Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1069

Kính Sợ Chúa

Tôi lớn lên trong trại chăn nuôi của cha mẹ tôi ở tại Oklahoma, nơi bố tôi dành được sự kính trọng vì là một trong những người chăn nuôi giỏi nhất trong hạt. Không một ai có thể cưỡi ngựa giống như ông. Ông đã dạy bốn anh em tôi và tôi cách cưỡi những con ngựa chứng chưa được thuần hóa. Mặc dầu tôi đã học tập cách để cảm thấy yên tâm và được an toàn chung quanh những con ngựa lớn, bố vẫn dạy tôi phải luôn có sự tôn trọng đúng mực đối với chúng. Tôi biết rằng nếu tôi không cẩn thận quanh những con ngựa hoang khỏe mạnh của vùng Montana nầy, có thể dễ dàng bị thương hoặc thậm chí bị giết chết nếu làm một điều gì đó dại dột.

Là những cậu bé lớn lên trên nông trại, chúng tôi thường bơi lội trong các hồ và sông trong vùng. Một lần nọ, khi được sáu hoặc bảy tuổi, tôi đánh bạo bơi sâu ra giữa hồ, xa khỏi các anh em và bạn bè tôi. Thình lình tôi kiệt sức và bắt đầu chìm. Khi đã chìm xuống lần thứ ba, anh tôi và một trong những người bạn của anh đã kéo tôi lên khỏi nước và giúp tôi thở được trở lại. Đáng lẽ tôi đã bị chết chìm dễ dàng vào buổi chiều hôm đó rồi. Từ đó trở đi, tôi có một thái độ e dè khi bơi một mình trong chỗ nước sâu.

Khi còn là một thiếu niên, bố và cậu tôi dạy tôi cách lái ô tô. Tôi nhớ sự sung sướng rào rạt mà tôi có được khi ngồi vào sau tay lái, nhấn vào chân ga, và cảm nhận được sức mạnh gia tăng đột ngột của nó hất tung tôi xuống con đường quê. Một lần nữa, bố mẹ tôi đã truyền thụ trong tôi một sự cẩn thận đúng mực, lần nầy đối với động cơ ô tô. Tôi có thể bị thương hoặc đã chết nếu hành động dại dột đằng sau tay lái của chiếc xe hơi đó.

Chúng ta tự nhiên có lòng sợ và tôn trọng những gì có sức mạnh lớn hoặc có thể làm thay đổi đời sống chúng ta trong giây lát. Chúng ta đối đãi với những điều nầy khác nhiều so với những vật thể hoặc những con người bình thường trong đời sống mình.

Còn đối với Chúa thì sao ? Ngài là Đấng Tạo Hóa Tối Cao và là Đấng cầm quyền trên cả vũ trụ của chúng ta. Chúng ta mới chỉ nhìn biết một phần sức mạnh, sự thánh khiết và sự công bình của Ngài mà thôi. Chúng ta phải dành cho Ngài sự tôn kính đến mức độ nào ?

Qua lời Ngài, Chúa truyền dạy chúng ta phải kính sợ Ngài. Khi Đức Chúa Trời ban cho con cái Ysơraên Mười Điều Răn, Ngài đã phán với họ từ giữa ngọn lửa trên núi Sinai. Dân chúng đã vô cùng sợ hãi bởi vì họ hiểu họ đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa đáng sợ. Ngài đã yêu cầu họ hãy kính sợ Ngài.

Đây chỉ là một trong rất nhiều chỗ trong Kinh Thánh dân sự Đức Chúa Trời được truyền dạy phải kính sợ Chúa. Việc kính sợ Ngài thật sự có nghĩa thế nào ?

Khi tôi đến gần một trong những con ngựa chưa được thuần hóa nầy, tôi hành xử thận trọng, tôi phải biết chắc con ngựa ấy biết rõ chỗ tôi đang đứng và điều tôi dự định làm. Khi tắm trong nơi nước sâu, tôi cẩn thận giữ những luật lệ an toàn trong việc bơi lội. Khi lái một chiếc xe, tôi tuân theo luật giao thông, kể cả các giới hạn về tốc độ. Tôi không bất cẩn hối hả lao vào đường xa lộ với tốc độ 100 dặm một giờ, bởi vì tôi biết rằng thời gian đối ứng và sự bất năng của tôi để điều khiển chiếc xe với tốc độ như thế có thể gây nên một tai nạn khủng khiếp.

Những minh họa trên là những điều cho thấy sự thận trọng và kinh sợ mà tôi có đối với những thứ mạnh hơn tôi. Đó là một phần của ý nghĩa việc kính sợ Chúa.

Đức Chúa Trời không phải là một vị tổng tư lệnh đáng ghét chỉ muốn hành hại chúng ta. Ngài không bất cẩn hoặc dại dột trong việc sử dụng tiềm năng lớn lao và năng lực vô hạn của Ngài, vì vậy chúng ta sẽ không bao giờ trở thành những nạn nhân ngẫu hứng của sự thiếu kiểm soát của Ngài. Ngài không phải là một tạo vật ma quái gớm ghiết ẩn mình trong bóng tối để hù nhát chúng ta vào lúc bất ngờ nhất. Đó là một số trong những lý do thường khiến chúng ta sợ một người nào đó. Nhưng đó không phải là loại sợ hãi mà Đức Chúa Trời muốn nói đến. Tác giả Thi thiên ghi nhận : "Đức Giêhôva đẹp lòng người kính sợ Ngài, và kẻ trông đợi sự nhơn từ của Ngài.” Khi Kinh Thánh bảo chúng ta phải kính sợ Chúa, điều đó hàm ý chúng ta phải có lòng kính sợ, kỉnh kiềng, và tôn kính Đức Chúa Trời oai nghiêm của mình.

Lời giải thích sau đây từ tác phẩm Hard Sayings of the Bible, giúp chúng ta hiểu được cụm từ "kính sợ Chúa.” :

Đây là một thái độ vừa e dè vừa yêu kính, dẫn đến một sự sẵn sàng để làm điều Chúa phán. Như vậy, sự kính sợ Chúa, là điều tuyệt đối cần thiết nếu chúng ta muốn bắt đầu đúng đắn trong việc học hỏi, sống, hoặc thờ phượng ngài.

VÌ SAO CHÚNG TA PHẢI KÍNH SỢ CHÚA ?

Mối quan hệ giữa những đứa con nhỏ và bố mẹ chúng có thể giúp chúng hiểu được loại kính sợ nầy. Khi còn là một đứa bé, tôi có được một mối quan hệ yêu thương với bố mẹ và rất gần gũi họ. Tuy nhiên tôi cũng rất biết rằng bố mẹ mình lớn hơn và mạnh hơn mình rất nhiều. Tôi biết rằng nếu tôi đi ngược lại những nguyên tắc của họ là tôi đang chống lại bố mẹ một cách vô quyền năng, bởi vì bố mẹ tôi có thẩm quyền rất lớn trên tôi. Họ có thể cho hoặc lấy di những đặc ân. Họ muốn tôi phải cư xử bên trong những ranh giới đã được định trước, hoặc là phải đối mặt với những hậu quả.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta tiếp xúc với Ngài cùng một cách như vậy - với thái độ hạ mình, thuận phục và biết tôn kính. Tôi tin đây là một trong những lý do Chúa xưng Ngài là Cha Thiên Thượng và chúng ta là con cái Ngài. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ngượng và khó chịu khi thấy những đứa con quát tháo bố mẹ chúng hoặc làn ngơ trước những yêu cầu của họ. Điều nầy đi ngược lại trật tự. Làm thế nào chúng ta có thể cư xử như vậy đối với Đức Chúa Trời ? Chúng ta phải đối xử với Ngài bằng sự tôn kính lớn nhất, như là thẩm quyền và sự chỉ dẫn tối thượng của mình.

Lời Chúa phán rằng : "Sự kính sợ Đức Giêhôva là khởi đầu khôn ngoan, và sự nhìn biết Đất Thánh là sự thông sáng.” Sau đây là ba lý do vì sao chúng ta phải kính sợ Chúa.

Đức chúa Trời Cao Hơn Chúng Ta Tột Bực

Các thầy ký lục đời xưa là những người thi hành công tác nặng nề của việc sao chép Kinh Thánh, có một tập tục cho thấy lòng tôn kính của họ đối với Chúa. Khi họ sắp sửa viết đến danh của Đức Giêhôva, họ ngưng công việc và tiến hành nghi lễ tẩy rửa. Sau đó, với áo xống mới và thân thể được sạch, họ mới lấy bút mực mới và cẩn thận viết xuống danh thánh của Đức Chúa Trời.

Gương mẫu của họ thật tương phản với cách nhiều người đối xử với Chúa ngày nay. Danh của Chúa đã trở thành một lời chửi thề, thậm chí một số người trong chúng ta xưng mình hầu việc Chúa song lại nói đến danh Ngài một cách khiếm nhã và thiếu tôn kính. Bây giờ, khi bạn đã hiểu nhiều hơn về thuộc tánh của Đức Chúa Trời, bạn cũng hiểu vì sao điều nầy là một sự xúc phạm đối với Chúa.

Các năng lực của Chúa vượt trổi trên mọi điều chúng ta có thể nghĩ đến hoặc làm. Ngài thật lớn lao vô hạn, còn chúng ta thì quá nhỏ bé. Khi đứng trên bờ vực đại dương và ngắm nhìn biển cả, sự vĩ đại của nó khiến chúng ta cảm kích. Những đợt sóng của nó có thể dễ dàng nhấn chìm một tay bơi dưới dòng nước ngầm. Chúng có thể hủy diệt các ngôi nhà và bất cứ thứ gì khác trên đường chúng đi. Tuy nhiên quyền vô hạn của Đức Chúa Trời còn mạnh hơn hết thảy các lượn sóng trong tất cả các đại dương của trái đất - thậm chí những dòng nước siêu mạnh phát sinh do các trận bão lớn và bão nhiệt đới. Sự tương phản giữa sự toàn năng của Chúa và sự bất năng của chúng ta vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta.

Đức Chúa Trời cũng là Đấng hoàn hảo tuyệt đối, còn chúng ta thì bất toàn. Ngài không tì vít, không chỗ trách được, và không có sự khiếm khuyết nào. Ngược lại, chúng ta có vô số nhược điểm. Hãy so sánh hình ảnh của cả miền đồng quê được bao phủ bởi lớp tuyết mới rơi tinh khiết với một vùng bùn nhỏ bẩn thỉu do tuyết tan. Sự khác biệt giữa sự trọn vẹn của Chúa và sự bất toàn của chúng ta còn lớn hơn vô cùng.

Vậy mà với tất cả quyền uy và sự hoàn hảo của mình, Đức Chúa Trời đã cam kết nghiêm túc với dân sự Ngài, là những kẻ hay thay đổi trong sự cam kết với Chúa. Khi chúng ta xem xét đến bề sâu của tình yêu Ngài dành cho chúng ta - sự hy sinh lớn lao của Ngài vì cớ chúng ta, những kế hoạch và những ước ao Ngài dành cho tương lai đời đời của chúng ta – so sánh điều đó với các khuynh hướng tự nhiên vị kỷ của mình, sự tương phản thật vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.

Bạn thân mến, tôi xin bạn hãy dành ít phút để suy xét vực sâu không đo dò được giữa bạn với Chúa. Với tất cả những gì mà bây giờ bạn đã biết về quyền tối cao của Ngài, điều đó có làm bạn run rẩy về sự không ra chi của mình không ? Đồng thời khi bạn suy nghĩ đến cách Ngài yêu thương chúng ta quá lớn lao, là những con mạt li ti nhỏ bé ở trên hành tinh trái đất, điều đó há không dậy lên trong lòng bạn một sự tôn kính vô biên sao ? Hãy giữ thái độ thuận phục, hạ mình và tôn kính cận kề với bạn suốt những ngày bạn hầu việc Ngài.

BILL BRIGHT (Theo Khám Phá Những Đặc Tính Của Đức Chúa Trời)