Quảng Nam là một Tỉnh nằm ngay chính giữa hai đầu đất nước và là một Tỉnh có hai thành phố (thành phố Tam Kỳ và thành phố cổ Hội An), có hai di sản văn hoá thế giới (là Hội An và Mỹ Sơn). Đó là những điểm đặc biệt của Tỉnh Quảng Nam. Về món ăn đặc trưng của Quảng Nam thì không thể không nhắc đến mì Quảng, không thể không nhắc đến bê thui Cầu Mống (Điện Bàn), cũng không thể không nhắc đến bánh tráng cuốn thịt heo Hà Lam.
Tôi có một người bạn ở Mỹ, một lần cô ta điện thoại nói chuyện với tôi rằng nghe nói ở Quảng Nam của anh có món bánh tráng cuốn thịt heo ngon dữ lắm hả? Khi nào em về Quảng Nam anh nhớ đãi em ăn món đó nha. Tôi nói với cô ấy rằng nếu cô có dịp về thăm quê tôi, chắc chắn tôi sẽ nói "nhà có tóc" của tôi làm món bánh tráng cuốn thịt heo đãi cô ăn đến... mệt nghỉ thì thôi. Cô ta cười một cách thích thú và ... hù tôi bằng câu: "Hãy đợi đấy!" Đã mấy năm rồi, tôi đợi cô về để đãi món đó mà cũng chưa thấy cô về nữa. Chẳng biết khi nào cô mới về được? Vì tôi biết tính chất công việc của cô không phải hễ nói đi là đi được liền. Vâng, thịt heo, bánh tráng đã sẵn sàng và vợ chồng tôi đang đợi cô đây! Thật mừng khi thấy món ăn dân dã của quê mình mà lại được người ở xa biết đến như thế. Mới đây, trong một lần gặp Mục Sư NVH từ Mỹ về, ông còn tiết lộ cho tôi biết là ở Quảng Nam mình(vì ông cũng là người Quảng Nam) còn có một món rất ngon, đó là canh chua cá ngạnh. Ông nói rằng cá ngạnh chỉ có ở Quảng Nam mà thôi, các nơi khác không có(không biết là có đúng như thế không???). Khi còn nhỏ ở quê, ông thường hay được ăn loại cá nầy và cho đến bây giờ, đã trên 60 tuổi rồi và đã qua Mỹ trên 20 năm, nhưng ông vẫn luôn nhớ về ... con cá ngạnh quê mình. Trong một chuyến về thăm quê vừa qua, ông nói ông sẽ tìm canh chua cá ngạnh để ăn cho... đã đời, nhưng không biết là ông đã tìm được "món ăn xưa cũ" đó để ăn cho ... đã đời chưa? Cá ngạnh là một loài cá có màu đen trên lưng và trắng ở dưới bụng, nhỏ, dài, hình thù giống như cá trê, có ngạnh nhọn ở hai bên mang, phải chăng vì vậy mà người ta gọi là cá ngạnh??? Cá ngạnh có nhiều ở các sông, suối, ao nước vùng đất Quảng Nam. Khi đi câu, hay đi tát cá người ta thường bắt được cá ngạnh khá nhiều. Cá ngạnh dùng để nấu canh chua thì ngon... hết chỗ chê. Thỉnh thoảng, nhà tôi cũng có nấu canh chua cá ngạnh để ... chiêu đãi cả gia đình. Phải nói là ngon thiệt, không biết là ngon do cá ngạnh hay do... tài nấu ăn của nhà tôi? Những bữa trưa hè nóng bức ở miền Trung, nhất là ở Quảng Nam, mà có một tô canh chua cá ngạnh trong bữa ăn thì còn gì thú vị bằng. Cảm ơn Tạo Hoá đã ban cho con người chúng ta con cá ngạnh, dù có hai cái ngạnh nhọn hơi... nguy hiểm nhưng ngon đáo để.
Từ nảy đến giờ có lẽ là tôi đã ... đi lạc đề quá xa rồi chăng? Vì đề tài tôi muốn viết là các thi sĩ Cơ-đốc người Quảng Nam cơ mà có liên quan gì đến món ăn ngon ở Quảng Nam đâu nhỉ? Vâng, tôi biết như thế, nhưng thưa với bạn đọc, tôi nghĩ nó cũng có ... liên quan đấy. Vì bất cứ ai ở Quảng Nam cũng đều phải "nếm trải" món ngon của quê mình từ nhỏ cho đến lớn, cho đến khi vì mưu sinh hay vì một lý do nào đó phải "tạm biệt" quê hương yêu dấu để đi sống ở một nơi xa quê. Những người có tâm hồn văn chương thơ phú thì lại càng có tâm hồn ăn uống, nên càng gần gũi với món ngon quê nhà hơn ai hết. Nên trước khi nói về đề tài thơ phú thì tưởng cũng nhắc đến món ngon quê nhà một chút cho những người con có tâm hồn văn chương thơ phú của quê hương đang ở xa cũng được "thưởng thức từ xa" món ngon quê mình cho đỡ nhớ. Khi đi xa, ai cũng nhớ về quê nhà, mà một trong những thứ mà người ta nhớ đầu tiên phải là những món ăn dân dã của quê hương. Chẳng thế mà cha ông ta đã từng nói:
Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng, dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao. đó sao!
Chính vì vậy mà tôi mới ... cố tình lạc đề một chút đó, rất mong bạn đọc thông cảm mà bỏ qua cho.
Nói đến thi sĩ Cơ-đốc người Quảng Nam, trước hết phải nói đến thi sĩ Phan Đình Liệu.
Cụ Phan Đình Liệu sinh năm 1888 tại Cẩm Sa, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam trong một gia đình trung lưu gia giáo. Cụ là người thông minh, chí khí, tài năng thiên phú. Tứ Thư, Ngũ Kinh, các sách văn chương cổ, khoa truyện cụ đều rất giỏi.
Thi sĩ Phan Đình Liệu trước hết là một Mục Sư trung kiên của Chúa. Ông hăng say giảng Tin Lành cho đồng bào yêu quý của mình, vì ông đã nếm trải biết bao ơn phước khi được làm một môn đồ của Chúa Giê-xu. Ông mong muốn, khát khao làm sao cho nhiều đồng bào của mình cũng được cứu như mình. Để đồng bào có thể được cứu, ông biết chắc không có cách nào khác là phải gieo giống Tin Lành như lời Chúa đã dạy: "đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng."(Rô-ma 10: 17). Và thế là ông hăng hái, tận tâm, trung tín, dạn dĩ rao giảng Tin Lành cho đồng bào. Và lòng hăng hái đó của Mục Sư đã bị thách thức. Ông bị người ta bắt và giam 6 tháng tù tại Nha Trang với lý do là giảng Tin Lành. Thế là Mục Sư Phan Đình Liệu bị tù. Vâng, người ta có thể bắt bỏ tù một Mục Sư, một tôi tớ của Chúa, nhưng chắc chắn không ai có thể bỏ tù được Tin Lành của nước Đức Chúa Trời. Quả thật vậy, trong tù, Mục Sư vẫn vâng theo lời Chúa dạy rao giảng Tin Lành cho những phạm nhân trong tù, có nhiều phạm nhân tin Chúa và Mục Sư quyết định lập ... Hội Thánh tù. Mục Sư Lê Văn Thái đã kể lại trong hồi ký "Bốn mươi sáu năm trong chức vụ" của mình như sau: "Trong khi đó thì cụ Mục Sư Phan Đình Liệu vẫn bình thản sống trong lao tù... Cụ tin chắc Hội Thánh đang cầu nguyện cho mình, do đó hàng ngày cụ kiên nhẫn làm chứng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và ân điển của Chúa Giê-xu cho từng tù nhân trong khám. Kết quả có mười chín người trong lao tin nhận Chúa, cụ sửa soạn lập một Hội Thánh trong nhà giam."
Trong nhà tù, với tâm hồn thi phú Chúa ban cho, Mục Sư Phan Đình Liệu đã làm bài thơ đặc biệt sau đây, một bài thơ theo thể thất ngôn bát cú thật cảm động với lời lẽ đầy hy vọng:
Tra xem lịch sử trải nghìn thu
Mới thấy trong lao Hội Thánh tù
Sở bãi lui về ăn dưới cỏ
Ngủ rồi thức dậy tiểu trong lu
Cùm săn chơn cứng vừa in khít
Cơm vắt trời nuôi cũng mập ù
Cánh cửa lao lung dù khoá chặt
Khôn ngăn lòng đến Chúa Giê-xu.
Ngoài bài thơ nầy, tôi không biết là Mục Sư Phan Đình Liệu còn làm được bao nhiêu bài thơ nữa, nhưng chắc chắn là có những bài thơ khác nữa. Không biết là cụ có in ra tập thơ nào không, nhưng nghe đâu trước đây nhà sách Ánh Sáng của Hội Thánh Tin Lành Tuy Hoà(Tỉnh Phú Yên) có cho ra mắt tuyển tập thơ của cụ với tựa đề là "Lửa Sống" thì phải. Với tâm hồn thi phú Chúa ban cho ấy, Mục Sư cũng đã đặt lời cho một số bài Thánh ca có ý nghĩa rất sâu sắc mà đã được con dân Chúa sử dụng để ca ngợi Chúa gần cả trăm năm qua và chắc chắn sẽ còn được sử dụng lâu dài nữa để ngợi khen tình yêu Chúa, như các bài Thánh ca với các tựa đề sau: "Đêm Chúa Trời ban ơn lành"(TC 68), "Thiên sứ báo tin Chúa lâm phàm"(TC 69), "Đức tin, trông cậy, yêu thương"(TC 310), "Báo Tin Lành"(TC329), "Mạng lịnh duy nhứt"(TC 352).
Cụ Mục Sư Thi sĩ Phan Đình Liệu được Chúa gọi về yên nghỉ trong nước Ngài tại Đà-lạt vào ngày 19/12/1979, hưởng thọ 91 tuổi.
Mục Sư Phan Đình Liệu quả rất xứng đáng là một thi sĩ Cơ-đốc người Quảng Nam đáng kính trọng trong vòng những thi nhân Cơ đốc của chúng ta.
Mục Sư Ông Văn Huyên cũng là một thi sĩ Cơ-đốc được nhiều người trân quý. Mục Sư Ông Văn Huyên sinh ngày 15 tháng 01 năm 1901 (có tài liệu cho rằng năm 1900) tại Hòa Vang, Quảng Nam. Ông xuất thân từ gia đình tiểu nông theo nề nếp Khổng Giáo. Cụ tin Chúa năm 1920, do cụ Mục Sư Phan Đình Liệu cầu nguyện. Tôi không biết cụ Mục Sư Ông Văn Huyên có làm thơ nhiều không, nhưng cụ có đặt lời cho một số bài Thánh ca như TC số 320, 353, 358, 409 và nhất là TC 509 "Ngày Giờ Qua". TC 509 là một bài thánh ca nổi tiếng vì lời lẽ của nó thật mượt mà, đầy hình ảnh, đầy chất thơ. Những lời ca đẹp như thế chỉ có thể xuất phát từ một tâm hồn thơ tuôn trào mà thôi. Mỗi khi năm mới đến, có thể nói, không một tín hữu Tin Lành nào mà không ít nhất một lần hát vang lên bài thánh ca nầy với cả tấm lòng vui sướng đón chào năm mới đến với bao hy vọng trong Chúa Xuân.
Một thi sĩ Cơ-đốc người Quảng Nam khác mà rất nhiều người biết đến ngay khi nhắc đến tên, đó chính là Thi sĩ Lưu Văn Mão. Lưu Văn Mão là một thi sĩ và cũng là một Mục Sư nữa. Mục Sư Lưu Văn Mão sinh ngày 12. 5. 1903 tại Huyện Quế Sơn, Tỉnh Quảng Nam. Đã hầu việc Chúa qua 10 Hội Thánh trải khắp ba miền đất nước. Cụ đã về yên nghỉ trong nước Chúa ngày 17. 7. 2000. Hưởng thọ 97 tuổi. Cụ Lưu Văn Mão sinh thời làm khá nhiều thơ để ca tụng Chúa. Có thể nói trên các tạp chí Cơ-đốc được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975, thơ của Mục Sư Thi sĩ Lưu Văn Mão xuất hiện khá nhiều, khá đều và được bạn đọc đón nhận với lòng trân trọng.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng phần lớn những bài thơ của cụ Mục Sư Thi sĩ họ Lưu là những bài thơ được làm theo thể thất ngôn bát cú đường luật với niêm luật khá chặt chẽ, nhưng ý tứ vẫn đầy trọn vô cùng. Điều đó nói lên tài làm thơ Trời cho của cụ vậy. Tôi rất thích thú khi đọc bài thơ "Sự gieo giống" của cụ:
Nầy lời thí dụ hãy nghe theo:
Thiên Đạo dường như bốn hạng gieo
Giống rớt dọc đường chim đớp mất
Hột rơi đá sỏi nắng khô queo
May nhằm đất tốt bông trìu trịu
Rủi gặp gai đè gốc tẻo teo
Ai có Thánh Linh thì dễ hiểu
Nầy lời thí dụ hãy nghe theo!
Cụ dùng những từ "đớp mất", "khô queo", "trìu trịu" và "tẻo teo" thật "đắc địa" ở cuối các cặp thơ "thực" và "luận" lột tả được thật chính xác kết quả của "bốn hạng gieo".
Cồn đây là ba bài thơ thất ngôn tứ tuyệt khác của Mục Sư Thi sĩ:
Giê-xu quý báu biết dường nào
Danh hiệu của Ngài tuyệt đối cao
Dưới đất trên Trời đều chúc tụng
Toàn cầu thế giới mãi truyền rao.
(Danh cao quý)
Chẳng có ban mai, chẳng có chiều
Các vì tinh tú bỗng thâu tiêu
Ban đêm quả hẳn không còn nữa
Ấy cõi đời đời thật đáng yêu.
(Ngày đời đời)
Bính dần năm mới đón chào Xuân
Phước Chúa ban cho dạ rất mừng
Tất cả gia đình: Con, cháu, chắt
Ơn thiêng nhuần gội mãi không ngừng.
(Mừng Xuân Bính Dần)
Quả là Thi sĩ có tài làm thơ thất ngôn. Lời và ý thơ đều sâu sắc, thể hiện lòng yêu Chúa, ngưỡng vọng Chúa vô hạn của nhà thơ.
Và đây là một bài thơ lục bát của cụ, bài "Tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá":
Trời cao, đất rộng mênh mông/ Chính tay Tạo Hoá ra công tạo thành/ Biển sâu, rừng rộng, non xanh/ Muôn loài hoá hoá, sanh sanh lạ lùng/ Công kia, khôn tả cho cùng... / Văn nhân chúc tạ, anh hùng tôn vinh/ Kìa, lời Kinh Thánh chứng minh/ Khuyên ai: kíp lấy "Tâm Linh" phụng thờ/ Hiện nay Ngài vẫn đương chờ/ Chớ nên chậm trễ, thì giờ qua đi/ Mấy lời xin nhớ gắn ghi!
Thơ lục bát bao giờ cũng nhẹ nhàng và dễ đi vào lòng người. Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Rất nhiều người làm thơ lục bát, nhưng để thơ của mình có thể "sống" được trong lòng bạn đọc và "sống" với thời gian, thì không dễ chút nào. Nguyễn Du, Nguyễn Bính là những bậc thầy về thơ lục bát của nước ta và vì thế mà nhiều người yêu thơ của họ, thuộc lòng thơ của họ.
Thơ lục bát của Thi sĩ họ Lưu mà tôi vừa dẫn ở trên cũng thật đáng yêu và dễ đi vào lòng người, vì nó bày tỏ được tấm lòng chân tình của thi sĩ trong lời mời gọi mọi người tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá của mình.
Tôi được nghe nhiều người nói Mục Sư Thi sĩ Lưu Văn Mão là một trong những Mục Sư Thi sĩ có biệt tài dùng thơ phú rất phù hợp trong khi giảng lời Kinh Thánh cho người nghe. Nhờ đó mà người nghe dễ ghi nhớ được bài giảng, dễ ghi nhớ được lời Chúa. Đó cũng là một ơn riêng Chúa ban cho cụ vậy. Mời bạn hãy nghe Mục Sư Phan Thanh Bình viết về ơn đó của cụ trong lời giới thiệu tập thơ "Ca Khúc Tâm Linh" của Tường Lưu như sau:
"Cụ Mục Sư Lưu Văn Mão là một thi sĩ biết tận dụng tài thi phú trong khi giảng luận Kinh Thánh. Thời thiếu niên tôi thường được nghe cụ giảng. Kết thúc mỗi phần bài giảng hay toàn bài giảng cụ thường đọc chậm rãi hai hay bốn câu thơ. Nhớ được hai hay bốn câu thơ, nhớ được điều cụ giảng dạy."
Thú thật, tôi cũng rất thích, thậm chí mến mộ những Mục Sư nào khi giảng lời Chúa mà có thêm những câu thơ, đọan thơ hoặc bài thơ minh họa phù hợp với chủ đề bài giảng. Có được như thế tôi tin người nghe sẽ thích thú và sẽ nhớ được lời Chúa nhiều hơn, "giỏi" hơn. Bản thân tôi, khi giảng lời Chúa cũng hay trích đọc những câu thơ, đoạn thơ, bài thơ ưng ý phù hợp với chủ đề bài giảng để làm cho bài giảng thêm linh động và thêm sự phấn chấn nơi người nghe.
Một trong những nhà thơ mà tôi thường hay trích thơ để đọc khi giảng đó là Thi sĩ Tường Lưu.
Tường Lưu, theo tôi, có lẽ là Thi sĩ Cơ-đốc có bút lực mạnh mẽ nhất, cừ khôi nhất và ... anh hùng nhất trong các nhà thơ Cơ-đốc mà tôi được biết. Bút lực mạnh mẽ nhất, vì đến nay ông đã cho ra đời không dưới 15 thi tập tâm linh, mỗi thi tập 100 bài. Tất cả đều ... đọc được. Quả là một "gia tài thơ" đồ sộ hiếm có. Tôi nghe mà ... phục lăn. Nếu Chúa còn chưa cho ông "tung cánh thiên thần mà bay"(ý thơ của Tường Lưu-NV) về với Ngài thì không chừng ông sẽ còn cho ra đời vài thi tập tâm linh nữa cho mà coi. Hãy đợi đấy! Bút lực cừ khôi nhất, vì đã ngoài "thất thập cổ lai hy" rồi mà vẫn đều đều xuất bản thơ hằng năm, hằng năm không ngơi nghỉ. Tôi chưa thấy ai cừ khôi như thế! Bút lực anh hùng nhất, vì ngòi bút thơ ông luôn luôn đi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời con người chúng ta, không tránh né, nhất là những thói xấu của con người, đặc biệt là người Cơ-đốc trong chính ông mà cũng là của chính chúng ta nữa. Đọc thơ ông ta như thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Thơ ông đáng đọc và đáng yêu là ở chỗ đó. Rất chân thật nhưng không trần trụi, thô thiển chút nào.
Thi sĩ Tường Lưu tên thật là Lưu Văn Tường, quê Quảng Nam, là con trưởng nam của cụ Mục Sư Thi sĩ Lưu Văn Mão. Ông bà ta nói "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Đúng vậy, Tường Lưu là con của một "cây đại thụ thơ Cơ-đốc" Lưu Văn Mão, nên ông đã nối gót được cha mình một cách xuất sắc trong lĩnh vực thơ ca Cơ-đốc.
Tôi may mắn có trong tay gần như đầy đủ mười mấy tập thơ tâm linh của Tường Lưu, vì mỗi lần ông ra một tập thơ mới, là ông đều ... ưu tiên dành một tập tặng tôi với lời đề tặng thật quý hoá "Kính tặng Mục Sư N.Đ.L. với cảm tình đặc biệt của Tường Lưu." Hơn cả ngàn bài thơ tâm linh mà Tường Lưu đã sáng tác, tôi đã dành thì giờ đọc qua, có hàng trăm bài đọc lại và có hàng chục bài đọc qua đọc lại, rồi đọc lại đọc qua hoài mà không chán, đọc đến thuộc lòng, không quên được.
Tường Lưu làm thơ ở nhiều thể loại và có thể nói thể loại nào ông cũng thành công cả.
Thể thơ tám chữ là một trong những thể thơ dường như Tường Lưu ... ưa làm nhất và có những bài thơ đọc thật "đã". "Nếu Chúa hỏi" là một trong những bài thơ như thế:
Nếu Chúa hỏi: Tiệm ăn nào... ăn được?/ Con xin thưa, con biết mấy tiệm quen/ Thức ăn ngon đặc biệt, lại vừa tiền/ Tuy đông khách không phải lâu ... chờ đợi/ Nếu Chúa hỏi: Đi chợ nào... có lợi?/ Con xin thưa, con biết mấy chợ gần/ Thịt cá tươi, rau trái mới, đủ hàng/ Mua ở đó rẻ hơn nhiều chợ khác/ ... Nếu Chúa hỏi: Đi nhà thờ nào... phước?/ Con xin thưa, con không biết, Chúa ơi/ Con đã đi ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín... nơi rồi/ Con không biết đi nhà thờ nào phước/ Nếu Chúa hỏi: Tại sao không thấy phước? Con xin thưa, tại con hết... mà thôi/ Đi nhà thờ con cứ chỉ nhìn người/ Không nhìn Chúa nên con không thấy phước!
Một bài thơ tám chữ khác mà tôi đặc biệt thích, vì tác giả đã nói đúng ngay... tim đen của tôi, và chắc cũng là của chúng ta nữa, bài "Tôi ... vô lý":
Tôi không hiểu tại sao mình ... vô lý/ Đi nhà thờ ngại ngùng quá ... đường xa/ Nhưng bạn thân... nếu gọi, rủ đến nhà/ Vài chục dặm đi liền, không do dự!/ Tôi không hiểu tại sao mình ... vô lý/ Mười đồng dâng cho Chúa ... lớn làm sao!/ Nhưng khi tôi... đi bất cứ chợ nào/ Cầm mấy chục tôi thấy như ... ít quá/ ... Tôi không hiểu tại sao mình... vô lý/ Tin báo đăng là lập tức tin ngay/ Dù là tin... rất có thể... tin sai/ Nhưng lời Chúa, tôi từng nêu thắc mắc/ Nếu bạn cũng giống tôi, mình ... cùng loại/ Vì đức tin chưa đạt mức trưởng thành/ Đến bao giờ ta vui vẻ ... thưa rằng: Ở dưới đất, con ước chi... ngoài Chúa!
Còn về thơ lục bát, Tường Lưu cũng có nhiều bài hay, "Làm thơ tặng Chúa" là một trong những bài tôi cho rằng "hay nhất trong những bài thơ hay nhất của Tường Lưu":
Chúa ơi, Chúa có thích thơ?/ Con làm tặng Chúa bây giờ được không?/ Chúa cười, Chúa bảo: Hãy làm/ Nếu là chân thật, Ta ban phước nhiều/ Không yêu, mà nói rằng yêu/ Coi chừng, giả dối là điều không nên!/ Những thơ thiên hạ dâng lên/ Ta nghe nhàm lắm, ngợi khen... bề ngoài!/ Trăm người không được một người/ Có lòng chân thật như lời thơ đâu!/ Lặng yên, tôi đứng cúi đầu!
Làm thơ tặng Chúa, một ý nghĩ thật độc đáo mà ít ai dám nghĩ ra, dường như chỉ có ở Tường Lưu thi sĩ. Lúc đầu thì thi sĩ có vẻ hăm hở lắm, tưởng rằng lần nầy mình sẽ có cơ hội "nhã ngọc phun châu" cho Chúa biết ... tài thơ của mình, nhưng sau khi nghe Chúa nói một chặp, và nói đúng ... tim đen của mình, thì sự hăm hở tan biến mất, cuối cùng thi sĩ chỉ lặng yên đứng cúi đầu trước Chúa, không có bài thơ nào, câu thơ nào để tặng Chúa cả. Thi sĩ "hạ" được câu kết của bài thơ thật tuyệt hay.
Những bài thơ bảy chữ bốn câu của thi sĩ cũng khiến tôi yêu thích vô cùng:
Kinh Thánh giở ra trang nối trang
Lời Chúa khuyên ta hàng tiếp hàng
Tâm vẫn không an, lòng vẫn nặng
Vì sao?
Vì vướng cái trần gian!
(Vướng cái trần gian)
Vững bước mà đi, cuộc lữ hành
Đường đời gai góc bủa vây quanh
Ta đi không mỏi trên thiên lộ
Ánh sáng Tin lành vững bước chân.
(Vững bước mà đi)
Với ai thì không biết, nhưng với tôi, thơ Tường Lưu như thể trở thành một phần không thể thiếu trong tâm tôi, trong chức vụ hầu việc Chúa của tôi. Bất cứ khi nào có dịp tiện phù hợp là tôi ... khoe thơ Tường Lưu ngay. Tôi rất vui mừng vì quê hương Quảng Nam của tôi Chúa đã cho có được một nhà thơ tài hoa như thế. Không tài hoa sao được, ngoài cả ngàn bài thơ tâm linh ông đã làm để ca ngợi Chúa, Tường Lưu thi sĩ trước đó còn có làm thơ tình nữa(tập thơ "Mộng ban đầu"), thi sĩ cũng là một dịch giả uy tín với tập "Tìm lại hương xưa", dịch 148 bài cổ thi của các thi nhân danh tiếng Trung Hoa xưa. Được biết, Tường Lưu cũng rất thông thạo Anh ngữ và Pháp ngữ. Hiện nay, thi sĩ đang sống những ngày tuổi già của mình tại Houston, Texas, Hoa Kỳ và đang sẵn sàng chờ ngày để khi Chúa gọi thì "tung cánh thiên thần mà bay" về với Ngài (lời thơ của thi sĩ – NV). Cảm tạ Chúa!
Mục Sư Đinh Thống cũng là một tâm hồn thơ Cơ-đốc đáng quý của Quảng Nam. Mục Sư Đinh Thống sinh năm 1931 tại làng Hạ Nông, Xã Điện Phước, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam. Tin Chúa năm 1949. Được phong Mục Sư năm 1969. Mục Sư từng được giữ chức vụ ... cao nhất là Chủ tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam(MN), nhiệm kỳ 2002-2006. Hiện nay, Mục sư đã cao tuổi và hưu hạ, cụ đang sống với các con của mình tại miền Trung, Việt Nam.
Mục Sư Đinh Thống làm thơ không nhiều, nhưng có thể nói những bài thơ mà Mục Sư đã làm được đều là những bài thơ "đọc được" và khá thú vị. Một trong những bài thơ nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của thi sĩ Đinh Thống, theo tôi, là bài "Chức Truyền Đạo":
Chức vụ nào hơn chức vụ này
Chức ban từ Chúa lớn lao thay!
Chức trong vui, khổ, lòng trung tín
Chức dẫu buồn, vinh, dạ thảo ngay
Chức gánh hồn linh, mòn mỏi gối
Chức mang nhân thế, nặng nề vai
Chức không ưa chuộng đời cung lộc
Chức hưởng từ Cha sống mỗi ngày.
Đây là một bài thơ thất ngôn bát cú với lời lẽ súc tích, đầy ý nghĩa. Bằng việc lặp lại có chủ đích từ "chức" ở đầu tám câu thơ, tác giả đã thể hiện được một chức vụ cao quý-Chức Truyền Đạo của Đức Chúa Trời, mà không một chức vụ nào của trần gian sánh bằng. Bài thơ đã được truyền tụng trong vòng nhiều tôi, con Chúa và có nhiều người đã thuộc lòng bài thơ nầy. Điều đó chứng tỏ sức sống thật của bài thơ vậy.
Ngoài bài thơ nổi tiếng trên, Mục Sư Đinh Thống có làm một số bài thơ khác và hầu hết đều là thơ thất ngốn bát cú như "Chuyến xe Phi Long", "Tin Lành với Tam Quan", "Nhớ Sông Cầu", "Nhớ bạn", "Thơ chúc Tết"... Trong số các bài thơ ấy, "Nhớ Sông Cầu" là một bài thơ khá hay:
Ao ước trong lòng đã bấy lâu
Hôm nay có dịp viếng Sông Cầu
Thương thương mặt biển anh chài lưới
Nhớ nhớ dòng sông chú thả câu
Tín hữu mến yêu còn ở đó
Lân bàng quen thuộc có đi đâu?
Bâng khuâng hồi tưởng năm năm trước
Thật, Chúa yêu tôi chức vụ đầu.
Phải chăng bài thơ hay là ở tính chất "hoài cổ" của nó. Có dịp được thăm lại nơi mình từng đã chăn bầy chiên trước đó, nên bao cảm xúc ùa về trong tâm hồn và thế là Mục Sư ... xuất khẩu thành bài thơ hay nầy?
Có nhiều người làm nhiều thơ, nhưng không thể trở thành nhà thơ vì không có bài thơ nào "đọng" lại được trong lòng bạn đọc. Ngược lại, có người làm thơ không nhiều, nhưng lại có những bài thơ được bạn đọc mến mộ và thuộc lòng. Mục Sư Đinh Thống thuộc hạng thứ hai. Và ông xứng đáng với danh hiệu là một thi sĩ Cơ-đốc.
Ngoài những thi sĩ trên, ở Quảng Nam còn có những tâm hồn thơ khác mà thơ họ đã được đăng ở nhiều tờ báo và trang mạng Cơ-đốc trong và ngoài nước, ít nhiều được bạn đọc yêu thơ Cơ-đốc gần xa biết đến. Có thể kể như: Nhà thơ Lưu Tụy, nhà thơ Phan Nhứt Thuyên, Mục Sư Thi sĩ Võ Đình Đán, nhà thơ Hồ Thi, Bình Tú Ngọc, Tú Ngọc Phô, Hồ Ga-li-lê...
Xin được giới thiệu đến bạn đọc gần xa những gương mặt thơ Cơ-đốc người Quảng Nam để chúng ta cùng thưởng thức và cùng dâng lời cảm tạ Chúa, vì Ngài đã ban cho mảnh đất Quảng Nam nầy có những tâm hồn thơ như thế để làm thơ ca ngợi Chúa của chúng ta.
Nguyện Chúa cứ tiếp tục ban ơn trên những thi sĩ Cơ-đốc tại Quảng Nam, nói riêng, và trong cả nước, nói chung, để họ tiếp tục sáng tác những bài thơ ca ngợi Chúa, khích lệ đức tin cho nhiều tôi, con Chúa khắp nơi.
Thi sĩ Tường Lưu có một câu thơ mà tôi nhớ mãi:
"Ca ngợi Chúa, làm thơ, nên, nên quá!"
Vâng, làm thơ để ca ngợi Chúa là điều rất nên, nên làm.
Ước ao Chúa cho có nhiều tôi, con Chúa góp phần làm thơ để ca ngợi Chúa của chúng ta, vì Ngài xứng đáng để chúng ta ca ngợi mãi mãi trong cuộc đời nầy và cả trong cõi đời sau nữa.
Tôi rất yêu mấy câu thơ của đại thi hào Đa-vít ngày xưa trong Thi-thiên 146 như sau:
"Trọn đời sống tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va.
Hễ tôi còn sống chừng nào, tôi sẽ hát xướng cho Đức Chúa Trời tôi chừng nấy."
Đó phải là tâm niệm của mỗi một con dân Ngài vậy!
-Mục Sư Nguyễn Đình Liễu-