Các ngươi là muối của đất... Các ngươi là sự sáng của thế gian..(Mathiơ 5:13-16).
Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy có ảnh hưởng trên một phạm vi rộng (‘muối của đất’ và ‘sự sáng của thế gian’(Mathiơ 5:13-16).). Để thực hành ảnh hưởng nầy, chúng ta cần phải ‘ở trong thế gian’ (khi đi làm, giữa vòng những người lân cận và giữa gia đình, bạn bè mình) và đừng rút vào cái mà John Stott gọi là ‘những hầm muối nhỏ của các nhà truyền giáo quí phái’ của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta được kêu gọi khác hơn kia, đó là để sống một lối sống khác biệt hoàn toàn với thế gian, hầu cho chúng ta có thể hữu hiệu như muối và sự sáng trong thế gian.
Trước hết chúng ta được kêu gọi để làm muối. Trong những thế kỷ trước khi người ta phát minh được sự làm lạnh để bảo quản thức ăn thì muối được sử dụng để giữ cho thịt được tươi và ngăn ngừa ôi thối. Chúng ta được gọi là Cơ Đốc Nhân để ngăn chận xã hội khỏi tình trạng ngày càng xấu đi. Chúng ta thực hiện chức năng đó bằng lời nói của mình khi chúng ta nói lên những tiêu chuẩn đạo đức và những sự tranh luận về vấn đề đạo đức, và khi chúng ta dùng ảnh hưởng của mình để mang lại các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong xã hội chung quanh chúng ta. Chúng ta thực hiện điều đó bằng những việc làm của mình khi giữ vai tró của mình với tư cách các công dân, nhắm đến việc kiến tạo những cơ cấu xã hội tốt đẹp hơn, làm việc vì sự công bằng, tự do và chân giá trị của mỗi con người, và bằng cách góp phần loại bỏ nạn phân biệt, kỳ thị. Chúng ta cũng thực hiện chức năng ấy bằng hoạt động xã hội của mình nhằm cứu giúp những nạn nhân trong xã hội của mình. Với mục đích đó, một số Cơ Đốc Nhân được kêu gọi tham gia vào các công việc chính trị của quốc gia hoặc địa phương. Những người khác được kêu gọi dành riêng cuộc đời của họ để ‘phục vụ cho những người nghèo khổ’ như Mẹ Teresa và Jackie Pullinger . Hết thảy chúng ta đều được kêu gọi để giữ một phần trong chức năng ấy ở một phạm vi rộng lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
Thứ hai, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta là ánh sáng - tức là để cho sự sáng của Chúa Cứu Thế được chiếu rọi qua chúng ta. Chúng ta thực hiện chức năng nầy qua điều mà Chúa Giê-su gọi là ‘những việc lành của các ngươi’ - mọi điều chúng ta làm hoặc nói đều là vì chúng ta là Cơ Đốc Nhân. Tất cả những điều đó đều có thể được tóm tắt là ‘yêu kẻ lân cận như mình’.
Sống bày tỏ nếp sống Cơ đốc là cách thích hợp nhất để rao truyền tin mừng cho những người sống thật gần gũi với chúng ta. Điều nầy chắc chắn được áp dụng cho gia đình chúng ta, cho những bạn cùng sở làm và cùng phòng, nếu họ biết chúng ta là Cơ Đốc Nhân, chỉ một mình sự kiện đó đủ đặt họ dưới một mức áp lực rồi. Còn cứ không ngừng nói về đức tin của mình thì có thể nổ sớm, đem lại kết quả trái với sự mong đợi. Rất có thể họ thích được ảnh hưởng bởi tình yêu thương và sự quan tâm chân thành của chúng ta hơn. Tại sở làm, người ta sẽ phải để ý tính trước sau như một của chúng ta, tính thành thật, đáng tin cậy, thẳng thắn, tránh nhiều chuyện và tính hay khích lệ người khác của chúng ta. Ở tại nhà, bố mẹ, gia đình và bạn cùng phòng sẽ được ảnh hưởng bởi sự phục vụ chúng ta dành cho người khác, sự nhịn nhục và lòng nhân hậu của chúng ta hơn là những lời nói của chúng ta.
Điều nầy càng vô cùng quan trọng nếu như chồng hoặc vợ của người đó chưa tin Chúa. Phierơ khuyên các bà vợ tin Chúa rằng nếu có ai trong số họ có ‘các ông chồng chưa tin vào Lời Chúa, thì họ có thể được chinh phục bởi cách cư xử của vợ mình, dầu không bởi lời nói, khi họ thấy cách ăn ở của các chị em là tinh sạch và tin kính’ (IPhierơ 3:1).
Keith Miller, một nhà cố vấn doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong tác phẩm của mình Mùi vị của Rượu Mới (The Taste of New Wine), về điều nầy đã xác thực như thế nào trong chính cuộc hôn nhân của ông. Khi ông và vợ ông là Mary Allen mới thành hôn, họ tranh cãi với nhau về việc ai là người phải chịu trách nhiệm mang rác đi đổ. Cô ta cảm thấy đó phải là công việc của anh ta; còn anh thì cho đó là việc của nàng. Anh thậm chí còn đề nghị thuê một người để làm công việc đó, chứ không chịu tự mình mang rác đi đổ. Khi đã tin Chúa anh cố gắng biến cải nàng, song không thành công. Cô ta cho rằng anh không thích cô như trước và anh ta sẽ không chấp nhận cô trừ phi cô thay đổi trở thành một người say mê một thứ tôn giáo nào đó. Cuối cùng anh mới nhận ra rằng điều quan trọng hơn chính là phải bày tỏ cho nàng thấy sự khác biệt mà Chúa Cứu Thế đã làm cho đời sống anh :
Đang lúc tôi nhìn quanh để tìm một cách nào khác thuyết phục được vợ tôi rằng tôi đã thật sự đổi khác thì ánh mắt của tôi chạm ngay vào thùng rác đầy dựng kề cánh cửa sau. ‘Ôi, không Chúa ôi’, tôi rên thầm với chính mình ‘không phải thùng rác nầy. Ngài hãy lấy khoản thu nhập của con, hoặc bất cứ thứ gì’. Nhưng tôi thình lình nhận biết rằng đối với tôi, phải là cái thùng rác nầy. Không nói một lời tôi đem thùng rác ra ngoài, thậm chí cũng không nhắc gì với nàng về chuyện đổ rác... Tôi đã bắt đầu có một nổ lực thật sự để mang rác đi đổ mỗi ngày... và tôi nghĩ chính đó là lúc Mary nhìn biết rằng có điều gì đó thật sự đã xảy ra với linh hồn tôi.
Anh ta bảo nàng : ‘Khi chúng ta kết hôn, anh đã không ký giao kèo sẽ thay đổi em, mà chỉ yêu em... và anh thực sự yêu em, em thế nào thì anh vẫn yêu như vậy’. Điều đó khiến sức ép rớt khỏi nàng, chỉ trong vòng vài tuần lễ nàng đã đích thân dâng cuộc đời cho Chúa Cứu Thế, bằng một phương cách thích hợp đối với nàng.
Dầu vậy, trở thành ‘ánh sáng cho thế gian’ không phải chỉ liên quan đến lối sống của chúng ta. Mà nó còn đòi hỏi môi miệng của chúng ta nữa. Gia đình của chúng ta, những người bạn cùng phòng với chúng ta và những người bạn đồng nghiệp của chúng ta cuối cùng sẽ đặt những câu hỏi về niềm tin của chúng ta. Thường tốt hơn là hãy đợi cho đến khi họ đặt câu hỏi. Nếu chúng ta được hỏi, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng để đưa ra câu trả lời. Phierơ viết rằng : ‘Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy anh em, song phải hiền hòa và kính sợ’ (I Phierơ 3:15).
Khi chúng ta có được những cơ hội để nói lên, chúng ta nên bắt đầu như thế nào ?
Không có đặc ân nào lớn hơn hay niềm vui nào lớn hơn là được giúp một người nào đó khám phá Chúa Cứu Thế Giê-su. Cựu Tổng Giám mục Cantebury là William Temple đã viết sách chú giải Phúc âm Giăng của mình trong lúc đang quỳ gối, và xin Chúa phán với tấm lòng mình. Khi ông đọc đến những chữ ‘Người (Anhrê) bèn dẫn Simôn đến cùng Chúa Giê-su’ (Giăng 1:42). Ông đã viết một câu ngắn nhưng trọng yếu ‘Sự phục vụ lớn nhất của một người là đưa dắt được người khác đến với Chúa’.
Chúng ta không nghe nhắc nhiều đến Anhrê ngoại trừ việc ông luôn đưa người ta đến với Chúa Giê-su (Giăng 12:22). Song Simôn Phierơ anh ông ta, đã tiếp tục là một trong những người có các ảnh hưởng lớn lao nhất trong lịch sử Cơ Đốc Giáo. Tất cả chúng ta không thể đều là Phierơ, nhưng chúng ta hết thảy đều có thể làm điều Anhrê đã làm, chúng ta có thể đưa người khác đến với Chúa Giê-su.
Albert Mc. Makin là một nông gia hai mươi bốn tuổi, anh mới trở lại tin Chúa Cứu Thế. Anh đầy lòng nhiệt thành đối với Chúa đến nỗi đã chở cả một xe tải đầy người và đưa họ đến một buổi nhóm để nghe giải bày về Chúa Giê-su. Trong số đó có một chàng thanh niên đẹp trai là con một người nông dân, là người mà Albert đặc biệt muốn đưa đến buổi nhóm, song chàng trai nầy rất khó thuyết phục bởi vì anh ta mãi bận rộn yêu hết cô gái nầy đến cô gái khác, và có vẻ như anh không được thu hút bởi Cơ Đốc Giáo. Cuối cùng, Albert Mc. Makin đã thuyết phục được anh ta đến dự bằng cách đề nghị anh lái chiếc xe tải. Khi họ đi đến nơi, thân hữu của Albert quyết định bước vào và cậu ta nghe say mê, và rồi bắt đầu có những ý tưởng mà trước đây cậu không hề suy nghĩ. Cậu trở lại tham dự nhiều lần cho đến một buổi tối nọ, cậu bằng lòng tiến lên những hàng ghế đầu và dâng đời sống mình cho Chúa Cứu Thế. Chàng thanh niên ấy, người lái chiếc xe tải, chính là Billy Graham. Lúc ấy là năm 1934. Từ đó Billy Graham đã đưa dắt hàng ngàn người đến tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su. Tất cả chúng ta không thể đều giống như Billy Graham cả. Song chúng ta đều có thể giống như Albert Mc. Makin. Tất cả chúng ta đều có thể đưa bạn hữu mình đến với Chúa Giê-su.
NICKY GUMBEL (Những Thắc Mắc Về Đời Sống)