Nghe đây ! Ta ban cho các con quyền giẫm lên rắn rít và bọ cạp, quyền ấy lớn hơn quyền của kẻ thù nữa. Cho nên không có gì làm hại các con được. (Lu 1019 – BPT).
Có nhiều bài học trong câu này ! Trước hết, hãy nhận biết tấm lòng của Ngài khi Ngài kêu gọi chúng ta hãy nghe đây. Hãy quan sát dấu chấm than! Nếu các dịch giả đặt dấu chấm than vào lời Chúa Giê-su phán, có nghĩa là chúng ta nên để ý kỹ hơn. Đó là một câu nói có "trọng lượng.”
Rồi Ngài phán bạn đã được ban cho uy quyền, không phải một số quyền lực hay phần lớn quyền lực mà là trên mọi quyền lực của kẻ thù. Điều này là 100 phần trăm. Bạn không chỉ có uy quyền trên 100 phần trăm quyền lực của kẻ thù, mà bạn còn có quyền năng lớn lao hơn mọi thế lực gian ác của satan nhắm vào bạn. Bản King James Version dịch, "Ta ban cho các con quyền... trên mọi quyền lực của kẻ thù.” Điều này tương đương với lời của Phao-lô khi ông cầu nguyện để chúng ta biết được "quyền năng vô hạn quá đỗi lớn lao dành cho chúng ta là kẻ tin” và quyền năng đó "trỗi vượt hơn mọi chủ quyền, thế quyền, thế lực, uy quyền và mọi danh được đặt ra” (Êph 1:19-21). Không chỉ trỗi mà là trỗi vượt hơn !
Chúng ta không chỉ có uy quyền và quyền năng vượt trên mọi quyền lực của kẻ thù mà còn có một sự thật kỳ diệu khác nữa. Chúng ta được biết, "Các con thuộc về Đức Chúa Trời và đã chiến thắng chúng nó [linh địch lại Chúa Cứu Thế], vì Đấng ở trong các con vĩ đại hơn kẻ ở trong thế gian.” (1Gi 4:4). Mọi tà linh đều là linh địch lại Chúa, và chúng là căn nguyên của mọi hoạn nạn. Chúng ta đã thắng chúng vì Đấng đánh bại chúng là Đấng hiện sống trong chúng ta và ban quyền năng cho chúng ta.
Luca 10:19 trích lời Chúa hứa rằng "không gì làm hại bạn.” Không thế lực gian ác nào – không một ai làm hại bạn được. Không có cuộc chiến nào bạn đối diện mà bạn được định phải thua. Nếu bạn chiến đấu cách không nao sờn, với khí giới Chúa đã ban cho bạn, bạn lúc nào cũng kết thúc trên đỉnh cao. Một lần nữa bạn có lời hứa của Ngài về điều này : "Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài luôn luôn dẫn đầu chúng tôi trong cuộc diễn hành chiến thắng trong Chúa Cứu Thế.” (2Cô 2:14).
Theo Giăng, chính đức tin chúng ta làm cho thế gian này phải "bái phục.” Tại sao lại là đức tin ? Đức tin là điều giúp chúng ta bước vào ân điển (quyền năng) chúng ta cần để chiến thắng. Chúng ta đã bàn đến việc chúng ta cai trị trong cuộc sống bởi ân điển Chúa. Tuy nhiên, ân điển đó, dù được ban miễn phí cho mọi người, không thể tiếp cận được trừ khi chúng ta tin (có đức tin), vì đức tin là ống dẫn mang ân điển Ngài đến bất kỳ tình huống nào chúng ta đang đối phó và cần chiến thắng. Như Phaolô nói, "Cũng nhờ Ngài chúng ta được vào trong ân sủng này, là ân sủng mà chúng ta hiện đang đứng vững” (Rô 5:2). Ân điển Chúa là miễn phí, là sẵn có cho mọi con cái Ngài, nhưng nếu chúng ta không tin (có đức tin) nơi "Lời ân điển của Ngài” thì kể như chúng ta không sở hữu ân điển gì cả. Hãy nhớ Phaolô nói với các lãnh đạo và tín hữu mà ông sẽ không còn gặp lại : "Bây giờ, tôi giao thác anh em cho Chúa và cho Đạo ân sủng của Ngài, là Đạo có khả năng gây dựng và đem lại cho anh em cơ nghiệp giữa tất cả các thánh đồ” (Công vụ 20:32). Ông chỉ cho họ ân điển để giúp cho họ có cơ nghiệp cai trị trong cuộc sống vì vinh hiển Chúa : Lời ân điển của Ngài.
ÂN ĐIỂN ĐỦ ĐỂ CHIẾN THẮNG MỌI CUỘC CHIẾN: Điều này đem chúng ta đến lẽ thật thứ tư về việc trang bị chính mình : ân điển Chúa còn hơn là quyền năng để cai trị trên bất kỳ nghịch cảnh nào bạn đối diện. Ví dụ như Rôma 8:26 : "Tương tự như vậy, Đức Thánh Linh cũng giúp sự yếu đuối của chúng ta; vì chúng ta không biết chúng ta nên cầu xin điều gì cho phải lẽ, nhưng chính Đức Thánh Linh cầu nguyện thay cho chúng ta bằng những lời rên siết không nói được.” Từ Hylạp yếu đuối cũng là từ astheneia. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói chắc rằng không phải cơ đốc nhân cũng đều có bệnh tật hay đau yếu. Sự yếu đuối mà mọi tín hữu có liên quan đến lời cầu nguyện cầu thay là gì ? Câu trả lời : có những trường hợp chúng ta không biết cách cầu nguyện do giới hạn con người của chúng ta. Chẳng hạn, nếu mẹ tôi sống tại Florida còn tôi sống ở Colorado và có tình trạng khẩn cấp phát sinh mà bà cần cầu nguyện nhưng bà không thể liên lạc với tôi. Tôi do con người hữu hạn nên không biết nhu cầu khẩn cấp của bà. Nhưng Thánh Linh sẽ giúp tôi trong sự bất khả kháng này (sự yếu đuối) bằng cách hướng tôi cầu nguyện cho mẹ tôi. Lần nữa, từ Hylạp, astheneia không liên hệ gì đến bệnh thể xác mà liên hệ đến tình trạng bất lực của con người.
Biết vậy rồi, chúng ta hãy quay lại câu nói của Phaolô mà tôi lặp lại ở đây để dễ tham khảo : Đã ba lần tôi nài xin Chúa cho nó lìa khỏi tôi. Nhưng Ngài phán với tôi : Ân sủng Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vì vậy tôi rất vui mừng, tự hào trong sự yếu đuối [ốm yếu] của tôi, để quyền năng của Chúa Cứu Thế có thể ở luôn trong tôi. (2Cô 12:8-9).
Tôi tin rằng Phaolô bị bối rối bởi những sự gián đoạn, khó khăn, và gây rối mà ông liên tục gặp nên ông kêu cầu Chúa – không phải một lần mà là ba lần - cất kẻ gây rối của satan ở đằng sau tất cả những tai ương này. Tôi tin Chúa không trả lời Phaolô lúc đầu vì lời cầu xin của ông không đúng; Phaolô đã nhầm lẫn. Sau khi Phaolô xin ba lần, Chúa soi sáng ông và cung cấp giải pháp cho ông sau đó Con chưa hiểu sao ? Ta đã ban cho con ân điển (quyền năng miễn phí) trên mọi quyền lực kẻ thù. Ân điển (quyền năng) Ta là điều con cần, vì nó bày tỏ sức mạnh trong bất kỳ việc gì con không thể vượt qua bởi khả năng con người. Nói cách khác, sự chống đối càng lớn, con sẽ thấy ân điển (quyền năng) Ta bày tỏ càng nhiều trên đời sống con nếu con chỉ tin (2Cô 12:9) - diễn ý của tác giả).
Một khi Phaolô đã rõ điều này, điều kỳ diệu xảy ra. Ông chấp nhận một sự thay đổi tận gốc rễ - một thay đổi triệt để từ lối suy nghĩ này sang lối suy nghĩ khác. Toàn bộ thái độ của ông thay đổi đối với sự chống đối liên tục của satan mà ông gặp phải. Ông không còn nài xin Chúa cất đi nữa. Trái lại, ông nhiệt thành viết : Cho nên vì Chúa Cứu Thế, tôi cam chịu [vui lòng] yếu đuối, sĩ nhục, gian khổ, bắt bớ, hoạn nạn. Vì khi tôi yếu đuối, ấy chính là lúc tôi mạnh mẽ. (2Cô 12:10).
Hãy thẩm thấu những lời này, đặc biệt những lời, "Trong tất cả những điều này chúng ta hoàn toàn chiến thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta.” Trước khi được thay đổi ngoạn mục, Phaolô nài xin Chúa cất khỏi ông để không gặp phải khó khăn. Bây giờ sứ điệp của ông khác xa : Ân điển của Chúa còn hơn thế nữa, không chỉ chịu khó khăn mà còn có được chiến thắng vẻ vang. Tư thế của Phaolô bây giờ là, "Hãy đem khó khăn đến đây ! Hãy đem đến đi để ta có được chiến thắng vẻ vang cho Chúa.” Phaolô được "trang bị để chịu khổ.” Ông được trang bị để chiến đấu đến chiến thắng và ra khỏi đó cách vẻ vang và mạnh mẽ hơn trước khi ông bước vào cuộc chiến.
Để kết luận, chúng ta được "trang bị” nên chúng ta lạc quan trong lòng và trí về hoạn nạn - lạc quan trước, trong và sau cuộc chiến. Chúng ta có thể có thái độ tích cực vì chúng ta không còn nhìn thử thách và hoạn nạn như là những trở ngại; chúng ta nhìn nó như là những cơ hội !
Như Phaolô can đảm khẳng định trong Rôma 8:31, "Nếu Chúa ở về phía chúng ta, ai có thể chống lại chúng ta ?”.
JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn)