Từ bài giảng luận "Tích Cực Dâng Hiến"
CN Aug 21, 2016 - Hội Thánh North Hollywood
Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng. (2Cô-rinh-tô 9:7)
[đọc Phi-líp 4:15-20]
Tôi muốn nhắc lại một câu trong lời cầu nguyện mà Đức Chúa Giê-xu dạy cho các môn đồ ngày xưa, đã trở nên một lời cầu nguyện chung cho Cơ-đốc Nhân ngày nay: "Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày" (Mathiơ 6:11). Với ý niệm đó, tôi xem lại mệnh lệnh dâng phần mười chuẩn mực được mọi người nhắc đến luôn: "Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta" (Malachi 3:10).
Và bây giờ tôi trở lại với bức thư của Phao-lô cám ơn Hội Thánh Phi-líp này: "Vậy, tôi đã nhận được hết, và đang dư dật; tôi được đầy dẫy vì đã nhận đồ nơi Ép-ba-phô-đích mà anh em gởi cho tôi" (Philíp 4:18). Nếu tôi tớ Chúa chỉ cần đến mức độ hổ trợ như thế, thì tôi chẳng có gì để phàn nàn và cũng không hề có cảm giác bị ai đó ép uổng để "tích cực dâng hiến".
Khích lệ con cái Chúa hết lòng kính mến Chúa, hầu việc Ngài và dâng hiến để tỏ lòng biết ơn Chúa, là một điều nên nhắc nhở luôn luôn; nhưng nếu để vật chất hay tài chánh trở thành yếu tố quyết định cho công việc Chúa chung thì cần phải thận trọng suy nghĩ lại. Cho dù với cái xã hội duy vật này, tiền bạc có thể giải quyết nhiều việc phức tạp, biến những việc không thể thành có thể; nhưng nó không phải là sức mạnh vạn năng làm cho tập thể thánh phát triển, không thể mua được ơn để Cơ-đốc Nhân trưởng thành trong sự kính mến Chúa, góp phần trong sự hầu việc Chúa tích cực với anh em, hay nhận biết bổn phận của mình trong cộng đồng thuộc về Chúa một cách chân chính. Người thế gian còn làm được những điều có tâm cỡ lớn gấp bội phần hơn điều chúng ta có thể đóng góp cho Hội Thánh của mình.
Vậy thì, tôi học dược điều gì từ những lời thư đầy cảm xúc này của người hầu việc Chúa mang tên Phao-lô đáng kính?
Hãy đọc bên trên một chút của những lời thư này để biết tinh thần hầu việc Chúa của Phao-lô: "Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi" (Philíp. 4: 11-13). Đó là người hầu việc Chúa trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, không hề bị lệ thuộc vào tài chánh hổ trợ.
Ông không hề từ chối sự giúp đỡ của anh em, của Hội Thánh; nhưng nhìn những của dâng đó theo một hướng đáng khâm phục: "Nhưng anh em giúp tôi cơn hoạn nạn, thì đã làm điều thiện" (câu 14); "Ấy không phải tôi cầu lễ vật, nhưng cầu sự kết quả nhiều bởi lễ vật đến cho anh em" (câu 17). Một sự hết sức trân trọng để nói đến những sự trợ giúp của anh em trong công việc chung: "như một thứ hương có mùi thơm, tức là một của lễ Đức Chúa Trời đáng nhận, và đẹp lòng Ngài" (câu 17).
Phao-lô đã hầu việc Chúa không phải trong một tính cách của kẻ cả, trịnh thượng, hay coi thường mọi người; ông đặt mình trong một mục tiêu rất minh bạch, không để mình dưới một áp lực nào hay hướng đến mục đích sai lạc. Ông khích lệ anh em hầu việc Chúa với mục đích duy nhất là "Nguyền xin sự vinh hiển về nơi Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta, đời đời vô cùng! A-men" (câu 20), và để anh em được ích lợi với sự ban cho càng thêm từ nơi Chúa: "Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-xu Christ" (câu 19).
Tâm thức quá đỉnh của người hết lòng hầu việc Chúa như thế sẽ đưa cả Hội Thánh trải nghiệm nguồn phước lớn, luôn sẵn dành cho những ai biết trân trọng sử dụng ta lâng Chúa giao cho.