên đời nầy cần phải làm trọn những bổn phận nào thì mới sống đúng là một con người? Câu trả lời chắc chắn đúng và duy nhất đúng ấy là: Con người có hai bổn phận chính yếu phải làm trong cuộc đời của mình, đó là trước hết và trên hết, con người phải thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá của mình. Thứ đến, con người phải hiếu kính cha mẹ. Làm trọn hai điều đó là trọn được bổn phận của mình và khi làm trọn hai điều đó thì có thể nói rằng chúng ta sẽ ngước lên mà không thẹn với Trời và cúi xuống mà không hổ với người.

Ong cha ta đã nói rất chí lý rằng:

Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn.

"Tổ" của con người là ai và "tông" của con người là ai? "Cội" của con người là ai và "nguồn" của con người là ai? Bằng một trí óc không ngoan mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi một con người chúng ta, chúng ta có thể truy mãi truy mãi từ cha mẹ đến ông bà, đến ông cố, ông tổ, ông cao cao tổ, ông viễn viễn tổ, rồi đến ông cao cao cao tổ, ông viễn viễn viễn tổ... v... v... truy đến cuối cùng, ai cũng chấp nhận một đáp số tổ tông trên hết của con người, cội nguồn lớn hơn hết của con người là "Thiên sinh nhơn", có nghĩa là Trời sinh người vậy. Như vậy, con người đáng phải thờ phượng Đức Chúa Trời chứ không phải thờ phượng một ai khác ngoài Ngài. Thờ phượng một ai khác, một thần nào khác mà không phải là Ngài thì đó là một tội lớn nhất, một tội không thể tha thứ được. Cũng một lẽ đó, ngoài bổn phận thờ phượng một mình Đức Chúa Trời, con người còn có một bổn phận khác, đó là phải hiếu kính cha mẹ. Dù cho chúng ta có sống tốt với mọi người đến đâu đi nữa, nhưng nếu chúng ta không hiếu thảo cha mẹ, không làm vui lòng cha mẹ cách thật sự, thì chúng ta là một đứa con bất hiếu và chúng ta có tội lớn với Đức Chúa Trời.

La Cơ Đốc nhân, xin Chúa cho chúng ta ghi nhớ lời Chúa dạy để chúng ta biết sống và làm trọn hai bổn phận quan trọng mà Đức Chúa Trời đã phán dạy với chúng ta để chúng ta được phước và sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.

Mọi năm, chúng ta có một ngày Lễ Phụ Mẫu để chúng ta có được một dịp tiện ý nghĩa mà nghĩ về cha mẹ của mỗi chúng ta cách đặc biệt hơn. Tất nhiên, chúng ta không chỉ nhớ đến cha mẹ vào ngày Lễ quý báu nầy mà thôi, nhưng mỗi một ngày trôi qua, chúng ta phải luôn luôn nhờ ơn của Chúa mà sống một đời sống làm đẹp lòng Chúa và làm vui lòng cha mẹ của mình để đạo của Ngài được vinh hiển qua cuộc đời của mỗi chúng ta. Những ai có cha mẹ còn sống với mình trên cuộc đời nầy, đó là một niềm vui lớn, hãy hết lòng kính yêu cha mẹ của mình và làm được điều gì có ý nghĩa cho cha mẹ thì hãy làm ngay, vì chúng ta không biết cha mẹ sẽ còn sống được với chúng ta bao lâu nữa. Những ai có cha hay mẹ hoặc cha mẹ đã qua đời, đã đi về nơi ở đời đời rồi thì chắc hẳn sẽ có một niềm thương nỗi nhớ cha mẹ in dấu trong lòng không thể nào quên được.

Cha me tôi đã đi ở với Chúa trên Thiên đàng phước hạnh từ lâu, nhưng niềm thương nỗi nhớ về cha mẹ vẫn cứ khắc khoải trong tâm hồn. Tôi nhớ về cha tôi mẹ tôi nhiều lắm. Mẹ tôi là một phụ nữ thôn quê sống thật bình dị. Mẹ tôi có những đặc điểm mà tôi không quên được, ấy là người sống rất chan hoà, gần gũi với mọi người, thương yêu những người nghèo khổ quanh mình. Người sống sạch sẽ, gọn gàng, nhà cửa qua bàn tay của mẹ tôi luôn ngăn nắp, tươm tất, đâu vào đấy cả, nên dù nhà tôi lúc bấy giờ rất nghèo, nhưng tôi luôn thích được sống trong ngôi nhà đơn sơ ấy, vì nó rất mát mẽ, khoảng khoát. Mẹ tôi nấu ăn cũng thật ngon. Cho đến bây giờ, dù đã 44 năm mẹ đã đi xa, nhưng anh em chúng tôi vẫn luôn nhớ đến những món ăn đạm bạc mà mẹ tôi nấu cho gia đình ăn thuở nào, nhất là món cá đồng kho cải, cá rô nướng dầm nước mắm gừng. Với những món ăn đơn sơ ấy qua bàn tay tài khéo của mẹ, anh em chúng tôi đã ăn cơm no đến ... nứt cả bụng mà vẫn còn muốn thèm ăn thêm nữa. Về đức tin đặt nơi Chúa, mẹ tôi có một đức tin rất thầm lặng, nhưng chắc nịch, không suy suyễn trước mọi sự gièm pha của người đời. Ai nói gì thì nói, mẹ tôi cứ yên lặng tin Chúa, yên lặng đi nhà thờ thờ phượng Chúa và bày tỏ một nếp sống đạo tốt đẹp, không ai có thể chê bai gì được nơi cách sống của người. Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi có được một người mẹ như thế để tôi yêu thương, kính trọng, để tôi luôn luôn nhớ về người trong tâm khảm của mình, dù người đã đi về ở với Chúa tự lâu rồi, không còn ở bên tôi nữa.

Tôi cũng tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi có một người cha, một người cha có một đức tin đặt nơi Chúa sắc son vô cùng. Trước khi tin Chúa, cha tôi chống đối đạo của Ngài, vì ông nói cha mẹ, ông bà không cúng lạy, không thờ phượng lại đi thờ phượng đâu đâu. Nhưng rồi, Chúa đã cứu người chú ruột của tôi và qua đó cha tôi đã được Chúa bắt phục, người đã tin nhận Chúa. Kể từ khi tin nhận Chúa, cha tôi quyết chí theo Ngài, vượt qua mọi rào cản từ nhiều phía. Cha tôi đã làm như cụ cố Mục Sư Phạm Xuân Tín đã làm là một khi đã tin Chúa rồi thì dù cho có gươm qua cổ cũng không bỏ Ngài. Chúa biết lòng cha tôi và Chúa cũng biết lượng đức tin của cha tôi (I Cô-rinh-tô 10: 13), nên Ngài đã cho phép thử thách xảy đến với người thật nhiều lần và lần nào lần nấy cũng ... đích đáng cả. Khi mới tin Chúa được một thời gian thì một người con gái (chị tôi) qua đời, rồi sau đó, đứa con trai (em tôi) qua đời tiếp. Rồi dồn dập theo là heo chết, bò chết, nhà cháy rụi. Và đau đớn nhất là mẹ tôi qua đời vì bom đạn của chiến tranh để lại cho Người bốn người con, trong đó có một đứa mới vừa tròn ba tháng tuổi(Em Nguyễn Hoàng Điển của tôi bây giờ). Người đời chế giễu cha tôi, nói Chúa của ổng quyền năng đâu sao không cứu để tai hoạ ngập đầu như thế? Theo Chúa mà như thế thì bỏ quách đi cho rồi còn hơn. Nhưng ngược lại cha tôi không hề ta thán với Chúa một lời, người hay hát bài Thánh ca: "Ta cứ tiến bước ngắm Giê su đừng xao. Lâm cơn tranh chiến không hề nao. Chúa vùa giúp chớ sợ, chỉ tin cậy vâng lời. Ta thắng nhờ Vua muôn đời" (Thánh ca 391) mỗi khi gặp hoạn nạn, thử thách. Tạ ơn Chúa ! Chúa để cha tôi sống trong cảnh nghèo, nghèo lắm, nghèo... nổi tiếng trong làng luôn, nhưng sao tôi thấy Người không hề buồn bã chút nào. Lúc nào cũng thấy Người cười nói vui vẻ, nhất là mỗi khi đi ra làm chứng thăm viếng bà con trong làng trong xóm, mời mọc họ tin Chúa. Nhiều người làm chứng lại rằng ai mà buồn chán, thất vọng, hễ gặp ông ấy (cha tôi) là thấy vui lại liền, vì thấy mặt mày ổng lúc nào cũng tươi cười, rạng rỡ. Tạ ơn Chúa !

Cha tôi dù học hành không nhiều, không cao, nhưng Chúa ban cho có những lời đối đáp khôn ngoan trong những tình thế rất khó khăn. Có lần, sau năm 1975, có một người có chức có quyền đến với Hội Thánh để mưu ý lấy một số cơ sở của Hội Thánh sử dụng cho việc khác. Sau một thời gian trao đổi với Mục Sư và Ban Trị Sự Hội Thánh, người ấy nói đại khái rằng: Tin Lành nầy là Đạo của Mỹ, chứ Việt Nam mình không có Đạo nầy. Trước đây, Mỹ nó qua nó rải bột mì, đồ đạc xuống, nên mới có Tin Lành, mới có mấy cơ sở nầy đó thôi. Giờ chng tơi lấy cơ sở nầy để sử dụng cho cơng việc tại địa phương. Mọi người nghe ông nói thế, im lặng, cầu nguyện và xin Chúa cho có cách để trả lời sao đây cho tốt đẹp và để bảo vệ cơ sở nhà Chúa không bị lấy đi. Cha tôi liền đứng dậy và nói: " Thưa ông, ông nói Tin Lành nầy là của Mỹ, do Mỹ rải bột mì và đồ đạc xuống nên mới có Tin Lành, thế sao tôi nghe nói ở bên Liên-xô, Đông Đức đạo Chúa cũng phát triển mạnh lắm, có nhiều người tin theo lắm, chẳng lẽ Mỹ cũng rải bột mì và đồ đạc xuống bên ấy hay sao?" Ông ta nghe cha tôi nói câu ấy xong, thì cứng miệng không nói gì được nữa, liền bảo với những người đi theo ông ta rằng thôi không họp nữa, chúng ta đi về. Còn tôi con Chúa thì ai nấy đều phấn khởi, vui mừng, vì Chúa đã cho cha tôi nói được một câu nói khôn ngoan trong một hoàn cảnh không dễ dàng chút nào lúc bấy giờ. Một lần khác, lúc bấy giờ đạo Chúa gặp nhiều khó khăn lắm, vào buổi chiều tối trước đêm diễn ra chính Lễ Giáng Sinh, cha tôi lấy một tờ giấy bìa vở quấn lại hình cái loa và ông đi dọc các con đường trong làng và rao: "Kính mời bà con, đồng bào tối nay đến nhà thờ Tin Lành để dự Lễ Giáng Sinh với Hội Thánh chúng tôi. Alô! Alô!" Rao xong, ông về nhà và chuẩn bị để đi dự Lễ. Tối đó, có nhiều người đến dự Lễ với Hội Thánh. Sau đó, những người có trách nhiệm tại địa phương đòi cha tôi đến và bắt người viết bảng tường thuật, kiểm điểm với nội dung là ai cho phép ông đi rao mời như thế? Ông làm như vậy ông thấy có vi phạm pháp luật không? Cha tôi mở đầu tờ tường thuật bằng câu: "Cảm tạ Chúa !", rồi ông trả lời: Nhà nước cho phép Hội Thánh chúng tôi tổ chức Lễ thì tôi phải đi mời người đến dự với Hội Thánh chúng tôi chứ, nếu không thì tổ chức Lễ làm gì? Tôi thấy tôi không làm gì vi phạm pháp luật cả. Viết xong, ông đưa cho cán bộ xem, cán bộ nạt ông: "Viết bảng tường thuật thì phải mở đầu bằng câu "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" chứ "Cảm tạ Chúa!" gì ở đây hả? Cha tôi trả lời: "Thì tôi tin Chúa, mọi việc làm của tôi trước tiên, tôi phải cảm tạ Ngài trước rồi tôi mới làm, chứ không tôi làm sai làm bậy thì cán bộ rầy tôi sao? Tôi già rồi, cái gì tôi chưa rõ, thì cán bộ chỉ cho tôi rõ nhé." Sau đó, người ta cho cha tôi về và dặn rằng lần sau đừng làm như thế nữa nhé.

Tôi cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho tôi có được người cha người mẹ rất bình thường, giản dị, nhưng có được một đức tin gắn chặt vào Chúa, không ai có thể dứt ra được như thế. Viết vài điều nhỏ bé về người mẹ người cha của tôi như trên nhân ngày Lễ Phụ Mẫu, tôi muốn ca tụng Chúa Hằng Hữu của mình trước hết và trên hết và tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ của tôi, vì nhờ gương đức tin ấy của cha mẹ mà anh em chúng tôi ngày hôm nay mới được như thế nầy và mới biết nương nhờ vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống như cha mẹ ngày xưa đã từng nương nhờ Chúa vậy. Cha mẹ không để lại cho chúng tôi tiền bạc, của cải gì cả (vì cuộc đời cha mẹ nghèo ... nổi tiếng, đâu có gì mà để lại), nhưng cha mẹ đã để lại cho chúng tôi một di sản còn quý hơn cả tiền bạc của cải nhiều lần – di sản ấy chính là đức tin sắc son đặt nơi Chúa của cha mẹ. Ai đó đã nói rằng thật không có gì phước hạnh hơn khi có cha mẹ yêu kính Chúa! Quả đúng như vậy! Cảm ơn cha mẹ yêu kính của con nhiều lắm cha mẹ ơi!

Me tôi đã về "Miền Vinh Hiển" 44 năm rồi, còn cha tôi cũng đã về ở nơi ấy với mẹ được 15 năm. Tôi tin rằng hiện cha mẹ tôi đang vui hưởng phước hạnh tuyệt diệu với Chúa trong Thiên Đàng tuyệt đẹp. Nguyện Chúa ban cho chúng con và vợ con chúng con đủ ơn và sức để noi gương đức tin của cha mẹ mà sống một đời sống tin kính Chúa như cha mẹ đã từng sống. Amen!

Kính chúc tất cả những người cha người mẹ một ngày Lễ Phụ Mẫu với nhiều niềm vui và ơn phước từ Chúa ban cho.

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu.