Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 53

Đôi Dép

“ĐÔI DÉP”- MỘT BÀI THƠ CHÂN THẬT, CẢM ĐỘNG VỀ TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG.

Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp gỡ bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác
Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia.

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những phút vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh.

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.

Không thể thiếu nhau trên mọi bước đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái
Nhưng anh yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau một bước đi chung.

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.

Nguyễn Trung Kiên

Tôi bất ngờ đọc được bài thơ nầy trên một tờ báo Cơ Đốc từ rất lâu, và ngay lần đọc đầu tiên, bài thơ cứ như ám ảnh mãi trong tôi, không thể nào quên được. Và thế là tôi cứ đọc đi, đọc lại mãi cho đến khi thuộc lòng mới chịu thôi. Sở dĩ bài thơ gây ấn tượng trong tôi ngay từ lần đọc đầu tiên, vì cái tựa đề rất ấn tượng của nó.

Đôi dép, một vật rất đỗi quen thuộc, bình thường với cuộc sống của mỗi con người, không ai là không sở hữu cho mình một đôi dép để đi lại. Quen thuộc, bình thường đến độ nhiều khi ta không còn để ý đến nó nữa. Ấy thế mà có một người đã “bắt” ta phải để ý đến nó và thấy nó mới đáng yêu làm sao, người đó chính là nhà thơ Nguyễn Trung Kiên-tác giả bài thơ độc đáo nầy. Tôi nói độc đáo, vì quả thật, tác giả rất “tinh” khi chọn đôi dép để làm hình ảnh bày tỏ ý nghĩa về tình cảm vợ chồng, mà xưa nay, chưa một ai có suy nghĩ đó cả, dù nó vẫn “song hành” cùng mỗi người hằng ngày rất đỗi quen thuộc.

Đôi dép luôn gắn bó bên nhau, không rời nhau nửa bước trong bất cứ môi trường nào:

Hai chiếc dép kia gặp gỡ bao giờ/ Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/ Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/ Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau/ Cùng bước, cùng mòn không kẻ thấp người cao/ Cùng chia sẻ sức người chà đạp/ Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác/ Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia. Đôi dép là vật vô tri vô giác mà còn biết “chung thủy” với nhau như thế, thì vợ chồng sống với nhau phải như thế và hơn thế mới phải lẽ. Gắn bó trọn đời bên nhau, gian khổ, vất vả cùng chia; đắng cay, ngọt bùi cùng hưởng. Sống chết có nhau. Luôn luôn phụ thuộc vào nhau. Vợ không thể sống thiếu chồng và chồng cũng không thể nào sống thiếu vợ, vì đó là luật định của Tạo Hóa đã ban cho con người chúng ta từ bao đời nay rồi. Từ “cùng” được lặp đi lặp lại đến những năm lần trong hai khổ thơ thật hay nhấn mạnh đến sự gắn bó bên nhau của vợ chồng trong mọi nẻo đường đời.

Nếu rủi thay, đến một thời điểm nào đó mà một chiếc dép bị hư, bị đứt và buộc phải thay thế bằng một chiếc khác để mang thì người mang vẫn cảm nhận được một sự “ngờ ngợ” nào đó, vẫn cảm thấy “sao sao” ấy, như là một sự “lệch pha” trong lòng, không tả được. Vợ chồng khác nào như thế! Nếu một khi nào đó, một trong hai người “đi về bên kia thế giới”, người còn lại dù có “đi bước nữa” với một người khác thì trong lòng vẫn cảm thấy có một khoảng trống không có gì có thể lấp đầy được, vẫn cảm nhận rất rõ sự hụt hẫng, sự khập khiễng từ trong trái tim mình:

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi/ Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng/ Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết/ Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu! Cũng như mình trong những phút vắng nhau/ Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía/ Dẫu bên cạnh đã có người thay thế/ Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh. Tác giả đã sử dụng những từ “khập khiễng”, “hụt hẫng”, “chênh vênh” thật đắc địa để lột tả được nỗi nhớ nhung, sự trống vắng trong lòng người ở lại khi người kia “ra đi” trước mình. Tôi rất thú vị, thú vị đến bất ngờ khi đọc đến từ “nghiêng” trong câu thơ “Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía”. “Nghiêng” ở đây không chỉ nói đến sự thiếu cân bằng của cơ thể khi đi hai chiếc dép cũ-mới khác nhau, nhưng “nghiêng” ở đây là tình cảm , là trái tim người còn ở lại cứ “nghiêng” về phía người đã ra đi, dẫu đã có người khác thay thế bên cạnh rồi. Không ai có thể bù đắp được cái sự hụt hẫng nầy cả. Phải chăng đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, mầu nhiệm mà Tạo Hóa đã đặt để trong lòng của những đôi vợ chồng?

Nhà thơ Tú Mỡ có những vần thơ cũng cùng một cảm nhận như thế: Tôi mà chết thì ông sẽ khổ/ Vì cứ theo câu cổ người ta/ Xưa nay con cái nuôi cha/ Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông. Tác giả viết tiếp: Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành/ Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối/ Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội/ Lối đi nào cũng có mặt cả đôi. Đôi dép luôn song hành bên nhau, luôn khắng khít có đôi. Vợ chồng phải sống với nhau như thế. Sống chân thật, thủy chung và “yêu nhau tha thiết không phai” cho đến đầu bạc răng long, cho đến khi nào không còn hiện diện trên cõi đời nầy nữa.

Cha ông ta đã từng nhắc nhở:
Em ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau.

Bài thơ được kết thúc như một “tuyên ngôn” mạnh mẽ về tầm quan trọng của cuộc sống vợ chồng: Vợ chồng không thể sống thiếu nhau!, vì một khi đã thành vợ chồng rồi thì không còn là hai nữa mà là một mà thôi. “Hai người đã nên một thịt” rồi mà: Hai mảnh đời thầm lặng bước song song/ Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc/ Chỉ còn một là không còn gì hết/ Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia! Vợ chồng mà khi “chỉ còn một” thì đúng là “không còn gì hết”. Đó là một chân lý vậy!

Khi nói về vợ chồng, chúng ta không thể nào không nghĩ đến vấn đề nguồn gốc của hôn nhân. Hôn nhân đến từ đâu? Hay nói cách khác, ai là người đã thiết lập hôn nhân đầu tiên cho con người? Nói đến nguồn gốc hôn nhân, người Việt Nam ta thường hay cho rằng do ông Tơ bà Nguyệt xe duyên mà thành, do ông Tơ bà Nguyệt định đoạt hết cả.

Chuyện kể rằng: “Vào đời Đường, có chàng Vi cố trọ học ở Tống thành. Một hôm, Vi cố đi chơi đêm, gặp một cụ già ngồi dưới trăng đọc sách, bên cạnh có túi xách, bên trong có cuộn chỉ đỏ. Vi Cố hỏi cuộn chỉ ấy để làm gì, thì được đáp: “Ta là Nguyệt Lão (ông Nguyệt), giữ sổ biên tên nhân duyên của người đời, chỉ đỏ này dùng buộc chân họ cho nên vợ nên chồng.” Nghe vậy, chàng lại hỏi: “Thế nhân duyên của chúa có biên trong sổ ấy không?”. Cụ nói: “Sao lại không?”, rồi giở sổ ra và nói: “Nhà ngươi sau nầy lấy con gái của người ăn mày ngoài chợ đó.” Vi Cố cho đó là nhục, hôm sau ra chợ chém chết người con gái ăn mày và bỏ trốn đi nơi khác. Về sau, Vi Cố lấy một người con gái quan phủ, nhưng sau mới biết là con của mụ ăn mày ngoài chợ, bị bỏ ở chợ, quan thương tình đem về nuôi. Điển nầy chỉ nhân duyên trời định không sao tránh được hoặc mối duyên tốt đẹp trời xe.” (*) Như vậy, cuối cùng thì sự tích nầy cũng xác nhận chuyện nhân duyên, vợ chồng là do trời định cả.

Nhìn vào Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, ta nhận ra ngay nguồn gốc chân xác của hôn nhân là đến từ Thiên Chúa, do chính Đức Chúa Trời thiết lập sau khi dựng nên con người. Sách Sáng-thế-ký trong Kinh Thánh chép về nguồn gốc của hôn nhân như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó... Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sường, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sường đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt.” (Trích sách Sáng-thế-ký, đoạn 2, câu 18, câu 21-24).

Như vậy, chính Đức Chúa Trời đã tác hợp đôi nam nữ đầu tiên lại với nhau để trở thành vợ chồng, để rồi từ đó, con người cứ theo luật định của Ngài mà dựng vợ gả chồng, xây dựng hôn nhân với nhau. Nguồn gốc đích thực của hôn nhân là đây chứ không phải là đến từ ông Tơ bà Nguyệt nào đó đâu. Đó là điều chúng ta đã biết được một cách chắc chắn mà không sợ sai lầm. Tạ ơn Chúa đã ban hôn nhân cho con người để con người có thể được chung sống với nhau trong hôn nhân cách hạnh phúc tràn đầy.

Hôn nhân được ban cho con người với mục đích là để cho vợ chồng vui hưởng tình yêu bên nhau cách thỏa thích, để duy trì dòng giống loài người và để thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã thiết lập hôn nhân thật cao đẹp. Vợ chồng cần phải biết sống với nhau trong tình yêu và bằng tình yêu, sống với nhau bằng sự thủy chung như nhứt đang khi Chúa cho còn sống trong cõi thế gian nầy thì Đức Chúa Trời mới đẹp lòng. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết cuộc sống vợ chồng chỉ giới hạn trong cõi thế gian nầy mà thôi, chứ trên thiên đàng là nơi những người tin thờ Chúa Giê-xu sẽ đi đến để ở mãi mãi với Chúa thì không còn có đời sống vợ chồng nữa. Chính Đức Chúa Giê-xu đã phán rằng: “Con cái của đời nầy lấy vợ gả chồng; song những kẻ đã được kể đáng dự phần đời sau và đáng từ kẻ chết sống lại, thì không lấy vợ gả chồng.” (Trích sách Lu-ca, đoạn 20, câu 34).

Cảm ơn tác giả Nguyễn Trung Kiên đã mượn hình ảnh đôi dép để diễn tả tình cảm vợ chồng thật hay, thật độc đáo, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Có nhiều bài thơ viết về tình cảm vợ chồng rất hay, “Đôi dép” là một trong những bài thơ hay đó. Nó không chỉ hay mà còn rất gần gũi, chân thực và cảm động nữa.

Nhà thơ Lê Minh Quốc khi bình bài thơ nầy đã có một kết luận theo tôi là rất chí lý: “Đến với một bài thơ hay, có nhiều đường đến và nhiều hướng để cảm nhận. Với tôi, tôi nghĩ trong đời, nếu có một người để mình da diết thương, mình cuồng nhiệt yêu, mình điên cuồng nhớ... thì đó đã là một hạnh phúc. Hạnh phúc vì tin rằng dù được hoan lạc yêu hay não nùng tình phụ thì những cuộc tình đẹp vẫn tồn tại và có thật ở trên đời. Trong suy nghĩ đó, tác giả Nguyễn Trung Kiên là một người hạnh phúc. Anh đã gieo cho bạn đọc một niềm tin như thế” (**)

Tôi nghĩ, Nguyễn Trung Kiên hẳn sẽ rất hạnh phúc khi anh đã đem đến cho độc giả, nhất là cho những đôi vợ chồng, một bài thơ thật gần gũi, đáng yêu, đáng nhớ vô cùng. Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Trung Kiên!(***)

- Mục Sư Nguyễn Đình Liễu –

(*): Trích từ “Sổ tay Điển Văn Học-Điển cố-Điển tích-Giai thoại” của tác giả Trịnh Hoành, do Nhà Xuất Bản Thanh Hóa ấn hành năm 2009, p. 52.

(**): Trích từ lời bình bài thơ “Đôi dép” trên tập san Áo Trắng số 7, ra ngày 15. 8. 2007.

(***): Địa chỉ Nhà thơ Nguyễn Trung Kiên: 218/ 23, Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú, Sài Gòn.