Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 62

Máng Cỏ

“Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.” (Lu-ca 2: 7)

Một trong những hình ảnh không thể nào thiếu trong Lễ Giáng sinh, đó là hình ảnh chiếc máng cỏ, một hình ảnh đơn sơ, tầm thường nhất trong đêm Chúa Giáng sinh nhưng nó lại là hình ảnh không thể nào thiếu. Bởi một lẽ đơn giản, trong máng cỏ ấy có Hài nhi Giê-xu, Cứu Chúa của nhân loại vừa hạ sinh.

Hôm nay, nhân mùa Giáng sinh lại về, xin mời bạn cùng tôi cùng thưởng thứ một thi phẩm với chủ đề máng cỏ để cùng hòa lòng mình với niềm vui Giáng sinh và cảm nhận ý nghĩa đích thực Lễ Giáng sinh cho chính đời sống của mình.

Một trong những cái ... “thú” của tôi và có lẽ cũng của nhiều người trong thời đại “toàn cầu hóa” nầy là ... lướt web, nhất là các web Cơ-đốc. Trong một lần lướt web Cơ-đốc, tôi bắt gặp bài thơ có tựa đề “MÁNG CỎ” thật dễ thương. Và thế là tôi bắt đầu xem hết bài thơ và thấy bài thơ ... dễ thương đến lạ.

Tác giả bài thơ mở đầu bài thơ của mình bằng câu hỏi:

Nếu ai hỏi: hình ảnh nào bạn thích,
Trong những ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh?
Nào đông phương có sao sáng hành trình,
Với bác sĩ băng đường tìm ấu Chúa?

Nào Bếtlêhem ánh hào quang giăng bủa,
Với thiên thần và thiên sứ hoan ca.
Nào chăn chiên đang vội vả bôn ba,
Tìm con Thánh sanh ra nơi trần thế.

Tác giả đưa ra những hình ảnh đáng yêu của Lễ Giáng sinh, nào là ánh sao sáng bên Đông phương, nào là hình ảnh các bác sĩ đi tìm thờ Ấu Chúa, nào thành Bết-lê-hem với ánh hào quang từ trời với thiên sứ loan tin và có các anh chăn chiên tìm đến chiêm ngưỡng Hài Nhi Giê-xu... Đó là những hình ảnh đẹp của Lễ Giáng sinh và cũng là những hình ảnh quen thuộc mỗi khi Giáng sinh về.

Và rồi tác giả trả lời:

Tôi ưa thích một mô hình máng cỏ,
Trông đơn hèn phủ bởi chiếc khăn thô,
Có mùi hôi phảng phất giữa chiên bò
Hài nhi thánh vừa sinh ra nằm ngủ.

Hình ảnh tác giả thích trong Lễ Giáng sinh, đó chính là “một mô hình máng cỏ”. Dù nó trông chẳng có gì là ... hấp dẫn cả, chỉ “đơn hèn”, thô sơ với “mùi hôi phảng phất giữa chiên bò” mà thôi. Nhưng tại sao tác giả lại thích? Câu trả lời thật rõ, vì trong máng cỏ đơn hèn, thô sơ đó, có “Hài nhi thánh vừa sinh ra nằm ngủ”. Vâng! Máng cỏ chỉ là máng cỏ không hơn không kém, mãi mãi tầm thường, mãi mãi đơn sơ, nếu không có “nhận vật quan trọng nhất trong vũ trụ” giáng sinh nằm trong ấy. Máng cỏ được nhiều người nhắc đến, nhớ tới, được trở thành đề tài cho vô số bài văn, bài thơ, bản nhạc, bức tranh... từ xưa cho đến nay là vì có sự hiện diện của Hài nhi thánh. Tôi liên tưởng đến chính đời sống tôi, nếu tôi không có Chúa, không được Chúa thương yêu, tha thứ tội lỗi, cứu vớt ra khỏi nơi thấp hèn là “hố khủng khiếp, vũng bùn lầy” (Thánh-Thi 40: 2 – BDM), nhận tôi làm con cái Ngài, ngự vào đời sống tôi, thì mãi mãi tôi cũng chỉ là một máng cỏ thấp hèn, dơ nhớp mà thôi. Tạ ơn Chúa đã “vực tôi thoát khỏi chốn sập sình, dùng tay âu yếm cứu vớt thân, linh. Từ trong hang thẳm, lên chốn cao thay. Đáng ngợi Giê-xu, Đấng vớt tôi rày.” (Lời Thánh ca 208)

Câu hỏi mà con người thường hay hỏi mỗi dịp Giáng sinh về, đó là: Tại sao Chúa Giê-xu phải giáng sinh nơi chuồng chiên máng cỏ thấp hèn như vậy? Ngài được mệnh danh là “Vua của các vua, Chúa của các chúa”. Đúng ra Ngài phải được sinh ra nơi cao đẹp nhất của trần gian nầy mới phải lẽ thường tình của con người ta chứ? Tại sao lại sinh ra nơi bần hàn như thế? Ta hãy nghe tác giả bài thơ trả lời:

Đây tình yêu và khiêm nhu hội tụ,
Đây thiên đàng và nhân thế gặp nhau.
Đấng vạn năng, đấng cao cả nhiệm mầu
Thành em nhỏ, thơ ngây trông yếu đuối.

Máng cỏ chính là nơi “hội tụ” của “tình yêu và khiêm nhu” của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thật xứng đáng để Chúa Giê-xu là Vua Trời sinh ra nơi cung vàng điện ngọc sang trọng nhất của trần gian nầy. Nhưng Ngài lại sinh ra ở một nơi đơn sơ, thấp hèn nhất của con người là máng cỏ. Điều đó thể hiện sự khiêm nhu cùng tột của Ngài. Và cũng bởi sự sinh ra tại nơi thấp hèn nhất nầy mà những người đơn sơ, hèn mọn như các anh chăn chiên ngày xưa, cũng như những con người tầm thường như chúng ta ngày hôm nay mới có thể đến được với Ngài, chiêm ngưỡng Ngài, thờ phượng Ngài. Cảm tạ sự khiêm nhường tuyệt vời của Chúa Giê-xu!

Tác giả thật khéo léo khi dùng những cặp từ đối lập nhau như “thiên đàng và nhân thế”, “vạn năng với em nhỏ”, “cao cả với thơ ngây”, “nhiệm mầu với yếu đuối” để làm sáng tỏ một cách mạnh mẽ tình yêu và sự khiêm nhu vô bờ bến của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Lý giải lý do Chúa Giê-xu sinh ra nơi máng cỏ đê hèn? Tác giả cho biết với một sự hiểu biết về Kinh Thánh và thần học khá chuẩn xác là từ suốt trong Kinh Cựu Ước không có một lời tiên tri nào về sự sinh ra nơi chuồng chiên máng cỏ của Đấng Mết-si-a cả, không có một lời tiên tri nào về việc Chúa được sinh ra và được bọc bằng khăn cả. Đó không phải là ý định của Thiên Chúa toàn năng:

Nằm máng cỏ phải chăng do Thiên Chúa?
Đã định phần, đã chuẩn bị ngàn năm?
Như mẹ cha chuẩn bị chỗ con nằm
Khi em bé vừa sinh ra trần thế?

Suốt Cựu Ước không có từ máng cỏ ..
Không có từ Chúa trọ tại chuồng chiên
Không có từ Chúa được bọc bằng khăn,
Vì nhà quán không còn một chỗ ở.

Chính sự ích kỷ của lòng người (không phải chỉ lòng người thời Chúa Giê-xu giáng sinh mà là lòng người của mọi thời đại) và bởi sự nhu mì vô lượng của Ngài, nên “nơi gặp mặt đầu tiên của Ngài với nhân thế” là tại máng cỏ chuồng chiên:

Trong ích kỷ của lòng người muôn thuở,
Chúa nhu mì không ép buộc phàm nhân,
Phải giành cho một cung điện Chúa nằm
Nơi gặp mặt đầu tiên cùng nhân thế.
Con cảm nhận một tình yêu trời bể
Một khiêm nhường của Thượng Đế thành nhân
Muốn cứu con Chúa nhục nhã muôn phần
Chịu đau đớn hy sinh cho đến chết...

Và việc Chúa sinh ra nơi máng cỏ làm cho chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho con người lớn là dường nào, đúng như lời Kinh Thánh đã bày tỏ: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nhận Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh phúc.” (Giăng 3: 16 – BDM).

Sau khi nêu câu hỏi và trả lời lý do mình thích hình ảnh cái máng cỏ của Lễ Giáng sinh cũng như giải thích lý do Chúa Cứu Thế Giê-xu phải sinh ra nơi chuồng chiên máng cỏ, tác giả kết thúc bài thơ như sau:

Mùa giáng sinh xin nguyện cầu tha thiết
Cho lòng nầy học biết tính khiêm nhu.
Máng cỏ khô mời gọi Chúa Giê-xu
Xin ngự trị cho lòng con ấm áp.

Xin trỗi khúc dòng Linh ân sóng nhạc
Xin khơi nguồn thơ vận nở ngàn hoa
Xin tim con cùng hoà nhịp hoan ca
Cùng sứ thánh mừng Con Trời giáng thế.

Bài học mà tác giả học được qua sự giáng sinh của Chúa Giê-xu nơi máng cỏ, ấy là:

Mùa giáng sinh xin nguyện cầu tha thiết
Cho lòng nầy học biết tính khiêm nhu.

Học biết sự khiêm nhu trong đời sống của mình là một bài học rất khó học, nhưng lại là một bài học quý báu, giá trị vô cùng. Chúa Cứu Thế Giê-xu là “Vua của các vua, Chúa của các chúa”, là Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ nhưng Ngài vẫn nhu mì chấp nhận hạ sinh nơi máng cỏ đê hèn, khi con người từ chối dành cho Ngài một chỗ đàng hoàng, thì chúng ta chỉ là những tội nhân không hơn không kém trước mặt Ngài, không có gì đáng để cho chúng ta phải khoe khoang, tự cao tự đại cả. Có nhà thơ đã viết rằng:

Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất.
Không có chi bè bạn nổi cùng ta

Đó là một tư tưởng thật cao ngạo, đáng sợ. Là con dân Chúa, chúng ta cần phải nhờ ơn Chúa loại trừ tư tưởng cao ngạo như thế ra khỏi đời sống mình. Con người chúng ta cần và rất cần phải học sống khiêm nhu như Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống, vì đó là điều Đức Chúa Trời yêu thích và Ngài hứa là sẽ ban phước cho những ai bằng lòng sống trong sự khiêm nhu như lời Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo. Nhưng ban phước cho người khiêm nhường.” (I Phi-e-rơ 5: 5 – BDM)

Cho dù đời sống chúng ta như những máng cỏ khô hèn hạ, không ra gì, nhưng nếu chúng ta biết mời Chúa Giê-xu ngự vào thì đời sống chúng ta sẽ trở nên ấm áp, hạnh phúc lạ thường, không còn cô đơn, lạnh lẽo như Xuân Diệu đã từng than vãn trong sợ hãi “Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo”:

Máng cỏ khô mời gọi Chúa Giê-xu
Xin ngự trị cho lòng con ấm áp.

Bất cứ ai trong chúng ta nhận biết mình là con người đơn sơ, hèn mọn như máng cỏ khô năm xưa, lấy lòng khiêm nhường mời Chúa Giê-xu ngự vào đời sống thì Ngài sẽ ngự vào và biến đổi đời sống người đó trở nên một đời sống có ý nghĩa và phước hạnh.

Tôi đã khiêm nhường mở lòng ra đón Chúa vào lòng nhiều năm tháng qua rồi và tôi cảm nhận được một đời sống bình an, vui thỏa vô cùng. Bạn đã khiêm nhường mở lòng mời Chúa Giê-xu ngự vào đời sống chưa? Nếu chưa, thì mùa Giáng sinh năm nay chính là cơ hội tốt nhất dành cho bạn đó. Mong chờ bạn sớm đón Hài nhi thánh vào lòng!

Cảm nhận được tình yêu thương và sự khiêm nhường tuyệt vời của Chúa Cứu Thế Giê-xu, tác giả đã bày tỏ tâm nguyện tha thiết của lòng mình trước Hài nhi thánh đang nằm trong máng cỏ. Một khi đã có Chúa Cứu Thế Giê-xu ngự trị đời sống rồi thì tác giả thấy lòng vui thỏa vô cùng, muốn trỗi khúc hoan ca cho Ngài, muốn làm thơ chúc tụng Ngài và muốn dâng trái tim mình cùng thiên sứ năm xưa mừng Thiên Chúa vào đời:

Xin trỗi khúc dòng Linh ân sóng nhạc
Xin khơi nguồn thơ vận nở ngàn hoa
Xin tim con cùng hoà nhịp hoan ca
Cùng sứ thánh mừng Con Trời giáng thế.

Tác giả bài thơ “Máng cỏ” đáng yêu nầy là thi sĩ Thanh Hữu. Tôi chưa có hân hạnh được gặp Thanh Hữu bao giờ. Và cũng không biết là Thanh Hữu làm thơ từ khi nào? Tôi chỉ biết Thanh Hữu có làm thơ, thậm chí làm nhiều thơ nữa là đằng khác và với một bút lực khá dồi dào. Và tôi cũng biết Thanh Hữu làm thơ khá hay, nếu không muốn nói là “rất có hồn”. Tôi cũng thích thơ Thanh Hữu nữa, và một trong những bài thơ tôi thích là bài “Máng cỏ”.

“Máng cỏ”, với tôi là một bài thơ Giáng sinh thật dễ thương, thật đáng yêu. Tôi là một người yêu viết lách, yêu văn chương thơ phú, nhưng lại là một người yêu viết lách, yêu văn chương thơ phú hơi... khó tính. Thi thoảng tôi cũng có ... liều làm thơ nữa. Vì thế, tôi thường hay... tò mò “nhảy” vào các trang web văn chương, nhất là các trang web có văn chương Cơ-đốc để đọc và thưởng thức văn thơ cho tâm hồn thêm tươi đẹp và đầy sức sống. Tôi đã bắt gặp nhiều những bài thơ hay. Và trong nhiều những bài thơ hay viết về chủ đề Giáng sinh, cụ thể hơn là trong nhiều những bài thơ hay viết về hình ảnh máng cỏ, thì bài thơ “Máng cỏ” của Thanh Hữu là một trong những bài thơ mà tôi yêu thích nhất.

Cảm ơn Thanh Hữu thi sĩ đã đem đến cho chúng ta, nhất là cho những người yêu thơ, đặc biệt là những người yêu thơ Cơ-đốc, một bài thơ thật hay và sâu sắc.

Mục Sư Nguyễn Đình Liễu