Nhà thơ Thanh Hữu vừa cho ra đời đứa con tinh thần (không biết là ... đứa thứ mấy đây?) của mình với một cái tên thật ... sáng là “NẮNG ĐÃ LÊN RỒI”.
Thanh Hữu (TH) là một thi nhân Cơ-đốc từ lâu đã nổi tiếng trong văn đàn Cơ-đốc. TH làm thơ khá nhiều và khá sâu sắc, giàu chất triết lý, đặc biệt là giàu chất chân lý.
Vào một ngày đầu tháng 8. 2016, bất ngờ tôi nhận được một bưu phẩm của một ... người lạ gởi đến. Mở ra, thì đó là một thi phẩm rất trang nhã với cái tên rất... sáng giá “NẮNG ĐÃ LÊN RỒI”. Và tác giả có một cái tên cũng rất ... thanh lịch là THANH HỮU. Mở ra trang đầu, thấy lời đề tặng là: “Mến tặng Mục sư N...” T.H (MS. NHT)
Tôi mừng và vui vui làm sao ấy khi cầm trên tay thi phẩm dễ thương nầy. Tôi vẫn thường hay có những niềm vui ... khó quên như thế, vì dù là một người ... có danh(tên) (chứ không phải vô danh) tiểu tốt, nhưng lâu lâu vẫn có thi nhân, văn sĩ ... nổi danh nhớ đến mà gởi tặng cho những tập thơ, tập sách của họ.
Cảm ơn thi sĩ TH đã gởi tặng cho một món quà thật ý nghĩa.
Tôi bắt đầu lần giở... trước đèn điện “cảo thơm” của TH để thưởng thức.
Đọc “Vài nhận định về thơ TH” của một số độc giả yêu thơ TH, và “Vài lời tâm tình” của chính nhà thơ, tôi mới ... phát hiện thêm một sồ điều thú vị về thi sĩ mà tôi hằng mến mộ từ lâu nầy.
Thì ra, TH là một Mục sư mà tôi đâu có biết. Hèn gì khi đọc thơ của TH, tôi nhận thấy một chiều sâu tâm linh thật đáng nể. Tôi nhận biết TH có một sự trải nghiệm thuộc linh với Chúa thật sâu đậm và đầy sự thân mật, gần gũi với Đấng mà thi sĩ tôn thờ và hầu việc.
TH là một Mục sư lại là một Mục sư ... đồng hương của vùng “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” với tôi nữa, nên tôi càng vui về điều đó. Vào năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, tôi có viết một bài giới thiệu các thi sĩ Cơ-đốc người Quảng Nam, nhưng lại không có tên thi sĩ TH trong bài viết đó, vì lúc bấy giờ, tôi chưa biết TH là thi sĩ người Quảng Nam quê tôi, dù đã biết đến thơ TH từ lâu rồi. Thật là một ... thiếu sót không nhỏ chút nào. Hy vọng, vào một dịp nào đó, nhờ ơn Chúa, tôi sẽ có bài viết đầy đủ hơn về những nhà thơ Cơ-đốc người Quảng Nam, và lúc ấy, chắc chắn tôi sẽ không thể nào không nhắc đến TH thi sĩ, Mục sư Nguyễn Hữu Trang kính yêu.
TH đã bắt đầu làm thơ từ rất lâu rồi, từ thời còn học trung học cho đến nay đã vượt qua tuổi ... ”thất thập cổ lai hy” rồi, vẫn tiếp tục ... nhã tơ tâm linh cho người, cho đời, khích lệ được nhiều người tin cũng như chưa tin Chúa trên con đường hướng về một tương lai đầy hy vọng cho chính mình, cho người khác và cho cả quê hương, dân tộc nữa. Thật đáng nể!
Đọc hơn một trăm bài thơ của TH trong thi tập “Nắng đã lên rồi”, tôi thấy được một nghị lực phi thường trong con người của thi sĩ, và đặc biệt là một niềm tin, một sức sống thuộc linh mãnh liệt nơi Thiên Chúa được thể hiện qua từng lời thơ, qua từng bài thơ.
Hãy cùng tôi đi vào vườn thơ TH để cùng cảm nhận một niềm tin, một sức sống kỳ diệu ấy.
Khi tin Chúa, anh nhận nguồn linh lực/ Từ tấm lòng, như mạch nước trào phun/ Như dòng sông, Linh Thánh Chúa tràn tuôn/ Sông mở lối: cho mương, hồ chảy xuống. (Bạn là một dòng sông)
Thì ra, niềm tin mạnh mẽ nơi TH, sức sống tâm linh mãnh liệt nơi thi sĩ có được là có nguồn gốc từ đây. Khi một người tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, thì người đó được Ngài tái tạo thành con người mới và được Ngài ban cho một sức sống mới để sống cho Ngài và sống giữa đời đen tối.
Với một nguồn sức sống vô biên từ Thiên Chúa ban cho như thế, cho nên dù có đứng giữa một cảnh hoang tàn đổ nát của chiến tranh, đứng giữa cảnh đọa đày, đau khổ, nhưng một người có Chúa chiếm hữu tâm hồn vẫn vững vàng một niềm tin vào ngày mai tươi sáng bừng sức sống:
Bên những tàn hư tay nắm tay/ Cha tôi lo cuốc, em tôi cày/ Từ trong đổ nát niềm tin mới/ Bừng dậy dâng cao giữa đọa đày. (Bên những tàn hư)
Nói đến Cơ-đốc giáo là nói đến sự phục sinh vinh quang của Thiên Chúa Ngôi Hai. Sự phục sinh của Ngài là trung tâm điểm của Cơ-đốc giáo. Bởi chính sự sống lại của Ngài làm cho ma quỷ phải kinh hồn, khiếp vía và cũng chính sự sống lại của Ngài làm cho đạo Chúa khác hẳn mọi tôn giáo của con người. Đạo Chúa là Đạo sống, vì Ngài là “sự sống lại và sự sống” (Giăng 11: 25). Chính sức sống phục sinh của Chúa Giê-xu đã đem cảm hứng mạnh mẽ đến cho bao người, trong đó có TH thi sĩ.
Gởi thư điện tử (email) cho người với người là một công việc bình thường của con người trong đó thời đại toàn cầu hóa nầy, thế nhưng gởi thư điện tử cho... Chúa thì là một chuyện...bất thường, chưa thấy có ai nghĩ đến và cũng chưa thấy có ai làm, ngoài... TH:
Con muốn gởi một “e-mail” cho Chúa/ Để chào mừng mùa hoa nở phục sinh/ Để hoan ca ơn cứu rỗi Tin Lành/ Để chúc tụng Chúa quyền năng viên mãn (Cảm thức phục sinh)
Và rồi tin cậy nơi quyền năng phục sinh nhiệm màu ấy, thi sĩ tin chắc sẽ có một ngày, một ngày thật gần trong tương lai, Ngài sẽ:
Chúa đắc thắng với Linh năng vạn đại/ Tháo gông cùm bẻ trói bóng ma vương/ Ngài dẹp tan nghiền nát hội vô thần/ Làm tan chảy khối tà linh mê tín. (Cảm thức phục sinh)
Cũng với mong ước cháy bỏng đó, với niềm tin mãnh liệt đó, thi sĩ viết:
Chúa phục sinh đầy linh năng dũng mãnh/ Xin tràn vào tiêu diệt những tà linh/ Xin chữa cho non sống Việt đất lành/ Xin khơi động dòng suối thiêng tuôn chảy. (Chữa lành đất nước)
Bởi năng lực vô song của Đấng Phục sinh, nên con cái Chúa dù có nhiều lúc phải đổ nước mắt khi ở trong cảnh hoạn nạn, đau buồn, tang thương của cuộc đời, giữa những khốn khổ do tà thần, vô tín đem lại:
Con từng khóc những đêm dài vắng lặng/ Suy tưởng về dòng lịch sử Việt Nam/ Bao tan thương, bao đổ nát, hoang tàn/ Bao khốn khổ trong tà thần, mê tín (Năng lực phục sinh)
Nhưng họ vẫn luôn mang trong tâm một hy vọng phước hạnh về quê hương, dân tộc. Họ tin chắc trong thời điểm của Chúa, Ngài sẽ ban cho dân tộc mình một bình minh tươi sáng:
Xin tuân phục thời điểm Cha, huyền diệu/ Xin ca mừng ân điển Chúa tràn tuôn/ Giữa đêm đen dân tộc, xót xa buồn/ Con nhìn thấy bình minh trời ửng sáng. (Năng lực phục sinh)
Không chỉ nhìn thấy một bình minh ửng sáng cho dân tộc mình, mà trong niềm tin không lay chuyển đó, thi sĩ còn nhìn thấy một cơn phấn hưng thuộc linh mạnh mẽ như gió làm cháy rừng, như nham thạch phun ra từ lòng đất thành núi lửa sẽ tràn qua xứ sở Việt Nam thân yêu để vinh quang Chúa được tỏ rạng từ Nam chí Bắc trên đất nước ta:
Cơn phấn hưng sẽ tràn qua đất Việt/ Như cháy rừng, như núi lửa trào phun/ Sẽ đốt thiêu những áp bức sầu than/ Sẽ tỏ rạng trời vinh quang Thiên Chúa. (Nếu)
Vần xoay của vũ trụ là đông tàn, xuân đến. Nếu mùa đông âu sầu, tàn tạ, héo hon bao nhiêu thì sẽ hứa hẹn một mùa xuân rực rỡ, tươi sáng bấy nhiêu. Khi mùa xuân đến sẽ làm tan đi bao buốt giá của hờn căm, của sầu não chán chường trong mùa đông. Hãy nghe TH diễn tả niềm tin về một mùa xuân tươi đẹp ấy:
Xuân sưởi ấm, lòng đông côi buốt lạnh/ Xuân tiêu trừ, tuyết giá của hờn căm/ Xuân thăng hoa, những sầu não chán chường/ Xuân tái tạo, thân hồn linh thánh thiện. (Những mùa xuân)
Và rồi, thi sĩ mời bạn và tôi cùng một niềm tin chờ xem điều mà chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ làm, và chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được mà thôi. Kinh Thánh cho biết: “Lòng của vua như dòng nước trong tay CHÚA. Ngài định hướng cho nó chảy về nơi nào tùy ý Ngài.” (Châm Ngôn 21: 1-BDM). Trong Đa-ni-ên 2: 21, lời Chúa cũng khẳng định chân lý đó: “Chính Ngài thay đổi thời kỳ và mùa tiết. Phế và lập các vua.”
Anh đang đứng nhìn vận trời biến chuyển/ Kìa đông tàn, chuẩn bị tiết xuân sang/ Lòng ước mong đông-áp-bức Việt Nam/ Đông-nghèo-khó, đông-gông-cùm tan biến. (Những mùa xuân)
“Lòng ước mong đông-áp-bức Việt Nam/ Đông-nghèo-khó, đông-gông-cùm tan biến.” Đó quả thật là ước mong cháy bỏng của dân Việt Nam yêu dấu hôm nay
Nguyện xin Chúa ban cho dân tộc Việt Nam chúng con sớm được hưởng một mùa xuân mà cả “thân hồn linh thánh thiện” để bù lại bao nhiêu năm sống khốn khổ trong dối trá, lọc lừa.
Nghe tin một người đồng hương về thăm quê xứ Quảng, thi sĩ bỗng hồi tưởng lại một thời còn ở quê nhà với bao thương yêu chồng chất, bao cảm xúc trào dâng khi những địa danh yêu dấu hiện về trong ký ức như Hàn giang, Cẩm Lệ, Hải Vân, rồi Thu Bồn, rồi biển Thanh Bình với đầy cát trắng. Và rồi ở giữa một vùng quê đầy khó khăn, nghèo khổ, thi sĩ vẫn nhìn thấy được một sức mạnh của sự thay đổi đang tiềm tàng trong đó cho quê hương mình:
Tôi thấy được, giữa tro tàn còn lửa/ Giữa giá băng, còn suối ấm tuôn trào/ Lửa nhỏ bé xin ơn Trời nhen lại/ Suối cạn nguồn, cần sông lớn tiếp giao/ Tôi đã thấy cả rừng thiêng đứng dậy/ Quạt tro tàn, nhen mồi lửa tiếp giao/ Lửa đốt cháy bằng Linh-năng sôi động/ Tiếng cười vang thay giọt lệ tuôn trào. (Rạo rực)
Mong ước cho quê hương, dân tộc được thực sự sống trong niềm vui tươi, phước hạnh, trong ấm no, thịnh vượng là mong ước và nguyện cầu của bao người dân Việt. Thi sĩ tin chắc chắn vào quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ mang đến cho quê nhà cơn phấn hưng vĩ đại mà không ai có thể ngăn cản được:
Ai ngăn thác, ai chặn nguồn nước ngọt?/ Ai dám ngồi tát nước thủy triều dâng?/ Ai cản ngăn Thánh Linh Chúa dự phần/ Làm mưa lớn, cơn phấn hưng đất Việt? (Sông nước sự sống)
Và rồi với niềm tin sắt đá ấy, thi sĩ yên lặng trong niềm vui chờ đợi để nhìn thấy điều Chúa làm cho quê hương, dân tộc mình:
Tôi yên lặng nhìn Thái Bình xanh biếc/ Bên kia bờ mây đang tụ thành mưa/ Hãy vui lên, tình yêu Chúa dư thừa/ Sẽ mưa xuống cơn phấn hưng vĩ đại. (Sông nước sự sống)
Trong một lần về thăm quê sau bao năm xa xứ, thi sĩ bồi hồi khi những địa danh quen thuộc hiện ra trước mắt, nào là Sơn Trà, Tiên Sa, Suối Mơ, Bà Nà, nào là Hội An, Cửa Đại... nhưng rồi thi sĩ đau xót khi nhìn thấy sự thờ thần tượng hư không lan tràn khắp nơi trên quê hương, xứ sở, như cả một bóng tối bao trùm nơi nơi:
Tôi đau xót vì đồng hương không hiểu/ Bỏ ơn Trời, thờ thần tượng hư không/ Đem quê hương vào xiềng xích gông cùm/ Của bóng tối, của tà linh hư hoại. (Chữa lành đất)
Không tuyệt vọng trong sự đau xót đó, thi sĩ ao ước:
Tôi ao ước bão linh năng cuồn cuộn/ Sấm sét gầm, đánh ngã tượng tà linh/ Sóng thần cao đùa phù chú quê mình/ Vào biển cả chôn vùi vùng sâu thẳm. (Chữa lành đất)
Đọc thi phẩm “Nắng đã lên rồi” của TH, tôi thấy xuyên suốt cả tập thơ là niềm tin vững chãi vào quyền năng siêu việt của Chúa nơi tấm lòng của thi sĩ. Thứ đến là một trái tim đau đáu, luôn nhớ về quê hương, đất nước, mong ước cho quê hương, đất nước sớm có được một mùa xuân phước hạnh thật sự cả tâm linh lẫn thể xác. Hãy nghe thi sĩ tâm sự như trải lòng mình ra với Chúa và với người:
Mỗi buổi sáng mở đài nghe tin tức/ Lòng ưu tư nỗi cơ cực quê nhà/ Nơi đất mẹ vẫn ưu sầu áp bức/ Tôi thấy buồn lòng xao xuyến xót xa. (Mùa xuân tâm thức)
Với tấm lòng luôn ưu tư về quê hương, xứ sở như thế, là một Mục sư, thi sĩ đã khẩn nguyện, giống như tiên tri Ê-li ngày xưa đã lên núi cao khẩn nguyện với Đấng mình đang tôn thờ (I Các vua 18: 42) và tin tưởng vào những điều tốt đẹp mà Đức Chúa Trời sẽ làm cho quê hương yêu dấu của mình trong tương lai:
Vận trời đất không bao giờ đông mãi/ Tuyết giá buồn không ở lại trọn năm/ Đông bỉ cực đến mùa xuân thư thái/ Tôi quyết tin bàn tay Chúa siêu phàm/ Trên đỉnh núi niềm tin tôi khẩn nguyện/ Hướng lòng về biển lớn mỏi mòn trông/ Tôi đã thấy đám mây hồng ẩn hiện/ Ngày mai đây mưa lớn sẽ ngập đồng. (Mùa xuân tâm thức)
Trong tâm thức của niềm tin, thi sĩ đã nhìn thấy được một mùa xuân phước hạnh sẽ đến trên quê hương với nhiều sắc màu đẹp đẽ, vui tươi, đáng yêu, hoàn toàn khác với cảnh ảm đạm, âu sầu, ngao ngán trước đó của mùa đông:
Trong tâm thức thấy mùa xuân phước hạnh/ Thấy mai vàng rạng rỡ nhạc yêu thương/ Nắng xuân lên xua tan mùa đông lạnh/ Lòng hân hoan ca ngợi nhạc thiên đường. (Mùa xuân tâm thức)
Như đã nói, đọc “Nắng đã lên rồi”, chúng ta thấy một niềm tin, một sức sống mãnh liệt của TH, một thi sĩ của Chúa và cũng là một Mục sư, người chăn bầy chiên của Chúa nữa. Niềm tin đó, sức sống đó bắt nguồn từ niềm tin, sức sống vô song của Chúa phục sinh.
Không phải là không có ý, không có lý khi thi sĩ chọn tựa đề cho thi tập của mình là “Nắng đã lên rồi”. Chỉ cần mới nghe cái tên gọi “Nắng đã lên rồi”, ta cũng đã thấy có nhiều ý nghĩa sâu xa biết bao trong đó. “Nắng đã lên rồi” như là một dự báo, mà không phải là dự báo nữa, mà bèn là một lời khẳng định chắc chắn một sức sống đang trỗi dậy và trỗi dậy cách mạnh mẽ, không ai có thể cưỡng lại được.
“Nắng đã lên rồi” cũng là tên một bài thơ trong thi tập. Ba khổ thơ cuối trong bài thơ sâu lắng mà mạnh mẽ, nhẹ nhàng mà đầy cuốn hút, tha thiết nhưng đầy sức sống ấm áp không thể tả:
Nắng đã lên rồi em ngắm xem/ Mà sao cây lá rũ khô mềm/ Đông-âu hoa cỏ tưng bừng nở/ Mà ở quê mình rét buốt thêm/ Nắng đã lên rồi em biết không? Bao năm chờ đợi mắt hao mòn/ Mong cho hơi ấm tràn quê cũ/ Sưởi ấm tâm hồn em héo hon/ Nắng đã lên rồi em khẩn xin/ Hồng ân Thiên Chúa ngập quê mình/ Xua tan tuyết lạnh vào hư ảo/ Kết tụ hương lành nắng Phục sinh. (Nắng đã lên rồi)
Có thể nói rằng, “Nắng đã lên rồi” là một thi tập đầy ắp một niềm tin yêu vào Thiên Chúa vĩnh hằng và quyền năng bất biến. Và là thi tập chứa chan tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc của một người con xa quê hướng về quê mẹ với biết bao hoài vọng về một tương lai tươi đẹp cho mảnh đất hình chữ S đáng yêu của mình.
Nguyện Chúa dùng thi tập nầy để khích lệ mỗi một chúng ta trên linh trình theo Chúa và trong tinh thần hướng về quê hương, đất nước Việt Nam thân yêu với cả trái tim mình.
Nào, mời bạn và tôi hãy cùng hòa lòng với thi sĩ TH mà kêu cầu với Chúa đem mùa xuân mới vào trên quê nhà của chúng ta:
Thánh Linh hỡi, đem XUÂN vào đất Việt/ Như sông tràn, như nước lũ triều dâng/ Như non cao vun vút khối mây tầng/ Cơn mưa lớn, ngập Linh quyền vinh hiển. (Tình yêu Cứu Chúa và mùa Xuân Thánh Linh)
Đầu Xuân 2017, Đinh Dậu
-Người Quảng Nam -