Từ bài giảng luận "Tin Lành Cứu Rỗi"
CN Feb 19, 2017 - Hội Thánh North Hollywood
Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin. (Rô-ma 1:16,17)
Tôi không nhắc lại nội dung bài giảng luận này vì mọi điều đã được giải thích cặn kẻ ý nghĩa của bốn chữ "Tin Lành Cứu Rỗi" (có thể đón nghe đầy đủ trên website của Hội Thánh)
Với anh em tại Hội Thánh Ê-phê-sô, Phao-lô cũng đã nhắc đến một nôi dung như thế này: "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời" (Êph, 2:6) và ở đây với Hội Thánh tại Rô-ma, ông cũng nhấn mạnh hai điều quan trọng này bằng một cách nói khác: "Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin". Sự cứu rỗi là một kết hợp hoàn hảo giữa hai đối tác: ÂN ĐIỂN đến từ Đức Chúa Trời và người tiếp nhận ơn lớn đó chỉ dựa vào ĐỨC TIN, và không cần gì khác nữa.
Khi đọc lại câu Kinh Thánh quen thuộc này, tôi có hơi thắc mắc về vấn đề "không hổ thẹn" mà Phao-lô bày tỏ rằng; "tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu". Tại sao nêu ra vấn đề này? Tôi nghĩ rằng tôi đã từng nghĩ sai vì cho rằng đây là một lời khuyên dành cho mọi Cơ-đốc Nhân. Tôi đã không đặt mình trong hoàn cảnh của Phao-lô để thấy điều ông nói có một ý nghĩa rất quan trọng để bày tỏ đức tin của chính mình, chấp nhận thay đổi vị trí khi đón nhận ơn cứu rỗi. Ông biết chắc và hoàn toàn chấp nhận sự thay đổi lớn này, từ một người được tôn trọng của xã hội trở nên kẻ bị khinh rẻ lúc bấy giờ, từ một người có thẩm quyền bắt bớ nhiều người trở nên đồng bọn với những kẻ bị bắt bớ. Đúng như Phao-lô đã tuyên bố: "Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ"(Phil. 3:7,8). So với Phao-lô, tôi ngày nay theo Chúa chẳng mất gì nhiều như ông, vậy mà tôi có lúc lại cảm thấy thua thiệt, kém sút, nhỏ nhoi so với người chung quanh, Thay vì tôi phải hãnh diện vì mình có được ơn quá tuyệt vời mà Đức Chúa Trời dành cho một người chẳng có gì xứng đáng như tôi. Tại sao? Tại tôi đã không hiểu điều quá diệu kỳ trong tình yêu thương của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, chỉ nghĩ đến việc so sánh tôn giáo, Hội Thánh, tổ chức hay những lễ nghi có vẻ như chẳng thể sánh kịp với những định chế tôn giáo khác.
Hãy nhìn vào ân điển mà Đức Chúa Trời đã làm việc vì cớ yêu thương tôi. "là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu". Để tạo nên muôn loài vạn vật, Đức Chúa Trời chỉ cần phán một tiếng; nhưng để cứu tôi ra khỏi thế giới tội lỗi, Ngài phải dùng đến quyền phép, là điều vượt ra khỏi sự hiểu biết của tôi. Chương trình cứu rỗi phải do chính Ngôi Hai giáng thế làm người và hoàn tất đòi hỏi của điều kiện về công bình thánh khiết. Ở đó bày tỏ đức yêu thương của Đức Chúa Trời và bày tỏ cả đức công bình của Ngài nữa; "để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc". Ai cũng có thể nhận được ân điển cứu rỗi này, miễn là sẵn lòng TIN và Đức Chúa Trời chỉ đòi hỏi có vậy thôi: "trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin".
Tôi có một sự chiết tự không chính xác nhưng để cho dễ nhớ: những kẻ có lòng TIN sẽ nhận được sự tốt LÀNH của Đức Chúa Trời ban cho. Ngài CỨU tôi ra khỏi sự chết đời đời do tội lỗi làm băng hoại đời sống tôi và cho tôi được sống trong sự sống bình an (RỖI) trong sự hiện diện vinh hiển, thánh khiết và đầy yêu thương của Ba Ngôi Đức Chúa Trời Từ Ái. Đó là một cách diễn dịch theo cách nghĩ kém cỏi của tôi từ bốn chữ "Tin Lành Cứu Rỗi" của đề tựa bài giảng luận.