Hội An là một trong hai thành phố của tỉnh Quảng Nam. Thành phố cổ Hội An nằm ven hạ lưu dòng sông Thu Bồn nổi tiếng, cách thành phố Đà Nẵng chừng 30 km về phía Nam. Hội An từng được biết đến như một thương cảng sầm uất, không thua gì Kinh Kỳ(Hà Nội) và Phố Hiến(Hưng Yên)(1), với tên gọi cổ xưa là Faifoo từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Về nguồn gốc của tên gọi nầy, theo Giáo sư Phan Khoang(1906 – 1971), Hội An xưa có tên Hoài Phố(nghĩa là phố chợ trên sông Hoài: sông Thu Bồn). Sau đó, bị biến âm thành Faifoo. Ngoài ra, một số người khác lại cho rằng từ Faifoo xuất phát từ cách hỏi tên đường của người Tây phương đến Hội An thời đó: Có phải phố không? Người địa phương trả lời: Phải Phố = Faifoo. (2). Vào thời của vương quốc Chăm-pa cổ(độ thế kỷ 9, 10), Hội An còn có tên gọi là Lâm Ấp phố. Ý nghĩa của tên Hội An là gì thì chưa thấy ai đề cập đến một cách cụ thể, rõ ràng? Tôi có hỏi một vài cư dân phố Hội nhưng cũng chưa thấy ai trả lời một cách chính xác và có cơ sở. Có người vừa cười vừa nói thì anh cứ cho Hội An là nơi hội tụ của sự bình an đi. Không biết là có đúng thế không? Nhưng về Hội An thì thấy lòng mình như nhẹ nhàng, thanh thản, khoan thai, không còn thấy xô bồ, cuống cuồng với công việc nữa. Xin được lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu về Hội An vậy.
Về Hội An là về với quá khứ, với hoài niệm, về với những gì cổ kính chứ không phải cũ kỹ.
NHÀ CỔ, CẦU CỔ:
Sở dĩ người ta thường hay gọi thành phố Hội An là phố cổ Hội An, vì tại đây có nhiều nhà cổ rất ấn tượng và có cầu cổ nữa.
Diện tích tự nhiên của Hội An chừng trên sáu ngàn ha. Dân số chừng một trăm hai chục ngàn người. Thành phố hiện nay vẫn còn những dãy phố cổ xưa gần như nguyên vẹn. Đặc biệt có những dẫy phố cổ nằm sát bờ sông Hoài thơ mộng, hiền hoà làm tăng thêm sự đáng yêu, hấp dẫn của phố cổ với du khách thập phương. Nhà trong khu phố cổ được làm bằng gỗ quý, mái nhà lợp bằng ngói âm dương rất độc đáo, trong nhà có treo hoành phi, câu đối rất giá trị. Hầu hết những ngôi nhà cổ đều nằm gọn trong phường Minh An với diện tích chừng 2 km2. Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1999.
Nằm ở gần như trung tâm Hội An, chiếc cầu cổ nhất có tên gọi là chùa cầu, còn có các tên gọi khác là cầu Nhật Bản(vì do người Nhật xây), Lai Viễn Kiều(tên chữ Hán). Cầu dài chừng 18 mét, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 16. Vào thăm cầu cổ nầy, du khách sẽ thấy một bức hành đỏ có 3 chữ “Lai Viễn Kiều”(nghĩa là cây cầu của những người bạn từ phương xa đến) của chúa Nguyễn Phúc Chu tặng. Ở hai bên đầu cầu, có tượng hai con khỉ và hai con chó làm bằng gỗ ngồi chầu đối diện nhau. Phía trước mỗi tượng đều có bát nhang để người ta thắp hương ... thờ chúng. Có người khi đến thăm cầu thấy các con vật ngồi đối diện nhìn nhau đã nói vui: Mấy con vật nầy nhìn nhau hàng thế kỷ qua mà không hề ai thấy chúng ... cãi cọ hay có ... lời qua tiếng lại, xích mích gì với nhau cả. Con người chúng ta nhiều khi mới ở với nhau dăm bữa nửa tháng là đã có chuyện rồi. Nghe cũng vui. Từ lâu, người ta đã xem cây cầu cổ nầy như là biểu tượng của thành phố Hội An cổ kính.
MÓN ĂN ... SANG TRỌNG VÀ DÂN DÃ:
Về món ăn ngon ở thành phố cổ kính nầy, có thể nói món Cao lầu được xem như là biểu tượng đăc trưng của ẩm thực Hội An hơn là mì Quảng. Ý nghĩa tên gọi của món ăn nầy, hầu như chưa có ai biết được một cách tường tận(dù người viết bài nầy đã từng hỏi nhiều cư dân ở nhiều độ tuổi đang sinh sống ngay tại mảnh đất hiền hoà nầy và cũng đã tìm kiếm, tra cứu một số sách báo viết về Hội An.) Để có được sợi mì Cao lầu, người ta cho ngâm gạo vào nước trong được lọc kỹ, sau đó xay thành nước bột. Bột được dùng vải ép nhiều lần để khô, dẻo rồi cán thành miếng vừa cỡ, sau đó xắt thành nhiều sợi mì Cao lầu để bán, chứ nó không tráng thành bánh như mì Quảng. Tô Cao lầu khác với tô mì Quảng ở chỗ thịt là thịt xíu, nước nhưn là nước xíu thịt sóng sánh, hấp dẫn, thêm ít tóp mỡ nữa. Tiệm cao lầu Năm Cơ rất nổi tiếng ở Hội An trước đây, tiệm nầy bán Cao lầu ngon đến nổi nó đã từng đi vào ca dao:
“Hội An có Hạ Uy Di.
Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ.”
Nhiều người nói đến phố cổ Hội An mà chưa ăn món Cao lầu thì có thể coi như là chưa đến Hội An vậy. Không biết nói như thế có đúng không? Muốn biết đúng hay sai, xin mời bạn hãy đến với Hội An rồi sẽ rõ. Nhà văn Lê Minh Quốc có kể câu chuyện một nhà văn khi đến Hội An ăn món Cao lầu, khi về nhà, ông đã có một nhận xét cực kỳ chí lý đến nổi người Hội An nghe đều ... chịu phục: Đó là món ăn không đủ ngon để lan rộng đi nơi khác, nhưng lại không đủ ... dở để mất đi!(3).
Ngoài Cao lầu, Hội An còn có nhiều những món ăn dân dã, nhưng lại rất hấp dẫn du khách phương xa, như bánh bèo, hến trộn, bánh tráng đập, chè bắp ở khu Cẩm Nam. Có lẽ những món ăn dân dã nầy cuốn hút du khách vì nó chứa đầy hương vị đồng quê chân chất, gần gụi của mùi phù sa sông Thu Bồn. Tôi thường hay dặn bạn bè của tôi rằng, khi nào đến thăm Hội An, nhớ đừng quên thưởng thức các món ăn đậm chất quê như bánh bèo, hến trộn, bánh tráng đập, chè bắp bạn nhé. Quên nó là quên đi cái... bản sắc của Hoài Phố đó. Uổng lắm! Uổng lắm!
NGHỀ CỔ:
Đến Hội An, ngoài việc ngắm nhìn, thưởng thức các ngôi nhà cổ với mái ngói rêu phong để hồi tưởng lại thời quá khứ xa xăm của cha ông ta với lòng đầy hoài niệm, ngoài việc thưởng thức những món ăn đặc trưng khó quên của cư dân phố Hội, thiết tưởng bạn cũng nên dành thì giờ ghé thăm làng nghề mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà để được ngắm nhìn những vật dụng thật đẹp mắt được chế tạo bởi bàn tay tài hoa, giàu lòng yêu nghề của những nghệ nhân nơi đây. Những sản phẩm của làng mộc Kim Bồng và làng gốm Thanh Hà đã có mặt nhiều nơi trên đất nước ta cũng như vươn xa khỏi biên giới của dãi đất hình chữ S.
Ngoài ra, bạn cũng nên dành chút quỹ thời gian của mình đến thăm làng rau Trà Quế nổi tiếng. Tại đây, có không dưới 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị rất thơm ngon, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, é, tía tô... Rau Trà Quế hiện đã có mặt tại các siêu thị ở Tam Kỳ và Đà Nẵng vì chất lượng sạch và thơm độc đáo của nó.
Nếu bạn đến Hoài Phố vào dịp trăng rằm, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến một sinh hoạt văn hoá thú vị của cư dân nơi đây. Ấy là cả thành phố cổ không sử dụng đèn điện để chiếu sáng, mà thay vào đó là đèn lồng muôn hồng nghìn tía từ trong nhà ra ngoài phố, một ánh sáng dìu dịu, mơ màng, chân quê đầy lãng mạn, quyến rũ đến mê hoặc. Có thể nói đó là nét sinh hoạt văn hoá đẹp và lạ chỉ có ở phố cổ Hội An mà thôi.
VÀI CẢM NHẬN CÁ NHÂN VỀ HỘI AN PHỐ CỔ:
+ TÍN ĐỒ TIN LÀNH Ở HỘI AN:
Tôi đã đến Hội An không biết bao nhiêu lần để thăm người thân, để học Kinh Thánh, để giảng Kinh Thánh và để làm một số công việc có cần, nên Hội An với tôi thật gần gũi và thân thương như là... của nhà mình vậy. Nhà tôi ở cách phố cổ chừng 30 km về hướng Tây Nam. Một khoảng cách không quá xa để nhác đến, cũng không quá gần để có thể đến ngày một. Từ ngã tư Thị trấn Vĩnh Điện của huyện Điện Bàn, rẽ hướng Đông theo đường trải nhựa chừng 10 km là đến Hội An. Ngã ba Tin Lành là điểm đầu tiên để bạn bước vào trong lòng thành phố. Tại sao lại gọi là ngã ba Tin Lành? Vì tại ngã ba đó có một nhà thờ Tin Lành gọi là nhà thờ Tin Lành Hội An, nên người ta gọi luôn là ngã ba Tin Lành cho ... tiện. Hội An có một ngã ba Tin Lành, nhưng có bao nhiêu tín đồ Tin Lành? Tôi nghĩ con số chừng khoảng 1. 000(gồm các hệ phái). Số dân Hội An là trên 120. 000 người. Vậy là số người tin Chúa ở thành phố cổ nầy còn ít lắm so với số dân. Trách nhiệm chứng nhân của các con dân Chúa tại Hội An còn lớn lắm, lớn lắm đối với đồng bào của mình tại đây. Tin Lành đã đến với Hội An cũng đã ngót nghét 100 năm rồi, mà người thuộc về Chúa tại nơi đây còn ít quá, xin Chúa thức tỉnh con dân Ngài trong trách nhiệm chứng nhân cách mạnh mẽ để chinh phục nhiều linh hồn hư mất về cho Chúa trong thời gian tới. Ngoài Hội thánh C&MA Hội An, còn có các Hội thánh các hệ phái khác như Mennonite, Giám lý Liên hiệp, Giám lý Tự do... Xin Chúa ban phước cho các Hội thánh của Ngài tại thành phố cổ nầy và làm bùng cháy lên trong tim họ lửa Thánh Linh Ngài, ban năng quyền thuộc linh cho họ cách mạnh mẽ để họ hiệp nhau mở rộng vương quốc của Ngài tại Hoài Phố thân yêu của Quảng Nam.
+ NGƯỜI HỘI AN:
Có lẽ do đặc điểm là một không gian cổ kính nên người phố Hội khá trầm lắng, nhưng sâu sắc. Dù Hội An là thành phố du lịch, nhưng cư dân Hội An sống với nhịp sống không ồn ào, vội vã, không xô bồ như những thành phố du lịch khác. Người Hội An sống chân thật, không đãi đưa, khách sáo, nên dễ gần, dễ mến, dễ thương. Chính vì vậy mà du khách khi đến Hội An một lần rồi thì thường trở lại khi có dịp tiện vì nhớ cảnh, nhớ người nơi đây, chứ không “một đi không trở lại”. Vì là thành phố du lịch, nên khi đến Hội An, bạn sẽ thấy “Tây nhiều hơn ta”, phố ta biến thành... phố Tây, vì nhìn đâu cũng thấy Tây cả. Nhiều lần tôi tự hỏi không biết những khách Tây phương đến Hội An làm gì mà nhiều thế? Ngày nào cũng có, cũng đông? Hội An có gì “ghê gớm” lắm đâu nhỉ? Và rồi tôi tự trả lời: Tại do mình nhìn mãi nên thấy Hội An ... thường, nhưng với những khách phương xa, họ thấy Hội An như là một cô gái đầy vẻ đẹp tiềm ẩn cuốn hút họ đến để ... khám phá. Hội An từ xa xưa đã có bóng dáng người ngoại quốc đến để giao thương, buôn bán rồi. Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hoá nầy, sự hiện diện của người ngoại quốc ở thương cảng Hội An sầm uất lại càng là một điều tất yếu của cuộc sống thôi. Tôi nghĩ, Hội An mà không còn nhà cổ thì không còn là Hội An nữa, và nếu Hội An mà không còn nhà cổ thì nó cũng không phải là chỗ để du khách ngoại quốc đến lưu trú, ngao du. Hội An đáng yêu là ở chỗ cổ và Hội An thu hút du khách phương Tây đến nhiều như thế cũng là do nét đẹp cổ quý giá đó. Mong sao Hội An mãi mãi cổ nhưng không cũ để có thể quyến rũ được nhiều du khách cả trong lẫn ngoài nước đến tham quan và thưởng lãm.
NHỮNG CÂU CA ĐỂ NHỚ VỀ HỘI AN:
Hội An là một thành phố đáng để yêu, đáng để đến và đáng để nhớ về. Hội An có thể là “một cõi đi về” một khi nào đó bạn cảm thấy có quá nhiều mệt mỏi trong cuộc sống tất bật hiện nay.
Để khép lại bài viết đơn sơ nầy về Hoài Phố, tôi muốn mượn những lời ca dao viết về Hội An của ông cha ta, của những người đi trước, như là lời mời gọi của Hội An dành cho bạn:
Đến Hoài Phố rồi khi xa bạn sẽ thấy ... tương tư “nàng” mất thôi:
Ai xa phố Hội, chùa Cầu
Để thương, để nhớ, để sầu cho ai!
Sau khi đến thăm Hội An rồi, người ta sẽ quyến luyến, không quên, và một khi có ai đó đến thăm Hội An, họ sẽ “gởi lời thăm”:
Sông Thu Bồn chảy về Cửa Đại
Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn
Ai về Đà Nẵng, Hội An
Cho ta nhắn gởi vài hàng tâm tư.
Đến Hội An nếu Trời cho gặp và yêu được người con gái phố Hội, thì còn gì bằng phải không? Mong sao cho tình yêu của đôi trái gái được... lên ngôi, chứ đừng “anh đi đường anh, tôi đường tôi” mà tội nghiệp:
Thiếp gặp chàng chỗ đàng chợ Phố(Hội An còn được gọi là Phố-NV)
Chàng gặp thiếp tại chỗ chợ Cầu(Chùa Cầu-NV)
Nhìn nhau nước mắt thấm bâu
Bạn về xứ bạn không biết giải sầu cho ai.
Nhà thờ Chế Lan Viên không biết có yêu được người con gái nào ở Hoài Phố không mà thi sĩ đã để lại một bài thơ tình thuộc diện “top ten” chứ không phải bở:
Yêu ở đâu thì yêu
Về Hội An xin chớ
Hôn một lần ở đó
Một đời vang thuỷ triều
Xin chớ hôn gần bể
Từng đêm sóng đuổi người
Hồn ta hoá tượng Hời
Nửa khôn rồi nửa dại.
Tôi nhớ nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có bài thơ “Tường vi” viết về phố cổ quê hương thật ý nghĩa:
Tôi sẽ về thăm lại phố xưa
Mùa xuân đến từ những khung cửa sổ
Để được đón hương bay trong chiều lộng gió
Cổng nhà ai thấp thoáng bóng tường vi
Tôi sẽ về như tôi đã ra đi
Như lộc biếc đợi mùa vàng sẽ mọc
Tôi sẽ gọi cho dòng sông thao thức
Cho phút giây hóa thành thiên thu
Đó cũng là lời mời gọi tha thiết bạn bè gần xa về với Hội An phố cổ.
Mỗi lần có dịp đến Hội An để thăm người thân, thăm quý tôi, con Chúa, để học Kinh Thánh và để ngắm nhìn phố cổ, ăn những món ăn đặc trưng của phố cổ, tôi không khỏi bùi ngùi ray rứt trong lòng khi nhìn thấy nhà thờ để thờ Chúa thì còn quá ít, chỉ dăm ba cái, nhưng chùa chiền, miếu đền thờ các thần khác thì san sát nhà tiếp nhà. Không biết là quý tôi, con Chúa khác mỗi lần về Hội An thăm(nếu là quê mình ở đó)hoặc đến Hội An tham quan, du lịch(nếu là khách đến thăm)có cùng một tâm trạng như tôi không? Nếu có, thì hãy cùng tôi góp lời cầu nguyện cho Hoài Phố, cho những tôi, con Chúa yêu dấu của Ngài tại phố cổ để Chúa làm việc trong lòng đồng bào tại đây cách mạnh mẽ, và Chúa ban quyền năng trên những chứng nhân của Ngài hầu họ góp phần rao giảng Tin Lành cách nóng cháy, để cứu nhiều người dân phố Hội về với Ngài. Mong ước trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ vui mừng nhìn thấy nhiều nhà thờ Chúa được mọc lên tại thành phổ cổ kính Hội An yêu dấu để cho nhiều người đến thờ phượng Ngài. Không có việc chi Đức Chúa Trời của chúng ta không làm được, nhưng Chúa chỉ làm khi con dân Ngài hành động, làm theo lời của Ngài.
Có dịp nào về miền Trung, xin mời bạn ghé thăm Hoài Phố nhìn những mái ngói rêu phong cổ kính để chiêm nghiệm tình Trời, tình người bạn nhé. Hội An lúc nào cũng mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim mình hân hoan chào đón bạn đó, bạn ơi!
Mời bạn về thăm Hội An
Cho lòng thanh thản, nhẹ nhàng, khoan thai.
-Mục Sư Nguyễn Đình Liễu-
* Chú thích:
(1): Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật I. II , NXB. Văn Hoá Thông Tin(tái bản lần thứ 3, năm 2001), p.78.
(2): Nguyễn Q. Thắng, sđd, p. 77.
(3): Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, Ký và Tản văn, NXB. Đà Nẵng, 2007, p. 361.