Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 55

Cảm Xúc Từ Một Bức Thư Của Một Tôi Tớ Chúa

(Kính tặng Mục sư HSH tại NT)

Tôi thường hay lưu giữ lại rất cẩn thận những thư từ, giấy tờ hay hình ảnh có cần để làm kỷ niệm tinh thần cho hành trang cuộc đời của mình. Và tôi rất quý trọng những thứ đó. Thỉnh thoảng, lúc rảnh rỗi, tôi đem những kỷ vật ấy ra xem để ... hoài cổ, để tìm lại một thoáng hương xưa, để nhớ về một thời dĩ vãng đáng yêu đã qua với những kỷ niệm xưa mà không cũ cho tâm hồn được thư giãn.

Một hôm, tôi lục lại những thư từ, giấy tờ cũ để tìm một số tư liệu có cần cho một bài viết, thì tình cờ thấy được một lá thư viết tay của một tôi tớ Chúa, là một người mà tôi rất yêu kính. Cầm lá thư lên đọc và những dòng tâm tư tình cảm của tôi tớ Chúa nầy làm tôi thật cảm động, vì tôi biết đó là những gì ông viết từ trong ruột gan của mình dành cho một người, một gia đình mà ông cũng rất lấy làm yêu mến.

Một lá thư dài đến 4 trang giấy với đầy ắp tình cảm của ông, một người chăn chiên của Đức Chúa Trời dành cho một con chiên dù đã xa cách nhau gần 20 năm tính từ ngày ông viết bức thư nầy trở về trước. Xin được trích ra đây một đoạn để thấy được tấm lòng đáng quý của một người hầu việc Đức Chúa Trời dành cho tín đồ của mình:

Vĩnh Phước, 15/ 11/ 82.

“... Dầu xa nhau gần 20 năm, nhưng chúng tôi không bao giờ quên được anh và các cháu cũng như bầy chiên mà Chúa đã giao cho trong chức vụ đầu tiên ở Phước Trạch. Những người ấy ngày nay còn ở Phước An, chúng tôi liên lạc được để thăm bằng thơ, nhưng không gặp mặt được, vì sau ngày gặp thử thách, tôi chưa lên cao nguyên để thăm. Duy chỉ có các anh em về Thăng Bình thì biệt vô âm tín và nhất là chị. Dầu vậy tôi tin rằng ngày nào đó sẽ gặp lại chị như lời Chúa dạy ở I Tê sa lô ni ca 4: 13 – 18. Và riêng anh, tôi ước ao anh đến được Nha Trang ở với chúng tôi 1 tuần lễ để thăm và có dịp tâm sự vui buồn cho thoả lòng luyến nhớ... ”

Thật là những dòng thư đầy tình cảm chân thành và đáng quý biết bao!

Cuối thư, tôi tớ Chúa không quên: “Tặng anh 2 bài thơ:

Đường đi Phước Trạch.

Để nhớ lại những ngày xa xưa cùng hầu việc Chúa. Một bài buồn và một bài vui, đều là một cảnh nhưng 2 tâm trạng.”

Và đây là 2 bài thơ của tôi tớ Chúa đã làm và gởi tặng cho người tín đồ mà ông yêu thương:

Bài buồn:

Đường đi Phước Trạch nghĩ mà ghê
Núi cách sông ngăn bủa tứ bề
Vượn hú hùm kêu vang dậy đất
Sương mù mây phủ ngập sơn khê
Rừng hoang bản vắng người thưa thớt
Nẻo hẹp đường quanh khuất lối về
Xe đạp khi ngồi khi xuống vác
Băng đồi vượt suối nghĩ mà ghê.

Bài vui:

Đường đi Phước Trạch thấy vui ghê
Ríu rít tiếng chim vang tứ bề
Nước chảy suối reo hoà bản nhạc
Thuyền câu thấp thoáng dọc bờ khê
Ngàn hoa đua nở chen từng khóm
Cánh bướm tung bay ngập lối về
Gió thổi đưa xe nghe mát rượi
Lòng đầy phước Chúa thấy vui ghê.

Đọc 2 bài thơ nầy, lòng tôi dâng tràn bao niềm xúc động. Xúc động vì thấy

sự dấn thân phục vụ của một tôi tớ Đức Chúa Trời thật đáng nể. Sẵn sàng chấp nhận và vượt qua mọi gian khó để chăn bầy chiên mà Chúa đã giao, chỉ vì một lý do duy nhất là yêu thương những con chiên ấy. Tự nhiên tôi nhớ đến câu Kinh Thánh mà Phao-lô đã viết để bày tỏ tâm tình của mình với bầy chiên: “chúng tôi đã cư xử dịu dàng giữa anh chị em như người mẹ chăm sóc con mình. Chúng tôi yêu mến anh chị em đến nỗi mong ước được chia sẻ cho anh chị em, không những Phúc Âm của Đức Chúa Trời, mà cả đời sống chúng tôi nữa, vì anh chị em đã trở nên những người yêu quý của chúng tôi.”(I Tê-sa-lô-ni-ca 2: 7, 8). Xúc động vì dù cho biết bao gian khó, nhưng lòng vẫn vui tươi, bởi biết rằng chắc chắn Chúa sẽ ban phước cho mình khi mình hết lòng phục vụ Ngài. Tôi lại nhớ đến lời Chúa dạy trong Khải huyền 22: 12 như sau: “Này, Ta sắp đến, đem giải thưởng theo với Ta để báo trả cho mỗi người tuỳ theo công việc họ làm.” Chắc chắn những tôi tớ Chúa trung tín, hết lòng trong chức vụ chăn bầy sẽ được Chúa ban thưởng xứng đáng chẳng sai.

Đọc 2 bài thơ nầy, tôi còn phát hiện ra một điều đáng quý khác nữa, ấy là khả năng thi phú của người đầy tớ Chúa nầy. Tác giả làm 2 bài thơ nầy theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú thật sâu sắc về ý tứ và vững vàng về niêm luật của lối thơ đặc trưng nầy. Thơ Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ cổ, không dễ làm chút nào, vì nó đòi hỏi ngoài ý tứ sâu sắc, niêm luật chặt chẽ, còn phải đối nhau thật chỉnh giữa các cặp câu Thực (3 và 4) và Luận (5 và 6) nữa. Tác giả 2 bài thơ nầy đã hội đủ những yếu tố đó. Với tôi, ông xứng đáng với danh hiệu là một thi sĩ Cơ-đốc có biệt tài. Không biết là ông có làm nhiều thơ để ca ngợi Chúa không, nhưng tôi nghĩ chỉ với 2 bài thơ nầy thôi, cũng đủ để ông có tên một cách vững vàng trong danh sách những nhà thơ Cơ-đốc rồi.

Được biết, trong những nhà thơ Cơ-đốc, có những nhà thơ có biệt tài làm thơ Đường luật thất ngôn bát cú như cố Mục sư Thi sĩ Lưu Văn Mão, Mục sư Thi sĩ Đinh Thống mà thơ của họ đã được không ít tôi, con Chúa khắp nơi ghi nhớ và thuộc lòng. Ta có thể thêm tên tuổi của người tôi tớ nầy vào danh sách những nhà thơ ấy. Đó là ơn riêng mà Chúa đã ban cho các tôi tớ Chúa nầy vậy. Cảm tạ Chúa!

Đọc 2 bài thơ nầy, trong tôi cũng hiện lên một suy nghĩ nữa và cũng là bài học cho chức vụ của những người hầu việc Chúa, nói riêng, và cho mọi người chúng ta trong cuộc sống, nói chung. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” trong đó có câu hát rằng:

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
Chọn những bông hoa và những nụ cười.
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy.
Để mắt em cười tựa lá bay... ”

Người ta nói “sống là lựa chọn” phải không bạn? Mỗi ngày trôi qua trong cuộc đời chúng ta, nhiều khi ta phải đối diện với những niềm vui hoặc nỗi buồn, sướng hay khổ, lạc quan hay bi quan, hy vọng hay thất vọng, và cả sống hay chết nữa. Đó là lúc ta phải có quyết định chọn lựa thái độ sống cho chính mình. Một khi ta chọn thái độ nào thì thái độ có một ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời của chúng ta, không chừng nó còn làm thay đổi cả cuộc đời của chúng ta nữa là đằng khác. Nhạc sĩ họ Trịnh rất có lý khi quyết định chọn niềm vui thay vì nỗi buồn, chọn bông hoa thay vì rác rưởi, chọn nụ cười thay vì tiếng khóc, chọn lãng mạn thay vì u buồn, chán chường. Thật hay!

Giữa cùng một cảnh vật “Đường đi Phước Trạch”, nếu ta nhìn cảnh vật với cái nhìn đầy những khó khăn mờ tối thì ta chỉ thấy toàn là những thứ “nghĩ mà ghê” mà thôi, nào là “núi cách sông ngăn”, “vượn hú hùm kêu”, nào là “sương mù mây phủ”, “rừng hoang bản vắng”, rồi đến “nẻo hẹp đường quanh”. Nhìn như thế không ghê mới là lạ!

Nhưng nếu ta có cái nhìn tích cực, lạc quan, yêu đời, cái nhìn trong con mắt đức tin đặt nơi Chúa thì kết quả lại khác hoàn toàn: nào là “ríu rít tiếng chim”, “nước chảy suối reo”, nào là “thuyền câu thấp thoáng”, “ngàn hoa đua nở”, rồi đến “cánh bướm tung bay” nữa. Để rồi cuối cùng “Lòng đầy phước Chúa thấy vui ghê”.

Kinh Thánh có câu dạy ta nên ghi nhớ: “Vì như hắn suy nghĩ trong lòng thể nào, thì hắn quả như vậy.”(Châm ngôn 23: 7). Tác giả 2 bài thơ nầy đã rất khéo léo dùng những từ ngữ lột tả được hết những “hậu quả” và “hiệu quả” của hai cách nhìn khác nhau, một cái nhìn tiêu cực và một cái nhìn tích cực. Tôi đang tập sống và suy nghĩ, chọn lựa theo hướng tích cực thay vì tiêu cực, theo hướng nhìn thấy cơ hội trong khó khăn thay vì nhìn thấy khó khăn trong cơ hội. Đừng nói sau cơn mưa nầy lại còn có những cơn mưa khác nữa sẽ đến, mà hãy nói sau cơn mưa trời lại sáng thôi.

Tôi nhớ dường như văn hào Vích - tô Huy – gô của Pháp có nói một câu mà tôi không quên được: “Hãy bắt chước con chim sơn ca đậu trên cành liễu yếu, nó thấy cành cây quằn quại, nhưng nó vẫn hát ca, vì nó biết rằng nó vẫn còn đôi cánh.”

Mời bạn hãy cùng tôi tập sống và suy nghĩ lạc quan yêu đời, sống trong đức tin đặt nơi Chúa để lúc nào chúng ta cũng cảm nhận được một đời sống phước hạnh như tác giả đã diễn tả trong bài thơ thứ 2: “Lòng đầy phước Chúa thấy vui ghê.” bạn nhé.

Cảm ơn người tôi tớ Chúa kính yêu đã để lại cho chúng ta 2 bài thơ thật ý nghĩa, đặc biệt là bài thơ thứ hai, một bài thơ đầy niềm vui và phước hạnh ngọt ngào, đáng yêu làm sao.

Kính chúc người tôi tớ Chúa kính yêu tiếp tục vui hưởng những ngày tuổi già của đời mình thật nhiều niềm vui và hạnh phước dồi dào từ Chúa ban cho cho đến ngày được bước vào trong “miền vinh hiển” tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.

Kính chúc người tôi tớ Chúa, một thi sĩ tôi yêu sẽ sáng tác thêm được những bài thơ hay và ý nhị để ca ngợi Chúa và khích lệ tinh thần của nhiều tôi, con Chúa cũng như bạn đọc nhiều nơi. Amen!

-Mục Sư Nguyễn Đình Liễu-